Thứ năm, 05/12/2024 | 08:46 GMT +7
Bởi trồng lúa mà không phát thải, thậm chí phát thải âm và nhất là không sử dụng bất kỳ thuốc BVTV nào từ sau sạ, chi phí giảm nhưng năng suất không giảm thì quả thật ngay cả người trong ngành cũng phải hồ nghi.
Canh tác lúa tại Việt Nam đang phát thải gần 50 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm. Trung bình để sản xuất 0,9 tấn gạo sẽ sinh ra 1 tấn khí nhà kính. Theo báo cáo "Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp" của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nông nghiệp đang chiếm 19% tổng phát thải khí nhà kính, đứng thứ hai sau ngành năng lượng, trong đó trồng lúa chiếm 48% lượng khí nhà kính, 70% khí metan.
Thống kê năm 2020 tại các tỉnh ĐBSCL, lượng phân vô cơ sử dụng cao hơn 35,3% so với trung bình cả nước, có tỉnh sử dụng gấp 2 lần. Lượng sử dụng thuốc BVTV hóa học tại khu vực này cũng cao hơn mức trung bình cả nước 71,9%, có tỉnh gấp gần 3 lần. Bởi thế khi nghe nói về những cánh đồng 3 vụ lúa không cần sử dụng dụng thuốc sâu, thuốc bệnh từ khi sạ 10 ngày tới gặt, giảm phát thải khí nhà kính tới mức âm, tôi đã quyết định bay vào để tìm hiểu.
Buổi chiều hôm đó trên cánh đồng xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), tôi chứng kiến cảnh vô cùng lạ lẫm. Sau cú giật mạnh, chiếc máy trên vai người nông dân đứng trên bờ phát ra những tiếng nổ giòn và đanh. Từ cái miệng của nó, một chiếc vòi dẫn màu bạc dài cỡ 30m bỗng căng phồng rồi bay rần rật ngay trên mặt ruộng dựa trên hiệu ứng phản lực, cách đám lúa bên dưới chừng một gang tay. Đầu cuối của nó do tay một người nông dân khác đứng dưới ruộng cầm. Anh này vừa đi vừa làm động tác hẩy hẩy để phụ họa với những rung động của cái máy.
Từ hàng trăm lỗ nhỏ li ti dưới “vòi rồng”, những luồng bụi màu trắng tỏa ra mịt mùng như sương. Chưa bao giờ tôi lại chụp ảnh cận cảnh phun xịt trên đồng mà cảm thấy sướng như thế. Chạy tới chạy lui mà mũi không cảm thấy mùi hắc nồng, họng không nôn nao vì chất độc.
Thấy bộ mặt phởn phơ của tôi khi đó, anh Nguyễn Đăng Khoa (Công ty Cổ phần Hóa nông AHA, thuộc Cẩm Châu Agri Group) - tác giả của tiến bộ kỹ thuật “Quy trình kỹ thuật canh tác lúa sử dụng khoáng tự nhiên với công nghệ phun bằng dây bay” cười: “Đây là chỉ mới một người đeo máy, còn hai người đeo máy ở hai đầu thì vòi dẫn có thể dài tới 50m, nghĩa là không phải lội dưới ruộng mà chỉ đi ở trên bờ, đỡ cực. Phun xong, có thể dự tiệc cưới bình thường, chứ mấy ông phun thuốc hóa học dù đứng cách xa mấy mét vẫn còn mùi hôi nồng nặc.
Về thuốc ốc, người ta dùng tới 1 chai 450cc cho 1.000m2 lúa, nước xả ra không một thứ tôm cá gì sống nổi. Hiện mình chưa giải quyết được vấn đề dùng thuốc trừ cỏ, trừ ốc 10 ngày trước sạ nhưng để từ từ, Sở KH-CN tỉnh Đồng Tháp đã thông qua đề tài về quy trình canh tác lúa hữu cơ giảm phát thải trên nền 3 vụ rồi, sẽ làm kỹ các giải pháp cho ốc bươu vàng, hi vọng cao cũng chỉ cần 2kg vi sinh để xử lý ốc bươu vàng cho 1ha lúa.
Còn về phát thải, hiện người ta hay tính giảm phát thải khí metan bằng giải pháp ngập - khô xen kẽ, hiệu quả nhưng gặp nhiều khó khăn trong vụ mưa hay ruộng lúa - tôm, lúa - cá. Kế đó là hạn chế tàn dư hữu cơ trên ruộng do yếm khí. Thật sự nếu chỉ tính riêng metan, CO2, NOx thì không cách gì giảm phát thải đến âm nổi. Vấn đề ở đây là mọi người bỏ qua yếu tố về hàm lượng hữu cơ trong đất tăng lên.
Hiện có 2 phương pháp chủ yếu để đạt được tín chỉ carbon, một là xét theo quản lí nước, hai là coi trọng tới yếu tố hàm lượng hữu cơ trong đất. Do đó nếu cố định được nhiều tấn hữu cơ xuống đất và có giải pháp để nó bớt tăng lượng metan như vùi sớm và thả các loại vi sinh cạnh tranh với các chủng chuyên phân giải hữu cơ thành metan (methanogens) thì phát thải âm mới xảy ra.
Mỗi tấn rơm rạ có đến 0,4 tấn carbon hữu cơ, tương đương 1,5 tấn CO2 cố định được. Tính ra chỉ riêng 5 - 6 tấn rơm rạ cố định xuống và có giải pháp hạn chế methanogens thì mỗi ha 1 vụ đã có thể có đến gần 10 tín chỉ carbon, trừ cho các phần phát thải khác thì là phát thải âm. Mà mình lại còn đang thả bèo hoa dâu, mỗi vụ thêm được vài tấn khô vùi xuống, khỏi bón đạm, khỏi cho cá ăn, hạn chế được methanogens nữa. Âm 5 - 6 tấn CO2 tương đương là bình thường”.
Thửa ruộng 14ha ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) cấy giống Đài Thơm 8 đang áp dụng quy trình phun khoáng bằng dây bay, trong đó sạ cụm hiệu ứng hàng biên, tạo rãnh với lượng giống chỉ hơn 30kg/ha và phun khoáng 6 lần từ 10 ngày sau sạ, không dùng thuốc BVTV. Tiến bộ kỹ thuật mới này vừa được Cục Trồng trọt ra quyết định công nhận số 316 ngày 31/8/2023. Nội dung chính của nó là tăng khả năng của các loại khoáng trung vi lượng, ngoài cung cấp dinh dưỡng cho cây, khi khoáng bám trên lá giúp thay đổi môi trường, hạn chế các dịch hại.
Khi khoáng xuống đất thì lại trở thành phân, giúp cải tạo đất, giảm lượng phân và giảm cả lượng methanogens. Cụ thể trong 14ha, mỗi ha chỉ sử dụng 3 bao urea, 1 bao DAP và 1 bao kali, tương đương chỉ 22,5kg/công, còn thửa ruộng bên cạnh của dân sử dụng 45kg/công.
Anh Trần Tú Nhi - quản lý khu ruộng trên cho biết: “Lúc đầu triển khai giải pháp phun khoáng tôi cũng nhiều đắn đo, có nói với công ty phải ký đảm bảo năng suất và bao tiêu sản phẩm mới làm. Thực tế triển khai 2 vụ rồi thì thấy kỹ thuật mới này cũng dễ áp dụng đại trà nhưng đòi hỏi diện tích phải nhiều, chứ nếu chỉ 1.000 - 2.000m2 là khó, bởi phun 1 bình đã 5.000m2.
1ha 2 người phun thuốc hóa học tốn 10 - 12 bình, mất 1 buổi mới xong, còn 1ha phun khoáng 2 người chỉ cần 10 phút, phun xong thấy khỏe. Vụ đầu bệnh đạo ôn cổ bông chiếm 8 - 10%, vụ thứ hai chỉ còn 1 - 2%, trong khi ruộng bên sử dụng thuốc hóa học nhiễm 20 - 30%. Phun khoáng hạn chế được chi phí vật tư, nhân công rõ rệt, lúa cứng cây, chống đổ ngã, năng suất bằng hoặc hơn ruộng canh tác hóa học, vụ đầu đạt 6,2 tấn/ha, cao hơn 200kg, vụ này dự kiến còn cao nữa. Hơn thế, lúa làm ra còn bán được giá cao hơn 400đ/kg”.
Anh Nguyễn Đăng Khoa (Công ty Cổ phần Hóa nông AHA, thuộc Cẩm Châu Agri Group) giải thích, lúa an toàn thường chỉ cần kiểm tra, sạch 13 hoạt chất thuốc BVTV mà châu Âu cấm là xong, nhưng bởi hướng đến mục tiêu hữu cơ nên đơn vị đã cho kiểm tra tới 900 hoạt chất, nghĩa là hầu hết các loại thuốc hóa học trên thị trường xem có tồn dư không trước khi xuất bán. Trình kết quả đó nhưng Công ty Nông nghiệp Trung An chưa tin mà xuống lấy mẫu kiểm tra lần nữa, đạt mới mua lúa. Khi nào có được chứng nhận hữu cơ giá mua sẽ cao hơn lúa thường cỡ 3.000đ/kg trở lên, nhưng phải giải quyết xong vấn đề thuốc cỏ, thuốc ốc sinh học.
“Hiện Công ty đang thử nghiệm thuốc ốc vi sinh, kết quả khá đạt, còn thuốc cỏ vi sinh chưa đạt do thời gian ngập nước lâu. Bởi thế, chúng tôi mới chỉ làm đạt lúa an toàn mà thôi. Phun khoáng có nhược điểm không lưu dẫn như thuốc hóa học nên chỉ có tác động trên bề mặt, phải phun nhiều lần. Hơn thế, nông dân Nam Bộ vốn quen sạ dày đến nỗi trên ruộng lúa quẳng lon nước xuống cũng không rơi tới mặt, phun khoáng sẽ bị kém hiệu quả. Nếu sạ hàng, sạ cụm thì ánh sáng sẽ chui xuống, khoáng cũng chui xuống theo”, anh Khoa cho biết.
Khoáng tự nhiên được đơn vị đăng ký dạng phân trung vi lượng gồm canxi, magie, đồng, đạt chứng nhận OMRI - đủ điều kiện sử dụng trên vùng trồng hữu cơ tiêu chuẩn USDA Organic. Chi phí vật tư của mô hình rẻ hơn 7 - 8 triệu đồng/ha so với canh tác thông thường nhưng năng suất lại cao hơn. Tổng cộng quy trình kỹ thuật cần phải 6 lần phun khoáng vào các giai đoạn lúa 10 ngày, 25 ngày, 40 ngày, 55 ngày, 70 ngày và 85 ngày, mỗi lần sử dụng 50kg khoáng các loại và vi sinh.
Ngoài thuốc cỏ, thuốc ốc chưa có giải pháp sinh học, từ 10 ngày sau sạ không một giọt thuốc tới lúc thu. Khi không dùng thuốc thì những nấm, khuẩn có lợi phát triển, đồng nghĩa với vụ sau năng suất đạt hơn vụ trước, nếu có phải dùng thuốc cũng nhẹ hơn. Lợi ích ngay vụ đầu cũng đã thấy, nhưng vụ hai, vụ ba, vụ bốn… mới lớn.
Cùng trên cánh đồng, khu ruộng 9ha kế bên của một chủ đại lý vật tư, không tiếc phân, thuốc hóa học để phun mà kết quả vẫn kém. Ruộng đó sạ lan tới 140 - 150kg giống/ha, cây lúa khác biệt từ màu sắc đến chiều cao cùng các thiên địch. Một bên có rất nhiều bọ rùa, chuồn chuồn kim, nhện…, còn một bên vắng bóng. Một bên có rất nhiều cá lòng tong bay, cá rô, cá sặc, cá lóc, cá trê…, còn một bên không thấy mấy.
(Còn nữa).
Nghiên cứu của anh Khoa chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 nghiên cứu tại Viện Lúa ĐBSCL trong 3 vụ hè thu 2020, đông xuân 2020 - 2021, hè thu 2021. Giai đoạn 2 nghiên cứu diện rộng trong 2 vụ đông xuân 2021 - 2022 và hè thu 2022, mỗi huyện 2 - 3 điểm, mỗi điểm 0,5ha tại Sóc Trăng, tổng cộng gồm 21 mô hình do Chi cục Trồng trọt và BVTV Sóc Trăng theo dõi, đánh giá.
Giai đoạn 3 triển khai sản xuất thực tế có cơ quan chuyên môn theo dõi - đánh giá trong vụ hè thu 2022 và đông xuân 2022 - 2023, gồm: 10ha mô hình của Chi cục Trồng trọt và BTVT Đồng Tháp (vụ hè thu và đông xuân); 280ha mô hình của huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng (vù hè thu và đông xuân); 480ha mô hình của huyện Ba Tri, Bến Tre (vụ đông xuân).
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.
Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.
QUẢNG NINH Anh Đại nghĩ, các cụ hồi xưa chỉ sử dụng phân chuồng mà cây vẫn tươi tốt, cho năng suất cao, đất đai màu mỡ... nên quết tâm chuyển sang sản xuất hữu cơ.
ĐẮK NÔNG 'Vườn mắc ca này sẽ là một điểm du lịch sinh thái bền vững. Đó là lý do tôi trồng cây thực sinh mật độ thưa và canh tác theo quy trình hữu cơ'.
YÊN BÁI Khi sử dụng vật tư đầu vào sinh học, giun trong đất tăng lên, độ tơi xốp được cải thiện, cây trồng sinh trưởng tốt, giảm được nhiều chi phí.
ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.