Thứ năm, 03/04/2025 | 06:57 GMT +7
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ngọc Hoàng (xã Nà Bó, Mai Sơn, Sơn La) là đơn vị tiên phong sản xuất thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ. Nhờ kiên trì với triết lý “chỉ có sản xuất an toàn mới có thể phát triển bền vững”, các sản phẩm của HTX không chỉ rộng đường đi vào nhiều hệ thống siêu thị lớn trong nước, cửa hàng thực phẩm sạch mà còn xuất khẩu đi các thị trường khó tính trên thế giới.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng (trái), muốn canh tác hữu cơ phải thực sự kiên trì. Ảnh: Trung Quân.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX chia sẻ, HTX được thành lập năm 2016 với hoạt động chính là sản xuất cây ăn quả, nhất là thanh long ruột đỏ theo hướng an toàn, hữu cơ. Đến nay, tổng diện tích thanh long của HTX hơn 215ha, sản lượng hàng năm gần 6.000 tấn.
Năm 2023, HTX đã cung cấp ra thị trường trong nước hơn 5.000 tấn thanh long thông qua hệ thống các siêu thị như Co.opmart, Big C, cửa hàng hoa quả sạch từ Nghệ An trở ra phía Bắc và xuất khẩu được hơn 800 tấn. Hiện tại, HTX đang tiếp tục đàm phán với các đối tác để xuất khẩu thanh long ruột đỏ chế biến sấy giòn vào thị trường Nga.
Theo ông Vinh, khi canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất thanh long có thể đạt 35 - 40 tấn/ha, gia đình chăm sóc tốt thậm chí đạt 60 tấn/ha (canh tác thông thường chỉ đạt 20 - 25 tấn/ha). Bên cạnh đó, quả thanh long có chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp nên giá bán trung bình trong nước luôn ở mức từ 20.000 đồng/kg trở lên, xuất khẩu 37.000 - 38.000 đồng/kg (canh tác thông thường đạt 10.000 - 15.000 đồng/kg).
Để có được kết quả này, ngay từ ban đầu HTX đã thống nhất với tất cả các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt, áp dụng chung một quy trình canh tác “nói không" với phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học để thuận lợi quản lý về chất lượng và sự đồng đều của sản phẩm.
Canh tác theo hướng hữu cơ giúp quả thanh long của HTX thuận lợi đi vào các siêu thị lớn, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Trung Quân.
Về phân bón, các hộ sử dụng chuối, ngô hạt xay nhỏ, đậu tương, cá ngâm ủ với men vi sinh để bổ sung dinh dưỡng cho cây thay thế đạm và kali hóa học. Những nguyên liệu này tại địa phương rất sẵn có với giá thấp, qua đó giúp các hộ tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất.
Ông Vinh cho biết: “Ngô có giá 6.000 đồng/kg, đậu tương 13.000 đồng/kg, cá tạp 5.000 - 10.000 đồng/kg. Một trụ thanh long thông thường mỗi vụ nếu sử dụng chế phẩm ngâm ủ sẽ tiêu tốn khoảng 1kg ngô và 1kg đậu tương (khoảng 20.000 đồng) là đủ, trong khi nếu dùng phân hóa học phải sử dụng khoảng 2kg (hơn 30.000 đồng). Như vậy đã tiết kiệm được khoảng 10.000 đồng chi phí phân bón. Chưa nói khi dùng chế phẩm ngâm ủ từ ngô, đậu tương, cá cây phát triển xanh tốt, độ bền cây cao, quả bảo quản được dài hơn (dùng nhiều đạm hóa học chỉ trong vòng 7 ngày quả thanh long sẽ có biểu hiện hỏng, nhưng dùng phân bón hữu cơ ngâm ủ thì quả có thể để tới 10 - 12 ngày)".
Về phòng trừ sâu bệnh, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ưu đãi nên cây thanh long được trồng trên đất Sơn La ít sâu bệnh, chỉ đề phòng ruồi vàng, rệp, nấm (khi thời tiết mưa nhiều). Do đó, HTX chỉ sử dụng chế phẩm vi sinh phun (loại không có thời gian cách ly), sử dụng bẫy ruồi vàng.
Theo ông Vinh, năm 2017, HTX đã xuất khẩu được lô hàng thanh long đầu tiên đi thị trường Dubai. HTX nhận ra rằng, để sản phẩm có thể xuất khẩu thì phải đảm bảo chất lượng liên tục và nhất định phải chuyển hướng canh tác an toàn, hữu cơ.
Canh tác theo hướng hữu cơ năng suất thanh long có thể đạt 35 - 40 tấn/ha, cao hơn canh tác thông thường 20 - 15 tấn/ha. Ảnh: Quang Dũng.
“Xuất khẩu được quả thanh long đi nước ngoài rất khó khăn, HTX phải lấy mẫu từ vườn được cấp mã số vùng trồng (HTX có 1 mã số xuất khẩu thanh long đi Trung Quốc, 1 mã đi thị trường châu Âu) gửi mẫu vào TP.HCM kiểm tra 760 chất. Nếu tất cả các chỉ số đạt yêu cầu thì sản phẩm mới đủ điều kiện xuất khẩu, khi đó HTX mới tiến hành thu hoạch”, ông Vinh thông tin.
Cũng theo ông Vinh, muốn canh tác hữu cơ nhất định phải kiên trì mới làm được. Người sản xuất phải nhận thức rõ hữu cơ là gì, giá trị của nó mang lại thế nào thì mới nên bắt tay vào làm. Bản thân ông cùng các thành viên giai đoạn đầu không định nghĩa được hữu cơ là như thế nào. Có người hiểu sử dụng vật tư đầu vào hoang sơ nhất là hữu cơ, thế là dùng phân bò, phân chuồng tươi bón trực tiếp cho cây, vừa ô nhiễm môi trường vừa sản sinh ra nhiều loại nấm. Sau này tìm hiểu mới biết phải sử dụng men vi sinh ủ cho hoai mục rồi mới sử dụng cho cây…
HTX chia các thành viên thành từng tổ nhỏ, cung cấp toàn bộ vật tư đầu vào thống nhất, thu mua sản phẩm, tập huấn kỹ thuật. Nhờ đó, tất cả các hộ đều thuần thục kỹ thuật canh tác hữu cơ, giá trị sản xuất cũng tăng lên theo từng năm. Sau khi trừ chi phí, các thành viên HTX có thu nhập trung bình 40 triệu đồng/người/năm.
THÁI NGUYÊN Để chè trung du đạt chuẩn hữu cơ mang đậm đà hương vị 'tiền chát hậu ngọt' đòi hỏi phải cung cấp dinh dưỡng dồi dào và được cây chè hấp thụ hiệu quả.
THANH HÓA Sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Trang Farm đã trở thành điểm đến của đông đảo khách tham quan.
Các sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ với nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên đang ngày càng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng hướng tới lối sống xanh.
HÀ NAM Trong bối cảnh thị trường liên tục thay đổi, sản phẩm rau an toàn muốn có chỗ đứng, chủ thể cần tổ chức sản xuất để bán hàng thay vì sản xuất và bán hàng.
HÀ TĨNH Chuỗi liên kết nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Tập đoàn Quế Lâm với các địa phương đang lan toả hết sức mạnh mẽ.
NAM ĐỊNH Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường về chất lượng sản phẩm, việc chuyển hướng sản xuất rau an toàn, hữu cơ là chìa khóa để nông dân đứng vững.
NAM ĐỊNH Sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Nhật Bản, Hợp tác xã Giao Hà không còn phải đôn đáo tìm người mua.