Thứ bảy, 23/11/2024 | 00:08 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 08:30, 04/04/2017

Bao giờ có nền nông nghiệp hữu cơ? - Rau rừng hữu cơ, tại sao không?

Song song với những nghiên cứu về các loại rau rừng thì trong những năm gần đây cũng đã có các hoạt động bảo tồn và phát triển chúng. 

Theo kết quả nghiên cứu của Võ Văn Chi vào năm 1976, có 145 loài dùng để làm rau ăn thuộc 61 họ thực vật, trong đó có 10 họ có số cây dùng làm rau ăn nhiêu nhất. Đứng đầu là họ đậu, tiếp đến là họ cúc, họ bầu bí, họ ráy và họ dền. Đến năm 1994, một công trình nữa về rau rừng đã được ấn hành, đó là cuốn “Một số rau dại ăn được ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Tiến Bân, Bùi Minh Đức.
 

Rất nhiều loài cây rừng ăn được

Song song với những nghiên cứu về các loại rau rừng thì trong những năm gần đây cũng đã có các hoạt động bảo tồn và phát triển chúng. Ví dụ mô hình bảo tồn và phát triển rau sắng ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), mô hình xây dựng cơ sở chuyên canh rau rừng thương phẩm công ty Sannamfood (Hà Nội)…

dsc-7513091937460
Mua bán rau rừng

Việc trồng và chăm sóc các loại rau rừng rất đơn giản, không tốn nhiều chi phí đầu tư và công chăm sóc nhiều như các loại cây rau màu khác nhưng hiệu quả kinh tế thì vô cùng lớn. Nếu trồng ngoài trời chi phí đầu tư rất thấp, chỉ khoảng 5 triệu/100m2 bao gồm chi phí giống, phân vi sinh.

Tuy đây là một lĩnh vực mới, kết quả còn nhiều hạn chế, song tiềm năng phát triển còn rất nhiều. Hiện nay, do tầm quan trọng của cây rau trong đời sống, đặc biệt là một số loài rau rừng được người dân ở một số vùng núi gây trồng và sử dụng khá phổ biến theo nhiều hình thức và phương thức khác nhau. Để nâng cao giá trị của cây rau rừng và mở rộng phạm vi sử dụng của nó cần có hướng nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa cũng như xây dựng, phát triển thương hiệu cây rau rừng sạch tới đại bộ phận người tiêu dùng cả nước và xuất khẩu.
 

Rau rừng dễ bán, dễ trồng

Một số loại cây đặc sản từ rừng thích hợp cho khai thác và phát triển tại vùng núi Ba Vì (Hà Nội) trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ gồm: Thứ nhất là rau dớn hay còn gọi là ráng song, quần rau, dớn rừng, rau dớn rừng, thái quyết (tên khoa học: Diplazium esculentum) là một loài thực vật hoang dại thuộc họ rau dớn (Athyriaceae) có hình dáng gần giống cây dương xỉ.

Loại rau này có giá trị sử dụng trong y học và được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản. Rau dớn hơi nhớt, lá xanh mượt, mọc so le, hình ngọn giáo, thông thường đoạn vòi cuốn hình dạng như cái vòi voi, chưa mọc lá thì sử dụng trong ẩm thực rất ngon. Rau chịu đất ẩm, mọc quanh khe đá, bờ rừng, vùng sinh thái phân bố tự nhiên trải dài theo đai cao từ mực nước biển tới độ cao 2.300m.

Thành phần dinh dưỡng: Trong 100g rau dớn tươi có chứa 91,28% là nước, 1,42% tro, 0,28% chất béo thô, 0,87% protein thô và 0,72% chất xơ thô trong khi với 100g mẫu khô chứa 17,39% tro, 3,40% chất béo thô, 10,67% protein thô và 9,06% chất xơ thô.

Hiện nay, rau dớn đã trở thành món đặc sản nơi phố thị thậm chí có mặt trong những nhà hàng sang trọng, là thứ rau sạch mà nhiều nhà hàng luôn chú ý trong thực đơn. Nhiều người hái rau dớn về bỏ cho các nhà hàng đặc sản ở các khu đô thị. Thị trường đang tiêu thụ mạnh, nguồn cung không kịp cầu. Từ rau dớn người ta có thể chế biến nhiều món ăn dân dã như rau dớn luộc, rau dớn xào tỏi, canh rau dớn. Rau dớn là món ăn lành, cùng với các loại rau và củ quả khác có thể giúp người dân tộc miền núi trước đây chống chọi với nạn đói. Trong y học, rau dớn là một loại thảo mộc dùng để chữa các bệnh phổ biến như cảm, ho, viêm họng...

