Thứ bảy, 23/11/2024 | 14:32 GMT +7
Phát triển nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất, từng bước xây dựng các thương hiệu nông sản là hướng đi đang được nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh lựa chọn, trong đó có TP Hà Tĩnh. Tuy nhiên, với điều kiện đất đai không rộng lớn, nếu chỉ đơn thuần trồng lúa theo hướng hữu cơ thì thu nhập sẽ không cao hơn nhiều so với trồng lúa truyền thống.
Để tạo sự khác biệt, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, TP Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn “3 trong 1” tại cánh đồng gần 5ha ở thôn Liên Nhật, xã Thạch Hạ.
Mô hình này được "khai sinh" từ Nghị quyết số 15 của HĐND Thành phố, ban hành ngày 14/8/2021. Theo đó, với các chính sách hỗ trợ về tích tụ đất đai, hỗ trợ cây, con giống, áp dụng KH-KT…, cuối năm 2021, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật đã tiến hành gieo cấy giống lúa ST25 kết hợp nuôi các loại thủy sản như cá, chạch, tôm càng xanh và xây dựng các loại hình du lịch, dịch vụ nông nghiệp.
Anh Nguyễn Hữu Quyền, chủ mô hình cho biết, sau khi tích tụ đất thành cánh đồng lớn, anh thả trên 6 vạn cá chạch, 3 vạn tôm càng xanh và trên 2 vạn cá các loại (cá rô, cá diêu hồng, cá trắm đen) xuống ruộng lúa. Mô hình hoàn toàn không sử dụng đến các loại thuốc BVTV hóa học, phân bón vô cơ. Vì thế, lúa sinh trưởng khá khỏe, các loại cá, tôm, chạch đều phát triển nhanh.
“Vụ xuân năm 2022, lúa của bà con bị đạo ôn cổ bông nặng nhưng lúa của gia đình tôi sạch bệnh. Chỉ có một giai đoạn xuất hiện sâu đục thân, rầy nâu, tôi tiến hành bơm nước ngập lúa, đánh nước vôi, cho quạt khấy đều, sau vài tiếng đồng hồ là sâu chết hết.
Thậm chí khi xuất hiện ốc bươu vàng, thay vì phun thuốc diệt trừ, tôi thả nuôi cá trắm đen để triệt tiêu thiên địch này. Nói dễ hiểu, mô hình tuần hoàn này tương hỗ, bổ trợ cho nhau rất hiệu quả”, anh Quyền chia sẻ.
Sau khi thu hoạch lúa, anh Quyền sử dụng men vi sinh ủ gốc rạ, tạo thành phân hữu cơ cho ruộng lúa để tái sản xuất cho vụ hè thu.
Ngoài trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, anh mô hình này còn trồng hoa, xây dựng các loại hình dịch vụ du lịch phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Theo tính toán của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật, ngay vụ đầu tiên, mô hình nông nghiệp tuần hoàn “3 trong 1” ước cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Với số tiền này, mô hình thu về phân nửa chi phí đầu tư.
Cụ thể, năng suất lúa đạt gần 5 tấn/ha; sản lượng thủy sản các loại khoảng 40 tấn. Riêng cá rô phi, thời điểm này đang chính vụ thu hoạch, mỗi ngày HTX xuất bán khoảng 40kg cá với giá bán tại ruộng 70.000 đ/kg, cao hơn cá nuôi truyền thống 20.000 đ/kg.
“Do nhu cầu người tiêu dùng sử dụng thực phẩm hữu cơ lớn trong khi lượng cung hạn chế nên toàn bộ sản lượng lúa và cá rô phi HTX thu hoạch thương lái đến tận ruộng tranh nhau mua. Dự kiến khoảng 1 tháng nữa chúng tôi bắt đầu thu hoạch chạch và tôm càng xanh”, anh Nguyễn Hữu Quyền phấn khởi nói.
Ông chủ mô hình chia sẻ thêm, nếu muốn sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nhất định phải tạo thành vòng tuần hoàn mới hiệu quả. Theo đó, phù du từ trồng lúa sẽ tạo thành thức ăn cho cá, ngược lại, phân cá trở thành phân bón cho lúa; sử dụng cá để diệt trừ thiên địch hại lúa…
Sau thành công bước đầu tại thôn Liên Nhật, HTX của anh Quyền tiếp tục liên kết với nông dân thôn Liên Thanh, xã Thạch Hạ tích tụ ruộng đất, phát triển mô hình thêm 5ha. Trước mắt, diện tích cao cưỡng HTX chỉ sản xuất lúa, còn diện tích thấp trũng sẽ kết hợp trồng lúa và nuôi trồng thủy sản.
