Thứ sáu, 17/05/2024 | 16:19 GMT +7

  • Click để copy
Thứ tư- 08:35, 30/11/2022

Lương Sơn ký sự

Chủ vườn bưởi hữu cơ được Thủ tướng tặng bằng khen

HÒA BÌNH Không chỉ quyết thay đổi bản thân để chuyển sang sản xuất hữu cơ, anh Hương còn thúc đẩy cả cộng đồng quê mình cùng vào cuộc trong việc canh tác theo hướng hữu cơ...

Di tản người, nhốt gà, xích chó mỗi lần phun thuốc

Bài liên quan

Trong khí núi trong lành, xao xác tiếng gà trưa, vườn bưởi sau cơn mưa được gột sạch những bụi bặm, óng lên một màu xanh mát mắt, từng giọt nước đọng lại trên lá cũng long lanh như những hạt ngọc. Nhẩn nha hái mấy quả bưởi đào tiến vua, bưởi Diễn trong vườn, anh Đỗ Quốc Hương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Tân, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình tự tay gọt rồi mời tôi ghé vào căn nhà nằm giữa vườn cùng thưởng thức.

Những múi bưởi căng mọng thơm dìu dịu, ngọt nhẹ nhàng, không the đắng mà để lại hậu vị đậm đà, chân chất đúng kiểu canh tác hữu cơ. Nếu thu hoạch xong mà để thêm một thời gian cho quả xuống nước rồi mới ăn thì còn ngon hơn nữa. Đưa cho tôi xem bằng khen của Thủ tướng, anh Hương bảo, giọng đầy tự hào: “Cả tỉnh Hòa Bình chỉ có 2 nông dân được nhận đợt này thôi”.

Empty

Ngôi nhà của anh Đỗ Quốc Hương nằm giữa vườn bưởi xanh mướt mát. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Vốn là dân tỉnh Hà Tây cũ đến ngụ cư, trước đây anh làm công nhân nông trường chè Lương Mỹ nhưng đến năm 1993 thì đơn vị này giải thể, giao lại đất cho người lao động. Từ đó anh ngày đêm nghiên cứu cách thức làm giàu từ vườn cây. Mới đầu, anh sưu tầm 30 gốc bưởi Diễn về trồng, 3 năm sau thì chúng ra bói, bán được 12.000 - 15.000đ/quả, tương đương 5 - 6kg gạo hay bằng 1 ngày công hồi đó.

Như một người đi lạc vào trong rừng sâu tăm tối bỗng tìm thấy được lối, vợ chồng anh mải mê trồng thêm các loại bưởi Diễn, bưởi đào tiến vua, bưởi da xanh, trong khi lúc ấy cả vùng hầu như cũng chỉ toàn là vườn tạp. Chỉ trong một thời gian ngắn, họ rủng rỉnh tiền, buộc tiêu, buộc để dành mà trước đây có nằm mơ giữa ban ngày cũng không bao giờ dám nghĩ tới.

Đỉnh cao nhất là suốt nhiều năm, từ 2017 đến 2020, giá bưởi luôn đạt ở mức 35.000đ/quả, ngay cả những quả bị ong châm, rụng xuống đất rồi cũng vẫn bán được 5.000đ/quả, mỗi năm họ thu lãi trung bình 700 triệu đến 1 tỉ đồng. Hiệu quả kinh tế của cây bưởi lúc đó và có thể mãi về sau ở vùng này chưa một thứ cây gì sánh được. Nhưng đó cũng là lúc anh Hương bừng tỉnh về kiểu canh tác lạm dụng hóa chất, khi thấy một số nhà vườn của tỉnh Hòa Bình bị đột tử hay bị chết vì ung thư. Tiền bạc, sổ đỏ đất, nhà đẹp, xe sang lúc đó cũng trở nên vô nghĩa hết.

Empty

Anh Đỗ Quốc Hương bên một gốc bưởi Diễn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thong thả nhấp chén trà hữu cơ cũng của nhà làm ra, anh kể tiếp về một quãng thời gian chưa xa, khi gia đình mình còn canh tác phụ thuộc vào hóa chất, dù cây bưởi khá khỏe nhưng mỗi năm ít nhất phải 3 - 4 lần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Nhà lại ở giữa vườn nên những lần như vậy anh phải di tản bố mẹ già cùng con cái đi gửi hàng xóm hay người thân mấy ngày để hơi thuốc bay bớt đi mới dám cho về. Đến ngay cả những vật nuôi như gà, vịt cũng phải nhốt lại trong chuồng, không dám thả ra, chó mèo cũng phải xích lại một chỗ vì sợ nhiễm độc ốm mà chết.

