Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:25 GMT +7

  • Click để copy
Thứ bảy- 17:58, 19/10/2024

Trồng bưởi Diễn theo hướng hữu cơ: Cây trẻ, người khỏe

HÀ NỘI Không chỉ giúp vườn bưởi 20 năm sinh trưởng mạnh, năng suất ngày càng cao, canh tác theo hướng hữu cơ còn giúp chủ vườn và đất đai khỏe mạnh hơn.
Vườn bưởi Ba Phương của gia đình anh In, chị Phương khỏe mạnh nhờ canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: Tùng Đinh.

Vườn bưởi Ba Phương của gia đình anh In, chị Phương khỏe mạnh nhờ canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: Tùng Đinh.

Cây trẻ, người khỏe

4 năm trước, nhìn vườn bưởi Diễn hơn 15 năm cứ ngày một xơ xác, ít quả, vợ chồng anh In, chị Phương ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) không khỏi xót xa. Không chấp nhận hoàn cảnh, anh chị lên mạng tìm hiểu về cách cứu vườn bưởi của gia đình và "canh tác hữu cơ" trở thành từ khóa giải quyết triệt để những lo toan của gia đình.

Ngoài sự thay đổi rõ rệt về sức khỏe của hàng trăm cây bưởi trong vườn, gia định anh In, chị Phương, chủ vườn bưởi Ba Phương còn thấy sức khỏe con người được cải thiện. "Nhà chị nằm giữa hàng trăm gốc bưởi, trước đây cứ mỗi lần bón phân, phun thuốc xong thì rất mệt nhưng bây giờ thì khác hẳn", chị Phương chia sẻ.

Bắt đầu trồng bưởi từ năm 2004, cây bưởi Diễn có giai đoạn giá lên đỉnh cao nhưng dần dần thoái trào do nguồn cung tăng mạnh, cùng với đó việc sử dụng các sản phẩm hóa học quá nhiều khiến cây bị suy kiệt dần. Chưa kể, chất lượng đất trong vườn cũng đi xuống khiến chất lượng quả bưởi ngày càng giảm, giá bưởi do đó càng tụt dốc. Trong bối cảnh nhiều nhà vườn bỏ bê cây bưởi khi giá xuống thấp, gia đình chị Phương vẫn kiên trì theo đuổi.

Đến năm 2020, anh chị quyết định thay đổi, chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ và phòng trừ dịch hại bằng các sản phẩm vi sinh với sự giúp đỡ của cán bộ Viện Bảo vệ thực vật.

Vườn bưởi Diễn 20 năm tuổi nhưng vẫn sai quả, quả đẹp vì được canh tác đúng cách. Ảnh: Tùng Đinh.

Vườn bưởi Diễn 20 năm tuổi nhưng vẫn sai quả, quả đẹp vì được canh tác đúng cách. Ảnh: Tùng Đinh.

Đến nay, sau 4 năm thay đổi cách làm, vườn bưởi Diễn Ba Phương đã xanh ngắt, khỏe mạnh, mỗi cây có thể cho từ 100 – 200 quả/mùa, tùy vào tình hình thời tiết.

"Nhìn vào vườn bưởi hiện nay, nhiều người cứ tưởng chỉ cây mới hơn 10 năm tuổi nhưng thực ra đã xấp xỉ 20 rồi. Làm hữu cơ thế này, cây thì trẻ mà người thì khỏe", chị Phương hồ hởi.

Không chỉ cây khỏe, người người, sức khỏe đất cũng được cải thiện đáng kể. Đất vườn trước đây khô cằn, bây giờ đã tơi xốp, độ ẩm được duy trì quanh năm. Dưới những gốc bưởi là lớp thực vật xanh tốt, có tác dụng giữ ẩm cũng như bảo vệ hệ vi sinh vật trong đất.

Một minh chứng dễ nhận thấy nhất là giun đất trong vườn tăng trở lại, cao hơn rất nhiều so với thời điểm cách đây 4 năm. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhà vườn Ba Phương phải đối mặt với vấn đề "giun tặc" từ những kẻ đi kích giun.

Vôi bột, tro rơm rạ và phân gà được bón cho bưởi. Ảnh: Tùng Đinh.

Vôi bột, tro rơm rạ và phân gà được bón cho bưởi. Ảnh: Tùng Đinh.

Cho cây ăn đậu, cá, ốc

Nhà vườn Ba Phương hiện có hơn 4ha bưởi Diễn, tương đương khoảng 600 gốc và 100% đều được canh tác theo hướng hữu cơ. Ngoài sử dụng các loại phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, vi sinh thì một số loại phân vô cơ như NPK hay kali vẫn được duy trì, bổ sung dưỡng chất cho cây.

Trong đó NPK được bón vào giai đoạn cây ra hoa để tăng khả năng đậu quả, còn kali được bổ sung vào lúc quả to bằng cỡ bát ăn cơm để tăng độ ngọt cho quả.

Còn lại, các loại "thức ăn" chính của cây bưởi là ngô, đậu tương, cá, ốc, tro rơm ra, phân gà... được bón trực tiếp (tro, phân gà) hoặc ủ cùng với chế phẩm vi sinh (như ngô, đậu, cá, ốc...).

"Nhà tôi mỗi năm ủ khoảng 1 tấn đậu tương, 1 tấn cá và dùng khoảng 100 - 200 bao tro rơm rạ, phân gà để bón cho cây", chủ nhà vườn chia sẻ. Theo đó, phân được ủ, pha loãng và bón đều cho cây với tần suất 10 – 15 ngày/lần, đặc biệt tập trung vào giai đoạn sau khi thu hoạch để cây hồi phục nhanh. Cần lưu ý nếu tưới chế phẩm phân bón đậm đặc quá có thể phản tác dụng, làm thối rễ cây.

Thùng ủ phân bón hữu cơ sử dụng chế phẩm sinh học do Viện Bảo vệ thực vật hỗ trợ vườn bưởi Ba Phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Thùng ủ phân bón hữu cơ sử dụng chế phẩm sinh học do Viện Bảo vệ thực vật hỗ trợ vườn bưởi Ba Phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Sau khi chuyển đổi canh tác sang hình thức này, bưởi của nhà vườn Ba Phương không chỉ sai quả hơn mà còn có mẫu mã đẹp, ít sâu bệnh và đỡ phải sử dụng thuốc BVTV. Trong khi đó, ở khu vực lân cận nhiều vườn bưởi đã bị cỗi, năng suất kém, sâu bệnh, nhiều gia đình phải chặt bỏ.

Năm nay, thời điểm bưởi ra hoa thời tiết không thuận lợi nhưng ước tính 4ha của gia đình anh In, chị Phương cũng sẽ đạt khoảng 60.000 quả, tương đương 100 quả/cây. Năng suất này được cho là chỉ bằng 50 – 60% so với những năm được mùa.

Trong cơn bão số 3 vừa qua, nhiều diện tích bưởi của nhà anh chị cũng bị ngập úng, mặc dù đã sớm xẻ rãnh, thoát nước, tiêu úng cho vườn những vẫn có khoảng 20 cây bị chết.

Với sản lượng dự kiến 60 tấn quả, các khách hàng thân thiết của nhà vườn đã đặt hàng để chuẩn bị cung cấp cho dịp lễ, Tết cuối năm. Giá bán bưởi loại từ 700gr trở lên là 20.000 đồng/quả, những quả bé, xấu hơn sẽ bán rẻ hơn cho các chợ. Làm bưởi Diễn 20 năm nay, gia đình anh chị cho biết chưa từng bị ế bao giờ. Nhất là sau khi chuyển đổi sang canh tác hữu cơ, mặc dù đầu tư có cao hơn nhưng đổi lại chất lượng, sản lượng của vườn bưởi đều tốt, bù lại được chi phí ban đầu.

Bẫy bả sinh học được treo trong vườn bưởi để ngăn chặn sinh vật gây hại. Ảnh: Tùng Đinh.

Bẫy bả sinh học được treo trong vườn bưởi để ngăn chặn sinh vật gây hại. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện nay, để đối phó với các sinh vật gây hại, đặc biệt là ruồi vàng, nhà vườn Ba Phương đang sử dụng các loại bẫy bả sinh học do Viện Bảo vệ thực vật cung cấp.

Ngoài bám dính, các loại bẫy bả này còn có khả năng dẫn dụ ruồi đực và làm bất dục chúng, ngăn cản khả năng sinh sản. Tuy nhiên, chị Phương cho rằng, muốn có được hiệu quả lâu dài, cần thực hiện công tác tiêu diệt, đánh bẫy một cách đồng bộ, trên diện rộng, tránh việc đánh ở chỗ này lại bay sang chỗ khác.

Tùng Đinh

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm