Thứ sáu, 22/11/2024 | 17:10 GMT +7
Ông Lê Văn Ninh ở xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh có kinh nghiệm trồng dừa hơn 20 năm theo phương pháp truyền thống. Từ khi được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật, ông bắt đầu chuyển đổi hơn 3ha vườn già cỗi sang trồng dừa hữu cơ. Sau hơn 4 năm canh tác, ông Ninh phấn khởi vì vườn nhà được công nhận trồng theo phương pháp hữu cơ đạt chuẩn quốc tế.
Ông chia sẻ, để trồng dừa đạt hiệu quả, điều đầu tiên ông không sử dụng các loại phân hóa học mà thay vào đó sử dụng các loại phân chuồng, phân vi sinh, các loại phân hoai mục. Tuy không có tác dụng nhanh như phân hóa học nhưng về lâu dài, các loại phân này góp phần làm cho đất tơi xốp và giữ độ ẩm cho đất, góp phần giúp cho cây dừa chống được hạn, mặn hiệu quả.
Theo kinh nghiệm của ông Ninh, kỹ thuật quan trọng nhất là rải phân đúng cách. Nông dân cần nắm được đặc tính sinh học của cây dừa có hệ thống rễ tập trung tại gốc trong vòng bán kính từ 1,5 - 2m, ăn sâu vào đất 4 mét. Dựa trên đặc tính này, người trồng nên bón phân trong bán kính nơi có nhiều rễ dừa tập trung để cây hấp thụ phân tuyệt đối.
Ngoài ra, ông Ninh cũng không quên dọn cỏ để tránh những côn trùng gây bệnh ẩn nấp ăn rễ dừa. “Trước đây trồng theo cách truyền thống, tôi thu hoạch 1ha được khoảng 1 thiên dừa (1.000 trái), từ khi trồng dưa theo tiêu chuẩn hữu cơ, bón phân chuồng, phân hoai mục, lá cây xanh mướt, trái sai, bình quân 1ha cho từ 1 thiên 3 trái trở lên, chất lượng quả dừa cũng cải thiện rõ rệt. Thấy trái to nên thương lái đến tận vườn thu mua. Tôi không phải chở đi bán như trước đây”, ông Ninh cho biết.
Cũng như ông Ninh, nông dân Lâm Văn Ngôn (ngụ cùng địa phương) hơn 4 năm nay đã chuyển từ cách trồng truyền thống sang hữu cơ. Qua quá trình canh tác, ông Ngôn nhận thấy trồng theo phương pháp hữu cơ dừa ra trái không bỏ cổ và ít mắc các loại sâu bệnh. Vào các tháng nắng nóng, ông Ngôn lấy lá dừa khô đậy lên giữ ẩm cho gốc, kích thích rễ dừa ra tốt, hạn chế xói mòn đất. Tuyệt đối ông Ngôn không sử dụng thuốc diệt cỏ, mà tận dụng cỏ đã làm bằng tay để ủ lên gốc cây, sau thời gian cỏ mục đi thành phân hữu cơ để nuôi rễ dừa phát triển.
Nói về phương pháp trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, ông Ngôn cho rằng, quan trọng hơn hết ông thấy an tâm cho sức khỏe gia đình và bà con xung quanh. So với canh tác truyền thống, trồng dừa hữu cơ giúp nông dân tiết kiệm từ 30 - 40% chi phí hàng năm.
“Bình quân một năm, mỗi gốc dừa tôi bón, tưới khoảng 50 nghìn tiền phân chuồng. Trong khi đó, trước đây bón phân hóa học phải chi gần 200 nghìn cho mỗi gốc. Không những vậy, trồng dừa theo phương pháp này còn được công ty bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường từ 5 -10%. Nhờ vậy, tôi thu nhập đều đặn khoảng 10 triệu/tháng/ha", ông Ngôn thông tin.
Theo đa số nông dân tại ĐBSCL, dừa vốn là loại cây dễ trồng, dễ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, lại nhẹ công chăm sóc, nhờ áp dụng trồng hữu cơ, độ bền của cây ngày càng tăng. Bà con cũng bớt lo lắng hơn trong điều kiện hạn mặn. Thấy phương pháp trồng hữu cơ hiệu quả, ngoài cây dừa, nông dân còn áp dụng trên một số cây trồng khác.
Bà Nguyễn Thị Lùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Trà Vinh cho biết, diện tích dừa toàn tỉnh gần 25.500ha, chiếm 58% diện tích cây lâu năm toàn tỉnh. Trong đó, dừa hữu cơ có 5.000ha, tập trung nhiều nhất tại các huyện Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long…
Huyện Tiểu Cần được coi là "thủ phủ" dừa hữu cơ của tỉnh với hơn 2.000ha, đã được công nhận tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, nông dân đã tuân thủ theo quy trình trồng dừa an toàn, không sử dụng phân, thuốc hóa học nên được một số công ty chế biến các sản phẩm từ dừa thu mua với giá cao hơn thị trường từ 5 - 10%.
Hàng năm, tỉnh Trà Vinh bị xâm nhập mặn từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau ảnh hưởng đến canh tác một số loại cây trồng. Qua khảo sát, đánh giá, tình trạng trên không làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây dừa. Đặc biệt, đối với phương pháp trồng hữu cơ, cây dừa cho năng suất cao hơn canh tác truyền thống. Trồng dừa hữu cơ cũng tiết kiệm nhiều chi phí...
“Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển thêm 8.000ha dừa, trong đó có 6.000ha dừa trồng hữu cơ đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh cây dừa, tỉnh cũng mở rộng trồng theo hướng hữu cơ trên cây lúa và một số cây ăn quả khác để góp phần tạo ra sản phẩm đặc trưng của tỉnh Trà Vinh.
Tuy giá dừa hiện nay tại các tỉnh ĐBSCL dao động lên xuống thất thường. Nhưng một trong những ưu điểm nổi bật của phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ là đã thay đổi nhận thức và tập quán của bà con nông dân. Đồng thời, tạo tính lan tỏa trong việc sản xuất an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày một khắc nghiệt”, bà Nguyễn Thị Lùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Trà Vinh cho biết.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.