Thứ sáu, 04/10/2024 | 09:07 GMT +7

  • Click để copy
Thứ sáu- 07:29, 04/10/2024

Lan tỏa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Khi nông dân ‘quay lưng’ với thuốc hóa học

KON TUM Tại Kon Tum, nông dân ngày càng chú trọng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, các chế phẩm thảo mộc trong sản xuất trồng trọt. Đây là tín hiệu rất đáng mừng.
Vườn cây của gia đình ông Nguyễn Văn Ghi 'nói không' với các hóa chất độc hại. Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn cây của gia đình ông Nguyễn Văn Ghi "nói không" với các hóa chất độc hại. Ảnh: Tuấn Anh.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học đang là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp bền vững. Tại tỉnh Kon Tum, nông dân ngày càng chú trọng sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, các chế phẩm thảo mộc tự nhiên. Đồng thời, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV hóa học bởi khó phân hủy, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người.

Động lực sử dụng thuốc sinh học

Huyện Đăk Hà được xem là thủ phủ cà phê và các loại cây ăn quả của tỉnh Kon Tum. Nơi đây cũng xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến nông sản để phục vụ xuất khẩu. Yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về nông sản, thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ… đã trở thành động lực khuyến khích người dân sử dụng rộng rãi thuốc BVTV sinh học trong thời gian qua.

Vườn cây của gia đình ông Ghi chỉ sử dụng các chế phẩm vi sinh để phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn cây của gia đình ông Ghi chỉ sử dụng các chế phẩm vi sinh để phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: Tuấn Anh.

Trong khu vườn đa canh 2,5ha sum suê các loại cây ăn quả như sầu riêng, bưởi, mít, ổi, cam…, ông Nguyễn Văn Ghi (tổ 2, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) cho biết gia đình gần như không sử dụng thuốc BVTV hóa học mà chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học.

Bài liên quan

“Nhà tôi sinh sống ngay trong vườn cây, nếu dùng thuốc hóa học sẽ ô nhiễm môi trường, không thể sống nổi đâu”, ông Ghi bộc bạch. Theo ông Ghi, dùng thuốc hóa học quá nhiều và kéo dài sẽ khiến những sinh vật có lợi sinh sống dưới lòng đất cũng bị tiêu diệt.

Hướng mắt về vườn cây xanh mướt với vẻ mặt đầy tự hào, ông Ghi cho biết từ đầu năm đến nay, gia đình ông chưa phải mất một đồng nào mua phân bón hóa học và thuốc BVTV hóa học mà chỉ sử dụng phân bò ủ hoai và chế phẩm men vi sinh từ đạm cá. 

Đánh giá về hiệu quả của thuốc BVTV sinh học, ông Ghi cho biết, thuốc sinh học rất hiệu quả nhưng phải biết cách sử dụng. "Sử dụng thuốc sinh học cũng giống như thuốc đông y điều trị cho con người, không thể diệt trừ ngay được sâu bệnh mà phải có thời gian và sử dụng nhiều lần. Nhất là đối với cây sầu riêng thường hay bị bệnh nấm, rệp nên thường xuyên phải phun thuốc, nếu không sử dụng thuốc sinh học mà dùng hóa học thì con người nguy cơ chết trước vườn cây", ông Ghi chia sẻ.

Người dân ngày càng quan tâm đến thuốc BVTV sinh học và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ảnh: Tuấn Anh.

Người dân ngày càng quan tâm đến thuốc BVTV sinh học và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ảnh: Tuấn Anh.

HTX Nông nghiệp - Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) hiện có 32 thành viên chính thức và 81 hộ thành viên liên kết sản xuất. Diện tích sản xuất cà phê của HTX hơn 300ha, sản lượng trung bình đạt từ 3,5 - 4,5 tấn/ha/năm. Những năm qua, HTX tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ. Đến nay, đã có có 51ha cà phê của HTX được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và HACCP.

Ông nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung cho biết, các thành viên trong HTX đang có xu hướng sử dụng thuốc BVTV sinh học ngày càng nhiều để hướng đến nền nông nghiệp an toàn, hữu cơ, sinh thái.

"Thuốc hóa học có quá nhiều độc hại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Chính vì vậy, người dân hiện nay đã ý thức được vấn đề này và chuyển đổi sang dùng thuốc sinh học. Mặt khác, người dân hiện nay muốn xuất khẩu sản phẩm chỉ còn cách duy nhất là sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của thị trường", ông Sáu nói.