Chỉ còn có hai vợ chồng anh cùng mấy người công nhân đánh vật với đám dây dẫn thuốc sâu dài ngoằn nghèo, ngày kéo nó đi khắp vườn để phun, hơi hóa chất bay lên mịt mù như sương; đêm về đóng kín cửa chịu đựng mùi hăng nồng một mình trong nhà. Trừ những lúc ăn, uống bắt buộc phải mở miệng ra đành phải chịu, chứ kể cả khi đi ngủ họ vẫn còn đeo khẩu trang để tránh mùi.

Vậy mà người vẫn mệt nhoài, mồm miệng đắng nghét, nhai cơm cứ như nhai rơm, giấc ngủ thường xuyên mộng mị bởi lúc nào cũng lo sợ mắc bệnh...

Vậy là năm 2018, anh bắt đầu chuyển sang canh tác áp dụng theo chuẩn VietGAP, đến năm 2019 chuyển sang chuẩn hữu cơ, trước tiên là để cứu lấy chính bản thân cùng với gia đình mình chứ chưa nghĩ được gì xa xôi cả. 

Empty

Bằng khen của Thủ tướng dành cho anh Đỗ Quốc Hương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh ngưng sử dụng hóa chất, quan tâm đến việc bổ sung dinh dưỡng để cải tạo đất sao cho màu mỡ bằng cách bón phân hữu cơ kết hợp với vi sinh giúp cây trồng có một sức khỏe tốt nhất.

Hễ đặt lưng xuống là ngủ ngon

Từ hồi chuyển sang canh tác hữu cơ, gia đình họ không phải di tản người già và trẻ con mỗi năm 3 - 4 lần nữa. Thành viên nào cũng có thể đi tập thể dục ngay trong vườn bất cứ thời gian nào trong năm để hít hương thơm của hoa lá chứ không phải là mùi hóa chất hôi, hăng nồng nặc. Nếu như xưa, tháng nào anh Hương cũng bị viêm họng tưởng như đã mãn tính nhưng mấy năm nay thì không còn bị nữa bởi môi trường trong lành, tư tưởng thoải mái, sức khỏe được phục hồi dần.

Ở tuổi gần 60 nhưng hễ đặt lưng xuống là anh ngủ ngon từ 10 giờ đêm cho tới 5 giờ sáng, ăn cái gì cũng thấy ngon, không còn cái cảm giác trệu trạo như nhai rơm, mồm miệng đắng nghét như uống thuốc như dạo trước.

Empty

Vườn bưởi đã thu hoạch bán vãn, chỉ còn vài gốc là sai quả. Ảnh: Tùng Đinh.

“Sản xuất lạm dụng hóa chất khai thác hết sức khỏe của cây, bóc lột cây, vừa hại đất, vừa hại cây, vừa hại người. Tôi giờ trong Ban chấp hành Hội Làm vườn Trung ương, Ban chấp hành Liên minh HTX tỉnh, Ban thường vụ Hội Làm vườn tỉnh. Trên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tôi luôn cảnh báo rằng nếu cứ lạm dụng hóa chất thế này thì chẳng mấy chốc sẽ ung thư hết. Một số chủ vườn cam mỗi năm doanh thu mấy tỉ ở huyện Cao Phong, huyện Lạc Thủy của tỉnh Hòa Bình cũng đang mắc bệnh rồi.

Như anh bạn tôi có 2ha cam, mỗi năm thu hơn 2 tỉ đồng kéo dài 4 - 5 năm liền, nhà cửa, xe cộ đầy đủ thế mà đùng cái năm 2020 bị đột tử. Cái chết của anh khiến cho nhiều hội viên Hội Làm vườn của tỉnh Hòa Bình phải bàng hoàng, rúng động vì đó là một trong những người xuất sắc nhất”, anh Hương xót xa kể.

Không chỉ thay đổi bản thân, anh Hương còn muốn cả cộng đồng quê mình cùng vào cuộc trong việc canh tác theo hướng hữu cơ. Bởi thế, năm 2011, anh đứng ra thành lập Hội Làm vườn của xã với 21 thành viên, sau đó đến tổ hợp tác rồi tiến lên HTX Nông nghiệp Mỹ Tân với 55 thành viên, 128ha đất trồng bưởi, ổi, cây cảnh, thảo dược, chè… liên kết từ trồng trọt đến sơ chế, bảo quản, tiếp thị, chăm sóc khách hàng. Vai trò chính của HTX là tập hợp các thành viên để trao đổi kỹ thuật cũng như cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng cả về chất lượng, số lượng và thị hiếu người tiêu dùng.

