Thứ hai, 24/06/2024 | 14:33 GMT +7

  • Click để copy
Thứ năm- 06:00, 13/06/2024

'Cánh đồng lười' cấy một lần thu hai vụ

PHÚ THỌ Gọi là 'cánh đồng lười' bởi ở đó người ta áp dụng phương pháp sản xuất tốn ít nhân công nhất nhưng lại cho hiệu quả kinh tế, môi trường và sức khỏe tốt hơn.

Sợi dây kết nối con người với cánh đồng

Trên những con đường ven cánh đồng ở khu 2, khu 3 xã Đồng Trung (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) sáng sáng, chiều chiều lại tấp nập người đi chơi hay đi tập thể dục, tiếng cười, tiếng nói rất rôm rả trong thoang thoảng hương lúa dịu dàng.

Ông Đoàn Quốc Tuấn - Tổ trưởng Tổ khuyến nông xã Đồng Trung kể với tôi rằng mỗi năm quê mình có 258ha lúa xuân, 156ha lúa mùa và 40ha lúa tái sinh. Diện tích lúa tái sinh tập trung ở những cánh đồng mấp mô, nơi nông dân gặt lúa xuân bằng tay, còn lại ở những cánh đồng bằng phẳng thì cấy và gặt bằng máy.

Từ hồi để lúa tái sinh, ít phải dùng thuốc BVTV hóa học, phân hóa học, môi trường trong lành trở lại nên người ta đổ ra đồng chơi hay tập thể dục. Khác hẳn với trước đây, khi nông dân còn lạm dụng phân bón hóa học và nhất là thuốc BVTV hóa học, sau mỗi kỳ phun, người ta tránh các cánh đồng như tránh hủi, những nhà gần đồng còn phải đóng cửa kín mít cả ngày mới chịu nổi. Để lúa tái sinh cũng giúp cho các động vật, côn trùng có ích trên đồng như ếch, ốc, cua, cà cuống… sau một thời gian mất tích xuất hiện trở lại.

Con đường quanh đồng lúa tái sinh thành nơi mọi người dạo chơi, tập thể dục. Ảnh: Dương Đình Tường.

Con đường quanh đồng lúa tái sinh thành nơi mọi người dạo chơi, tập thể dục. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Xã trung du nên trên đồng đất cao người dân muốn sản xuất được 3 vụ gồm 2 vụ lúa 1 vụ màu đã không đưa máy gặt vào, chấp nhận gặt tay để lúa tái sinh trong vụ mùa. Vụ mùa thời tiết thường bất thuận, rủi ro nhiều, năng suất thấp nên chính quyền chủ trương họp và thống nhất với các hộ dân thúc đẩy lúa tái sinh bằng cách tập huấn thêm kỹ thuật, tuy nhiên vẫn chưa có bất cứ hình thức hỗ trợ nào”, ông Tuấn thông tin.

Lợi dụng đặc tính của lúa lai có khả năng tái sinh mạnh mẽ, ngay từ vụ xuân, những cánh đồng để lúa tái sinh được xã Đồng Trung định hướng cấy các giống lúa lai. Lúa tái sinh đầu tư thấp nhưng năng suất vẫn đạt 80 - 100kg/sào (360m2), cho thu nhập 800.000 - 1.000.000 đồng/sào mà chỉ mất mấy kg phân, còn thuốc BVTV sinh học thì có nhà dùng khi cây lên được vài ba lá, có nhà không. So với cấy lúa vụ mùa, năng suất đạt 120kg/sào nhưng chi phí cày bừa 200.000đ/sào, gặt 250.000đ/sào, tiền phân 150.000đ, tiền thuốc BVTV 100.000đ/sào, mất đã quá nửa thì hiệu quả của lúa tái sinh vượt trội. Làm chơi, ăn thật là ở chỗ đó.

Lúc mới sản xuất không mấy ai nghĩ chất lượng gạo của lúa tái sinh lại ngon hơn cả lúa cấy nhưng khi được ăn rồi mới thấy rõ điều này. Dù là gạo lúa lai nhưng chúng vẫn ngon, dẻo, thơm hơn hẳn một số gạo của các giống lúa thuần nên hầu hết gia đình đều để lại để ăn. Trên nền tảng an toàn sẵn có ấy, sắp tới xã Đồng Trung còn định hướng cho bà con áp dụng sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP, hữu cơ để nâng cao giá trị và đảm bảo môi trường, sức khỏe.

Kiểm tra lúa tái sinh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kiểm tra lúa tái sinh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Phạm Đức Ngọc - khuyến nông cơ sở ở khu 2 xã Đồng Trung rủ rỉ với tôi rằng, trước đây nông dân

Lúa tái sinh do thời gian cho thu hoạch ngắn hơn 2 tháng so với lúa cấy trong vụ mùa nên còn tạo quỹ đất, thời gian dư để sản xuất rau màu vụ đông và tránh được lũ lụt.

cấy vụ mùa rất vất vả mà năng suất có khi chỉ đạt 70 - 80kg/sào nên mới chuyển sang lúa dong (lúa tái sinh) bởi đầu tư nhẹ nhàng mà vẫn cho thu hoạch. Đội ngũ khuyến nông huyện, xã còn mở những lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa tái sinh năng suất cao cho nông dân. Khu 2 có 145 hộ thì hầu như gia đình nào sau khi gặt lúa xuân đều để lúa tái sinh như thế, nhất là khi dồn ô đổi thửa ruộng đồng đã liền vùng liền thửa, thuận lợi hơn cho việc chăm sóc.

“Thủy lợi ở đây tưới tiêu đều khó khăn, kênh mương bê tông ít nên nông dân mấy năm trước không mặn mà với cấy lúa. Đã thế, đồng ruộng lại vòng quanh làng nên chuột bọ phá hoại rất nhiều ở thời điểm cây mạ mới cấy còn non và ngọt. Còn lúa dong thì chuột bọ, sâu bệnh đỡ hơn hẳn nên không phải phun thuốc, đánh bả gì mà chỉ bón mỗi sào vài kg đạm rồi đợi thu. Hiệu quả như thế thành ra dân chúng tôi tự bảo nhau không đưa máy gặt xuống đồng mà gặt tay để lấy lúa dong”, ông Ngọc cho biết.

Chỉ khoảng 15 ngày mà cây lúa tái sinh đã trổ bông. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Chỉ khoảng 15 ngày mà cây lúa tái sinh đã trổ bông. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Gia đình ông Vũ Ngọc Lê ở khu 3 (xã Đồng Trung) có 4 sào lúa nhưng chỉ cấy lúa lai vào vụ xuân, còn lại để lúa tái sinh vào vụ mùa. Kỹ thuật này cụ thể như sau: Cắt bằng tay chừa lại một đoạn gốc rạ dài chừng 20 - 25cm rồi bón 3kg phân đạm, 2kg kali/sào để đánh thức mầm ngủ. Nếu vụ nào đủ nước, lúa tốt năng suất có thể đạt hơn 100kg thóc/sào, còn trung bình cũng đạt 80 kg/sào, tương ứng khoản thu 700.000đ/sào trong khi chi phí chỉ khoảng 100.000đ/sào. Gạo từ lúa tái sinh ngoài làm lương thực còn dùng làm thuốc. Theo kinh nghiệm dân gian thì muốn phụ nữ đẻ phục hồi sức khỏe hay muốn chống bệnh đổ mồ hôi trộm của trẻ em chỉ cần ăn cơm nấu từ gạo lúa tái sinh là được.

Huyện đi đầu về lúa tái sinh

Huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) có diện tích lúa 2.800 - 2.900ha/năm, trong đó có 600 - 700ha là lúa tái sinh. Sở dĩ diện tích xê dịch như thế bởi còn tùy vào điều kiện tự nhiên, năm nào mưa nhiều, nước lớn thì dễ mở rộng, năm nào mưa ít, nước cạn thì khó khăn hơn. Vụ mùa cấy lúa thường bị sâu bệnh, mưa bão, năng suất kém, hiệu quả kinh tế chẳng được là bao nên việc để lúa tái sinh càng thể hiện được ưu thế do không phải cày bừa, phun thuốc BVTV, chỉ cần bón một ít phân, thậm chí lắm nơi cũng không cần.

Những thửa ruộng lúa tái sinh tốt có thể cho năng suất hơn 1 tạ/sào. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những thửa ruộng lúa tái sinh tốt có thể cho năng suất hơn 1 tạ/sào. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Trần Duy Thâu - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Thanh Thủy khẳng định với tôi rằng phương pháp để lúa tái sinh xuất phát từ chính kinh nghiệm của nông dân.

“Lúc đầu chỉ một vài hộ gặt xong quây lưới lại để nuôi vịt bên trong nhưng chính vì thế mà trâu bò không xuống phá được, giúp cho gốc rạ nảy lên những khóm lúa tái sinh. Khi thấy lúa tái sinh có hiệu quả, những người khác đã học làm theo”, ông Thâu kể.

Bảo Yên là xã đầu tiên ở huyện Thanh Thủy phát triển lúa tái sinh khoảng 20 năm về trước, trùng với thời kỳ tỉnh Phú Thọ có chính sách trợ giá giống lúa lai để thúc đẩy năng suất tăng lên.

Thuở đó, nông dân nuôi vịt trong ruộng lúa tái sinh, lúc lúa chín chúng chỉ ăn được những bông gần gốc, còn bông trên cao thì người đi ngắt bằng tay, gùi về, vò ra lấy hạt. Khi thấy dân phát triển lúa tái sinh một cách tự phát như thế, cán bộ ngành nông nghiệp mới xuống kiểm tra và chỉ đạo mở rộng thêm ở các xã khác…

Không phải chỗ nào cũng có thể phát triển lúa tái sinh được mà phải hội đủ những điều kiện đất trũng, cấy giống lai và cắt bằng tay. Trước đây nông dân chuộng giống Nhị ưu số 7, nay là giống Thái Xuyên 111, Thụy Hương 308… bởi vừa cho hạt gạo chất lượng vừa có khả năng tái sinh mạnh.

Thời gian sinh trưởng của lúa tái sinh rất nhanh, chỉ khoảng 1,5 tháng là cho thu hoạch, năng suất trung bình 50 - 60kg/sào, chỗ tốt 80 - 90kg/sào, thậm chí còn hơn.

Gặt lúa ở đồng chiêm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gặt lúa ở đồng chiêm. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Trước đây lúa tái sinh dân chẳng đầu tư gì, sau này thấy hiệu quả nên mới bón thêm vài cân phân đạm, tính ra chi phí chỉ 20 - 30.000đ/sào. Còn về thuốc BVTV thì hầu như lúa tái sinh dân không phun, trong khi ruộng cấy vụ mùa phải 4 lần sử dụng: 1 lần thuốc cỏ, thuốc ốc trộn lẫn nhau trước cấy; 1 lần phun sâu cuốn lá, đục thân; 1 lần phun bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn; 1 lần phun bệnh khô vằn, đen lép hạt do mưa nhiều. Do lúa tái sinh phát triển vào đúng lúc có nắng to, tổng tích ôn lớn nên chất lượng gạo ngon, thơm và đậm đà dù hình thức có kém hơn”, ông Thâu so sánh.

Tuy nhiên, khi chuyện sử dụng máy gặt đã thành một nhu cầu đại trà, máy cắt sát gốc rạ và vò nát chúng khiến những mắt sinh trưởng bị dập nát, khó nảy thành cây lúa tái sinh. Thêm vào đó, việc phát triển thủy sản cũng cạnh tranh mạnh với cây lúa tái sinh.

Theo thống kê, huyện Thanh Thủy có 1.200ha thủy sản, trong đó 400ha thủy sản quanh năm, còn 700 - 800ha là dạng một vụ lúa xuân và một vụ cá trong vụ mùa. Các chủ thầu khi thuê đất của dân đã chặn cống, giữ nước để tăng diện tích nuôi thủy sản khiến cho diện tích lúa tái sinh giảm dần, năm 2023 chỉ còn 670ha.

Dương Đình Tường

Xây dựng nông thôn mới gắn với nông nghiệp hữu cơ

Xây dựng nông thôn mới gắn với nông nghiệp hữu cơ

THÁI NGUYÊN Huyện Phú Lương xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ với tinh thần trách nhiệm sẽ giúp hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống người dân.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với vùng chuyên canh

Phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với vùng chuyên canh

THÁI NGUYÊN Tận dụng lợi thế từ các vùng chuyên canh sẵn có, huyện Phú Lương đang từng bước chuyển đổi sang hướng canh tác hữu cơ bền vững, thân thiện với môi trường.

Hợp tác xã giữ vai trò nòng cốt trong phát triển nông nghiệp hữu cơ

Hợp tác xã giữ vai trò nòng cốt trong phát triển nông nghiệp hữu cơ

THÁI NGUYÊN Tại các địa phương chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư, HTX đã thể hiện vai trò liên kết nông hộ, khai thác tiềm năng, xây dựng vùng nông nghiệp hữu cơ.

Tưng bừng lễ hội lúa - rươi hữu cơ Tứ Kỳ năm 2024

Tưng bừng lễ hội lúa - rươi hữu cơ Tứ Kỳ năm 2024

HẢI DƯƠNG Sở NN-PTNT Hải Dương phối hợp với UBND huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) ngày 12/6 đã tổ chức lễ hội lúa - rươi hữu cơ năm 2024. ​​​​​

Sầu riêng hữu cơ xanh tốt giữa hặn mặn khốc liệt

Sầu riêng hữu cơ xanh tốt giữa hặn mặn khốc liệt

BẾN TRE Năm nay thời điểm nắng nóng, độ mặn ngoài sông gần 0,3‰ nên 4 ngày liên tục nhà vườn không tưới nhưng cây sầu riêng hữu cơ vẫn phát triển tốt.

'Cánh đồng lười' cấy một lần thu hai vụ

'Cánh đồng lười' cấy một lần thu hai vụ

PHÚ THỌ Gọi là 'cánh đồng lười' bởi ở đó người ta áp dụng phương pháp sản xuất tốn ít nhân công nhất nhưng lại cho hiệu quả kinh tế, môi trường và sức khỏe tốt hơn.

Xem Thêm