Cũng theo ông Sáu, hiện nay người dân quan tâm nhiều đến giá trị sản phẩm cà phê hơn là sản lượng. Chẳng hạn, trước đây 1ha cà phê cho năng suất 7 - 8 tấn nhân nhưng sử dụng thuốc hóa học khiến sức khỏe không đảm bảo, trong khi sử dụng thuốc sinh học năng suất cà phê chỉ được khoảng 5 tấn nhân, nhưng sức khỏe được đảm bảo, giá trị sản phẩm cũng cao hơn.

"Để sử dụng thuốc sinh học hiệu quả, người dân cần nắm bắt kỹ vườn cây, khi thấy chớm bị sâu bệnh cần thực hiện phòng trừ ngay mới có tác dụng. Trong khi đó, thuốc hóa học có tác dụng trừ sâu bệnh cấp tốc nhưng sẽ hủy diệt sinh vật trong đất, diệt cả những thiên địch có lợi cho cây trồng...", ông Sáu phân tích.

Dành chính sách cho thuốc sinh học

Theo ông Bùi Đức Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học trong sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích như ít để lại dư lượng trong nông sản, an toàn với con người, môi trường và nhanh chóng phân hủy trong tự nhiên. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát chất lượng nông sản.

Sử dụng thuốc BVTV sinh học cũng phù hợp với xu hướng khi thị trường đang có nhu cầu ngày càng cao đối với nông sản, thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ cũng như việc xây dựng mã số vùng trồng… Đặc biệt thuận lợi trong quản lý sinh vật gây hại tại những mô hình cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

Yêu cầu của người tiêu dùng và tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu ngày càng khắt khe là động lực để nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học. Ảnh: Tuấn Anh.

Yêu cầu của người tiêu dùng và tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu ngày càng khắt khe là động lực để nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học. Ảnh: Tuấn Anh.

Cũng theo ông Trung, thị phần sử dụng thuốc BVTV sinh học ở tỉnh Kon Tum ngày càng có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây trên cơ sở phục vụ cho sản xuất trồng trọt theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, xanh và bền vững.

Để nhân rộng mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh, ông Trung cho biết Chi cục sẽ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền, vận động cũng như hướng dẫn, hỗ trợ, phổ biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực thuốc BVTV sinh học. Đồng thời tuyên truyền về đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh biết, thực hiện.

“Chúng tôi sẽ tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp cũng như có các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế nhằm thúc đẩy việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV sinh học trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”, ông Trung thông tin.

Ông Trung cho biết, các loại thuốc BVTV sinh học thế hệ mới có hiệu quả cao, phổ tác động rộng, cách sử dụng đơn giản sẽ hấp dẫn nông dân tăng cường sử dụng. Các loại thuốc sinh học này có khả năng phân hủy nhanh, thời gian cách ly ngắn nên ít để lại dư lượng độc hại, rất thích hợp sử dụng cho các cây trồng có yêu cầu độ an toàn cao trong sản phẩm như các loại rau, quả và chè…

Tuấn Anh

Tây Ninh dành nhiều chính sách cho nông nghiệp hữu cơ

Tây Ninh dành nhiều chính sách cho nông nghiệp hữu cơ

Người nông dân Tây Ninh có thể làm giàu từ nông nghiệp, đó là mục tiêu Tây Ninh đặt ra dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Dâu tằm chuẩn hữu cơ hút khách du lịch

Dâu tằm chuẩn hữu cơ hút khách du lịch

Tây Ninh Từ kiến thức khi làm việc với người Nhật, anh Nguyễn Thanh Vũ đã bước chân vào nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch, mở ra hướng đi mới trên đất Tây Ninh.

Câu chuyện lúa hữu cơ và nông nghiệp xanh ở Đại Đồng

Câu chuyện lúa hữu cơ và nông nghiệp xanh ở Đại Đồng

Trên địa bàn huyện Thạch Thất, TP Hà Nội hiện có 2.135 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong đó ngành nông nghiệp quản lý 505 cơ sở.

Chàng trai trồng rau hữu cơ theo kiểu 'không giống ai'

Chàng trai trồng rau hữu cơ theo kiểu 'không giống ai'

BÌNH ĐỊNH Nung nóng đất để xử lý nấm bệnh, dùng các chế phẩm sinh học chiết xuất từ thảo dược phòng trị bệnh cho cây..., người làng cho rằng anh là người quá ‘kỳ quặc’…

Xem Thêm