Thứ bảy, 09/11/2024 | 04:47 GMT +7
Hiện nay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học ngày càng được người dân trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) áp dụng rộng rãi.
Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Ia Grai, hiện trên địa bàn huyện chưa có những điều tra, khảo sát đánh giá về thị phần sử dụng thuốc BVTV sinh học so với thuốc hóa học trên thị trường. Tuy nhiên qua theo dõi thực tế sản xuất nông nghiệp ở địa phương nhận thấy, những năm gần đây, thị phần sử dụng thuốc BVTV sinh học đang có xu hướng tăng lên. Người dân ngày càng chú trọng sử dụng thuốc BVTV sinh học, chế phẩm thảo mộc, chế phẩm vi sinh... trong phòng trừ sinh vật gây hại vì tính an toàn cao, không để lại tồn dư thuốc trong nông sản, bảo đảm chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Ông Phan Văn Vĩnh (tổ 6, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) là một trong những gương điển hình về việc sử dụng chế phẩm sinh học hiệu quả trên vườn cây sầu riêng của gia đình.
Ông Vĩnh cho biết, trong năm qua, vườn sầu riêng 350 cây của gia đình chỉ sử dụng chế phẩm sinh học theo phương pháp tự ủ từ các chế phẩm men vi sinh. Theo đó, gia đình ông sử dụng rỉ mật đường hòa trộn với men vi sinh EM gốc cùng với các nguyên liệu có sẵn để tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ hiệu quả cho cây trồng.
“Khi phun chế phẩm sinh học sẽ giúp cây sầu riêng loại trừ được các bệnh về nấm cũng như vi khuẩn gây bệnh. Chế phẩm sinh học này phun càng nhiều càng tốt mà lại không gây hại đến môi trường xung quanh”, ông Vĩnh chia sẻ.
Dẫn chúng tôi thăm vườn sầu riêng xanh mướt, ông Vĩnh cho biết, mùa vụ vừa qua 350 cây sầu riêng của gia đình thu được hơn 24 tấn quả, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng.
Cũng theo ông Vĩnh, vụ thu hoạch vừa qua, thời tiết thất thường nên phần lớn người trồng sầu riêng trên địa bàn bị mất mùa. Những cây sâu riêng bị sâu bệnh, nấm tấn công nên quả phần lớn bị xơ, không thể tiêu thụ được.
Tuy nhiên, với việc sử dụng chế phẩm sinh học trong thời gian dài nên vườn cây có độ bền, sung sức, khả năng chống chịu sâu bệnh hại rất tốt. Minh chứng cho những gì mình nói là đúng, ông Vĩnh dẫn chúng tôi mục sở thị những thùng phuy chưa các chế phẩm sinh học do ông tự ủ và cho biết, sau khi sầu riêng thu hoạch xong, gia đình chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ và chế phẩm sinh học để bón cho vườn cây. Ông lý giải, nếu giai đoạn này mà sử dụng thuốc hóa học thì cây sầu riêng rất dễ bị xì mủ.
“Sử dụng các chế phẩm sinh học giúp cây sầu riêng phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên cần phải sử dụng liên tục mới mang lại hiệu quả nên không phải người dân nào cũng kiên trì để sử dụng”, ông Vĩnh chia sẻ.
Để hướng đến nền nông nghiệp bền vững, thời gian qua tại xã Ia Bă (huyện Ia Grai), nhiều bà con nông dân cũng đã từng bước loại bỏ thuốc hóa học để chuyển dần sang sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Đang chăm sóc vườn sầu riêng hơn 2ha của gia đình, ông nguyễn Viết Khang (thôn Chư Hậu 6, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) cho biết, trước đây gia đình trồng sầu riêng xen với phê nhưng không mang lại hiệu quả, cây trồng thường bị sâu bệnh hại. Sau này gia đình quyết định trồng thuần sầu riêng và sử dụng chủ yếu phân bón hữu cơ với dòng phân bò ủ trấu.
Cũng chính bởi trồng theo hướng hữu cơ nên gia đình chủ yếu sử dụng thuốc BVTV sinh học để phòng bệnh cho cây trồng. Theo kinh nghiệm của ông Khanh, bắt đầu thời điểm sầu riêng ra hoa đến khi đậu trái, gia đình tập trung sử dụng thuốc BVTV sinh học định kỳ để phòng chống sâu hại chích hút và một số bệnh do nấm thông thường.
