Thứ bảy, 29/03/2025 | 03:22 GMT +7

  • Click để copy
Thứ hai- 06:00, 04/11/2024

Vườn bưởi để mặc sức cho cỏ mọc

BÌNH PHƯỚC Sau khi chuyển đổi thành công quy trình canh tác vườn bưởi da xanh từ truyền thống sang hữu cơ, những trái bưởi ngon hơn hẳn. Ông cảm thấy lòng nhẹ nhõm và rất vui.

Đó là ông Nguyễn Văn Tâm, chủ vườn bưởi da xanh gần 2ha ở phường Minh Long, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Ông khoe: “Vườn bưởi da xanh này đã gần chục tuổi. Ban đầu cũng chăm sóc như bao vườn khác, dùng phân, thuốc hoá học. Năng suất thì tốt, nhưng bưởi khó bán, đầu ra bấp bênh, vợ tôi mang ra chợ nhiều lúc bán rẻ như cho mà vẫn ế.

Đến năm 2021, nhờ có nhóm tư vấn nông nghiệp hữu cơ đến chỉ cách cho làm, tôi làm theo. Thời gian đầu mới làm, cây thiếu sức sống, trái ít hơn, nhỏ hơn nhưng trong vườn thấy nhiều côn trùng, ong bướm, kiến. Đến năm thứ 2, nhìn cây mỡ màng hơn, trái vẫn vậy, thậm chí mẫu mã không đẹp bằng, nhưng ăn thấy múi nhiều nước hơn, vị ngọt đậm hơn.

Tôi nhận ra những lợi ích rất lớn của việc canh tác sạch nên quyết tâm làm. Đến giờ, sau 4 năm chăm sóc theo quy trình hữu cơ, chỉ dùng các chế phẩm sinh học từ phòng trừ sâu bệnh đến dinh dưỡng theo tư vấn, đất trong vườn ngày càng nhiều mùn, mềm, xốp hơn, thọc tay xuống đất thấy mát, rồi nhìn những con giun quằn quại trong nắm đất trên tay, cảm giác thấy đất đầy sức sống, thích lắm”.

Nụ cười của lão nông Nguyễn Văn Tâm khi chuyển đổi thành công vườn bưởi từ canh tác truyền thống sang hữu cơ. Ảnh: Hồng Thủy.

Nụ cười của lão nông Nguyễn Văn Tâm khi chuyển đổi thành công vườn bưởi từ canh tác truyền thống sang hữu cơ. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo chân ông Tâm ra vườn bưởi, tôi bất ngờ khi thấy cỏ dại mọc um tùm, cao ngang đầu gối, nhìn như vườn hoang. Đi sâu vào vườn chừng vài chục mét, quần tôi không chỉ ướt đẫm do vừa có một cơn mưa mà còn dính đầy hạt cỏ.

“Một tuần qua tôi không dọn cỏ vì có việc phải đi thành phố. Đất bây giờ tơi xốp, màu mỡ lắm, lại đang mùa mưa nên cỏ lên nhanh lắm. Ngày mai phải thuê thêm người vào phụ, mà chắc cũng phải cắt 2 ngày mới xong. Nhưng tôi chỉ dùng máy cắt thủ công quanh gốc thôi, còn phần lớn cỏ vẫn giữ lại để tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng có ích sinh sống, cân bằng sinh thái trong vườn”, ông Tâm nói.

Vườn bưởi của ông Tâm hiện chỉ dùng phân hữu cơ ủ hoai mục từ đất hữu cơ, phân dơi, phân gà, đạm cá, phân trùn quế, bánh dầu và phụ phẩm nông nghiệp trộn men vi sinh. Để phòng trừ sâu bệnh, ông sử dụng chế phẩm nấu từ cây xoan đào, chanh, sả, tỏi, ớt. Nhờ vậy mà chi phí đầu tư cũng giảm nhiều.

Hiện nay, sau khi làm theo quy trình hữu cơ, những múi bưởi trong vườn của ông thơm ngon, mềm ngọt hơn, năng suất cũng tăng dần. Năm 2020, vụ đầu tiên sau khi chuyển sang canh tác hữu cơ, năng suất đạt 10 tấn trái/ha, giá bán vẫn chỉ từ 25 - 30 ngàn đồng/kg tuỳ mẫu mã. Đến năm thứ 2, năng suất tăng hơn và được nhóm tư vấn giới thiệu một số đầu mối tiêu thụ ở TP Đồng Xoài (Bình Phước), TP.HCM, giá chưa cao nhưng sản phẩm tiêu thụ hết.

