Thứ năm, 12/12/2024 | 21:29 GMT +7
Cách TP Thái Nguyên khoảng 60km, Nghinh Tường là xã thuộc vùng núi cao của huyện Võ Nhai, là khu vực đầu nguồn của sông Nghinh Tường - dòng sông bắt nguồn từ cánh cung Ngân Sơn - Yên Lạc ở khu vực giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn rồi chảy về phía tây và đổ ra sông Cầu.
Nghinh Tường cũng nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng và là xã đặc biệt khó khăn. Với hơn 700 hộ dân, Nghinh Tường có tới trên 360 hộ nghèo và 150 hộ cận nghèo. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày và Giao. Với đặc thù về điều kiện tự nhiên, dù đời sống bà con còn rất khó khăn, song môi trường, đất đai, nguồn nước... ở Nghinh Tường vẫn còn giữ được nét nguyên sơ trong lành, là điều kiện rất lý tưởng để sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Dù gặp vô vàn khó khăn nhưng ở Nghinh Tường vẫn có nhiều tấm gương làm nông nghiệp vượt khó vươn lên, thậm chí làm giàu, tạo sinh kế cho người dân địa phương, nổi bật là mô hình nuôi ốc nhồi theo hướng hữu cơ của anh Lê Văn Cương tại xóm Nà Giàm.
Anh Cương sinh năm 1980 có vợ là giáo viên mầm non công tác tại xã nhà, gia đình từng gặp rất nhiều khó khăn do thu nhập nhập hai vợ chồng rất thấp, lại phải nuôi con nhỏ học xa nhà. Anh Cương trước kia vừa cấy lúa, vừa phải chạy xe để kiếm thêm thu nhập.
“Mình bén duyên với con ốc nhồi nhờ một lần chạy xe tới địa phương khác. Thấy con ốc dễ nuôi, lại phù hợp với điều kiện ở địa phương nên đã đem một ít giống về nuôi thử trên ruộng. Khá bất ngờ, ốc phát triển mạnh, con nào con nấy đều to, lại tiêu thụ rất dễ và ổn định nên mình quyết định mở rộng diện tích nuôi”, anh Cương cho hay.
Ốc nhồi hay còn gọi là ốc bươu đen đang thực phẩm rất được thị trường ưa chuộng. Nuôi ốc nhồi đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con ở xã Nghinh Tường, giúp gia đình anh Cương thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Mô hình nuôi ốc nhồi hữu cơ của anh Lê Văn Cương rộng khoảng 1.500m2. Trong đó, hơn 1.000m2 nuôi theo hình thức lúa - ốc và gần 500m2 nuôi theo phương pháp dùng vi sinh tạo màu nước, nuôi thả bèo. Mỗi vụ ốc nuôi theo phương pháp dùng vi sinh tạo màu nước kết hợp thả bèo kéo dài 3 đến 4 tháng, cho sản lượng khoảng 1 tấn ốc thương phẩm/sào (360m2).
Anh Cương khởi nghiệp với mô hình lúa - ốc, tuy mô hình này đã cho hiệu quả kinh tế cao nhưng chàng trai vùng cao vẫn tiếp tục tìm tòi, cải tiến phương thức nuôi theo hướng gây màu nước nhờ vi sinh và thả bèo. Không phụ sự nhiệt huyết của anh Cương, hình thức nuôi này cho năng suất cao hơn so với nuôi trên ruộng lúa. Ốc thương phẩm có kích cỡ đồng đều, mẫu mã đẹp, thịt ốc giòn và đậm vị hơn.
Chìa khóa cho thành công của mô hình nuôi ốc gây màu nước, thả bèo là chế phẩm sinh học IMO chứa các lợi khuẩn bản địa, được sản xuất từ các nguyên liệu sẵn có để ủ phân hữu cơ. Việc ứng dụng vi sinh vật bản địa IMO vào việc nuôi ốc tốn chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả rất cao.
Sử dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi ốc sẽ giúp giảm thiểu lượng khí độc bùng phát trong ao, phân hủy mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa, cặn bã dưới đáy ao…, giảm thải ô nhiễm môi trường nước, đồng thời bổ sung vi sinh đường ruột giúp cải thiện hệ tiêu hóa của ốc.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi ốc nhồi trong ao, anh Lê Văn Cương cho biết, trong ao nuôi chỉ thả ốc, mực nước lý tưởng là 0,8 - 1,5m. Ốc nhồi giống được chọn cần đảm bảo khỏe mạnh, chất lượng tốt. Phần vỏ không bị sứt, dập cũng như phần đỉnh vỏ cần có màu tươi sáng. Kích thước con giống lớn hơn hoặc bằng 0,5cm.
Vận chuyển con giống sử dụng phương pháp giữ ẩm, không được đóng kín túi bọc con giống, cần tạo độ thông thoáng với môi trường bên ngoài, nên vận chuyển bằng thùng xốp.
Đối với ao nuôi thả bèo, phải thả bèo tấm trước, bèo phát triển gần kín ao mới được thả ốc. Sau một thời gian, khi bèo tấm thưa dần mới thả bèo hoa dâu.
Bên cạnh thả bèo, anh Cương còn nuôi ốc với thức ăn chủ yếu là các loại lá cây, hoa quả. Tuy tốn công chăm sóc và chi phí lớn, nhưng hình thức nuôi này đem lại hiệu quả vượt kỳ vọng khi ốc sinh trưởng nhanh. Anh Cương còn trồng thêm các loại cây như sắn, đu đủ… để duy trì ổn định nguồn thức ăn cho ốc.
Ngoài ra, xung quanh bờ ao anh Cương còn tận dụng để trồng các loại rau xanh, bầu, bí, mướp... làm thức ăn cho ốc hoặc thả tự nhiên trong ao để ốc có thể bám vào và tìm kiếm thức ăn.
Anh Cương chia sẻ kinh nghiệm: Đối với những vùng chiêm trũng, bà con có thể kết hợp trồng lúa và nuôi ốc nhồi. Lưu ý cần đợi đến khi cây lúa bắt đầu sinh trưởng tốt mới thả ốc giống.
Việc nuôi ốc nhồi theo hướng hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn là hướng đi mà anh Cương cam kết duy trì trong định hướng phát triển của mình. “Mình làm nông nghiệp ở vùng sâu vùng xa, khách hàng biết tới đã khó khăn rồi, giữ được khách hàng còn khó hơn. Do vậy, mình chọn định hướng làm nông nghiệp sạch, hữu cơ để xây dựng thương hiệu và giữ chân khách hàng”, anh Cương chia sẻ.
Giá ốc nhồi bán lẻ hiện nay dao động từ 80.000 – 100.000 đồng/kg, bán buôn 70.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ ốc từ mô hình của anh Cương chủ yếu là các nhà hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các địa phương lân cận.
Không giữ thành công cho riêng mình, anh Cương luôn sẵn sàng chia sẻ con giống, kiến thức nuôi ốc nhồi cho bà con. Anh cho biết đang có khoảng 20 hộ gia đình trong xã đang học tập mô hình nuôi ốc nhồi theo hướng hữu cơ.
“Chính quyền địa phương đánh giá rất cao tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm của anh Cương. Thực tế cho thấy mô hình nuôi ốc nhồi sử dụng các chế phẩm vi sinh cho hiệu quả kinh tế rất cao. Một năm nuôi ốc nhồi bằng mấy năm làm lúa. Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình này”, ông Nông Đình Tuất, Chủ tịch UBND xã Nghinh Tường cho hay.
Nhận thấy hoạt động trải nghiệp nuôi và thu hoạch ốc nhồi, thưởng thức các món ăn chế biến từ ốc nhồi được nhiều người quan tâm, anh Cương đã nảy ra ý tưởng làm du lịch sinh thái nhằm tận dụng cảnh quan của địa phương.
Bên cạnh nuôi ốc nhồi theo hướng hữu cơ, anh Cương đang mở rộng thêm mô hình trồng nấm hữu cơ để phục vụ du khách trải nghiệm. Nhà nấm hai tầng được dựng trên dòng suối giúp nấm được cấp ẩm liên tục mà không phải phun mưa, điều này cũng tạo trải nghiệm độc đáo cho du khách khi được tự tay hái nấm trên những bịch nấm treo trên dòng suối và thưởng thức tại các món ăn chế biến từ nấm, từ ốc nhồi trên lán tre.
Thời gian tới, anh Cương dự định sẽ thành lập hợp tác xã nông sản hữu cơ để thuận lợi huy động nguồn lực, cũng như liên kết với bà con trong vùng sản xuất kinh doanh nông sản sạch, hữu cơ.
Anh cũng mong muốn được địa phương quan tâm hỗ trợ dịch vụ về cơ sở hạ tầng, vốn, tạo thuận lợi cho trang trại phát triển hơn nữa. Qua đó, góp phần giúp bà con ở xã vùng cao còn rất nhiều khó khăn này vươn lên thoát nghèo.
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.
Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.