Thứ sáu, 04/04/2025 | 07:18 GMT +7
Vụ đông xuân 2023 – 2024, lần đầu tiên ông Hoàng Văn Thơ ở ấp E1, xã Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) chuyển sang canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Mô hình do Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với Công ty TNHH Thành Chào triển khai thực hiện.
Ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh khảo sát, đánh giá mô hình nông nghiệp ứng dụng phân bón hữu cơ trùn quế cho cây lúa của Công ty TNHH Thành Chào. Ảnh: Kim Anh.
Lúa trong mô hình được bón lót 250kg phân trùn quế dạng nén trước sạ 1 ngày, 100kg phân hữu cơ trùn quế dạng tròn kết hợp với một số phân bón hữu cơ khác rải xuống cánh đồng 10 ngày sau sạ.
Ngoài ra, để quản lý dịch hại trên đồng ruộng, ông Thơ sử dụng dịch trùn quế thủy phân bổ sung tỏi, ớt do Công ty Thành Chào hỗ trợ.
Ghi chép lại nhật ký sản xuất, ông Thơ phấn khởi khi nhận thấy các chỉ tiêu sinh trưởng của cây lúa đều đạt ở mức cao như lúa đẻ nhánh nhiều, cây to hơn, đất đai trở nên tơi xốp, nhờ đó rễ lúa dễ dàng đi sâu vào đất để hút dinh dưỡng. Quy trình này đã giúp 1,3ha lúa của gia đình ông Thơ giảm được đáng kể lượng phân bón, sâu bệnh hại trên đồng ruộng phát sinh ở tỷ lệ thấp.
Chia sẻ về quyết định chuyển đổi này, ông Thơ bộc bạch, những năm trước, ông canh tác lúa sử dụng quá nhiều phân bón hóa học với số lượng tăng dần qua các năm. Cây lúa tuy xanh, đẹp nhưng sâu bệnh hại tấn công nhiều. Trong khi đó, gia đình canh tác lúa liên tục 3 vụ/năm ít nhiều đã ảnh hưởng đến chất lượng của đất.
Thời gian đầu tiếp cận với mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, ông Thơ khá bỡ ngỡ do lo ngại chi phí tăng cao so với tập quán sản xuất của nông dân.
Nông dân xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh phấn khởi xuống đồng đánh giá chất lượng lúa sau khi thử nghiệm sử dụng phân bón hữu cơ từ trùn quế. Ảnh: Kim Anh.
Qua lần đầu ứng dụng, tuy chưa đủ cơ sở để đánh giá chất lượng phân bón nhưng qua cảm quan, ông Thơ tin tưởng năng suất lúa sẽ cao hoặc bằng phương pháp cũ, ngược lại chi phí đầu tư thấp hơn.
Xét về lâu dài, việc sản xuất hữu cơ sẽ giúp đất trồng được tăng cường chất mùn, tơi xốp, giữ ẩm tốt, cải thiện độ pH, các vi sinh vật trong đất hoạt động tốt hơn. Từ đó, giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái đồng ruộng.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh nhìn nhận, địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ do hầu hết các doanh nghiệp phân bón đều đến từ các địa phương khác.
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp đảm bảo điều kiện hoạt động trên địa bàn lại không nhiều. Dẫn đến việc kêu gọi, hỗ trợ cho bà con nông dân thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ gặp khó.
Do đó, một trong những nội dung trọng tâm của ngành nông nghiệp huyện hiện nay là khuyến khích các doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực phân bón hữu cơ, lúa gạo cùng đồng hành. Gắn với nội dung này, đơn vị đã chọn lọc và kết hợp với một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty Thành Chào để hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn phân bón hiệu quả để phục vụ sản xuất.
Đối với doanh nghiệp, khi đồng hành cùng địa phương cũng phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm phân bón hữu cơ theo quy định. Đồng thời xây dựng mô hình đối chứng trong 3 vụ để đánh giá hiệu quả. Bà con nông dân mắt thấy tai nghe trong quá trình sản xuất sẽ kiểm chứng được hiệu quả.
Đồng thời, Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh cũng cử cán bộ kỹ thuật cùng tham gia đồng hành xây dựng quy trình sản xuất. Từ đó, giúp nông dân Vĩnh Thạnh tạo ra được sản phẩm lúa sạch, an toàn, tăng lợi nhuận.
Thời gian tới, Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh sẽ phối hợp với Công ty TNHH Thành Chào và Công ty TNHH MTV An toàn Lương thực sạch miền Tây triển khai chuỗi liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Ảnh: Kim Anh.
Mặt khác, huyện Vĩnh Thạnh cũng liên kết với Công ty TNHH MTV An toàn Lương thực sạch miền Tây ở phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng (TP Cần Thơ) mở rộng vùng trồng, bao tiêu sản phẩm sản xuất theo hướng an toàn cho bà con nông dân.
Ông Nguyễn Thành Nguyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV An toàn Lương thực sạch miền Tây cho biết, về lâu dài, khi bà con nông dân sản xuất theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ ở quy mô rộng, sẽ đảm bảo được chất lượng hạt gạo. Đây là điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội ký kết những hợp đồng bao tiêu trên diện tích lớn.
“Hiện nay, Công ty không dám ký những hợp đồng lớn do lo ngại không đủ sản lượng. Vì vậy nếu mô hình này được nhân rộng, địa phương sẽ có được vùng nguyên liệu đầu vào đồng loạt, khi đó giá thu mua lúa có thể cao hơn từ 500 – 1.000 đồng/kg so với giá lúa thị trường”, ông Nguyện cho biết.
Theo chủ trương chung khi triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, huyện Vĩnh Thạnh phấn đấu từ nay đến năm 2025 đạt 17.000ha sản xuất lúa chất lượng cao và đạt 24.000ha vào năm 2030.
THÁI NGUYÊN Để chè trung du đạt chuẩn hữu cơ mang đậm đà hương vị 'tiền chát hậu ngọt' đòi hỏi phải cung cấp dinh dưỡng dồi dào và được cây chè hấp thụ hiệu quả.
THANH HÓA Sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Trang Farm đã trở thành điểm đến của đông đảo khách tham quan.
Các sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ với nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên đang ngày càng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng hướng tới lối sống xanh.
HÀ NAM Trong bối cảnh thị trường liên tục thay đổi, sản phẩm rau an toàn muốn có chỗ đứng, chủ thể cần tổ chức sản xuất để bán hàng thay vì sản xuất và bán hàng.
HÀ TĨNH Chuỗi liên kết nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Tập đoàn Quế Lâm với các địa phương đang lan toả hết sức mạnh mẽ.
NAM ĐỊNH Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường về chất lượng sản phẩm, việc chuyển hướng sản xuất rau an toàn, hữu cơ là chìa khóa để nông dân đứng vững.
NAM ĐỊNH Sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Nhật Bản, Hợp tác xã Giao Hà không còn phải đôn đáo tìm người mua.