Thứ hai, 25/11/2024 | 02:15 GMT +7

  • Click để copy
Thứ năm- 10:37, 14/12/2023

Trồng dừa nước hữu cơ thu mật, tiến đến bán tín chỉ carbon

TP.HCM Anh Phan Minh Tiến, Giám đốc Vietnipa tạo ra nhiều sản phẩm từ mật dừa nước với vùng nguyên liệu 10ha đạt chuẩn hữu cơ USAD, JAS, EU.
Vùng nguyên liệu dừa nước 10ha đạt chuẩn hữu cơ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Vùng nguyên liệu dừa nước 10ha đạt chuẩn hữu cơ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mật dừa nước hữu cơ – món quà thiên nhiên ban tặng

Trong chuyến tham quan tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức vào tháng 10 vừa qua, chúng tôi đến thăm nhiều mô hình kinh tế xanh, trong đó nổi bật là mô hình khai thác mật dừa nước dưới tán rừng của Công ty Cổ phần Dừa nước Việt Nam (Vietnipa).

Dẫn chúng tôi tham quan vùng dừa nước canh tác hữu cơ 10ha, anh Phan Minh Tiến, Giám đốc Vietnipa, nhà sáng lập thương hiệu "Mật dừa nước ông Sáu" tự hào chia sẻ: Cây dừa nước đóng một phần quan trọng trong đời sống của người dân Nam Bộ. Không chỉ góp phần bảo vệ hệ sinh thái ven sông của huyện Cần Giờ - “lá phổi xanh” của TP.HCM, mà còn cả khu vực ĐBSCL.

Kể cho chúng tôi nghe về quá trình phát triển của cây dừa nước, anh Tiến nâng niu từng buồng dừa, y như cách mà người bạn trẻ này đã ngày ngày kiên trì mày mò nghiên cứu để “thổi hồn” cho cây dừa nước tại vùng đất ngập mặn Cần Giờ, mang lại giá trị kinh tế cao cho chính những nông dân một nắng hai sương tại vùng đất này.

“Cây dừa nước là món quà mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho huyện đảo Cần Giờ. Đây là loài cây vô cùng giá trị, nếu biết cách khai thác, nó sẽ mang lại giá trị gấp nhiều lần cho nông dân, xã hội và môi trường”, anh Tiến nói.

Nông dân chăm sóc cuống dừa nước. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nông dân chăm sóc cuống dừa nước. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trước đây, cây dừa nước chỉ được người dân khai thác lá để lợp nhà, làm rổ rá; buồng dừa chặt xuống lấy cơm dừa bán làm thức uống giải khát với giá khoảng 12.000 - 15.000 đồng/buồng. Theo năm tháng, với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, giá trị kinh tế của cây dừa nước thấp, người dân khai thác chưa hiệu quả nên diện tích ngày càng bị thu hẹp.

Với anh Tiến, loài cây này còn có tiềm năng vô cùng lớn, lại là tài nguyên bản địa cần được bảo tồn, phát triển để có thể cho ra nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe con người. Nhờ sự nhạy bén, tâm huyết tìm tòi nghiên cứu, cùng sự đầu tư bài bản, cách làm nghiêm túc, anh Phan Minh Tiến cùng các cộng sự đã tìm ra quy trình thu mật dừa nước từ cuống dừa và thương hiệu “Mật dừa nước ông Sáu” ra đời.

Tiếp đến là những chuỗi ngày hướng dẫn bà con nông dân cùng chăm sóc, "massage" cho dừa để thu mật… đảm bảo các quy trình canh tác một cách nghiêm ngặt, vượt qua những bài kiểm tra, đánh giá gắt gao của các tổ chức quốc tế và đạt các chứng nhận hữu cơ USDA, JAS & EU. 

“Mỗi ngày, nông dân sẽ đi gõ gõ vào cuống dừa, tác động vào cuống dừa, giống như mình đang “massage thông mạch” cho nó để những chất dinh dưỡng từ đất, nước nuôi dưỡng lá, quang hợp và tạo thành những chất dinh dưỡng đưa ngược xuống buồng dừa. Sau đó tiếp tục “massage” kích thích cuống dừa tiết ra những giọt mật có giá trị dinh dưỡng thơm, ngon.

Anh Phan Minh Tiến, Giám đốc Vietnipa hướng dẫn khách tham quan vùng nguyên liệu 10ha dừa nước hữu cơ tại huyện Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Anh Phan Minh Tiến, Giám đốc Vietnipa hướng dẫn khách tham quan vùng nguyên liệu 10ha dừa nước hữu cơ tại huyện Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trước đây, buồng dừa chặt xuống lấy cơm dừa, cuống dừa bỏ, thế là hết giá trị của cây dừa nước. Nhưng nay, mỗi cuống dừa có thể cho thu hoạch được 1 lít mật trong một ngày và có thể thu hoạch liên tục trong vòng 30 ngày. Giá trị của nó sẽ được tăng lên gấp 30 - 50 lần và có thể hơn thế nữa”, anh Tiến tự tin nói.

Trong 5 năm trở lại đây, với sự đầu tư kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao đạt chuẩn ISO 22000, HACCP vào chế biến sâu và được kiểm soát nghiêm ngặt tại nhà máy, các sản phẩm của Vietnipa đã giữ trọn được hương vị, giá trị dinh dưỡng của mật dừa nước trong từng sản phẩm như mật dừa nước hữu cơ; mật dừa nước cô đặc; đường dừa nước.

Không dừng lại ở đó, Vietnipa còn nghiên cứu, cho ra nước tương, bột nêm hay dừa nước đông cô... Đến nay, các sản phẩm làm từ dừa nước của Vietnipa đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao, Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và có mặt tại hơn 400 điểm bán lớn nhỏ, từ các cửa hàng thực phẩm hữu cơ, nhà thuốc, hệ thống siêu thị trên toàn quốc cùng các sàn thương mại điện tử Việt Nam và quốc tế.

Đặc biệt, sản phẩm của Vietnipa còn được biết đến như một nông đặc sản của Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung, được khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng mua làm quà biếu tặng và sử dụng trong gia đình.

“Nông dân của Việt Nam khá nhạy bén. Bây giờ đã có những người nghĩ tới câu chuyện đầu tư, trồng cây theo những tiêu chuẩn hữu cơ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để sau này có thể tham gia được trong mua bán tín chỉ carbon. Đó là triển vọng tốt, đặc biệt là nông dân ở ĐBSCL cũng như nông dân ở các vùng ngoại thành của TP.HCM như anh Phan Minh Tiến", bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá.

"Cỗ máy” hấp thụ CO2 tự nhiên

Theo Giám đốc Vietnipa, 1ha dừa nước tự nhiên có thể thu được khoảng 50.000 lít mật dừa mỗi tháng và hấp thụ lượng lớn carbon trong không khí.

“Nghĩa là trong mật thu được có hàm lượng cacbonhydrat, thành phần này được chuyển đổi từ CO2 thành đường với những chất dinh dưỡng phục vụ cho đời sống của con người. Cây dừa nước như một cỗ máy hấp thụ CO2, thay vì phải dùng công nghệ hiện đại hấp thụ CO2 rồi nén hay chôn xuống đất thì ở đây là hấp thụ tự nhiên.

Từ mật dừa nước, Vietnipa đã tạo ra nhiều sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Từ mật dừa nước, Vietnipa đã tạo ra nhiều sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nếu sắp tới, cơ chế về tín chỉ carbon được thông qua thì bà con có thể có thêm nguồn thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon nhờ cây dừa nước”, anh Phan Minh Tiến, Giám đốc Vietnipa khẳng định.

Anh Tiến cho biết thêm, sắp tới doanh nghiệp có thể liên kết với bà con nông dân mở rộng thêm khoảng 30 - 50ha dừa nước, tạo thêm nhiều công việc ổn định cho bà con nông dân, mang lại sản phẩm có chất lượng cao cho người tiêu dùng.

Tiềm năng của cây dừa nước cực kì lớn, quan trọng là người tiêu dùng nếu ngày càng hiểu được giá trị cây dừa nước hơn và hiểu được câu chuyện mà cây dừa nước mang lại thì sẽ mang một yếu tố cộng hưởng rất lớn trong tương lai. Điều này sẽ góp phần giúp nông dân có thể trồng thêm dừa nước ngày càng nhiều chứ không dừng lại ở 900ha mà có thể là 9.000ha và nhiều hơn nữa, góp phần bảo vệ môi trường của huyện Cần Giờ.

Dừa nước thường mọc tự nhiên ở bờ sông mà không cần phải chăm sóc, bón phân, có sức chống chịu được ngập mặn, thích nghi được với điều kiện sống mà những cây trồng lâu năm khác không đáp ứng được. Từ 3 - 5 tuổi, cây dừa nước bắt đầu có thể cho khai thác được mật và có thể cho khai thác liên tục, ổn định trong vòng 50 năm mà không cần phải lo lắng về mùa vụ, nắng mưa.

Vì vậy, nếu tận dụng khai thác hết 900ha dừa nước mọc tự nhiên và có thể quy hoạch trồng thêm tại huyện Cần Giờ thì giá trị mà cây dừa nước mang lại cho người dân vùng đất này là rất lớn. Đây được xem là cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải theo đúng định hướng của TP.HCM - chọn Cần Giờ là địa phương đầu tiên thí điểm chuyển đổi xanh, hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0. Mỗi thời kỳ, cây dừa nước đều có một câu chuyện đẹp!

Các hoa hậu Trái đất tìm hiểu về sản phẩm mật dừa nước của Vietnipa trong chuyến tham quan và trải nghiệm tại Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các hoa hậu Trái đất tìm hiểu về sản phẩm mật dừa nước của Vietnipa trong chuyến tham quan và trải nghiệm tại Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Vietnipa đã nghiên cứu, phát triển các sản phẩm đường ăn kiêng hữu cơ từ dừa nước, có chỉ số đường huyết thấp, giàu khoáng chất, phù hợp với người ăn kiêng, giảm cân, ăn chay và tiểu đường tuýp 2, được sử dụng tương tự các loại mật ong hoặc đường ăn kiêng trong pha chế và nấu ăn..., đáp ứng xu hướng sử dụng thực phẩm tự nhiên, tốt cho sức khỏe, đạt các chứng nhận hữu cơ từ những thị trường khó tính như Mỹ, EU và Nhật Bản với 568 tiêu chí về vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối nghiêm ngặt.

Thời gian tới, doanh nghiệp này hướng đến mục tiêu cung cấp giải pháp làm ngọt hữu cơ, an toàn không chỉ cho người tiêu dùng Việt Nam mà còn hướng đến thị trường tiêu thụ chất làm ngọt lớn như Mỹ, EU.

Nguyễn Thủy

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm