Thứ hai, 24/06/2024 | 16:51 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 06:00, 04/06/2024

Nông nghiệp hữu cơ, nông thôn đáng sống

Hồ tiêu 20 năm tuổi vẫn sung sức, đạt chuẩn hữu cơ châu Âu

BÌNH PHƯỚC 8 năm kiên trì, hồ tiêu của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Phước đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ châu Âu, giá bán cao hơn thị trường từ 25 - 40%.

8 năm kiên trì chuyển sang sản xuất hữu cơ

Đến xã Đắc Ơ (huyện Bù Gia Mập) - thủ phủ hồ tiêu của Bình Phước, không khó để bắt gặp các vườn hồ tiêu được trồng cách đây đã khoảng 20 năm nhưng vẫn rất xanh tốt và cho năng suất cao. Các hộ dân sở hữu những vườn tiêu này đều là thành viên của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Phước, tất cả các vườn đều được chăm sóc cùng một quy trình theo chuẩn hữu cơ châu Âu. Nhờ vậy, bà con vẫn "sống khỏe" bất chấp thời tiết thất thường, sâu bệnh phá hoại, giá cả bấp bênh...

Vườn tiêu hữu cơ xanh tốt của ông Nguyễn Văn Luận (xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) ai cũng ngưỡng mộ. Ảnh: Trần Trung.

Vườn tiêu hữu cơ xanh tốt của ông Nguyễn Văn Luận (xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) ai cũng ngưỡng mộ. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Theo giới thiệu của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Phước, chúng tôi đến tham quan vườn hồ tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Luận, một trong những thành viên nòng cốt của HTX. Ông Luận cho biết, trước đây gia đình ông canh tác hồ tiêu theo phương thức truyền thống, chủ yếu sử dụng phân hóa học để bón cho vườn cây. Qua nhiều năm, ông nhận thấy đất bị chai cứng, sâu bệnh ngày càng nhiều và khó trị, chưa kể việc sử dụng nhiều phân hóa học, thuốc BVTV còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình.

“Tại sao nông dân như mình cứ phải sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học để bón cho cây trồng dù ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và môi trường. Cần phải sống thuận theo tự nhiên thì mới đảm bảo sức khỏe con người”, ông Luận bộc bạch.

Ngay từ rất sớm, ông Luận đã chuyển đổi toàn bộ vườn tiêu từ canh tác truyền thống sang sản xuất an toàn và tiến tới chuẩn hữu cơ. Theo đó, để có được gần 3ha hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ châu Âu như hiện nay, ông Luận đã mất 5 năm thay đổi phương thức sản xuất hồ tiêu từ truyền thống sang sản xuất an toàn và mất thêm 3 năm từ hồ tiêu an toàn sang hồ tiêu hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Luận chia sẻ bí quyết ủ chế phẩm IMO. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Văn Luận chia sẻ bí quyết ủ chế phẩm IMO. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Theo ông Luận, những năm đầu chuyển đổi, ông đã gặp không ít khó khăn trước thực trạng hồ tiêu “phơi đáy” do giá tiêu bước vào thời kỳ suy thoái, năng suất bước đầu cũng giảm mạnh từ 2,5 tấn/ha chỉ còn dưới 1 tấn/ha. Thế nhưng, đất không phụ công người. Trong 3 năm gần đây, chất lượng sản phẩm hạt tiêu của vườn nhà ông luôn đạt yêu cầu đối với hơn 900 hoạt chất phải phân tích theo chuẩn hữu cơ châu Âu đưa ra. Năng suất hồ tiêu thậm chí cao hơn trước đây, giá bán sản phẩm hạt tiêu cũng cao hơn 40% so với giá thị trường, trong khi chi phí sản xuất giảm đi rất nhiều.

“Trồng tiêu hữu cơ không khó. Nhiều người lầm tưởng cứ phải dùng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học mới trị sâu, trị bệnh hiệu quả được, nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Chỉ cần đất khỏe thì cây khỏe và tự thân đã có thể kháng sâu bệnh rất tốt”, ông Luận nói.

Bài liên quan

Bên cạnh tuân thủ nghiêm quy trình của HTX đặt ra, ông Luận được xem là "cây sáng kiến kinh nghiệm", người tiên phong sản xuất phân bón hữu cơ từ chế phẩm vi sinh vật bản địa (IMO) để bón cho vườn cây của gia đình. Thực tế cho thấy, loại chế phẩm này chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao nên nhiều thành viên và người dân trong vùng làm theo.

“Muốn chăm sóc vườn cây một cách hiệu quả chỉ có con đường làm chế phẩm IMO. Vì thế, tôi tận dụng tất cả những phụ phẩm sẵn có ở gia đình như chuối, đu đủ, bơ, mít, các loại rau củ..., đồng thời thêm men vi sinh vào phối trộn rồi ủ trong thùng phi khoảng 7 ngày sẽ thành chế phẩm IMO gốc”, ông Luận chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Luận (bên phải) chia sẻ bí quyết canh tác hữu cơ cho các thành viên HTX. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Văn Luận (bên phải) chia sẻ bí quyết canh tác hữu cơ cho các thành viên HTX. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Theo ông Luận, sau khi ủ thành công, ông đem chế phẩm IMO gốc pha trộn với mật rỉ đường, cám gạo và nước theo tỷ lệ 1/10. Với việc sử dụng chế phẩm IMO, gia đình ông chỉ tốn hơn 10 triệu đồng/ha/năm để chăm bón cho cây trồng. Mức chi phí sẽ giảm dần theo từng năm do dinh dưỡng trong đất đã được tích lũy. Hiện tại, chi phí đầu tư giảm còn khoảng 30 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, trước đây, ông sử dụng phân hóa học thì chi phí đầu tư ít nhất cũng 100 triệu đồng/ha/năm, chưa kể bón thêm phân chuồng. Quan trọng là từ ngày áp dụng canh tác hữu cơ, sức khỏe của mọi người trong nhà luôn được đảm bảo.

“Đó là công cuộc trả lại cho đất những thứ mà con người vì cơm áo đã lấy đi suốt mấy chục năm qua. Điều đáng mừng là phong trào sản xuất hồ tiêu sang hướng hữu cơ đang ngày càng lan rộng và chắc chắn đây sẽ là con đường bắt buộc để hướng đến sản xuất hồ tiêu bền vững”, ông Luận nói.

Đưa hồ tiêu sang trang mới

Mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động hơn 3 năm từ nền tảng là câu lạc bộ sản xuất tiêu sạch, HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Phước bước đầu đã gặt hái những thành công trong sản xuất, kinh doanh.

Ông Mai Hiển Huy, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Phước cho biết, HTX hiện có gần 100 thành viên, trong đó 29 thành viên với tổng diện tích gần 60ha hồ tiêu đã được chứng nhận hữu cơ, toàn bộ các thành viên còn lại với diện tích hàng trăm ha cũng được duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, bền vững (RA).

Để có vườn tiêu hữu cơ như hôm nay, ông Luận mất hơn 8 năm kiên trì theo đuổi. Ảnh: Trần Trung.

Để có vườn tiêu hữu cơ như hôm nay, ông Luận mất hơn 8 năm kiên trì theo đuổi. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ sản xuất theo chuẩn, HTX là đối tác của Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (Công ty Nedspice). Sản phẩm làm ra tới đâu được Công ty đến tận vườn thu mua hết tới đó với giá cao hơn thị trường 20% đối với tiêu hữu cơ và 5% với tiêu an toàn.

Với ước mong đưa sản phẩm hạt tiêu hữu cơ Bình Phước đi khắp thế giới, nhận thấy tiềm năng từ hồ tiêu hữu cơ rất lớn, từ năm 2023, HTX quyết định chủ động đầu tư hơn 200 triệu đồng để làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận hồ tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu.

“Với phương châm “đi xa đi cùng nhau”, chúng tôi đánh giá chung chứng nhận hữu cơ cho HTX chứ không phải từng nông hộ nên khi phân tích trên 900 hoạt chất cấm, nếu một hộ nào đó trong quá trình kiểm tra phát hiện ra hóa chất thì sẽ bị loại ngay, lúc đó cả HTX phải gánh chịu chung thiệt hại. Vì vậy các hộ thành viên trong HTX luôn có ý thức rất sâu sắc về việc chấp hành quy trình sản xuất hữu cơ”, ông Huy chia sẻ.

Theo ông Huy, việc được cấp giấy chứng nhận hồ tiêu hữu cơ đã giúp HTX chủ động hơn trong sản xuất. Khâu tiêu thụ sản phẩm cũng linh hoạt hơn, không phải phụ thuộc vào các thị trường cố định. “Từ khi có chứng nhận độc lập, ngày càng có nhiều đối tác muốn đặt mua hồ tiêu với số lượng lớn. HTX đang xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh đáp ứng phần nào nhu cầu đặt hàng bằng cách mở rộng quy mô sản xuất tiêu hữu cơ, đa dạng các sản phẩm, chú trọng chế biến sâu”, ông Mai Hiển Huy nói.

Liên kết để sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế đang là xu hướng của các hộ dân trồng tiêu tại Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Liên kết để sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế đang là xu hướng của các hộ dân trồng tiêu tại Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, liên kết để sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế đang là xu hướng của các hộ dân trồng tiêu. Do không sử dụng phân, thuốc hóa học nên chi phí sản xuất tiêu đã giảm đáng kể, giá bán lại cao hơn nhiều so với sản phẩm thông thường.

Đặc biệt qua quá trình sản xuất, nông dân cho biết canh tác hữu cơ đã góp phần bảo vệ sức khỏe cho mình do không còn phải tiếp xúc, sử dụng hóa chất. Đồng thời, nhờ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ mà môi trường cũng trong lành hơn...

“Thành quả cuối cùng của nông nghiệp hữu cơ mang lại chính là thiên nhiên an lành, đa dạng, bổ trợ nhau và con người từ thế hệ này qua thế hệ khác được hưởng cộng sinh bằng những giá trị tốt đẹp mà thiên nhiên trao tặng. Những doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và ngay cả nông dân nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của Bình Phước đang hướng đến đích đó”, ông Trần Văn Phương nhấn mạnh.

Trần Trung - Nguyễn Thủy

Xây dựng nông thôn mới gắn với nông nghiệp hữu cơ

Xây dựng nông thôn mới gắn với nông nghiệp hữu cơ

THÁI NGUYÊN Huyện Phú Lương xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ với tinh thần trách nhiệm sẽ giúp hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống người dân.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với vùng chuyên canh

Phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với vùng chuyên canh

THÁI NGUYÊN Tận dụng lợi thế từ các vùng chuyên canh sẵn có, huyện Phú Lương đang từng bước chuyển đổi sang hướng canh tác hữu cơ bền vững, thân thiện với môi trường.

Hợp tác xã giữ vai trò nòng cốt trong phát triển nông nghiệp hữu cơ

Hợp tác xã giữ vai trò nòng cốt trong phát triển nông nghiệp hữu cơ

THÁI NGUYÊN Tại các địa phương chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư, HTX đã thể hiện vai trò liên kết nông hộ, khai thác tiềm năng, xây dựng vùng nông nghiệp hữu cơ.

Tưng bừng lễ hội lúa - rươi hữu cơ Tứ Kỳ năm 2024

Tưng bừng lễ hội lúa - rươi hữu cơ Tứ Kỳ năm 2024

HẢI DƯƠNG Sở NN-PTNT Hải Dương phối hợp với UBND huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) ngày 12/6 đã tổ chức lễ hội lúa - rươi hữu cơ năm 2024. ​​​​​

Sầu riêng hữu cơ xanh tốt giữa hặn mặn khốc liệt

Sầu riêng hữu cơ xanh tốt giữa hặn mặn khốc liệt

BẾN TRE Năm nay thời điểm nắng nóng, độ mặn ngoài sông gần 0,3‰ nên 4 ngày liên tục nhà vườn không tưới nhưng cây sầu riêng hữu cơ vẫn phát triển tốt.

'Cánh đồng lười' cấy một lần thu hai vụ

'Cánh đồng lười' cấy một lần thu hai vụ

PHÚ THỌ Gọi là 'cánh đồng lười' bởi ở đó người ta áp dụng phương pháp sản xuất tốn ít nhân công nhất nhưng lại cho hiệu quả kinh tế, môi trường và sức khỏe tốt hơn.

Xem Thêm