Thứ sáu, 22/11/2024 | 22:21 GMT +7
Cuối tháng 11 vừa qua, HTX Organic Hopefarm đã hoàn thành các công đoạn để đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ với mô hình cây ăn quả có múi hữu cơ cam, quýt, bưởi (do Công ty TNHH Giám định Vinacontrol TP. HCM cấp). Giấy chứng nhận này vừa được đại diện của Vinancontrol TP. HCM trao cho HTX vào ngày 8/12 ngay tại nơi canh tác.
Đam mê về nông nghiệp và mong muốn được sử dụng, phân phối những sản phẩm hữu cơ đến người tiêu dùng, năm 2015, các thành viên HTX Organic Hopefarm đã cùng nhau chuyển đổi sang canh tác hữu cơ trên diện tích 22 ha trồng các loại cây có múi tại xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
Anh Tạ Duy Thanh, thành viên HTX cho biết, thời gian đầu, khi mới chuyển đổi sang canh tác hữu cơ gặp rất nhiều khó khăn do là lĩnh vực mới, chưa có kinh nghiệm. “Những ngày đầu cây yếu đi, sâu bệnh nhiều hơn so với trước. Rồi có thời điểm 2 mùa liên tục cây bệnh, quả rụng hết, chúng tôi nhìn rất đau xót”, anh Thanh chia sẻ.
Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, đặc biệt là Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Organic Hopefarm đã tìm ra hướng canh tác thích hợp cho các sản phẩm bưởi, quýt, cam hữu cơ.
Qua quá trình hợp tác, hướng dẫn cho các thành viên HTX những phương pháp canh tác hữu cơ phù hợp, cây trong vườn bắt đầu có sự chuyển biến tích cực.
Sau 2 năm chuyển đổi, sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm vi sinh để cần bằng chế độ dinh dưỡng, vườn cây trở nên khỏe mạnh, sâu bệnh giảm rất nhiều, ví dụ như bệnh loét không còn là nỗi lo nữa.
Cụ thể, anh Tạ Duy Thanh cho biết, để nâng cao sức khỏe cho đất, cho cây, điều quan trọng nhất là phải hồi phục được hệ sinh thái, gia tăng mật độ vi sinh vật cần thiết trong đất.
“Khi vi sinh vật được trả lại môi trường tự nhiên, chúng sẽ như những nhà máy sản xuất chất dinh dưỡng hữu cơ để nuôi cây khỏe hơn”, anh Thanh chia sẻ.
Để gia đa dạng hệ vi sinh vật cần thiết, HTX sử dụng các loại phân bón hữu cơ, ủ phân của gia súc, gia cầm hoai mục để bón. Ngoài ra, cỏ cũng trở thành một nguồn phân hữu cơ không thể thiếu của vườn.
“Chúng tôi cắt cỏ 2 tháng/lần nhưng chỉ cắt ngang thân, để lại rễ. Cỏ được nuôi bằng phân để lấy sinh khối, thân cỏ mục đi sẽ trở thành phân bón tại chỗ và giữ độ ẩm trong khi bộ rễ giúp tạo mùn cho đất”, anh Bùi Văn Thi, Giám đốc HTX cho biết.
Về vấn đề bảo vệ thực vật, các thành viên HTX biết cách bổ sung thiên địch cho vườn, khiến các sinh vật gây hại bị tiêu diệt, xua đuổi hoặc kiểm soát ở mật độ hợp lý trong vườn. Cụ thể, tần suất bổ sung thiên địch trong 2 năm đầu là 2 lần/năm và các năm sau là 4 lần/năm.
Hiện nay, vấn đề lớn nhất với vườn của Organic Hopefarm là ruồi vàng, do loài này sống trong các khu rừng trên núi, chỉ xuống đục quả rồi bay đi, rất khó đối phó. Tuy nhiên, sau nhiều thử nghiệm, đến nay HTX đã có phương án đối phó với sinh vật gây hại này.
Anh Tạ Duy Thanh chia sẻ: “Chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều, từ cao lanh của Mỹ phun lên quả tạo độ trơn làm ruồi vàng không đậu được hay các loài bả, bẫy sinh học nhưng đều không phù hợp”.
Giải thích sâu hơn, anh Thanh nói ở môi trường mưa nhiều như Việt Nam, nếu dùng cao lanh sẽ dễ bị rửa trôi, gây tốn kém. Trong khi đó, mưa cũng có thể làm độc trong bả, bẫy sinh học thấm xuống đất nên Organic Hopefarm kiên quyết không sử dụng vì không đảm bảo an toàn cho sản xuất hữu cơ.
Thay vào đó, HTX đã tìm cách sử dụng dấm gỗ sinh học, tạo mùi khói để xua đuổi ruồi vàng. Vấn đề duy nhất là hiệu lực của dấm gỗ ngắn nên phải bổ sung 2 lần/tuần trong giai đoạn quả chuẩn bị thu hoạch.
Mặc dù đã đạt được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhưng HTX sẽ cần tiếp tục nhận được hỗ trợ để khắc phục khó khăn còn tồn tại, nâng cao chất lượng cũng như cải thiện năng suất của sản phẩm.
Ông Đinh Văn Vượng, thành viên HTX Organic Hopefarm nói: “Chúng tôi đến với nhau từ đam mê nông nghiệp hữu cơ và đến nay đã có được những thành quả đầu tiên nhưng chưa phải tất cả. Điều mà Organic Hopefarm mong muốn là tiếp tục phát triển bền vững và mở rộng hơn nữa mô hình canh tác hữu cơ của mình”.
Ngoài ra, ông Đinh Văn Vượng cũng nhấn mạnh mục tiêu xa hơn mà các thành viên HTX hướng đến đó là lan tỏa được hiệu quả của nông nghiệp hữu cơ đến các vườn, nông trại khác trong khu vực.
Sau giai đoạn ban đầu, có lúc bán sản phẩm hữu cơ với giá thường còn không nổi vì mẫu mã kém, đến nay cam, quýt, bưởi của vườn đã có được chỗ đứng trong các cửa hàng thực phẩm hữu cơ ở Hà Nội với giá bán cao.
Thời điểm hiện tại, các loại cam ở Hòa Bình được bán với giá dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg thì quýt đường của HTX Organic Hopefarm đang bán với giá 60.000 đồng/kg tại vườn.
Từ hiệu quả rõ rệt này, có nhiều nhà vườn, nông trại khác trong tỉnh đang tìm đến để học tập kinh nghiệm, phương thức canh tác để cho ra đời những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mới.
Được thành lập từ năm 1957, với hơn 60 năm hoạt động, Vinacontrol là đối tác tin cậy các cơ quan quản lý Nhà nước, ban quản lý dự án, doanh nghiệp và cá nhân trong các hoạt động đánh giá sự phù hợp.
Theo ông Lê Văn Hậu, Trưởng phòng phát triển dịch vụ của Vinacontrol TP. HCM, HTX Organic Hopefarm có khởi đầu quá tốt khi xuất phát điểm đã hợp tác với Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
“Có đến 98% kết quả kiểm nghiệm, phân tích mẫu đất, nước và sản phẩm của Organic HopeFarm không có dấu vết của các chất ngoài danh mục, phần còn lại có xuất hiện thì rất thấp và cách xa ngưỡng cho phép”, đại diện Vinacontrol nhấn mạnh.
Địa điểm của Organic Hope Farm cũng được đánh giá là rất thuận lợi khi có vùng đệm tự nhiên, bao quanh là núi, ngoài ra các yếu tố thời tiết, môi trường cũng thuận tiện cho quá trình canh tác hữu cơ.
Theo ông Hậu, đối với canh tác hữu cơ, các cơ sở cần đảm bảo vùng đệm để tránh các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến vườn của mình. Ngoài ra, cơ sở phải thiết lập các kế hoạch sản xuất gồm danh mục các sản phẩm được phép sử dụng, đặc biệt phải đảm bảo nguyên tắc của sản xuất hữu cơ như không dùng biến đổi gen hay các chất hóa học tổng hợp.
“Các tiêu chuẩn đánh giá của Việt Nam hay quốc tế đều dựa trên 4 nguyên tắc chính: Công bằng; cẩn trọng; sinh thái; khách quan. Với những nguyên tắc đó, những tiêu chuẩn của Việt Nam hiện nay hoàn toàn tương đương với các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ của quốc tế”, đại diện Vinacontrol cho biết thêm.
Giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có giá trị 2 năm, trong thời gian đó sẽ kiểm tra, đánh giá lại sau 1 năm và có những đợt kiểm tra, đánh giá đột xuất nếu cần thiết để đảm bảo cơ sở vẫn duy trì, đảm bảo các yêu cầu của tiêu chuẩn.
Trong tương lai, đại diện Vinacontrol cũng cho rằng Organic Hopefarm cần thực hiện thêm các khuyến nghị để thay đổi một số điểm chưa phù hợp nhẹ trong trong thời gian ngắn nhất mặc dù không ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.