Thứ sáu, 22/11/2024 | 22:17 GMT +7
Sở NN-PTNT TP Cần Thơ phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) vừa tổ chức hội thảo huấn luyện làm phân hữu cơ từ rơm rạ và sử dụng máy đảo phân cho các HTX của 4 tỉnh, thành phố gồm Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang và TP Cần Thơ.
Đây là dự án nằm trong gói hỗ trợ Việt Nam của Chương trình toàn cầu các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong ngành nông nghiệp và thực phẩm (GIC Việt Nam), là một phần của sáng kiến toàn cầu “Một thế giới không nạn đói” (One World, No Hunger) do Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) tài trợ.
Dự án tập trung vào phát triển năng lực của nông dân và các cố vấn nông nghiệp bằng cách sử dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo như: Lớp học kinh doanh cho nông dân (FBS), gói đào tạo SRP và phát triển năng lực hợp tác xã. Ngoài ra, GIC Việt Nam còn hỗ trợ sử dụng máy móc tiên tiến trong chuỗi giá trị lúa gạo. Mô hình máy đảo phân hữu cơ rơm rạ mới là một hướng tiếp cận triển vọng cho việc phân hủy rơm rạ đặc thù, giúp nông dân, HTX giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập và cải thiện độ phì nhiêu của đất.
Để tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật về sản xuất phân hữu cơ compost từ rơm, Dự án GIC hợp tác và thông qua IRRI hỗ trợ huấn luyện kỹ thuật sản xuất và xây dựng mô hình kinh doanh cho 4 HTX ở 4 tỉnh nhận máy gồm Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang và TP Cần Thơ, đồng thời phối hợp với đối tác dự án là Công ty Cơ khí Phan Tấn huấn luyện vận hành máy.
TP Cần Thơ là 1 trong 4 tỉnh ở ĐBSCL thực hiện hợp phần của dự án GIC Việt Nam hỗ trợ về sử dụng máy đảo phân hữu cơ cho các HTX quản lý rơm rạ tại đồng ruộng, giúp tạo nguồn phân hữu cơ phục vụ lại cho cây trồng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và cho ra nông sản an toàn.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là vấn đề được ngành nông nghiệp quan tâm, chú trọng đẩy mạnh, bởi sản xuất hữu cơ vừa thích nghi với biến đổi khí hậu, vừa giúp gia tăng giá trị nông sản.
Trong năm 2023, ngành nông nghiệp Cần Thơ sẽ tập trung đẩy mạnh khuyến cáo nông dân tận dụng rơm rạ có sẵn trên đồng ruộng để xử lý thành phân bón hữu cơ bón lại cho đồng ruộng và cây trồng. Điều này sẽ giúp nông dân giảm được chi phí trong sản xuất, giảm sử dụng phân bón hóa học, nhất là trong bối cảnh giá phân bón hóa học đang rất cao. Từ cách làm đó, giúp nông dân dần thay đổi tư duy sản xuất, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học, chuyển dần sang nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn hữu cơ và thân thiện với môi trường.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lợi (Thạnh Lộc, Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) là một trong những HTX nông nghiệp ở ĐBSCL được Dự án GIC hỗ trợ máy trộn phân hữu cơ, bình quân một vụ lúa sản xuất gần 500 tấn và sang các năm tiếp theo có thể sản xuất tăng lên 1.000 - 1.500 tấn phân hữu cơ/vụ.
Ông Tiêu Ngọc Lợi, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lợi vui mừng cho biết: Hiện nay, nông dân sau khi thu hoạch lúa xong thường đốt đồng làm ô nhiễm môi trường hay cày vùi rơm rất dễ bị ngộ độc hữu cơ trong đất. Chính vì đó, HTX đã tận dụng rơm rạ về chất nấm rơm để tăng thu nhập, sau đó lấy rơm mục chất nấm trộn với bã thực vật cùng các loại rau quả bỏ đi và phân bò đem ủ hoai mục từ 2 - 3 tháng. Sau đó dùng máy đánh tơi phân với nhau, có thể đem đi bón cho cây trồng.
Nói về đầu ra phân hữu cơ, ông Lợi cho rằng, đầu ra sản phẩm phân hữu cơ là xu hướng mới mà nông dân ai cũng đang ngày càng cần để bón cây trồng, từ đó góp phần cho ra nông sản an toàn, tiết kiệm chi phí sản xuất.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.