Thứ bảy, 21/12/2024 | 20:23 GMT +7
Sau thời gian nghiên cứu, xây dựng các mô hình, ngày 15/5, Tập đoàn Quế Lâm và UBND huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) đã ký kết thoả thuận hợp tác đồng hành phát triển nông sản hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.
Bên lề sự kiện, nhiều người đã gọi Đức Thọ là "hiện tượng" bởi trong thời gian ngắn đã có những thành tựu bước đầu trong cuộc cách mạng thay đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.
Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, ông Trần Hoài Đức thông tin: Đức Thọ là huyện thuần nông với hơn 11.000ha đất nông nghiệp. Nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn được xem là nhiệm vụ hàng đầu của toàn bộ hệ thống chính trị trên quê hương cách mạng.
Nhiệm kỳ này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra 36 chỉ tiêu và xác định 3 nhiệm vụ đột phá, trong đó có các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những năm qua, Đức Thọ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo, các cơ chế chính sách và triển khai thực hiện các nội dung về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô lớn, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, triển khai thực hiện đề án OCOP...
Nhờ đó, nông nghiệp Đức Thọ đã đạt được nhiều thành tựu rõ nét. Toàn huyện đang tích cực tập trung tích tụ ruộng đất. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần đưa giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích năm 2023 đạt trên 115 triệu đồng/ha. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã lên sàn thương mại điện tử, đồng thời thực hiện cấp mã vùng nguyên liệu đối với các sản phẩm được chứng nhận VietGAP, xây dựng được 22 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 sao OCOP trở lên, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 7 sản phẩm. Phong trào chỉnh trang vườn hộ, xây dựng vườn mẫu, phát triển kinh tế vườn được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ trăn trở, xác định nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi tất yếu nhưng sản xuất nông nghiệp của Đức Thọ còn gặp một số khó khăn như thị trường tiêu thụ nông sản còn bấp bênh, thiếu tính liên kết bền vững; việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất đã hình thành tuy nhiên còn ít và quy mô chưa lớn. Hoạt động của các HTX nông nghiệp chưa hiệu quả... Chính vì vậy, việc hợp tác với những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Quế Lâm - doanh nghiệp hàng đầu về kinh tế tuần hoàn chính là cơ hội để nông nghiệp Đức Thọ phát triển bền vững, hiện thực "khát vọng xanh".
Trước khi ký kết hợp tác, huyện Đức Thọ đã lập 2 đoàn công tác với 80 người là cán bộ cấp huyện, cấp xã và các mô hình kinh tế trên địa bàn huyện tham quan học tập tại Tập đoàn Quế Lâm. Cử 22 học viên, gồm 5 cán bộ huyện và 19 hộ chăn nuôi, HTX sản xuất lúa tham gia tập huấn chuyên sâu quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trên cơ sở đó Tập đoàn Quế Lâm cũng đã đồng hành và ký hợp đồng trực tiếp với 15 mô hình ở Đức Thọ để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gồm 4 mô hình lúa, 1 mô hình rau và 10 mô hình chăn nuôi. Ngoài ra, Tập đoàn Quế Lâm còn hỗ trợ huyện Đức Thọ xây dựng 3 mô hình trồng cây ăn quả.
Song song đó, Huyện ủy Đức Thọ cũng ban hành Chỉ thị số 40 về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, UBND huyện ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của huyện giai đoạn 2024 - 2025 và những năm tiếp theo. Cả hệ thống chính trị huyện Đức Thọ cùng vào cuộc tổ chức các cuộc làm việc với các địa phương có mô hình ký kết với Quế Lâm để giải quyết những khó khăn, vướng mắc và triển khai thực hiện các bước cải tạo đất, xây dựng, cải tạo chuồng trại chăn nuôi, tổ chức giao nhận vật tư, con giống, giống, phân bón, men vi sinh xử lý rơm rạ…
Chỉ sau một thời gian ngắn, 15 mô hình điểm ở Đức Thọ đã có những kết quả bước đầu, tư duy về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đã có những chuyển biến rõ. "Khát vọng xanh" đang dần thành hiện thực. Anh Phạm Hải Thăng, Giám đốc HTX Thần Nông ở xã Bùi La Nhân là một trường hợp điển hình.
HTX đã ký hợp đồng liên kết với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích 2ha theo hình thức hỗ trợ đầu vào, xây dựng quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 10 - 15%. Từ vụ hè thu 2023, Hợp tác xã Thần Nông đã nhận giống, phân hữu cơ, chế phẩm sinh học phân hủy rơm rạ, quy trình sản xuất. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật, các nhà khoa học của Tập đoàn Quế Lâm đã đồng hành cùng với các xã viên xây dựng mô hình.
Giám đốc Phạm Hải Thăng tính toán: Hiện nay mỗi sào ruộng trên một số trà lúa nông dân đang phải sử dụng từ 7 - 8 bình loại 18 - 20 lít thuốc BVTV mỗi vụ. Từ thuốc trừ cỏ, trừ ốc bươu vàng, đạo ôn, đục thân, rầy, rồi thuốc chuột... Lượng thuốc bảo vệ thực vật đổ xuống ruộng đồng, nếu nhân với diện tích đất nông nghiệp sẽ cho con số vô cùng khủng khiếp.
Hậu quả là môi trường bị tàn phá, ảnh hưởng tới cả sức khỏe cả trên người lẫn vật nuôi, thành thử không có con đường nào khác ngoài việc thay đổi tư duy làm nông nghiệp trách nhiệm, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Ngoài diện tích 2ha trong mô hình, 13ha còn lại HTX Thần Nông đang xây dựng theo quy trình sản xuất hữu cơ, đầu tư mạ khay - máy cấy, máy làm đất, máy gieo mạ 5.000 khay, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Hàng năm, 1 sào ruộng ở HTX Thần Nông được bổ sung thêm 100kg phân hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ cỏ, phân bón vô cơ… Nhờ đó, trên cánh đồng của HTX hiện nay các loài rươi, cáy đã dần xuất hiện trở lại. Định hướng trong thời gian tới, HTX Thần Nông sẽ phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm xây dựng mô hình lúa - rươi - cáy, kết hợp với trồng hoa ở các bờ thửa để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp.
Tương tự ở các mô hình chăn nuôi, cây ăn quả, tư duy của bà con đã thay đổi hoàn toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn phía Tập đoàn Quế Lâm đưa ra. Huyện Đức Thọ cũng vừa khai trương cửa hàng nông sản hữu cơ Đức Thọ, thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm, học tập do ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm đứng lớp.
“Hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm, huyện Đức Thọ sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, vận động cán bộ và nhân dân chuyển đổi từ tập quán sản xuất vô cơ sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp bền vững; sử dụng nông sản hữu cơ, sạch, an toàn; xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ”, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ khẳng định.
Qua 2 năm tổ chức thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn tại tỉnh Hà Tĩnh, Tập đoàn Quế Lâm đã ký hợp tác với 8 huyện gồm Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà, Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà.
Trong 2 năm ấy, Tập đoàn Quế Lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 40 hội thảo với quy mô gần 10 ngàn người tham gia. Hàng tháng tổ chức đoàn kiểm tra đánh giá; đến từng HTX, hộ gia đình trực tiếp vận động, hướng dẫn, "cầm tay chỉ việc" cho bà con nông dân. Từng bước xây dựng các chuỗi giá trị nông sản hữu cơ trên địa bàn và vận động nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ...
Kết quả, đã có 30 hộ gia đình chăn nuôi lợn hữu cơ với quy mô tổng đàn lợn nái 150 con/năm, sản xuất hàng năm 3.000 con lợn thịt, ngoài ra còn liên kết nuôi gà ri hữu cơ, bò vàng hữu cơ với nguyên tắc các hộ tham gia chuỗi liên kết là một thành viên của Quế Lâm, bình quân lợi nhuận từ chăn nuôi lợn thịt mỗi con lãi 600 ngàn đồng. Chuỗi giá giá trị lúa gạo hữu cơ thu hút hơn 1.000 hộ và 8 HTX tham gia với tổng diện tích giống lúa DT 39 Quế Lâm hơn 210ha/vụ.
Hiệu quả kinh tế của liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi trong chăn nuôi bước đầu đã rõ, đặc biệt môi trường chăn nuôi không có mùi hôi, tiết kiệm nước, không xả thải ra môi trường, trong hai năm không xảy ra dịch bệnh trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn xảy ra.
Đối với các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, sau 2 - 3 vụ không sử dụng hóa chất BVTV, phân hóa học đã làm cho đất màu mỡ, thải các chất độc hại nên cây lúa phát triển mạnh, hầu như không phải xử lý sâu bệnh, năng suất ổn định. Những ruộng lúa - rươi - cáy tại Kỳ Anh, Đức Thọ đã giúp người dân có thu nhập cao, hệ sinh thái đồng ruộng được phục hồi.
Các nhà khoa học của Quế Lâm cũng hướng dẫn người dân cải tạo đất, xử lý rác thải, biến phế phụ phẩm trong nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh góp phần bảo vệ môi trường. Quế Lâm phối hợp với các địa phương đã hỗ trợ trên 3.000kg chế phẩm vi sinh; tổ chức, hướng dẫn cho hàng trăm hộ gia đình và 6 HTX ở huyện Kỳ Anh, Đức Thọ… xử lý rác và phế phụ phẩm nông nghiệp.
Ngoài sản xuất, Quế Lâm và Hà Tĩnh cũng hợp tác để đưa các nông sản hữu cơ sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh vào các cửa hàng, siêu thị, trường học; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ tiếp cận với thực phẩm sạch, gạo sạch, an toàn. Đầu tư 5 cửa hàng gắn với đào tạo nghiệp vụ bán hàng và chế biến nông sản cho nông dân.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm đúc rút, bài học lớn để tạo nên sự chuyển biến, thành công bước đầu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Hà Tĩnh chính là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự cần cù , ham học hỏi của bà con nông dân đã trở thành một phong trào, một hành trình tỉnh thức để làm nên những thành công trong mục tiêu nông nghiệp xanh, sinh thái của Hà Tĩnh.
HÀ NỘI Người mê nhảy dù ở Hà Nội không lạ gì đồi Bù của xã Nam Phương Tiến bởi thỏa thích ngắm màu vàng của những vườn bưởi chín xen màu xanh của những vườn rau…
NGHỆ AN Biết cách đánh thức tiềm năng của đất thông qua mô hình nông nghiệp hữu cơ, anh Nguyễn Văn Thành đã tạo nên khác biệt lớn tại khắp các vùng rau màu của Nghệ An.
TIỀN GIANG Ruồi lính đen là giải pháp thiết thực cho cả ngành trồng trọt và ngành chăn nuôi, đặc biệt là xu hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ ngày càng cao.
TIỀN GIANG Do đang vận hành thử nghiệm nên nhà máy chỉ hoạt động khoảng 60% công suất, thu hồi từ 30 - 50% (30 tấn) nguyên liệu thô mỗi ngày.
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.