Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:47 GMT +7

  • Click để copy
Thứ tư- 14:42, 13/12/2023

Đưa 'trái rồng’ vươn xa [Bài 1]: Hài hòa công nghệ và hữu cơ

LONG AN Nhờ kết hợp ứng dụng công nghệ và sản xuất hướng hữu cơ, sản phẩm thanh long an toàn của ông Trần Văn Toàn luôn được bao tiêu với giá tốt.

Vừa điều chỉnh hệ thống tưới nước tự động, ông Trần Văn Toàn (ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) vừa nhẩm tính ngày thu hoạch.

Ông Toàn trồng gần 1ha thanh long sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU, Trung Quốc... Để làm được điều đó, ông đã đầu tư hệ thống tưới nước thông minh kết nối với điện thoại thông minh, cùng với máy đo độ ẩm trong đất. Hệ thống này giúp ông tiết kiệm thời gian và công sức trong việc chăm sóc cây thanh long.

Cùng với ứng dụng công nghệ, ông Toàn cũng đã tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về sản xuất thanh long hữu cơ và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp từ cây thanh long để làm phân bón hữu cơ. Nhờ những nỗ lực này, thanh long của gia đình ông luôn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và được chấp nhận ở các thị trường khó tính.

Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, thanh long của ông Toàn luôn được bao tiêu với giá tốt. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, thanh long của ông Toàn luôn được bao tiêu với giá tốt. Ảnh: Trần Trung.

Việc sản xuất theo hướng hữu cơ kết hợp ứng dụng công nghệ cao giúp gia đình ông Toàn giảm chi phí tưới nước, bón phân, thuận lợi trong việc quản lý sâu bệnh hại, tăng lợi nhuận.

“Hiện nay, thanh long của tôi được Hợp tác xã Vạn Thành bao tiêu sản phẩm. Với mức giá từ 8.000 đồng/kg, chúng tôi có thể an tâm về đầu ra sản phẩm. Đặc biệt, từ khi ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh, tôi tiết kiệm được thời gian tưới nước, bón phân. Trước đây, sáng sớm tôi ra ruộng tưới nước đến xế chiều mới xong 1ha thanh long, còn bây giờ mất không quá 30 phút”, ông Toàn thổ lộ.

Theo ông Toàn, tham gia sản xuất thanh long GlobalGAP, nông dân được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng; được hỗ trợ từ khâu chọn giống, quy trình canh tác, chăm sóc, bón phân, phòng chống sâu bệnh đến bảo quản sau thu hoạch, quy trình quản lý, xây dựng thương hiệu... Đặc biệt, nông dân cũng được làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất, tiết kiệm điện năng và lượng nước sử dụng, tăng hiệu quả hấp thu phân bón, giảm phát thải...

Nhờ vậy, thanh long vườn nhà ông Toàn được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang nhiều thị trường với mức giá cao. Thậm chí, vào thời điểm dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động giao thương, kinh tế bị ngưng trệ, giá nông sản, nhất là giá thanh long “chạm đáy” thì thanh long của ông vẫn được thu mua với giá cao hơn thị trường từ 5.000 đồng/kg.

Việc sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính là hướng đi tất yếu cho sự phát triển bền vững của thanh long. Ảnh: Trần Phi.

Việc sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính là hướng đi tất yếu cho sự phát triển bền vững của thanh long. Ảnh: Trần Phi.

Với ông Toàn, việc sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn xuất sang thị trường khó tính là hướng đi tất yếu cho sự phát triển bền vững của thanh long. Chính vì thế, ông nhiệt tình hỗ trợ, chia sẻ kỹ thuật sản xuất thanh long cho những nông dân khác. Ông cũng là một trong những thành viên cốt cán thành lập Hợp tác xã Vạn Thành, hoạt động theo hướng sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hỗ trợ cung cấp các dịch vụ mua bán, gia công trái thanh long.

Ông cũng chủ động phối hợp với một số công ty uy tín phân phối phân hữu cơ vi sinh, thuốc trị bệnh sinh học cho các hội viên, nông dân trong và ngoài ấp.

“Hàng năm, gia đình tôi liên kết với các công ty, đơn vị hỗ trợ hơn 100 tấn phân, thuốc với giá gốc của công ty, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân cũng như giúp nâng cao giá trị của trái thanh long Long An”, ông Toàn chia sẻ.

Ngoài ra, ông Toàn còn tham gia giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương với những công việc tương đối phù hợp như làm cỏ, rứt râu, tỉa trái thanh long... Đồng thời, ông còn quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.

Sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là nền tảng quan trọng để tiến tới sản xuất hữu cơ. Ảnh: Trần Trung.

Sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là nền tảng quan trọng để tiến tới sản xuất hữu cơ. Ảnh: Trần Trung.

“Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP của ông Toàn góp phần cải thiện môi trường sinh thái; giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế sự phát sinh, gây hại của các loại sâu, bệnh hại trên cây trồng. Qua đó, làm tăng uy tín, chất lượng sản phẩm, nâng giá trị sản phẩm thanh long và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2020”, ông Nguyễn Vạn Thành, Chủ tịch HĐQT HTX Vạn Thành nhận xét.

Trần Phi - Trần Trung

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm