Thứ năm, 14/11/2024 | 04:45 GMT +7
4 nhà khoa học ấy có 3 thạc sĩ, một tiến sĩ, trong đó anh Nguyễn Đức Chinh là người khởi xướng. Anh Chinh kể năm 2005 tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp xong thì làm cho Trung tâm Tài nguyên Thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Quá trình công tác anh được cử đi học về nông nghiệp công nghệ cao của Israel, rồi sang Úc học thạc sĩ về ứng dụng khoa học trong nông nghiệp và cuối cùng học tiến sĩ về công nghệ sinh học ở Nhật.
Câu chuyện làm nông đến với anh giống một cơ duyên. Số là Trung tâm Tài nguyên Thực vật có một dự án xây dựng mô hình rau hữu cơ và không chỉ tham gia mà anh còn đảm nhận chân ship hàng và nhận thấy cứ 10 người mua rau hữu cơ thì khoảng 7 - 8 người là phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ.
Một lần anh giao hàng đến cho một chị công nhân làm ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), sống trong căn nhà trọ có mái tôn rất tạm bợ. Trong điều kiện đó nhưng chị vẫn cố gắng tìm rau hữu cơ để ăn vì đang mang thai. Khi anh đưa hóa đơn cho thai phụ bỗng thấy chị giật mình kiểu như sốc về giá vì lần đầu tiên mua rau hữu cơ, và cách mà chị đi tìm tiền để trả cứ ám ảnh anh mãi.
Rau an toàn nói chung và rau hữu cơ nói riêng là thứ thiết yếu nhưng nhiều người khó tiếp cận bởi giá cao hơn hẳn so với rau thông thường. Thế là từ đấy thôi thúc trong anh ước muốn tạo ra một thứ gì có giá trị cho xã hội.
Nhóm Gen Xanh ra đời năm 2014 với mong muốn làm ra nông sản xanh phục vụ cho thế hệ người tiêu dùng xanh. Việc đang dang dở thì anh Chinh đi học ở Nhật. Tuy học về công nghệ sinh học nhưng tâm hồn anh luôn nghĩ đến rau hữu cơ và nhóm Gen Xanh tại quê nhà.
Bình thường khi kết thúc dự án là dân cũng phá bỏ lối canh tác mới để trở về lối canh tác ban đầu bởi hồi đấy thứ nhất là chưa đủ công cụ để cho họ có thể sản xuất nông nghiệp hữu cơ kiểu "5 không": Không thuốc BVTV hoá học; không phân bón hoá học; không thuốc diệt cỏ; không chất kích thích, điều tiết sinh trưởng; không sử dụng giống biến đổi gen. Thứ hai là bán sản phẩm rất khó. Mô hình sản xuất rau hữu cơ chuyển giao cho dân thất bại, tuy nhiên nhóm Gen Xanh vẫn cố gắng tự duy trì sản xuất với quy mô nhỏ.
Trong quá trình học ở Nhật anh Chinh được đọc cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm của Masanobu Fukuoka (1913 - 2008) và rất tâm đắc với ý rau hữu cơ có thể sản xuất trên diện tích rộng và giá thành có thể hạ được.
Lúc trở về Việt Nam anh đã bàn với vợ là chị Nguyễn Thị Duyên - thạc sĩ nông nghiệp ở Úc cùng nhóm các thạc sĩ đồng nghiệp khác như Nguyễn Thị Thanh, Trần Văn Luyện để đi tìm đất mở mô hình. Năm 2020, họ đã cùng nhau bỏ tiền ra để thuê 1,5ha đất hoang toàn là cỏ tranh ven bãi sông Đáy thuộc địa bàn xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) rồi sau đó mới đây là 2ha nữa để phát triển mô hình canh tác thuận tự nhiên.
Để chuyên tâm làm rau hữu cơ, chị Duyên xin nghỉ việc nhà nước trước, rồi sau đó đến anh Chinh, chị Thanh, anh Luyện. Mới đầu đất đai chưa thuần, kỹ thuật chưa nhuần nhuyễn, công nhân chưa quen làm, khách hàng chưa biết đến nên thua lỗ đến tháng thứ sáu mới đủ tiền trả tiền công. Dần dà quy trình sản xuất đã được hoàn thiện, hiệu quả kinh tế mỗi ngày một khá.
Nguyên tắc của sản xuất hữu cơ thứ nhất là phải lấy phòng sâu bệnh làm chính. Nhóm áp dụng những nguyên tắc của sinh thái để hạn chế sâu bệnh từ đầu. Đầu tiên là cải tạo đất. Khi đất khỏe thì cây phát triển nhanh, khỏe mạnh. Thứ hai là phải đa dạng hóa cây trồng.
Trong diện tích còn khiêm tốn của trang trại có hàng trăm loài cây trồng khác nhau. Một loài sâu bệnh thường chỉ phá hoại trên một số đối tượng cây trồng nhất định nên khi đa dạng hóa cây trồng thì hạn chế được sự bùng phát sâu bệnh thành dịch. Thứ ba là trồng theo kiểu là mùa nào thức đấy. Cuối cùng là sử dụng thiên địch mang tính tự nhiên.
Lúc đầu nhóm trồng đậu hay bị rệp liền dùng gừng, tỏi, ớt ngâm phun nhưng lích kích, không hiệu quả, thế là cứ để lì ra đấy. Một hôm ra vườn thì thấy có nhiều bọ rùa đang ăn rệp, mừng quá, từ đó nhóm quyết định không phun gừng, tỏi, ớt nữa vì sẽ hại cả những thiên địch. Khi mật độ sâu bệnh quá cao, cảm thấy không có hi vọng nữa thì phá luống rau đó đi. Thiên địch từ đó xuất hiện mỗi lúc một nhiều, từ bọ rùa đến chim sâu, nhái, cóc. Lúc cây còn nhỏ, sức đề kháng kém thì nhóm dùng lưới để che phủ cho chúng, sau đó cứ để phát triển tự nhiên.
Trong đất có hệ thống vi sinh vật tạo thành chuỗi thức ăn bắt đầu từ vi khuẩn đến nấm, các loài tuyến trùng, các loài giun đất. Những con nhỏ có thể không nhìn thấy nhưng giun đất vừa làm cho đất tơi xốp vừa là chỉ thị báo hiệu chất lượng đất tốt hay xấu.
Khi chuỗi thức ăn trong đất cân bằng, cây trồng sẽ phát triển tốt, ít bị bệnh. Bởi thế khi mới khai hoang, Gen Xanh cải tạo đất bằng trồng cây họ đậu, kết hợp khi cày xong làm những băng luống cố định. Ở những băng luống cố định đó họ không cày sâu mà chỉ cày nông vì hệ sinh vật đất tồn tại nhiều nhất ở 0 - 20cm nên chỉ cày ở mức 8 - 10cm. Cách cày đó cũng giúp bảo vệ giun đất. Thứ nữa là họ không dùng chất hóa học bởi vi khuẩn đứng đầu của chuỗi thức ăn trong đất nhưng là động vật đơn bào, rất dễ bị tổn thương bởi hóa chất.
Anh Chinh vục xuống luống dâu, bốc lên một nắm đất rồi tãi trên tay, trên đó lấm tấm phân giun, rất tơi xốp nhưng không rời nhau ra bởi có những hạt keo đất do các sợi nấm tạo thành. Khi đất tơi xốp thì giữ nước, giữ phân, cây trồng phát triển tốt. (Còn nữa)
HẢI PHÒNG Khi được chủ vườn táo Đại Mật giới thiệu về việc tưới nước lợ cho quả thêm giòn, thêm đậm vị, tôi phải hỏi đi hỏi lại chị xem có nghe nhầm hay không.
THÁI NGUYÊN Để tăng giá trị sản phẩm, phát triển điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, HTX Trà Cao Sơn đang chuyển đổi phương thức sản xuất chè sang hữu cơ.
Giữa đầm sen, lá đang rạc đi trong nắng hanh, những người thợ đào củ sen ngâm mình dùng vòi bơm cao áp sục xuống bùn để củ sen long ra rồi bỏ vào khay.
BÌNH PHƯỚC Cây măng tre canh tác hữu cơ rất dễ vì gần như chẳng có sâu bệnh hại, không phải dùng thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh, chỉ cần chú trọng bón phân hữu cơ.
HÒA BÌNH Bà Bùi Thị Thượng - nông dân ở xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc) vẫn còn nhớ như in chuyện mình được đi Ý hai lần để dự hội nghị hữu cơ thế giới.