Thứ bảy, 21/12/2024 | 23:36 GMT +7
Ông Lương Trung Tuyển - Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Bảo Yên (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) cho biết cách đây chừng 20 năm, lúa tái sinh hay bà con vẫn gọi là lúa chét, lúa dong ai có công trông thì có thu hoạch.
Hồi ấy hạt thóc còn có giá nên người ta dựng lều ngay trên các cánh đồng để ngăn trâu bò xuống phá lúa tái sinh, trung bình mỗi gia đình quản lý cỡ 10 mẫu. Sau giai đoạn đó, người dân dần cho thuê ruộng trong vụ mùa để thả cá thì chủ thầu thu lúa tái sinh hoặc thả vịt, dâng nước vào cho cá ăn để đỡ được một phần mua cám. Ông Nguyễn Văn Thắng ở khu 3 (xã Bảo Yên) vừa thả cá vừa trông lúa tái sinh, mỗi vụ gặt được cả tấn thóc.
Mấy năm gần đây, bà con ở xã Bảo Yên dù có cho thuê ruộng thả cá nhưng phần lớn vẫn thu lại lúa tái sinh. Hiện mỗi khu có chừng 10 người đi thu, gặt lúa tái sinh như vậy. Thóc gạo không còn quý giá như trước nên chẳng còn ai phải dựng lều để trông nữa. Trung bình mỗi sào lúa tái sinh họ thu được chừng 50kg thóc.
Lúc còn phổ biến gặt bằng tay, diện tích lúa tái sinh của xã Bảo Yên lên tới 150ha, từ hồi gặt máy phát triển, diện tích bị co lại, chỉ còn cỡ 50ha, tập trung ở cánh đồng trước đình, đồng Trang và đồng Thắng. Trong khi đó, diện tích một lúa một cá (một vụ lúa, 1 vụ cá/năm) của xã phình to thêm, hiện lên tới 187ha (trong đó gồm cả 50ha lúa tái sinh, có cho thu hoạch). Diện tích còn lại do bánh xích của máy gặt vò nát hoặc ngập sâu quá, lúa tái sinh không phát triển được.
Thiếu nhân công nên máy gặt là xu thế không thể cưỡng lại ở các vùng nông thôn hiện nay. Xã Bảo Yên mới được huyện Thanh Thủy và ngành nông nghiệp hỗ trợ để phát triển mô hình trồng lúa áp dụng tiêu chuẩn VietGAP rộng 30ha, với 140 hộ tham gia. Tham gia vào mô hình đó, bà con được tập huấn kỹ thuật, cùng sử dụng chung một giống là Thụy Hương 308, cùng giảm phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học nhưng năng suất vẫn đạt 2,6 - 2,7 tạ sào.
Tuy nhiên do lao động trong chủ yếu là người có tuổi nên còn ngại ghi chép nhật ký theo đúng yêu cầu của VietGAP. Điều quan trọng hơn là giá thóc VietGAP vẫn bán như thóc thường, không có đơn vị nào bao tiêu sản phẩm nên để duy trì và mở rộng diện tích trồng lúa áp dụng theo tiêu chuẩn này vẫn là một bài toán khó hiện nay.
Cũng bởi thiếu lao động trầm trọng nên vừa rồi có một trận mưa lớn, gió to khiến nhiều thửa ruộng lúa bị đổ nhưng bà con vẫn cố dựng chúng lên, đợi gặt máy chứ nhất định không chịu gặt tay để lấy lúa tái sinh như trước nữa. Lúc tôi đến, trên cánh đồng những chiếc máy gặt bò tới lui như những con cua khổng lồ, vươn cặp càng sắc lẹm vào từng đám lúa lớn, để lại phía sau những vệt bánh xích đầy bùn và thân rạ nát bấy.
Bà Lương Thị Tuyến ở khu 3 (xã Bảo Yên) nói khu vực nào rơm nổi lên trên mặt ruộng sau khi gặt máy là không có lúa tái sinh nữa, xám một màu bùn. Chỉ còn lác đác ít màu xanh trên cánh đồng của những thửa ruộng gặt tay là có lúa tái sinh. Trước bà Tuyến cấy hơn 1 mẫu lúa, sau khi thu hoạch vụ xuân thì để lúa tái sinh, thu được 6 - 7 tạ thóc nhưng mấy năm nay gặt máy nên không còn được bao nhiêu, đành phải cho người ta trông, gặt.
Trước đây khi ruộng ít nước bà con ở xã Bảo Yên còn bón vài cân phân cho lúa tái sinh nhưng giờ đây các chủ thầu thả cá, dâng nước mênh mông nên họ không còn bón nữa.
Để lúa tái sinh trong vụ mùa ở Bảo Yên giờ không cho nhiều hiệu quả kinh tế như trước nữa nhưng vẫn mang lại lợi thế về môi trường bởi không phải dùng phân hóa học, thuốc BVTV. Lúa tái sinh còn tạo điều kiện cho nghề nuôi trồng thủy sản trên các cánh đồng ở đây phát triển bền vững, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái. Xã có hơn 10 hộ thầu thả cá trên đồng, người ít cũng 20 mẫu, người nhiều tới 40 - 50 mẫu. Họ thuê ruộng của dân trong vụ mùa từ ngày 1/6 tới 1/12 thì bàn giao lại để cấy tiếp, mức trả sản trung bình từ 100.000 - 120.000đ/sào.
Anh Nguyễn Văn Quý thầu 37 mẫu ruộng chung với anh rể Nguyễn Đức Dân để thả cá như thế. Trước đây khi nông dân còn gặt tay, để lúa tái sinh không bao giờ bị hiện tượng thối gốc rạ nên cá nuôi trong ruộng rất khỏe mạnh, phát triển nhanh. Giờ gặt máy, rạ thối, nước hỏng, hết oxy nên gây ngạt chết cả cá.
“Năm 2021 anh em tôi thả cá bị chết 4,5 tấn do trời không có mưa, nước trong ruộng bị thối và loang ra đúng vào những hôm mất điện, không chạy được quạt sủi. Năm 2023 anh em tôi thả cá cũng bị chết hơn 2 tấn như vậy. Trước đây, mỗi năm chúng tôi thu được 16 - 17 tấn cá nhưng giờ có năm chỉ được non nửa.
Cá nuôi trên đồng ăn sâu bọ, ốc, tép, ngô, cám nên thịt rất ngon nhưng xưa bán còn có giá, giờ bán như “cá chó”, giá rất rẻ. Thị trường giờ đòi hỏi cá trọng lượng lớn mà không cần biết đến chất lượng nên những người nuôi thả trên đồng như chúng tôi bị thua thiệt bởi xưa cá chép 8 lạng đã là hạng A, bán 70.000đ/kg, nay phải 1,6kg mới đạt A mà chỉ bán được 45.000đ/kg thôi”, anh Quý than thở.
Anh Tăng Văn Bình ở khu 5 (xã Bảo Yên) đã nuôi cá chung với hai hộ khác ngoài đồng được 20 năm nay, cứ hết vụ xuân họ lại thuê 70 mẫu ruộng để thả giống. Một vụ lúa, một vụ cá là cách tận dụng vùng chiêm trũng hiệu quả nhất, vừa quang đồng, bớt cỏ, giúp bà con cấy hái dễ, vừa đem lại hoa lợi cho người thầu ruộng.
“Trước đây, khi chưa nuôi cá trong vụ mùa, đồng rất rậm, muốn cấy nông dân phải thuê người bốc cỏ, thuê người cày bừa rất tốn. Nay chúng tôi nuôi cá xong, trả lại ruộng, bà con chỉ việc xuống cấy, không phải bốc cỏ, cày bừa gì. Hợp đồng cứ 5 năm/lần với giá 100.000 - 120.000đ/sào/vụ nên cả hai phía đều có lợi”, anh Bình phân tích.
Thời gian đầu, khi cá còn nhỏ, họ nuôi gột chúng ở trong mương máng, cho ăn cám kèm ngô và cỏ, đợi khi bà con gặt xong lúa xuân, cũng là lúc cá đạt trọng lượng cỡ 20 con/kg mới cho xuống đồng. Họ thả đủ loại cá như trắm, chép, trôi, chim, chuối, rô phi để tận dụng lợi thế của từng giống. Trắm ăn cỏ, chép cày bùn ăn giun, mè ăn chất phù du cùng chất thải của cá khác, cá chuối ăn tép và cá nhỏ...
Đầu hè, 5 - 7 tấn cá giống thả xuống đồng, nếu suôn sẻ cuối thu sẽ đánh được hơn 30 tấn cá thương phẩm. Dù diện tích lớn, 3 gia đình chung nhau làm nhưng lao động thường xuyên chỉ có mỗi anh Bình ở trên đồng 24/24, còn lại khi đánh bắt mới cần huy động tới.
Ngoài thả cá họ còn nuôi mỗi năm 1 vạn con vịt, trong đó 5.000 vịt siêu trứng, 5.000 vịt thịt để chúng tận dụng lúa vương vãi ngoài đồng, con tôm, con ốc dưới nước. Chất lượng trứng, thịt vịt thả đồng ngon hơn hẳn vịt nuôi công nghiệp, tuy nhiên đáng buồn thay giá bán vẫn chỉ ngang với sản phẩm thông thường.
Trước đây khi bà con còn gặt tay và để lúa tái sinh môi trường nước tốt, nuôi cá thường trúng nhưng vài năm nay gặt máy, gốc rạ bị nát, trong 70 mẫu ruộng thuê ấy chỉ có chừng 10 mẫu còn lúa tái sinh nên lượng thức ăn tự nhiên giảm, môi trường nước kém chất lượng. Tổng thu từ cá, vịt mỗi vụ của nhóm thầu mỗi gia đình được 50 - 70 triệu đồng nhưng có những vụ nước thối, cá chết trắng đồng thì coi như hòa vốn, lỗ công thả...
Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Thọ Lúa khẳng định, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đang khuyến khích sản xuất theo công thức một vụ lúa xuân, một vụ lúa tái sinh cộng với nuôi cá ở vụ mùa bởi đầu tư thấp nhất nhưng hiệu quả lại cao nhất.
Tuy nhiên công thức này chỉ nên áp dụng trên đồng trũng, máy gặt khó xuống, phải cắt tay chứ không khuyến khích ở đồng cao, máy gặt xuống được, nằm trong quy hoạch gieo cấy vụ mùa. Toàn tỉnh mỗi năm có hơn 2.000ha lúa tái sinh trong vụ mùa, sản lượng thóc đạt 4.300 tấn, tập trung nhiều ở những huyện Thanh Thủy, Phù Ninh, Cẩm Khê…
HÀ NỘI Người mê nhảy dù ở Hà Nội không lạ gì đồi Bù của xã Nam Phương Tiến bởi thỏa thích ngắm màu vàng của những vườn bưởi chín xen màu xanh của những vườn rau…
NGHỆ AN Biết cách đánh thức tiềm năng của đất thông qua mô hình nông nghiệp hữu cơ, anh Nguyễn Văn Thành đã tạo nên khác biệt lớn tại khắp các vùng rau màu của Nghệ An.
TIỀN GIANG Ruồi lính đen là giải pháp thiết thực cho cả ngành trồng trọt và ngành chăn nuôi, đặc biệt là xu hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ ngày càng cao.
TIỀN GIANG Do đang vận hành thử nghiệm nên nhà máy chỉ hoạt động khoảng 60% công suất, thu hồi từ 30 - 50% (30 tấn) nguyên liệu thô mỗi ngày.
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.