Tương tự, tại phường Đại Nài, từ thực tiễn trồng lúa theo kiểu truyền thống mang lại thu nhập không cao nên ông Nguyễn Văn Hiển (Tổ dân phố 2) đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất để trồng lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi rươi trên diện tích gần 1,5ha. Kết quả thu hoạch lúa đạt năng suất gần 4,5 tấn/ha. Dự kiến vào tháng 8 - 10 âm lịch, rươi sẽ vào mùa thu hoạch.
Ông Hiển chia sẻ, vụ xuân 2022 là vụ lúa sản xuất theo hướng hữu cơ đầu tiên của gia đình ông. Tuy năng suất chưa được như mong muốn nhưng rất tiềm năng. Đối với rươi, từ năm 2021, trên 4.000m2 đã cho thu hoạch bói với sản lượng trên gần 40kg, cho thu nhập gần 20 triệu đồng. Vào tháng 8 tới đây bắt đầu thu hoạch chính, hứa hẹn sẽ có một vụ rươi thắng lợi hơn.
Theo tìm hiểu, mô hình nông nghiệp tuần hoàn ven đô chính là tham vọng giúp người dân Thành phố làm giàu từ nông nghiệp mà Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Tĩnh, ông Dương Tất Thắng ấp ủ từ nhiều năm qua.
Ngoài dấu ấn cá nhân của vị Bí thư, vai trò chỉ đạo quyết liệt của UBND Thành phố, các phòng ban chuyên môn và chính quyền các xã, phường trong việc hỗ trợ tích tụ ruộng đất, tư vấn thiết kế mô hình, trồng hoa gì, nuôi con gì, lúa gì để tạo thành vòng tuần hoàn… cũng rất sâu sát, hiệu quả.
“Lãnh đạo Thành phố, xã Thạch Hạ rất ủng hộ chúng tôi. Đích thân Bí thư Thành ủy đã về trực tiếp chỉ đạo, đồng hành cùng quá trình hình thành nên mô hình. Nói thật, không có sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, một mình tôi không thể làm được. Tất nhiên, về lâu dài, để bền vững cần có thời gian kiểm chứng”, anh Nguyễn Hữu Quyền gửi lời cảm ơn đến sự quan tâm của chính quyền địa phương.
Theo ông Trần Quang Hưng, Trưởng phòng Kinh tế UBND Thành phố Hà Tĩnh, với điều kiện đất đai hạn hẹp của Thành phố, việc xây dựng các mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi trồng thủy sản và phát triển dịch vụ du lịch là hướng đi tất yếu, phù hợp với định hướng của Thành phố trong việc phát triển nông nghiệp đô thị gắn với thương mại - dịch vụ và du lịch sinh thái, cũng như theo định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững của ngành nông nghiệp.
Khởi đầu với mô hình gần 5ha ở thôn Liên Nhật, xã Thạch Hạ nhưng nay mô hình đã nhân rộng được 9ha trên toàn thành phố. Sắp tới, Thành phố Hà Tĩnh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi trồng thủy sản tại phường Đại Nài, xã Thạch Hưng, Thạch Hạ, Đồng Môn… với tổng diện tích khoảng trên 20ha. Tùy theo điều kiện từng vùng, sẽ có các mô hình phù hợp như lúa - cá, lúa - rươi, lúa - rạm - cá... kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch và xây dựng thương hiệu gạo cho thành phố.
Chính sách là phần thưởng
“Thành phố Hà Tĩnh ban hành chính sách, song chỉ hỗ trợ khi mô hình đã hoàn thành, cho ra sản phẩm. Quan điểm của chúng tôi chính sách là phần thưởng, là động lực để kích cầu, nhưng phải làm thực chất, tránh tình trạng trục lợi chính sách.
Hiện địa phương chưa hỗ trợ tiền cho các mô hình nhưng luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện, hành lang pháp lý để các cơ sở thuận lợi triển khai. Sau khi nghiệm thu đảm bảo điều kiện, sẽ hỗ trợ 50% tiền giống các loài thủy sản thả nuôi”, ông Trần Quang Hưng, Trưởng phòng Kinh tế UBND Thành phố Hà Tĩnh nhấn mạnh.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.