Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:17 GMT +7
Trong chuyến công tác tại Ninh Thuận, ngược lên huyện vùng cao Bác Ái, tình cờ chúng tôi gặp được anh Nguyễn Thái Dương (sinh năm 1980), Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Thuận (thôn Tà Lọt, xã Phước Hoà, huyện Bác Ái) đang sở hữu hàng ngàn ha điều hữu cơ với chất lượng được đánh giá ngon nhất Việt Nam.
Chúng tôi nêu thắc mắc, vì sao giữa núi rừng vùng cao mà sở hữu hàng ngàn ha điều hữu cơ được Tổ chức Control Union của Hà Lan chứng nhận thì không phải là chuyện đơn giản, anh Dương cười nói: "Chúng tôi sở hữu hàng ngàn ha điều hữu cơ cũng là... hữu xạ tự nhiên hương đấy!"
Nói rồi anh Dương giải thích: Ninh Thuận là vùng khô nóng nhất nước, mùa khô hàng năm kéo dài trên 9 tháng. Thực tế nhiều năm đã xảy ra tình trạng khô hạn khốc liệt, nhiều loại cây trồng rừng như keo hay bạch đàn cũng không trụ nổi. Chính vì vậy, để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chỉ có cây điều là có thể trụ vững được qua các đợt đại hạn.
Theo anh Dương, cây điều thích nghi được với điều kiện khô hạn, nên những năm cuối thế kỷ trước, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành trồng điều nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo Chương trình 661 (Chương trình trồng 5 triệu ha rừng) để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gia đình.
Tuy nhiên, do trước đây chưa được quan tâm đúng mức đến định mức kỹ thuật, nên người dân trồng với mật độ dày, "được chăng hay chớ", năng suất thấp, bị sâu bệnh gây hại nên bà con phó mặc cho trời, được ăn, mất thôi. Nhận thấy cây điều Ninh Thuận có tiềm năng nên anh Dương và các đồng sự đã thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Thuận chuyên kinh doanh về hạt điều.
Anh Nguyễn Thái Dương gắn bó với cây điều còn có lý do khác, đó là do anh sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn Bác Ái, từ bé đã gắn bó với cây điều. Khi lớn lên, để thoát nghèo, anh đã chọn theo học ngành quản trị kinh doanh. Học xong, anh về lập nghiệp ở Đồng Nai. Sau chục năm bôn ba nơi xứ người, nhưng vẫn chưa “đổi đời” được, năm 2009, anh quyết định quay về quê tiếp tục con đường kinh doanh để tiến thân.
Ở quê, hàng ngày anh Dương tiếp xúc với cây điều, thấy quả điều chín rất thơm, thương quá, lòng anh nghĩ vì sao vùng điều tự nhiên không được bảo tồn chăm sóc tốt hơn để giữ cho nguồn nước đầu nguồn không bị ô nhiễm bởi phân, thuốc hoá học và giữ cho môi trường không khí trong lành, đồng thời có thể tạo thêm thu nhập cho bà con?
Thế là năm 2017, anh Dương bỏ hẳn kinh doanh để gắn bó với cây điều. Khi bắt tay vào làm cây điều, anh đã tiếp cận luôn với cách làm hữu cơ, đồng thời khảo sát, test mẫu, quy hoạch vùng nguyên liệu, tập huấn cho bà con và làm thủ tục xin thành lập HTX. Đến năm 2019, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Thuận chính thức ra mắt và mời Tổ chức Control Union của Hà Lan đánh giá, cấp chứng nhận vùng điều hữu cơ.
“Nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào triển khai công việc mới thấy vô cùng gian nan. Bởi, những vùng điều của bà con toàn bộ là người đồng bào Raglay, quen với canh tác tự nhiên, khi chuyển qua sản xuất điều hữu cơ thì phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, đầy đủ theo quy định”, anh Dương chia sẻ.
Để bắt tay vào xây dựng vùng nguyên liệu đạt chứng nhận hữu cơ, anh Dương và các thành viên đã phải nỗ lực tuyên truyền, đào tạo cho người dân về ý nghĩa, vai trò và quy trình sản xuất điều hữu cơ. Các hộ dân chỉ được phép sử dụng các loại vật tư đầu vào như phân bón hữu cơ, chế phẩm bảo vệ thực vật đã được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Đối với giống điều, phải sử dụng giống bản địa, không được dùng giống biến đổi gen.
Đồng thời, đào tạo, hướng dẫn người dân kỹ thuật cắt tỉa cành, tạo tán cho vườn cây thông thoáng. Ngoài ra, mỗi hộ tham gia đều phải có sổ sách ghi chép việc quản lý canh tác hữu cơ như vật tư đầu vào, đầu ra, các biện pháp tác động và xử lý trong quá trình canh tác…
Nhằm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và ngăn chặn sinh vật gây hại, HTX thường xuyên kiểm tra vườn cây, nếu có sâu thì bắt bằng tay, vệ sinh vườn trồng sạch sẽ, sử dụng bẫy côn trùng hoặc thuốc sinh học. Tuyệt đối không dùng thuốc trừ cỏ, nếu có ít cỏ thì làm bằng tay, nếu cỏ nhiều thì cắt định kỳ và tận dụng ủ gốc giữ ẩm, tạo thêm nguồn phân bón hữu cơ tại chỗ.
“Để được chứng nhận điều hữu cơ thì bắt buộc người dân phải tuân theo các quy định này. Mới đầu cũng rất khó khăn do người dân thấy phức tạp. Tuy nhiên bằng sự kiên trì, tuyên truyền, hướng dẫn bà con theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” nên dần dần bà con đã làm theo các tiêu chuẩn hữu cơ và đến năm 2021, HTX được Tổ chức Control Union cấp chứng nhận vùng điều của HTX đạt chuẩn hữu cơ”, anh Dương cho biết.
Sau hơn 4 năm thành lập, đến nay, HTX Dịch vụ nghiệp Đồng Thuận đã có vùng trồng 1.600ha điều hữu cơ với trên 600 xã viên tham gia. Hàng năm, HTX thu mua từ 1.500 – 2.000 tấn điều nguyên liệu để chế biến.
“Do canh tác hữu cơ và dùng giống địa phương nên năng suất điều của chúng tôi chỉ đạt 1 - 1,5 tấn/ha. Tuy nhiên do được chứng nhận hữu cơ nên giá bán cao hơn rất nhiều so với thị trường. Hiện tại hạt điều rang muối của chúng tôi bán với giá 600 ngàn đồng/kg, điều trắng giá 250 – 300 ngàn đồng/kg”, anh Nguyễn Thái Dương chia sẻ và cho biết thêm, hiện nay HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Thuận đang xây dựng thương hiệu “Điều hữu cơ Chapi”. Sở dĩ lấy thương hiệu Chapi là vì người trồng điều của HTX chủ yếu là người Raglay, trong đó cây đàn Chapi là linh hồn trong đời sống của họ.
Hiện, thương hiệu Điều hữu cơ Chapi đã được HTX Dịch vụ Đồng Thuận đăng ký bảo hộ độc quyền trên toàn quốc. Để thương hiệu điều hữu cơ vươn xa, HTX đã gửi mẫu chào hàng sang các thị trường Mỹ, châu Âu và được phản hồi rất tốt.
Bện cạnh đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Thuận đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến hạt điều hữu cơ có công suất 5.000 tấn/năm, cũng như mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu mỗi năm thêm 200 - 500ha. Phấn đấu đến năm 2025, HTX sẽ có 3.000ha điều đạt chứng nhận hữu cơ. Đồng thời phấn đấu cung cấp cho các thị trường châu Âu và Mỹ mỗi năm từ 2.000 - 5.000 tấn nguyên liệu khô; 500 - 1.500 tấn nhân hạt điều hữu cơ và phát triển hạt điều rang muối hữu cơ mỗi năm từ 15 – 50 tấn.
Anh Nguyễn Thái Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Thuận chia sê: “Tỉnh Ninh Thuận có khoảng có 4.800ha điều, chủ yếu nằm xen trong các diện tích đất lâm nghiệp do các công ty và ban quản lý rừng quản lý. Do người đồng bào ít đầu tư chăm sóc nên cơ bản điều phát triển thuận tự nhiên, mỗi năm chỉ chăm sóc 2 - 3 lần, chủ yếu là cắt cành tạo tán cho thông thoáng vườn cây và phát dọn cỏ, đến khi vào mùa thu hoạch bà con mang gùi lên rẫy thu hoạch. Chính vì vậy mà toàn tỉnh Ninh Thuận hiện nay đã có trên 4.000ha điều đạt chuẩn hữu cơ và có chất lượng được đánh giá ngon nhất Việt Nam”.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.