Đến năm 2023, năng suất đã tương đương canh tác truyền thống, giá bán cũng tăng lên nhiều. Dù chưa có thương hiệu, giá chưa cao, nhưng ông không còn phải bán rong ngoài chợ, không còn ế nữa. “Ngày xưa tôi vẫn biếu bưởi cho bà con lối xóm, người nhà, nhưng chỉ nói bưởi nhà trồng. Còn bây giờ khi biếu, tôi nói thêm là bưởi hữu cơ, chất lượng cao nên thấy vui hơn”, ông Tâm cười, khoe.

Vườn bưởi của ông Tâm ngập trong cỏ dại nhưng những cây bưởi vẫn phát triển rất tốt. Ảnh: Hồng Thủy.

Vườn bưởi của ông Tâm ngập trong cỏ dại nhưng những cây bưởi vẫn phát triển rất tốt. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Tâm tâm sự, khi làm quy trình hữu cơ, dần dà ông có thêm nhiều kiến thức. Theo ông, canh tác hữu cơ nói chung không đơn giản chỉ là không dùng hóa chất mà phải tuân thủ cả một quy trình từ giống, đất, nước, các chế phẩm sử dụng phải thế nào, việc chăm sóc với quá trình theo dõi ra sao, rồi thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ...

“Canh tác thuận tự nhiên phải chấp nhận ban đầu năng suất thấp hơn so với truyền thống, tùy theo kinh nghiệm mỗi người mà thấp hơn nhiều hay ít. Cái khó nữa là hình thức sản phẩm ban đầu không đẹp. Nhưng nếu kiên trì thì sẽ nhận lại nhiều cái lợi lớn. Đó là bảo vệ môi trường, an toàn cho sức khoẻ của mình và người tiêu dùng, đất đai màu mỡ, là nền tảng để phát triển bền vững. Còn sản phẩm, khi đã được người tiêu dùng biết đến thì không lo đầu ra, giá cũng tốt hơn, lại dễ bảo quản, thời gian bảo quản lâu hơn”, lão nông Nguyễn Văn Tâm nói.

Hồng Thủy - Nguyễn Thủy

Thay đổi tư duy tiếp cận thị trường cho sản phẩm rau an toàn

Thay đổi tư duy tiếp cận thị trường cho sản phẩm rau an toàn

HÀ NAM Trong bối cảnh thị trường liên tục thay đổi, sản phẩm rau an toàn muốn có chỗ đứng, chủ thể cần tổ chức sản xuất để bán hàng thay vì sản xuất và bán hàng.

Nông nghiệp hữu cơ nhìn từ chuỗi liên kết của Quế Lâm

Nông nghiệp hữu cơ nhìn từ chuỗi liên kết của Quế Lâm

HÀ TĨNH Chuỗi liên kết nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Tập đoàn Quế Lâm với các địa phương đang lan toả hết sức mạnh mẽ.

'Tem bảo hành' để rau an toàn có chỗ đứng trên thị trường

'Tem bảo hành' để rau an toàn có chỗ đứng trên thị trường

NAM ĐỊNH Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường về chất lượng sản phẩm, việc chuyển hướng sản xuất rau an toàn, hữu cơ là chìa khóa để nông dân đứng vững.

Bắp cải trồng theo kiểu Nhật Bản, nông dân không phải lo đầu ra

Bắp cải trồng theo kiểu Nhật Bản, nông dân không phải lo đầu ra

NAM ĐỊNH Sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Nhật Bản, Hợp tác xã Giao Hà không còn phải đôn đáo tìm người mua.

Cuộc thi viết 'Nông nghiệp hữu cơ vì sự tăng trưởng xanh, phát triển bền vững'

Cuộc thi viết 'Nông nghiệp hữu cơ vì sự tăng trưởng xanh, phát triển bền vững'

Cuộc thi nhằm khuyến khích sự quan tâm và đóng góp của cộng đồng vào việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững.

Cơ hội thâm nhập thị trường hữu cơ Bắc Âu

Cơ hội thâm nhập thị trường hữu cơ Bắc Âu

Thị trường hữu cơ ở Bắc Âu đang phát triển khi người tiêu dùng có nhu cầu lớn về sản phẩm hữu cơ. Đây là cơ hội cho sản phẩm hữu cơ Việt Nam.

Xem Thêm