“Dùng thuốc sinh học phun cho sầu riêng không có mùi hôi, cảm thấy dễ chịu, như vậy sức khỏe chắc chắn được đảm bảo. Hơn nữa, môi trường xung quanh trong lành, đặc biệt chất lượng quả sâu riêng tốt hơn”, ông Khang chia sẻ.
Theo ông Khang, thị trường tiêu thụ ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm, chính vì vậy buộc người dân cũng phải nghiên cứu để đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Đánh giá về vai trò và hiệu quả của thuốc BVTV sinh học trong sản xuất nông nghiệp, ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Grai cho biết, thuốc BVTV sinh học thường có nguồn gốc tự nhiên hoặc được sản xuất bằng công nghệ sinh học, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với thuốc hóa học truyền thống.
Chúng ít gây hại cho các sinh vật không mục tiêu như động vật hoang dã, côn trùng có lợi và hệ vi sinh vật trong đất, bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp, duy trì sự cân bằng sinh học và thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào các hóa chất độc hại và giảm nguy cơ phát triển kháng thuốc. Đặc biệt, sử dụng các sản phẩm thuốc sinh học giúp bảo vệ sức khỏe của nông dân và người tiêu dùng.
Cũng theo ông Thắm, mặc dù có nhiều lợi ích nhưng thuốc sinh học vẫn tồn tại một số hạn chế như yêu cầu bảo quản cao hơn so với các loại thuốc hóa học, thời gian bảo quản ngắn, hiệu quả chậm hơn so với thuốc hóa học…
Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, việc lan tỏa sử dụng thuốc BVTV sinh học nhằm tạo động lực cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, qua đó nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Mặt khác, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng sức khỏe đất phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.
Cũng theo ông Khải, đến năm 2025, tỉnh Gia Lai sẽ phấn đấu trở thành địa phương có tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học dẫn đầu trong trong khu vực Tây Nguyên.
“Để đạt được điều này, thời gian qua đơn vị đã tích cực hướng dẫn nông dân tăng cường sản xuất các chế phẩm hữu cơ, sinh học vào canh tác, ưu tiên sử dụng thuốc BVTV sinh học vào sản xuất, tăng cường áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).
Đồng thời, chỉ dùng các thuốc sinh học đã được đăng ký trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam, sử dụng chế phẩm sinh học chứa các vi sinh vật đối kháng và các vi sinh vật có ích khác để phòng trừ sinh vật gây hại gây cây trồng”, ông Khai chia sẻ.
“Để thúc đẩy và nhân rộng mô hình sử dụng các sản phẩm sinh học trong sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ thực hiện lồng ghép trong các lớp tập huấn để hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác và nông dân hiểu về lợi ích lâu dài. Đồng thời, huyện cũng sẽ phối hợp với một số doanh nghiệp triển khai các dự án về sản xuất nông nghiệp bền vững thông qua việc sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc sinh học hiệu quả”, ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Grai cho biết.
THANH HÓA Bà Sanh mất hơn 30 năm cải tạo vùng đồi cằn thành những vườn cây ăn quả trù phú, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.
BÌNH DƯƠNG HTX Tân Mỹ nổi bật trong ứng dụng công nghệ cao trồng bưởi hữu cơ, góp phần cải thiện độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
THÁI NGUYÊN Để tăng giá trị sản phẩm, phát triển điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, HTX Trà Cao Sơn đang chuyển đổi phương thức sản xuất chè sang hữu cơ.
Giữa đầm sen, lá đang rạc đi trong nắng hanh, những người thợ đào củ sen ngâm mình dùng vòi bơm cao áp sục xuống bùn để củ sen long ra rồi bỏ vào khay.
BÌNH PHƯỚC Cây măng tre canh tác hữu cơ rất dễ vì gần như chẳng có sâu bệnh hại, không phải dùng thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh, chỉ cần chú trọng bón phân hữu cơ.
KON TUM Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, ông Bùi Văn Quyển còn chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo vệ sức khỏe gia đình, người tiêu dùng và môi trường sinh thái.