Thứ bảy, 23/11/2024 | 07:46 GMT +7
Tờ Thời báo Israel giới thiệu về cộng đồng SX và sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cũng như nhiều cách bán hàng độc đáo của các chủ trang trại nước này./ Kibbutz - Hợp tác xã kiểu Israel
Một buổi sáng thứ Năm, Boaz Havivian, một trong bảy thành viên của gia đình Havivian, chủ một trang trại nông nghiệp hữu cơ đỗ chiếc xe tải nhỏ trên phố Lincoln ở Jerusalem. Anh mang xuống một thùng to để giao cho khách hàng. “Nặng đấy”, anh nói. “Đang là mùa dưa mà”.
Trang trại nhà Havivian là một thành viên của cộng đồng Nông nghiệp bền vững (CSA). Dân thành phố đặt hàng nông dân rau quả tươi, được SX hữu cơ (loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết sự tăng trưởng của cây trồng, và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc).
Bây giờ đang là mùa dưa, đậu, bí, cà. Cứ thứ Tư hoặc thứ Năm hằng tuần, nông dân đi giao sản phẩm cho khách.
Theo cách thức của những người tham gia CSA, gồm cả người mua và người bán, nông dân sẽ chuyển rau quả tùy theo mùa tới khách hàng. Vì thế mùa này, trong thùng hàng nhà Havivian sẽ có dưa gang, bí, đậu, cà… Người mua không biết trước sẽ có gì trong thùng rau.
Rau quả hữu cơ mùa nào thức nấy sẽ được đóng thùng chuyển tới khách hàng theo kiểu CSA
Gia đình nhà Havivian tiếp nối nghề nông từ cha mẹ. Boaz Havivian đã tốt nghiệp đại học ngành nông nghiệp và chịu trách nhiệm điều hành trang trại. Orit Havivian, em gái, chịu trách nhiệm marketing. Mỗi người mỗi việc. Trang trại nhà Havivian nay cung cấp rau quả cho 800 gia đình ở Jerusalem và thủ đô Tel Aviv. Họ cũng có quầy hàng ở chợ nông sản tại Jerusalem. |
Nếu khách không đặt giao hàng, họ có thể mua nông sản tại chợ rau có khắp nơi, thường được tổ chức vào chiều thứ Năm và sáng thứ Sáu.
Không phải ai cũng mua rau hữu cơ, nhưng đang có những thay đổi về nhận thức, theo Bat Ami Sorek, một trong những chủ trại tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ.
Đa dạng cách bán hàng
Maggie Rosenberg đã trồng rau cho gia đình trong thời gian dài trước khi cô quyết định gắn bó với nghề này. Nơi Rosenberg sống là vùng đồi Nataf bên ngoài Jerusalem. Cô khởi nghiệp nông gia với một hai người bạn.
Giờ cô có hàng trăm khách hàng, những người tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của trang trại Maggie.
Cô nhấn mạnh rằng trang trại của cô không phải là thành viên của CSA, với những khách hàng nhận rau quả trong các thùng to mỗi tuần với bất cứ loại nông sản nào miễn là vào mùa. Thay vào đó, cô luôn nhắm tới một số loại rau quả nhất định như dưa chuột, khoai tây, rau diếp.
Maggie cũng nhận giao trái cây từ những trang trại nông nghiệp hữu cơ khác trong khi thứ rau đặc sản của nhà cô là cải Brussels.
Vườn rau quả hữu cơ của Maggie Rosenberg ở Nataf
“Khách hàng cũng có thể đặt hàng riêng, kiểu như “tôi muốn hai bó rau diếp, nửa kg cái này, 10 kg cái kia”, Maggie nói. Với vài ngàn m2 vườn đồi, Maggie có thể trồng rất nhiều loại rau hữu cơ.
Bat Ami Sorek là một trong những người tham gia CSA sớm nhất ở Israel, từ năm 2003. Khi khởi sự, cô gửi email tới bạn bè, hỏi họ nếu muốn được giao hàng rau quả tới nhà thì họ muốn những thứ gì.
“Người ta bảo không được đâu, người Israel sẽ không chấp nhận một rổ rau mà không biết trước sẽ có những loại gì”, cô nói. Tuy nhiên, đến nay, cơ sở của cô, tập hợp trang trại của 15 gia đình, đã cung cấp rau quả đóng thùng hằng tuần tới hơn 800 gia đình.
Sorek tốt nghiệp thạc sỹ ngành phát triển cộng đồng bên vững và viết luận án về khái niệm bán hàng CSA.
“Khi tôi nghiên cứu đề tài này, tôi hiểu rằng CSA có thể thu hút nhiều người tham gia”, Sorek nói. “Nếu bạn thiếu tiền, bạn có thể hủy đơn hàng trong một tuần. Nếu bạn là sinh viên hoặc người sống độc thân, CSA giúp họ linh hoạt hơn trong chuyện ăn uống, chợ búa, tiết kiệm thời gian. Đối với nông dân, cung cách bán hàng này tạo ra thu nhập ổn định, tránh những biến động thị trường”.
Theo Sorek, hầu hết các trang trại CSA ở Israel là một phiên bản của các trang trại CSA ở Mỹ. Nhưng cô thấy rằng ở Israel, cung cách bán hàng CSA có nhiều lợi thế. “Thị trường rau quả hữu cơ ở Israel còn quá nhỏ nên còn nhiều “đất” để có thêm người tham gia”, cô nói.
Một loại bí ở Israel
Bán hàng qua mạng
Tại trang trại ở vùng Gan Hasadeh, Roee Feuchtwanger trồng hơn 120 loại rau quả, dược liệu trên diện tích 3 ha. Nhưng anh nói trang trại của anh không theo CSA.
“Chúng tôi không đóng thùng hàng, không bán hàng kiểu CSA”, Feuchtwanger, người có khoảng 1.000 khách hàng, nói. Thay vì mua hàng kiểu CSA, khách hàng ở đây đặt hàng trên trang web của Feuchtwanger, sau đó sẽ được giao hàng tận nơi.
“Chúng tôi có nhiều loại rau quả nhất Israel”, Feuchtwanger nói. “Không chỉ là những loại đơn giản như dưa chuột hay khoai tây, chúng tôi còn có măng tây, mọi loại đậu, cà và cải xoăn”.
Với một phiên chợ thứ Sáu hằng tuần, ý tưởng của Gan Hasadeh giống như một cửa hàng rau quả hữu cơ. “Tôi không muốn người khác bảo tôi ăn gì, hoặc bảo người khác nên ăn gì”, anh nói, ý chỉ những thùng rau quả theo mùa CSA. “Tôi cho mọi người cơ hội lựa chọn ăn cái gì và khi nào”.
Cho dù mỗi nhà SX có cách riêng để bán hàng, cho dù Gan Hasadeh không đồng ý với Bat Ami Sorek về cách bán hàng theo mùa kiểu CSA, tất cả họ đều có điểm chung là giúp đem đến người tiêu dùng ở Israel nhiều lựa chọn về cách thức mua hàng phù hợp với điều kiện từng gia đình và cá nhân.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.