Chủ nhật, 15/12/2024 | 08:44 GMT +7
Anh Hoàng Thanh Minh là kỹ sư nông nghiệp. Với đam mê làm nông nghiệp, vợ chồng anh quyết định bỏ công việc ở phố thị để về quê lập nghiệp.
Anh Minh bảo: "Công việc trái ngành cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị và thu nhập ổn định. Tuy nhiên nếu để kiến thức được đào tạo mai một dần thì lãng phí lắm. Vì thế tôi quyết định về quê với mong muốn cùng bà con gây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ. Nếu thất bại thì coi đó là bài học để mình rút kinh nghiệm".
Năm 2020, anh Minh thuê thầu 1ha đất để trồng cây ăn quả tại thôn Lọc Trạch, xã Đồng Lợi (Triệu Sơn, Thanh Hóa). Ban đầu, vườn cây ăn quả của anh trồng các loại cây như bưởi, ổi với chi phí đầu tư lên tới cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ trồng cây ăn quả thông thường thì thu nhập chỉ ở mức đủ ăn.
Cùng năm đó, anh quyết định thu hẹp diện tích trồng ổi để trồng nho Hạ Đen sau khi giống cây này được nghiên cứu và trồng thử nghiệm thành công. Để hiện thực hóa ý tưởng, anh liên kết với trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, cây giống từ Trung Quốc về Việt Nam.
“Ban đầu không ai tin tôi thành công với mô hình này vì khí hậu miền Bắc mùa hè quá nắng nóng, mùa đông lại kéo dài, mưa nhiều, không phù hợp với cây nho. Trước đó, có hộ dân đã đưa các giống nho về trồng nhưng thất bại. Người thân cũng ngăn cản tôi nhiều, bởi nếu thất bại thì mất vốn, trắng tay”, anh Minh chia sẻ.
Nói về việc lựa chọn cây nho làm cây trồng chủ lực tại vườn cây ăn quả, anh Minh thổ lộ: “Nhắc đến cây nho, người ta thường nghĩ đến Ninh Thuận. Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy nho cũng có thể trồng được ở miền Bắc và không thua kém chất lượng so với các giống nho khác. Nếu thành công, mọi người có thể tham quan, thưởng thức nho trên chính quê hương mình”.
Thế nhưng “vạn sự khởi đầu nan”. Ban đầu anh Minh nhập 800 gốc nho Hạ Đen và Mẫu Đơn để trồng trên diện tích 5 sào. Sau thời gian trồng, chăm bón, cây nho kém phát triển do bị sâu bệnh và chưa thích nghi được khí hậu.
Vào mùa đông, cả vườn nho như cây củi khô. Người dân trong làng ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm. Thất bại hiện hữu trước mắt, 800 gốc nho và vốn đầu tư có nguy cơ đổ sông đổ bể. May thay, trời không phụ lòng người. Qua đợt rét, vườn nho lại xanh lá trở lại sau bao nhiêu công sức chăm bón của vợ chồng.
Sau nhiều năm gắn bó với cây nho, anh Minh rút ra kinh nghiệm: Nho rất khác với các loại cây trồng khác. Do đó, muốn trồng nho, trước hết nông dân phải tận tụy. Chỉ cần bỏ vườn nho 2 ngày không chăm sóc cũng có thể gặp thất bại. Riêng vườn nho của gia đình anh hầu như hôm nào cũng phải xử lý sâu bệnh bằng phương pháp thủ công, đảm bảo sản xuất theo hữu cơ.
Vườn nho của gia đình anh Minh không sử dụng thuốc trừ sâu. Bởi vậy, có hôm, anh và vợ phải thức cả đêm để bắt sâu cho cây trồng.
“Khó nhất là xử lý bọ cánh cứng. Loại côn trùng này hoạt động mạnh nhất từ 19 đến đến 23 giờ đêm. Nếu không kiểm soát được số lượng, chỉ cần một đêm là vườn nho sẽ bị ăn sạch lá. Nếu phun thuốc trừ sâu, cây sẽ yếu đi. Mặt khác, sau khi hết dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sâu bọ sẽ trở lại phá cây. Có hôm hai vợ chồng bắt được hàng kg bọ cánh cứng. Khi xong việc trời cũng tờ mờ sáng”, anh Minh tâm sự.
