Thứ tư, 20/11/2024 | 16:30 GMT +7
Nguyễn Lê Ngọc Linh, cô gái dân tộc Thổ với dáng người nhỏ nhắn, sinh ra và lớn lên tại xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Năm 2013 Linh tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sau đó làm truyền thông cho một công ty xuất bản tại Hà Nội.
Dù có một công việc thu nhập ổn định, là niềm mơ ước trong mắt bao bạn bè nhưng mỗi lần về quê, Linh lại chứng kiến ngày càng nhiều những quả đồi sau khi khai thác keo, bị đốt nhẵn, trơ trụi. Những ngọn đồi ấy sẽ tiếp tục được trồng lứa keo mới nhưng rồi 4 - 5 năm sau, chúng lại bị khai thác trơ trọi.
Không chỉ cây cỏ bị hủy diệt, thảm thực vật bị bào mòn, đất đai ngày càng cằn cỗi. Những dòng nước từ trên núi cao cũng dần khô kiệt. Những thảm cỏ cứ khô khốc, không còn xanh mướt mát như trong hoài niệm tuổi thơ.
Nơi ấy, bố mẹ và người thân Linh đã khai thác cạn kiệt sinh lực từ lòng đất để nuôi chị em Linh ăn học đến nơi đến chốn. Mỗi lần như vậy, Linh lại lặng người, suy nghĩ thật lâu. Phải làm gì để “đền ơn” đất mẹ? Phải làm gì để đất mẹ ngày càng phì nhiêu?
Ước mơ của Linh là xây dựng một cuộc sống thân thiện. Con người thân thiện với con người; con người thân thiện với môi trường và muôn loài. Linh muốn một cuộc sống thuận theo tự nhiên, ở đó, kể cả cây cỏ cũng được nâng niu, nhất là những cây trồng bản địa có giá trị cho cuộc sống.
Linh muốn người thân có thể sống tốt, sống khỏe, quây quần bên nhau, trên chính mảnh đất của mình và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống vốn có của đồng bào dân tộc Thổ. Linh muốn con cái của mình và những thế hệ mai sau được chạy nhảy, vui chơi đủ trò cùng thiên nhiên, dưới những cánh rừng xanh ngút ngàn…
Cuối năm 2018, Linh quyết quyết bỏ bao mộng ước nơi thị thành xa xôi để về quê lập nghiệp. Đó là một quyết định khó khăn và cũng chẳng ai ngờ tới. Bố mẹ, người thân, bạn bè ngỡ ngàng đã đành, bản thân Linh nhiều lúc tự hỏi, liệu đó có phải là một quyết định đúng đắn?
Ở vùng đất này, cây keo đem lại nguồn thu, dù không lớn nhưng ổn định cho người dân. Nhưng chỉ độc cây keo, sau chu kỳ khai thác, gần như tầng thảm thực vật biến mất, nguồn nước cũng theo đó khô cạn dần.
Sau bao đêm gác tay lên trán, Linh quyết định xây dựng mô hình nông lâm kết hợp với tên gọi “Vườn rừng bản Thổ” và thành lập Hợp tác xã Bản Thổ, hướng tới mục tiêu tạo ra một mô hình vườn rừng bền vững.
Điều khác biệt trong mô hình của Linh là sinh kế không được tạo ra từ việc phải khai thác tận thu, chặt đi vườn rừng. Ở đó, nông dân không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học mà cây trồng vẫn phát triển tươi tốt.
Từ ý tưởng này, Linh liên kết với các hộ nông dân xung quanh để trồng vườn rừng và mở rộng diện tích ra những vùng đồi trọc, trồng độc canh keo, cao su để người nông dân có thể sống đủ đầy, sống khỏe mạnh trên chính mảnh đất của mình.
Năm 2020, Dự án Phát triển vườn rừng, xây dựng hệ sinh thái thực phẩm tạo sinh kế bền vững gắn liền với khôi phục văn hóa đồng bào dân tộc Thổ tại Hóa Quỳ (Như Xuân, Thanh Hóa) của nhóm tác giả Nguyễn Lê Ngọc Linh và Phạm Văn Phong xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020 và đạt giải “Dự án nông nghiệp phát triển bền vững”, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen.
Nguyễn Lê Ngọc Linh được tôn vinh là 1 trong 90 cán bộ đoàn viên, thanh niên tiêu biểu nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh do Tỉnh Đoàn Thanh Hóa tổ chức.
Khi Linh trình bày ý tưởng của mình, ai cũng lặng nghe và tấm tắc khen, nhưng kể cả bố mẹ cô cũng cho rằng, nó giống như một câu chuyện cổ tích. Mà cổ tích thì không phải câu chuyện nào cũng có thật.
"Vườn rừng bản Thổ" trong ý tưởng của Linh là mô hình mẫu thúc đẩy canh tác thuận tự nhiên, tự chủ nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu trong sản xuất nông nghiệp. Đất trở nên màu mỡ hơn thông qua việc đa dạng hóa cây trồng, bổ sung lại vật chất hữu cơ cho đất; phục hồi sinh cảnh, tái sinh những cánh rừng.
Hệ sinh vật trong lòng đất nhờ đó sẽ được phục hồi, góp phần ngăn chặn sự hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm không khí. Từ ý tưởng này, Linh hi vọng sẽ phủ xanh bền vững hàng trăm ha đất đồi đang trọc hoặc độc canh cây lâm nghiệp trên địa bàn.
Linh khởi đầu ý tưởng của mình với 3 ha đất rừng của gia đình. Đây là diện tích nằm lọt thỏm giữa ngọn đồi 6 ha, bao quanh là hàng trăm ha keo và rừng thứ sinh, cách xa vùng dân cư và canh tác nông nghiệp khác, đảm bảo vùng đệm cách ly cho canh tác sạch thuận tự nhiên.
Mô hình "Vườn rừng bản Thổ" bắt chước hệ sinh thái rừng tự nhiên, đa tầng tán, đa loài cây trồng trên cùng một diện tích canh tác. Cây trồng được sử dụng tối ưu ánh sáng mặt trời, cộng sinh cùng phát triển. Trên một diện tích canh tác, Linh thu hoạch được nhiều vụ khác nhau, đa dạng nguồn thu. Đất cũng sẽ được cải tạo, phì nhiêu hơn qua mỗi lần thu hoạch, cắt tỉa khi được trả lại lượng sinh khối che phủ lớn.
Sản phẩm từ mô hình vườn rừng chính là trồng cây rừng, dược liệu bản địa, trồng cây ăn quả và chăn nuôi các giống bản địa với thức ăn sử dụng được chế biến 100% từ nguyên liệu sản xuất tại chỗ.
Đến nay, dự án "Vườn rừng bản Thổ" của Linh đã trồng và phủ xanh được 3 ha với gần 60 loài với cây rừng bản địa lâu năm như dổi, trám, dẻ, bồ hòn, tai chua…; các loài cây ăn quả như ổi, bưởi, cam, quýt, hồng xiêm, xoài, lê, táo, na, mít, đào, mận, chuối, dứa, đu đủ…; cây dược liệu như sả, gừng, tỏi, nghệ, tía tô, bồ công anh…
Linh trồng cây lương thực để chủ động làm thức ăn chăn nuôi như ngô, sắn, củ từ, khoai lang. Dưới tán cây và các khu đất trống, linh trồng các loài cây cải tạo đất và lấy sinh khối phủ đất như đậu đen, vừng, đậu tương, lạc, chùm ngây… Đối với rau màu, gia vị, mùa nào thức ấy, Linh lựa chọn trồng bầu, bí ngô, mướp, đậu đũa, rau muống, mùng tơi, rau dền, mùi tàu, lá lốt, lá đắng, mía, kết hợp chăn nuôi gà bản địa và nuôi ong.
Linh tự làm được phân bón từ vật liệu cây cỏ xung quanh như thân đậu, thân chuối, cá tạp, cỏ lau; tự làm thuốc trừ sâu từ cây cỏ bằng việc ứng dụng vi sinh vật bản địa có lợi IMO, đồng thời chủ động hoàn toàn nguồn phân bón cho cây trồng, thức ăn cho vật nuôi.
Đến nay, sau khi đi vào hoạt động ổn định, mô hình "Vườn rừng bản Thổ" của Nguyễn Lê Ngọc Linh đã đem về thu nhập cho gia đình Linh khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 4 lao động chính và 10 lao động thời vụ với mức lương 4 - 5 triệu/người/tháng.
HTX Bản Thổ gắn sản xuất với việc chế biến nông sản để hoàn thiện và nâng cao giá trị các sản phẩm bản địa để đưa ra thị trường. Đến nay, Linh đã chế biến sâu một số loại nông sản như mật ong lên men; gừng ngâm mật ong lên men, tỏi ngâm mật ong lên men, nghệ ngâm mật ong lên men.
Trong tương lai, Linh dự kiến sẽ nhân rộng mô hình, xây dựng vùng nguyên liệu có kiểm soát để chế biến nông sản; phát triển du lịch bền vững gắn liền với khôi phục văn hóa cổ truyền của người dân tộc Thổ.
THANH HÓA Từ khi nhân nuôi kiến vàng, vườn bưởi của anh Mão rất sạch sinh vật gây hại, không còn phải phun thuốc bảo vệ thực vật, năng suất bưởi tăng, mẫu mã quả đẹp, ngon.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.
Các mô hình nuôi lợn thịt đạt trên 70% tiêu chí hữu cơ, an toàn sinh học, tuần hoàn khép kín, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi...
THANH HÓA Bà Sanh mất hơn 30 năm cải tạo vùng đồi cằn thành những vườn cây ăn quả trù phú, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.