Thứ tư, 19/03/2025 | 06:04 GMT +7
Mô hình trồng lúa trên cánh đồng rươi ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.
Hải Phòng là một trong những địa phương tiếp cận và triển khai các mô hình canh tác hữu cơ từ rất sớm. Đến nay, diện tích canh tác hữu cơ liên tục tăng về số lượng và đa dạng về chủng loại sản phẩm.
Diện tích lúa được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ chủ yếu tập trung tại các vùng sản xuất rươi kết hợp cấy lúa tại các địa phương có vùng bãi nuôi rươi như: Ngũ Phúc, Ngũ Đoan, Kiến Quốc...(huyện Kiến Thụy) và các xã thuộc huyện Tiên Lãng.
Do đặc thù vùng lúa - rươi xa những vùng lúa chuyên canh, cấy lúa 1 vụ/năm, phân bón sử dụng 100% phân hữu cơ và không sử dụng thuốc BVTV, do đó, gạo ruộng rươi có giá trị kinh tế cao.
Năng suất lúa trồng trên ruộng rươi không cao, chỉ đạt khoảng 45 - 50 tạ/ha, bằng 2/3 ruộng canh tác thông thường, nhưng thu nhập từ rươi cao gấp 15 – 20 lần thu nhập từ lúa. Trung bình 1ha ruộng rươi – lúa thu được 300 – 500kg rươi, thu nhập từ rươi là 200 triệu đồng/ha (giá rươi 400.000 – 450.000 đồng/kg).
Người dân thu hoạch lúa trên đầm rươi. Ảnh: Đinh Mười.
Anh Nguyễn Văn Hưng, chủ đầm rươi có kết hợp trồng lúa ở xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) cho biết, gia đình anh kết hợp với Công ty Hải Âu Việt để cấy giống lúa ST25 rất phù hợp, có lợi cho cả rươi và lúa.
Con rươi chỉ sống được ở điều kiện môi trường trong sạch và 100% chất hữu cơ, do đó để nuôi được rươi phải đảm bảo về cả nguồn nước tới phân bón. Với lượng phân hữu cơ dư thừa, sẽ được bổ sung cho cây lúa và khi cấy lúa sẽ tạo môi trường sinh trưởng tốt cho con rươi.
“Thực tế thời gian qua, chúng tôi đã cấy giống lúa ST25 trên ruộng rươi và cho năng suất tương đối cao, hạt gạo rất đảm bảo, ăn ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Gạo ruộng rươi được Công ty Hải Âu Việt bao tiêu, chế biến, tiêu thụ với giá cao tại nhiều thị trường, nhất là thị trường Hà Nội bán rất chạy”, anh Hưng cho hay.
Canh tác lúa - rươi tạo ra hệ sinh thái khép kín, an toàn, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu ô nhiễm.
Một cánh đồng lúa kết hợp nuôi rươi đã được cấp chứng nhận hữu cơ. Ảnh: Đinh Mười.
Nhận thức rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ đối với sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường, nhiều địa phương đã đẩy mạnh việc canh tác lúa theo hướng hữu cơ.
Hiện tại TP Hải Phòng, đang xây dựng đề án quy hoạch vùng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó tập trung ở một số vùng có tiềm năng phát triển như huyện An Lão, Tiên Lãng, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo.
Theo tìm hiểu, thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa hướng hữu cơ chủ yếu thông qua việc ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, điểm hình như: Công ty Hải Âu Việt, Công ty Trường Phú Quý, HTX Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương... với giá cao hơn 10 - 15% so với giá sản xuất đại trà.
Hiện nay, chi phí đầu tư sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, trong đó có lúa hữu cơ cao hơn, trong khi năng suất tương đương hoặc thấp hơn sản xuất đại trà, đầu ra chưa ổn định, dẫn đến việc duy trì và mở rộng sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản tiếp tục cần được quan tâm để gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người dân.
Từ việc chỉ thu đơn thuần con rươi, người dân nay có thể thêm nguồn thu từ lúa. Ảnh: Đinh Mười.
Có thể nói, việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất GAP, hữu cơ... đã làm thay đổi nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.
Tại Hải Phòng, mặc dù nông nghiệp hữu cơ đã chiếm tỷ trọng nhất định nhưng quy mô sản xuất còn quá nhỏ hoặc chỉ thực hiện theo hướng hữu cơ và một số mô hình thực nghiệm còn rất hạn chế so với tiềm năng và nhu cầu phát triển sản xuất.
Để có định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, chất lượng và đạt hiệu quả tốt nhất, cần nhìn nhận và đánh giá từ thực tiễn sản xuất những năm qua để từ đó đề ra giải pháp phát triển cụ thể trong thời gian tới.
Ông Lưu Văn Thụy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết: "Qua sản xuất thí điểm và khảo nghiệm trồng lúa ST25 trên cánh đồng rươi ở xã Ngũ Phúc cho thấy hiệu quả kinh tế cao, thổ những phù hợp với giống lúa này.
Các mô hình đã được nhà nước quan tâm hỗ trợ và các doanh nghiệp cũng bỏ vốn đề đầu tư, xây dựng cống dưới đê để điều tiết nước.
Giống lúa này phù hợp với đồng đất Kiến Thụy nói chung và xã Ngũ Phúc nói riêng, thực tế bà con đã trồng cho thấy năng suất, hiệu quả rất tốt, gạo ngon".
HÀ TĨNH Chuỗi liên kết nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Tập đoàn Quế Lâm với các địa phương đang lan toả hết sức mạnh mẽ.
NAM ĐỊNH Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường về chất lượng sản phẩm, việc chuyển hướng sản xuất rau an toàn, hữu cơ là chìa khóa để nông dân đứng vững.
NAM ĐỊNH Sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Nhật Bản, Hợp tác xã Giao Hà không còn phải đôn đáo tìm người mua.
Cuộc thi nhằm khuyến khích sự quan tâm và đóng góp của cộng đồng vào việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững.
Thị trường hữu cơ ở Bắc Âu đang phát triển khi người tiêu dùng có nhu cầu lớn về sản phẩm hữu cơ. Đây là cơ hội cho sản phẩm hữu cơ Việt Nam.
ĐỒNG THÁP Canh tác lúa sinh thái không chỉ giảm thiểu tác động từ hóa chất nông nghiệp mà còn tận dụng lợi thế của mùa nước nổi để tái tạo hệ sinh thái đồng ruộng.
HÀ NỘI Người mê nhảy dù ở Hà Nội không lạ gì đồi Bù của xã Nam Phương Tiến bởi thỏa thích ngắm màu vàng của những vườn bưởi chín xen màu xanh của những vườn rau…
NGHỆ AN Biết cách đánh thức tiềm năng của đất thông qua mô hình nông nghiệp hữu cơ, anh Nguyễn Văn Thành đã tạo nên khác biệt lớn tại khắp các vùng rau màu của Nghệ An.
TIỀN GIANG Ruồi lính đen là giải pháp thiết thực cho cả ngành trồng trọt và ngành chăn nuôi, đặc biệt là xu hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ ngày càng cao.