Để thay thế thuốc trừ sâu, anh Minh sử dụng tỏi, ớt ngâm với rượu. Hỗn hợp này được coi là “thuốc trừ sâu” rất hiệu quả trong việc tiêu diệt sâu bệnh.
“Nên phun hỗn hợp này 1 tuần 2 lần để bảo vệ cây trồng. Mùi vị của hỗn hợp này khiến côn trùng tránh xa vườn nho. Lưu ý chỉ phun khi hoa chưa thụ phấn. Loại “thuốc” này có thể phun cho nho và các cây trồng khác rất hiệu quả”, anh Minh cho biết.
Theo anh Minh, vườn nho của gia đình đang thực hiện theo quy trình nông nghiệp hữu cơ nên các khâu chăm bón phải đảm bảo an toàn, sạch sẽ.
Anh sử dụng phân gà hoai mục, sau 3 tháng ủ sẽ đem bón thúc cho cây. Bên cạnh đó, để cung cấp dinh dưỡng cho cây, anh dùng hạt đậu nành nghiền nhỏ, trộn với chế phẩm sinh học để bón. Đậu nành được xem là đạm thực vật giúp quả thơm, ngọt.
Khi thu hoạch xong phải bón thúc để cung cấp dinh dưỡng cho thân, cành nho đâm chồi nảy lộc. Ngoài ra, anh còn sử dụng các loại phân bón hữu cơ sinh học giúp cải tạo đất tơi xốp. Từ khi nho xanh đến khi đổi màu nâu đậm khoảng 45 ngày. Trong giai đoạn này, tuyệt đối không được sử dụng bất cứ một loại thuốc hóa học nào để phun cho cây.
Chủ vườn nho cho biết thêm: Ở miền Bắc, cây nho không ưa ngập úng, nhưng phải cung cấp đủ độ ẩm cho cây phát triển. Cứ 2 ngày phải tưới cho nho 4 lít nước/gốc. Bên cạnh đó, mỗi tuần phải bổ sung 20gam chất dinh dưỡng hữu cơ, bón 2 lần để cung cấp lượng thức ăn vừa đủ cho cây.
Ngoài ra, theo anh Minh, quá trình chăm sóc phải căn thời gian phát triển của cây nho để tỉa ngọn giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi thân. Nếu chăm sóc tốt, nho có thể lưu gốc tới 15 năm. Từ năm thứ 5 trở đi, nho sẽ cho năng suất, chất lượng cao. Công đoạn vất vả nhất là tỉa quả. Từ khi đậu quả đến khi thành phẩm phải tỉa 3 lần quả để loại bỏ nho lép và quả sâu. Sản lượng quả tỉa chiếm khoảng 50%/chùm.
Vườn nho hữu cơ rộng hơn 1.000m2 của gia đình anh Minh tại xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương. Anh Minh cũng là một trong số ít người thành công với mô hình trồng nho kết hợp tham quan, trải nghiệm tại Thanh Hóa.
Anh cho biết, vụ nho năm nay đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ, hứa hẹn cho năng suất khoảng 1,5 tấn. Mô hình trồng nho kết hợp tham quan, trải nghiệm giúp gia đình anh có nguồn thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng/vụ. Hiện nay, lượng khách đổ về vườn nho tham quan lên tới cả nghìn lượt/ngày, đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 20 triệu đồng từ tiền bán vé và bán nho.
Anh Minh chia sẻ thêm, sắp tới, gia đình sẽ chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cây giống cho bà con địa phương để nhân rộng mô hình, đồng thời hướng tới xây dựng sản phẩm nho Mẫu Đơn, nho Hạ Đen trở thành sản phẩm OCOP.
Anh Minh cũng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm trồng nho cho bà con địa phương để nâng cao thu nhập. Thời gian tới, chủ vườn nho sẽ tận dụng diện tích đất thuê thầu còn lại để mở rộng thêm 6 sào nho phục vụ du khách thập phương đến tham quan, học hỏi mô hình.
“Lượng khách đến với vườn nho hiện nay rất nhiều. Sản phẩm cung cấp tại chỗ cho khách tham quan hiện nay không đủ. Nho chín đến đâu, khách mua đến đó. Giá nho tại vườn là 150 nghìn đồng/kg”, anh Minh cho biết.
Hiện nay, vườn nho của gia đình anh duy trì 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.
Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.