Theo đông y, rau dớn có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón, rau có thể phơi khô để dành nấu nước uống giải nhiệt. Ăn rau dớn sẽ làm máu lưu thông, giải độc và giải nhiệt trong mùa nắng nóng, lợi tiểu, chất nhầy trong lá có tác dụng nhuận tràng và làm dịu đau lưng, làm ngưng các cơn đau âm ỉ do viêm đại tràng, dễ ngủ.

Thứ hai là rau bò khai (hay bồ khai) còn được gọi là rau dạ hiến, khau hương, phắc hiển (Tày… có tên khoa học Erythropalum Scandens Blume thuộc họ dây hương. Là loại rau ăn ngọn thoạt nhìn giống ngọn su su nhưng mảnh hơn và màu xanh non hơn. Thân dây rất giòn, bẻ dễ gãy. Cây thân bò, thân cây thường bám theo các cây thân gỗ (cây hiến) gần đấy để vươn lên cao nhận ánh nắng mặt trời giống những cây tầm gửi.

Bò khai có ở hầu hết các tỉnh vùng núi phía Bắc của nước ta nhưng được biết đến nhiều nhất ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn... Thành phần dinh dưỡng: Trong 100g của lá cây bò khai có chứa: 78,8g nước; 6g Protein; 6,1g Gluxit; 7,5g xơ; 1,6g tro; 138mg canxi; 40,7mg photpho; 2,6mg carotene và 60mg VitaminC.

Rau bò khai vừa có công dụng làm thực phẩm (dùng làm rau ăn hàng ngày) vừa có tác dụng làm thuốc chữa các bệnh: viêm thận, viêm gan, viêm đường tiết liệu, tiểu tiện không thông. Khi người đi xa về mệt mỏi, nước tiểu vàng đục, chỉ cần ăn rau bò khai 1 - 2 lần là nước tiểu trở lại bình thường. Đặc biệt cây rau bò khai sắc lấy nước uống chữa bệnh viêm gan siêu vi trùng đạt kết quả rất tốt. Bò khai chế biến được rất nhiều món ăn trong đó có một số món ăn phổ biến như xào tỏi, xào mực, xào tôm, xào trứng, xào mỳ tôm, xào thịt bò hay nấu canh. Ở món nào bò khai cũng có một mùi vị rất riêng, không thể tìm được sự tương đồng ở bất cứ loại mùi vị nào khác.

Thứ ba là rau sắng (còn được gọi là rau ngót rừng) có tên khoa học là Melientha suavis Pierre. Đây là dạng cây thân gỗ, mọc tự nhiên trên núi và sống chủ yếu trong các vách đã vôi có độ cao 100 - 200m trở lên (so với mực nước biển) như ở Lào Cai, Hà Tây (cũ), Lạng Sơn, Quảng Ninh nhưng tập trung nhiều nhất ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ). Thành phần dinh dưỡng trong 100g rau sắng có chứa 86,3% nước, 1,4% tro, 1,9% protein, 0,1% chất béo và 10,3% carbonhydrat.

ru-sng091937747
Rau sắng

Rau sắng khi nấu lên có vị ngọt rất đặc trưng, vì thế có thể lấy rau sắng phơi khô để dành, sau này nấu canh bỏ vào để thay cho mì chính. Lá non và đọt thân đều có thể đem nấu canh. Rau sắng có thể nấu cùng xương lợn, tôm nõn, thịt gà, cá rô đồng, cá quả… đều ngon ngọt và bổ dưỡng. Với nhiều người sành ăn, họ lại chỉ thích một bát canh rau sắng suông nêm chút gia vị, như thế mới cảm nhận hết được giá trị của thứ rau xanh mọc giữa bạt ngàn rừng rậm.

TS. Vũ Đăng Toàn

(Trung tâm Tài nguyên Thực vật)

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm