Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:52 GMT +7
Chăn nuôi bò ở địa bàn huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) lâu nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của mỗi hộ gia đình, chủ yếu chăn thả, phát triển đàn bò theo hướng tự phát, giá cả bấp bênh, thị trường đầu ra còn phụ thuộc vào thương lái, khả năng tiếp cận thị trường còn nhiều hạn chế, vì thế hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.
Để đưa sản phẩm thịt bò A Lưới trở thành sản phẩm đặc trưng trên thị trường, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, từ tháng 7/2022, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chọn hộ chị Hồ Thị Sa và anh Hồ Văn Tôi tại thôn Loah - Ta Vai (xã Đông Sơn, huyện A Lưới) để hỗ trợ chứng nhận mô hình chăn nuôi bò hữu cơ với quy mô 50 con đối với giống bò vàng A Lưới.
Quá trình tham gia mô hình, hộ chăn nuôi đã được đào tạo và nâng cao nhận thức về chăn nuôi bò thịt hữu cơ, cung cấp sản phẩm thịt bò đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, hạn chế tác động tới môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu.
Hộ tham gia mô hình cũng được hướng dẫn khắc phục những điểm chưa phù hợp về cơ sở vật chất, khoanh vùng đệm để phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống tài liệu quản lý chăn nuôi bò thịt hữu cơ phù hợp theo TCVN 11041-2:2017 về nông nghiệp hữu cơ.
Ngoài ra, hộ chăn nuôi còn được hướng dẫn về lựa chọn vùng sản xuất, chuyển đổi vùng đất trồng trọt làm nguyên liệu thức ăn nuôi bò, tăng tính đa dạng sinh học, tạo hệ sinh thái bền vững, mang lại sản phẩm trồng trọt chất lượng an toàn; hướng dẫn phương pháp chăn nuôi bò thịt hữu cơ, góp phần tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm và uy tín với người tiêu dùng; hướng dẫn áp dụng thực hành hệ thống tài liệu đã xây dựng vào thực tế sản xuất; đảm bảo hộ kinh doanh hiểu rõ cách giám sát, ghi chép hồ sơ và kiểm tra chất lượng nội bộ hằng năm...
Qua khảo sát, điều tra hiện trạn, lịch sử của vùng chăn nuôi và trồng trọt, các mối nguy tiềm ẩn từ các khu vực xung quanh, kết quả cho thấy, diện tích 10ha trồng cỏ nuôi bò của hộ chị Hồ Thị Sa không có các nguy cơ ô nhiễm, lịch sử để lại và hiện tại đủ điều kiện đưa vào chăn nuôi bò hữu cơ theo tiêu chuẩn chăn nuôi hữu cơ.
Trên cơ sở đó, tư vấn viên đã hướng dẫn hộ chăn nuôi áp dụng kỹ thuật theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; xây dựng các quy trình, tài liệu theo quy định nông nghiệp hữu cơ; áp dụng hệ thống tài liệu vào sản xuất; ghi chép hồ sơ và lấy mẫu đất, nước, thức ăn, nước thải phân tích; hỗ trợ cải tạo chuồng trại, trang bị một số dụng cụ thiết yếu, ngăn cách các khu vực đồng cỏ với các khu vực bên ngoài...
Từ đó, chủ hộ đã nắm rõ phương pháp giám sát, tổ chức quản lý nội bộ. Các thành viên tuân thủ các yêu cầu nông nghiệp hữu cơ, khắc phục trong trường hợp phát hiện sản phẩm mất an toàn thực phẩm; nắm bắt được kỹ năng ghi chép nhật ký sản xuất; gửi mẫu đất, nước, thức ăn, nước thải đến đơn vị kiểm nghiệm để phân tích các chỉ tiêu vi sinh, hoá lý đất, nguồn cỏ làm thức ăn nuôi bò đáp ứng theo quy định. Hệ thống chuồng nuôi nhốt khi thời tiết bất khả kháng và vỗ béo có tổng diện tích 500 m2.
Đến nay, sau 1 năm đánh giá chính thức quy trình chăn nuôi bò hữu cơ, phân tích các mẫu nước, đất, cỏ…, Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 3 đã chính thức cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm bò thịt A Lưới được nuôi tại hộ gia đình chị Hồ Thị Sa.
Theo chị Sa, so với phương thức chăn nuôi truyền thống, hiệu quả kinh tế từ mô hình chăn nuôi bò hướng hữu cơ mang lại cao gấp 1,5 - 2 lần. Bình quân mỗi tháng, hộ chị Sa xuất bán 3 – 4 con bò với giá bán 25 triệu đồng/con, doanh thu đạt khoảng 75 - 100 triệu đồng. Hiện nay, thị trường sản phẩm đầu ra của thịt bò hữu cơ chủ yếu là các siêu thị và phục nhu cầu người tiêu dùng trong tỉnh.
Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN-PTNT huyện A Lưới cho biết, đàn bò toàn huyện hiện có 13.000 con, sản lượng thịt hơi đạt 520 tấn/năm. Những năm gần đây, việc phát triển chăn nuôi bò đã giúp người dân trên địa bàn huyện có nguồn thu nhập ổn định, góp phần tạo ra sản phẩm đặc trưng phục vụ cho tiêu dùng lẫn du khách.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng mô hình phát triển đàn bò có chất lượng cao tại huyện A Lưới đã tạo điều kiện cho bà con thay đổi phương thức chăn nuôi, trong đó có mô hình chăn nuôi bò hữu cơ, theo hướng hữu cơ tại bản Loah - Ta Vai (xã Đông Sơn, huyện A Lưới). Mặt khác, mô hình này sẽ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về nhãn hiệu tập thể bò vàng A Lưới.
“Thành công bước đầu của mô hình chăn nuôi bò hữu cơ có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nhu cầu về cung cấp sản phẩm sạch, an toàn của người dân trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung ngày càng cao. Đây là điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp hữu cơ và là cơ sở để các địa phương trên địa bàn tỉnh học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình trong thời gian tới”, ông Văn Lập cho hay.
Bò A Lưới là giống bò có thớ thịt nhỏ, mịn và được chăn nuôi tự nhiên ở địa hình có độ cao 680 - 1.150m, nằm giữa hai dãy Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, cùng với các thảm thực vật khác biệt đã làm nên hương vị riêng có của thịt bò A Lưới với chất lượng thịt thơm ngon. Thịt bò vàng A Lưới cũng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận bảo hộ Quốc gia và Nhãn hiệu tập thể.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.