Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:00 GMT +7

  • Click để copy
Thứ tư- 14:16, 01/06/2022

Tinh hoa nông sản Việt

Cá hồi Sa Pa khẳng định thương hiệu

Lên Sa Pa, nhiều du khách chọn thưởng thức món ăn chế biến từ cá hồi bản địa. Cá hồi Sa Pa có những đặc trưng riêng mà không vùng nào có được.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm trang trại cá hồi Thức Mai (Sa Pa). Ảnh: H.Đ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm trang trại cá hồi Thức Mai (Sa Pa). Ảnh: H.Đ.

 
Cá hồi Sa Pa hấp dẫn du khách
 
Sau Covid-19, du lịch Sa Pa dần phục hồi. Chỉ tính riêng lượng du khách lên Sa Pa dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 đã đạt gần 100 nghìn lượt khách. Lên Sa Pa, du khách được trải nghiệm, chiêm ngưỡng, khám phá về núi rừng Tây Bắc đặc biệt là được tiếp cận và tìm hiểu về bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Giáy... sinh sống tại đây.
 
Sau những thời gian đến thăm các bản làng, du khách có dịp thưởng thức những món ăn dân dã đặc biệt là cá hồi được nuôi ở Sa Pa. Tại khu du lịch này, một số hệ thống nhà hàng còn chuyên phục vụ món cá hồi tươi sống cũng các món ăn chế biến tại chỗ từ con cá hồi. Vào những dịp cuối tuần, số lượng khách tăng lên trông thấy và ai cũng muốn thưởng thức ẩm thực của địa phương nhất là khi cá hồi Sa Pa đã khẳng định được tên tuổi trên cả nước.
 
Bà Nguyễn Mai Phương ở Hà Nội cho biết, hè năm nào, gia đình tôi cũng bố trí thời gian lên Sa Pa du lịch. Sa Pa có thời tiết rất đặc biệt trong khi ở Hà Nội nóng như đổ lửa thì ở đây lại mát mẻ. Sau khi đi cáp treo lên đỉnh Fansipan, gia đình tôi cũng đã đặt ăn tối tại nhà hàng ở thị xã để thưởng thức món gỏi cá hồi, da cá hồi chiên... Tôi thấy các món chế biến từ cá hồi Sa Pa đều ngon và tươi trong khi giá cả hợp lý và chế biến được nhiều món ăn. 
 
 
Chủ trang trại cá hồi Thức Mai cho hay, sau Covid-19, lượng khách du lịch đến Sa Pa sẽ còn tiếp tục tăng cao do đó nhu cầu thưởng thức cá hồi tại chỗ cũng như mua về làm quà sẽ rất lớn. Vì vậy, người nuôi cá hồi có thêm thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân bản địa.
Chế biến cá hồi hun khói tại trang trại cá hồi Thức Mai. Ảnh: H.Đ

Chế biến cá hồi hun khói tại trang trại cá hồi Thức Mai. Ảnh: H.Đ

Cá hồi Sa Pa chủ yếu được nuôi ở xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai). Khu vực này có độ cao trên 1.500m và khá lạnh. Ông Trần Chung Hưng, chủ hệ thống nhà hàng Song Nhi, cũng là chủ trang trại cá hồi cho biết, trừ thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì cá hồi Sa Pa luôn được thực khách ưu tiên chọn món trong bữa ăn. Do vậy, những người nuôi cá hồi ở đây không lo lắng về đầu ra. Có thời điểm cá hồi Sa Pa nuôi không đủ bán nên thu nhập cho bà con nuôi cá nước lạnh khá ổn. Tuy nhiên, không vì thế cá hồi Sa Pa bị đẩy giá mà chủ yếu bán để lấy số lượng và thu nhập từ tiền công phục vụ, chế biến...

Chất lượng ổn định nhờ đạt OCOP
 
Trang trại cá hồi Thức Mai ở thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai) là một trong những trang trại đầu tiên ở Sa Pa chuẩn hóa quy trình nuôi và chế cá hồi thành các sản phẩm đóng gói để du khách có thể mua làm quà, đưa đi tới nhiều nơi trong cả nước. Việc này, cũng giúp cá hồi Sa Pa mở ra hướng đi mới thay vì chỉ được dùng để chế biến các món ăn tại các quán ăn, nhà hàng...
 
Cá hồi hun khói nguyên con, cá hồi cắt khúc, cá hồi phi lê và ruốc cá hồi... của trang trại cá hồi Thức Mai là những sản phẩm đạt 3 sao OCOP của tỉnh Lào Cai. Để làm được điều này, chủ trang trại đã áp dụng nuôi cá hồi theo tiêu chuẩn VietGAP; cơ sở nuôi còn chủ động gửi mẫu phân tích, đánh giá chất lượng và công bố các chỉ số về dinh dưỡng của sản phẩm. Khi các sản phẩm về con cá hồi Sa Pa đạt chứng nhận OCOP, người tiêu dùng yên tâm và tin tưởng hơn về chất lượng nhất là vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay đang được xã hội quan tâm.
 
Ông Lê Trung Thức, chủ trang trại cá hồi Thức Mai cho biết, khi nuôi cá nước lạnh chúng tôi áp dụng công nghệ cao, nhập giống từ Viện Thủy sản nước lạnh và nguồn thức ăn cũng được tiêu chuẩn, chọn mua của doanh nghiệp có uy tín để chất lượng con cá hồi ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn.
 
Trang trại nuôi cá hồi Thức Mai là một trong 7 cơ sở nuôi cá nước lạnh đầu tiên ở Lào Cai chủ động mời chuyên gia phân tích, đánh giá môi trường, đủ các tiêu chuẩn để được công nhận quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.
 
Quan trọng nhất trong nuôi cá hồi là cần giữ được nguồn nước luôn sạch, định kỳ phòng bệnh cho cá bằng việc tắm nước muối loãng, có như vậy thì sản phẩm cá hồi mới đạt chuẩn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực để phát triển thêm các sản phẩm liên quan con cá hồi như cá hồi kho mắn tép có thể ăn quanh năm ngày tháng, ông Lê Trung Thức cho hay. 
 
"Cá hồi một năm thu một lần, không thu cá sẽ có trứng và thịt sẽ không ngon nhất là màu sắc không phù hợp để ăn gỏi. Vì vậy, khi chế biến các sản phẩm cá hồi phải chọn thời điểm và chọn được cách chế biến cho phù hợp từng thời điểm thị trường. Ví dụ xúc xích cá hồi phù hợp với người già, trẻ nhỏ thế nên trang trại cho ra thêm sản phẩm dồi sụn cá hồi phù hợp người tiêu dùng trẻ tuổi", ông Thức Mai cho biết thêm.  
 
Hiện nay, trung bình mỗi năm, trang trại này cung ứng ra thị trường cả trăm tấn cá hồi thương phẩm. Ngoài số cá hồi được tiêu thụ tại Sa Pa, cá hồi được chế biến để cung ứng tới tay người tiêu dùng qua kênh bán lẻ, bán tại siêu thị chiếm khoảng 50% số lượng cá hồi trang trại nuôi được. 
 
Tại địa phương, Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp giám sát, kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất nhằm giúp các trang trại nuôi cá hồi giữ vững uy tín trên thị trường. 
 
"Cơ sở cá hồi Thức Mai hiện đang được đánh giá là 3 sao, chúng tôi dự kiến sẽ nâng cấp. Vì đây là sản phẩm chủ lực của Sa Pa và phấn đấu để sản phẩm cá hồi những năm tới sẽ thăng hạng", bà Trần Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết.
 
Quản lý tài nguyên nước để cá nước lạnh phát triển bền vững
 
Lào Cai là tỉnh có lợi thế phát triển nuôi đối tượng cá nước lạnh. Với hệ thống nước suối có nhiệt độ thấp từ 8-20 độ C nếu được đưa vào sử dụng một cách hợp lý cho việc nuôi cá hồi, cá tầm thì khả năng đạt hiệu quả rất cao đặc biệt tại Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà...
 
Việc nuôi cá nước lạnh góp phần phát triển kinh tế, tạo ra mô hình sản xuất mới, đối tượng nuôi mới, đa dạng hóa sản phẩm và góp phần tạo công ăn việc làm cho một bộ phận dân cư, nhất là dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Do đó, công tác quản lý và sử dụng tài nguyên nước đã được các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thành phố quan tâm, thực hiện tuyên truyền và hướng dẫn đến các cơ sở và các hộ sản xuất sử dụng nước đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế và sinh hoạt trong cộng đồng. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản nước lạnh hiện đều sử dụng các nguồn nước tại các suối trên địa bàn chung với các lĩnh vực kinh tế khác như sản xuất lúa, cây trồng…
 
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, các cơ sở nuôi cá nước lạnh có lưu lượng nước xả thải ít hơn 10.000m3 theo quy định không phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường và không phải xin phép cấp xả thải vào nguồn nước.
 
Tuy nhiên, để đảm bảo quản lý và sử dụng nước hợp lý vẫn cần sự quản lý chặt chẽ đối với tài nguyên nước trong nuôi cá nước lạnh, khắc phục tình trạng lãng phí trong sử dụng tài nguyên nước. Qua đó, hình thành ý thức coi tài nguyên nước là hàng hóa, người sử dụng phải trả phí, tài nguyên nước là nguồn lực để phát triển.
 
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước, bảo đảm sự phát triển bền vững, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về sử dụng tài nguyên nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước...

Khuyến khích các dự án áp dụng tiến bộ khoa học trong quá trình sản xuất, sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn để tái sử dụng tài nguyên nước. Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước phù hợp tránh tình trạng tranh chấp nguồn nước... từ đó đảm bảo nguồn nước để phát triển cá nước lạnh bền vững.
Hải Đăng- Đức Minh

Ông chủ Enjoy Coffee kiên trì cùng nông dân trồng cà phê hữu cơ

Ông chủ Enjoy Coffee kiên trì cùng nông dân trồng cà phê hữu cơ

ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.

Cách làm bò sốt tiêu đen đơn giản và thơm ngon

Cách làm bò sốt tiêu đen đơn giản và thơm ngon

Bò sốt tiêu đen là món ăn thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng, xin mách bạn công thức chế biến món bò sốt tiêu đen vô cùng đậm đà ngay tại nhà nhé.

Doanh số bán sản phẩm tăng bình quân 40% sau khi tham gia chương trình OCOP

Doanh số bán sản phẩm tăng bình quân 40% sau khi tham gia chương trình OCOP

HÀ TĨNH Sau khi tham gia chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm tăng bình quân 40% so với trước khi tham gia chương trình.

Mạnh tay chi tiền tỷ, quyết tâm nâng tầm đặc sản địa phương

Mạnh tay chi tiền tỷ, quyết tâm nâng tầm đặc sản địa phương

QUẢNG NINH Nhận thấy giá trị của giống hàu đại dương, anh Nguyễn Văn Cường quyết tâm đầu tư hệ thống hiện đại để chế biến và bảo quản, từ đó nâng tầm đặc sản địa phương.

Xem Thêm