Chủ nhật, 17/11/2024 | 04:10 GMT +7
Thạc sĩ Trần Văn Luyện là một trong 4 thành viên của nhóm Gen Xanh đang sản xuất rau hữu cơ tại một trang trại ở xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội). Anh thú thực với tôi hồi đầu mấy anh em cũng chân trong chân ngoài, vừa làm nhà nước vừa làm nông rồi mới thôi hẳn làm nhà nước bởi cảm thấy không còn phù hợp với công việc giấy tờ nữa.
“Vùng đất này chính là ngày xưa em làm bưởi đường, bưởi Hiệp Thuận, bưởi Quế Dương với GS Vũ Mạnh Hải, quen với cả các cô làm công rồi mới quyết định thuê lại đất để làm rau hữu cơ. Công việc hàng ngày của nhóm là thứ 2, thứ 4, thứ 6 xuất bán rau, còn thứ 3, thứ 5, thứ 7 vẫn sản xuất trên đồng ruộng bình thường.
Trong 4 người thì anh Chinh phụ trách chung, chị Duyên phụ trách đăng bài bán hàng, thu hồi công nợ, chị Thanh phụ trách về các giống cây, thời điểm trồng, sản xuất trực tiếp. Còn phụ trách lên đơn, chăm sóc khách hàng, giao vận vào nội thành trước chở bằng xe máy, giờ thì chở bằng ô tô van. Mỗi ngày chúng em đều đi 15 - 17km từ nhà đến đây để làm những việc như vậy”, anh Luyện kể.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Chinh tâm sự trong sản xuất hữu cơ, công làm cỏ là tốn kém nhất nên Gen Xanh không quản lý cỏ một cách triệt để. Chỗ nào cỏ lên tốt quá, có thể ảnh hưởng đến rau thì cắt, còn cỏ dưới gốc cây ăn quả như ổi, dâu thì không cần làm cỏ thường xuyên. Hơn thế cỏ cũng hữu ích.
Tiến sĩ Chinh bảo: “Cỏ không phải khi nào cũng dại. Cỏ cạnh tranh ánh sáng, dinh dưỡng, nước với cây trồng nhưng với những cây ăn quả mọc cao thì cỏ khó cạnh tranh được, không cần quản lý quá nhiều.
Như cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm của Masanobu Fukuoka còn không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười là từ đó mà ra. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được. Em hoàn toàn đồng ý với chuyện tác giả người Nhật về nhận định rằng năng suất của nông nghiệp hữu cơ ngày càng tăng và có thể tiệm cận với năng suất của nông nghiệp hóa chất bởi thấy năng suất của trang trại ngày càng tăng theo từng năm do đất càng trồng ngày càng tốt. Khi mà tăng được năng suất thì giá thành càng giảm”.
Cũng theo anh Chinh, áp lực đối với nông dân khi lựa chọn giữa phun thuốc và không phun thuốc là rất lớn bởi ra nhìn thấy sâu ăn rau chỉ muốn xách bình ra, nhất là chuyện giám sát ở Việt Nam đang lỏng lẻo. Tuy nhiên khi đọc tài liệu nhiều, nhóm Gen Xanh của anh tin tưởng chuyển đổi tư duy nhìn thấy sâu cắn rau không đau, không xót mà chấp nhận, đến ngưỡng nào đó mới xử lý.
Học được tính tự giác của người Nhật nên nhóm đã cam kết sản xuất hữu cơ (trang trại đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam) là không bao giờ dùng chất cấm, dù chẳng có ai quản lý thì tự bản thân mình phải quản lý mình. Ngoài rau, Gen Xanh còn trồng các loại dược liệu để chế biến trà như hoa cúc chi, hoa hồng, hoa bụt dấm, bí đao, mướp đắng, tía tô…
“Ở Việt Nam thì ra đường là gặp ngay dược liệu như bồ công anh, chó đẻ răng cưa, thài lài, cỏ mần trầu… Nhiều thứ ở đây đang có mà không cần trồng do tự mọc. Lâu lắm rồi em không dùng thuốc bởi hướng tới cuộc sống tự nhiên, tự cân bằng. Hôm nào ốm chỉ cần xông một lúc là khỏe, là ăn uống được. Ngay cả bản thân trang trại em cũng muốn hướng tới tự nhiên nên đầu vào càng mua ít càng tốt để kiểm soát chất lượng và tiết kiệm chi phí”, anh Chinh chia sẻ.
