Thứ tư, 20/11/2024 | 04:19 GMT +7
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại những lợi ích về môi trường, sức khỏe con người, nâng cao giá trị kinh tế mà còn là giải pháp bền vững, giúp nông sản Việt có thể rộng cửa để xuất khẩu tới các thị trường lớn có giá trị cao. Trong xu thế đó, huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) đã và đang thực hiện tốt việc liên kết "4 nhà" để xây dựng vùng nguyên liệu quế hữu cơ.
Văn Yên là vựa quế lớn nhất cả nước. Phát triển giữa vùng đất khí trời thuần khiết trong lành, được hưởng những điều kiện thổ nhưỡng đặc thù nên quế nơi đây được coi là "đệ nhất cao sơn ngọc quế". Từ hàng trăm năm qua, cây quế đã mang lại cuộc sống no ấm cho người dân Văn Yên từ đời này sang đời khác. Tổng diện tích quế của toàn huyện hiện có hơn 57.000ha, bình quân mỗi năm toàn huyện cung cấp ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Ông Phạm Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, cây quế đã gắn bó với người dân trong huyện từ lâu. Đây là cây trồng gắn liền với phong tục của người Dao đỏ bản địa. Cây quế có tên khoa học là Cinnamomum cassia.BL, thuộc giống Cinnamomum, họ Lauraceae. Sản phẩm chính của cây quế là vỏ quế và tinh dầu được sử dụng nhiều trong y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, hương liệu và chăn nuôi.
Quế được trồng ở tất cả 25 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Năm 2010, Văn Yên đã được xác lập chỉ dẫn địa lý cho vùng quế tại 8 xã phía hữu ngạn sông Hồng như: Châu Quế Hạ, Xuân Tầm, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Tân Hợp, Đại Sơn, Mỏ Vàng và Viễn Sơn. Doanh thu từ các sản phẩm quế của huyện đạt từ 600 - 800 tỷ đồng/năm, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, giúp người dân ngày càng hài lòng, hạnh phúc với cuộc sống tại quê hương mình.
Hiện nay, diện tích quế hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, Mỹ của huyện đạt hơn 11.000ha; dự ước đến hết năm 2024, tổng diện tích quế hữu cơ đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ đạt trên 15.000ha.
Cùng với vận động nhân dân tích cực đầu tư mở rộng diện tích, khai thác phù hợp, huyện Văn Yên đã vận động người dân trồng quế theo vùng tập trung với các giống quế chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Huyện đặc biệt chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ rừng trồng sản xuất; tổ chức tập huấn cho người dân cách trồng, chăm sóc, khai thác, bảo vệ quế đúng quy trình kỹ thuật.
Ngoài ra, huyện Văn Yên cũng đã thành lập Hội Sản xuất và Kinh doanh quế Văn Yên, Hiệp hội Chế biến, Kinh doanh tinh dầu quế để liên doanh, liên kết từ khâu trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở chế biến, thu mua và tiêu thụ sản phẩm từ vỏ, gỗ, cành, lá. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện có hàng trăm cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm vỏ quế với các sản phẩm chính như: Quế kẹp, quế khâu, quế chẻ, quế bào ống điếu, quế khúc, quế thuốc lá, quế bột, các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ…
Toàn huyện hiện đã có 43 sản phẩm OCOP, trong đó có 19 sản phẩm từ quế, gồm 18 sản phẩm 3 sao, 1 sản phẩm OCOP 4 sao, đang xây dựng 1 sản phẩm OCOP 5 sao từ quế sáo. Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện có 2 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, trong đó bày bán nhiều sản phẩm về quế.
Theo Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Văn Yên, đến nay trên địa bàn huyện có 212 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống quế. Trong đó có 3 HTX sản xuất, kinh doanh giống quế, còn lại là sản xuất, kinh doanh theo quy mô hộ gia đình.
Hoạt động thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm quế diễn ra sầm uất quanh năm với trên 200 cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm quế vỏ, hơn 21 cơ sở chưng cất tinh dầu quế. Với quy mô đó, hàng năm toàn huyện cung ứng cho các địa phương trong và ngoài huyện gần 50 triệu cây quế giống, xuất bán trên 6.000 tấn quế vỏ khô, cung cấp trên 65.000 tấn cành lá quế cho các cơ sở chưng cất tinh dầu, sản lượng tinh dầu đạt trên 300 tấn. Ngoài ra, tận thu trên 60.000m3 gỗ/năm. Tổng giá trị các sản phẩm từ quế năm 2023 của huyện đạt trên 600 tỷ đồng.
Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn huyện đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư 12 nhà máy với dây chuyền hiện đại thu để thu mua, chế biến các sản phẩm quế với chất lượng cao để xuất khẩu, điển hình như Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà, Olam Việt Nam, Prosy Thăng Long…
Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà được thành lập từ năm 1992. Công ty đã thu mua nguyên liệu quế tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai từ cách đây hơn 30 năm. Năm 2015, Công ty chính thức thành lập chi nhánh tại Yên Bái, đến năm 2018 tiếp tục mở rộng, đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng nhà máy tại xã Yên Hợp, huyện Văn Yên.
Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà là một thương hiệu gia vị hữu cơ cao cấp lớn, chuyên chế biến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi, tiêu. Công ty đang cung cấp nguyên liệu quế và một số gia vị khác cho các nhà sản xuất dược phẩm, đồ uống, trang trí hàng đầu thế giới ở EU, Mỹ, Trung Đông...
Theo ông Lê Văn Long, Trưởng phòng Dự án (Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà) cho biết, Yên Bái được coi là thủ phủ quế của Việt Nam với diện tích lớn nhất cả nước. Trong đó, huyện Văn Yên là trung tâm đầu mối, người mua người bán tấp nập, giống như "chợ quế" của cả Việt Nam chứ không riêng của Yên Bái.
Để bước chân vào những thị trường cao cấp ở nước ngoài, Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà đã không ngừng nỗ lực để đạt được những chứng nhận uy tín – coi đó là "giấy thông hành" để đưa sản phẩm của doanh nghiệp đến với các thị trường khó tính. Hiện nay, sản lượng trung bình của Công ty đạt hơn 2.000 tấn quế vỏ khô/năm, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hơn 180 lao động tại địa phương.
Năm 2023, Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà đã được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt dự án đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến quế với tổng số vốn hơn 280 tỷ đồng. Dự kiến sau khi hoàn thiện, mỗi năm Công ty sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1.900 tấn quế sáo, hơn 990 tấn quế mảnh… Dự kiến sau khi có nhà máy mới, Công ty sẽ tiếp tục mục tiêu sản xuất quế sạch và xuất khẩu trực tiếp từ Văn Yên đi thị trường quốc tế.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.
Các mô hình nuôi lợn thịt đạt trên 70% tiêu chí hữu cơ, an toàn sinh học, tuần hoàn khép kín, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi...
THANH HÓA Bà Sanh mất hơn 30 năm cải tạo vùng đồi cằn thành những vườn cây ăn quả trù phú, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.
BÌNH DƯƠNG HTX Tân Mỹ nổi bật trong ứng dụng công nghệ cao trồng bưởi hữu cơ, góp phần cải thiện độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.