Empty

Niềm vui đi dạo quanh trang trại mỗi ngày của anh Đỗ Quốc Hương. Ảnh: Tùng Đinh.

Anh Hương đi tham quan, học hỏi từ nhiều mô hình nông nghiệp hay trong và ngoài nước, từ đó chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên HTX để cùng nhau quy hoạch lại vườn, cải tạo đất, thiết kế đường lô, trồng cây theo hàng lối đồng mức, áp dụng hệ thống tưới tự động, tưới phun mưa… Nhằm hạn chế sâu bệnh và côn trùng từ đất gây hại cây, họ quét vôi vào các gốc, đồng thời buộc những bẫy nhựa dính để tiêu diệt côn trùng bay vào hại cây.

Nhờ đó, nhiều diện tích của các thành viên đã được công nhận VietGAP, hữu cơ PGS, hàng năm cung cấp ra thị trường hàng chục ngàn tấn sản phẩm. Một số khách hàng lớn, tiêu biểu của HTX có thể kể đến như siêu thị BigC, chuỗi cửa hàng Bác Tôm, Sói Biển, bếp ăn của Văn phòng Chính phủ…

HTX đã có mô hình vườn mẫu cấp huyện, cấp tỉnh mà điển hình là vườn nhà anh Hương với 21.000m2 gồm bưởi, chè, ao cá, chuồng trại khép kín, lấy chính phân của vật nuôi ủ kỹ để bón cho cây, trồng các loại hoa vừa giúp xua đuổi côn trùng có hại, vừa để trang trí, làm đẹp. Nhờ khoản thu nhập ổn định mà gia đình anh đã nuôi dạy hai con ăn học, đỗ đạt vào các trường đại học tốp đầu trong nước, rồi cho đi du học và trở lại phục vụ Tổ quốc.

Khác với thời kỳ hoàng kim, giá các loại bưởi nói chung, bưởi Diễn nói riêng đang đà xuống dốc do quá nhiều nơi đua nhau trồng. Dù là canh tác hữu cơ nhưng hiện trang trại chỉ còn thu lãi khoảng 200 triệu/năm nhưng tư tưởng của anh Hương vẫn thoải mái vì biết đủ, biết lấy sức khỏe của mình và cộng đồng làm trọng.

Dương Đình Tường - Phạm Hiếu

Chiến khu xưa chuyển mình sang sản xuất hữu cơ

Chiến khu xưa chuyển mình sang sản xuất hữu cơ

ĐỒNG NAI Do nhu cầu về nông sản an toàn ngày càng tăng cao, không ít nông dân xã Phú Lý đã ý thức chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hướng hữu cơ.

Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, đặt nền móng cho sản xuất hữu cơ

Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, đặt nền móng cho sản xuất hữu cơ

NGHỆ AN Nâng cao năng suất, chất lượng, cây lúa chống chịu sâu bệnh tốt, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái là những giá trị mà mô hình áp dụng IPHM mang lại.  

Những vườn bưởi tiền tỷ ở vùng đất gò đồi

Những vườn bưởi tiền tỷ ở vùng đất gò đồi

QUẢNG BÌNH Nhờ canh tác trồng bưởi theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, nhiều hộ dân có thu nhập tiền tỷ từ vùng đất gò đồi trước đây sản xuất kém hiệu quả.

Xây dựng chuỗi liên kết, chìa khóa để nông nghiệp hữu cơ cất cánh

Xây dựng chuỗi liên kết, chìa khóa để nông nghiệp hữu cơ cất cánh

Việc xây dựng các chuỗi liên kết đóng vai trò quan trọng, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Mô hình cá - lúa: Lúa sạch, cá ngon nhưng vì sao khó mở rộng?

Mô hình cá - lúa: Lúa sạch, cá ngon nhưng vì sao khó mở rộng?

BẮC GIANG Chiếc chài trong tay ông Vũ từ từ kéo lên, trong đó mấy con chép, trôi của vụ lúa cá trước giãy ầm ầm. Chọn lấy ba con to nhất ông đem về đãi khách.

Xem Thêm