Hiện dược liệu của nhóm được bán tươi và cả được làm khô, sấy lạnh. Bản thân anh Chinh đã mày mò tự chế ra công nghệ sấy lạnh kiểu rẻ tiền, không những thế mà điện năng tiêu thụ còn rẻ hơn cả sấy nóng. Với hệ thống sấy lạnh được đầu tư chỉ với 80 triệu đồng, mỗi mẻ có thể sấy được 1,5 - 3 tạ hàng đạt yêu cầu nước tách ra khỏi sản phẩm ở nhiệt độ thấp, không quá 40 độ C. Giai đoạn đầu là những loại trà dạng băm chặt thân, lá ra, sau đó có thể là chế biến sâu như trà túi lọc, nước tắm. Ngoài dùng để sấy dược liệu, Gen Xanh còn dùng máy sấy lạnh để sấy rau tiến vua, cà rốt, bắp cải…
Khách hàng chủ yếu là khách lẻ áp dụng mô hình từ trang trại đến bàn ăn, tức là giao trực tiếp cho khách tiêu dùng, gần như không qua cửa hàng. Khách hàng trung thành được hình thành qua fanpage với group bán hàng tuần ba buổi (thứ 2, thứ 4, thứ 6), trước đó nhóm sẽ rao lên là hôm nay có những mặt hàng gì, giá bao nhiêu? Ai đặt hàng thì ghi lại rồi dùng xe ô tô chở vào một điểm trong nội thành Hà Nội, sau đó sẽ có những shiper chuyên nghiệp chuyển đến từng khách hàng.
Giao hàng như vậy Gen Xanh bán được mức giá cao hơn so với giao cho cửa hàng nhưng khách mua lại được giá thấp hơn so với mua ở cửa hàng. Hiện trung bình các loại rau cải giá 40.000đ/kg và mức giá đó ổn định trong năm, ít thay đổi theo thị trường. Sản lượng mỗi tháng nhóm tiêu thụ được 4 - 5 tấn.
Doanh thu của nhóm mỗi năm mới chỉ khiêm tốn hơn 2 tỷ đồng nhưng cũng đủ trả tiền công, tiền nghỉ mát cho 11 lao động, trong đó chủ yếu là người cao tuổi, thậm chí khuyết tật, hoàn cảnh rất khó khăn, rồi mua xe ô tô van để giao hàng, thuê đất mở rộng diện tích, sắm trang thiết bị.
Nhóm cũng đang tính đến việc liên kết với các hộ nông dân trồng rau hữu cơ. Theo đó, nhóm cung ứng vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát chất lượng và bao tiêu sản phẩm, kết hợp xây dựng chuỗi sản xuất khép kín lớn hơn. Hiện tại, anh Chinh đang làm việc với một số đối tác để đưa các loại rau gia vị, dược liệu hữu cơ xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu.
THANH HÓA Bà Sanh mất hơn 30 năm cải tạo vùng đồi cằn thành những vườn cây ăn quả trù phú, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.
BÌNH DƯƠNG HTX Tân Mỹ nổi bật trong ứng dụng công nghệ cao trồng bưởi hữu cơ, góp phần cải thiện độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
QUẢNG NINH Theo một số đơn vị trồng chè trên địa bàn huyện Hải Hà, nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, chè Hải Hà có hương vị thơm ngon, đậm đà hơn so với trước đây.
HẢI PHÒNG Khi được chủ vườn táo Đại Mật giới thiệu về việc tưới nước lợ cho quả thêm giòn, thêm đậm vị, tôi phải hỏi đi hỏi lại chị xem có nghe nhầm hay không.
THÁI NGUYÊN Để tăng giá trị sản phẩm, phát triển điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, HTX Trà Cao Sơn đang chuyển đổi phương thức sản xuất chè sang hữu cơ.