Thứ tư, 25/12/2024 | 19:06 GMT +7
Sinh ra và lớn lên tại làng gốm cổ Bát Tràng (Hà Nội), là người con đời thứ 15 của dòng họ Hà Hữu, 1 trong 19 dòng họ gốc trứ danh với nghề gốm sứ, bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh, luôn tâm niệm nghề gốm sứ là nghề “cha truyền con nối”. Những thế hệ đi sau phải luôn tri ân tới ông cha tổ nghiệp cũng như cụ tổ nghề gốm.
Chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Hà Thị Vinh luôn giữ vững quan điểm, đối với nghề làm gốm, từ những người thợ tài hoa cho đến người vụng về đều phải tuân thủ, thực hiện theo đúng những công đoạn làm gốm.
“Làm nghề gốm phải có sự tinh hoa, muốn làm nghề gốm giỏi phải có tri thức. Ngày xưa các thế hệ đã đúc rút nhiều kinh nghiệm quý báu, đời nọ nối đời kia, qua dạy nghề, làm nghề để chắt chiu những kinh nghiệm, nghiên cứu đó đưa vào sản xuất thực tế”, bà Vinh cho hay.
“Từ nghề gốm chúng tôi đã tạo nên sự thịnh vượng cho gia đình. Cũng từ nghề gốm, con cháu chúng tôi có công ăn việc làm, có cơm ăn áo mặc, ấm no, hạnh phúc. Ông cha tổ nghiệp đã để lại cho chúng tôi một nghề vô cùng trân quý”, bà Hà Thị Vinh bày tỏ.
Cho đến nay, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Nghề gốm cũng vậy, cũng cần được giao lưu, học hỏi cũng như tìm tòi những giải pháp tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến cho sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời hợp lý hóa chi phí sản xuất, giảm thiểu rủi ro.
“Cần phải nhấn mạnh, yếu tố con người là quan trọng nhất. Nói đến nghề thủ công, nói đến sản phẩm gốm sứ thủ công, yếu tố con người chính là tinh hoa. Nghề gốm rất cần những con người có tri thức, có sự học hỏi để làm nghề giỏi, có kiến thức uyên thâm trong nghề”, đại diện thương hiệu gốm sứ Quang Vinh nói.
Theo bà Hà Thị Vinh, nhắc đến thương hiệu gốm sứ Bát Tràng là nhắc đến bức tranh “trăm hoa đua nở”. Mỗi một thương hiệu sẽ có sự nghiên cứu và nét tinh hoa riêng. Không nằm ngoài sân chơi đó, sản phẩm gốm sứ Quang Vinh có sự khác biệt rõ rệt so với các sản phẩm gốm sứ khác nơi đây. Các thành viên trong gia đình gốm sứ Quang Vinh sẽ được đi học tập tại nước ngoài và tập trung nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm có tính chất kỹ thuật, mỹ thuật cao.
“Ví dụ như dòng sản phẩm gốm siêu mỏng, siêu nhẹ là một trong những dòng sản phẩm được chấm 5 sao OCOP, được đưa ra thị trường quốc tế và bán được ở 30 nước trên thế giới. 95% sản phẩm này phục vụ cho việc xuất khẩu sang các thị trường quốc tế”, Giám đốc Công ty gốm sứ Quang Vinh chia sẻ.
Theo đó, thành công của gốm sứ Quang Vinh là tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao, được thị trường thế giới ưa chuộng, chạm tới được cảm xúc của khách hàng và được người tiêu dùng quốc tế yêu thích.
Để làm được những sản phẩm chất lượng như vậy đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật, tay nghề cao đồng thời áp dụng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật.
Tiến bộ khoa học công nghệ đã giúp gốm sứ Quang Vinh cho ra đời những dòng sản phẩm có sự khác biệt, có hàm lượng kỹ thuật, hàm lượng mỹ nghệ nhiều hơn. Qua đó khẳng định được vị thế của một sản phẩm thủ công cầu kỳ và đầy tính mỹ nghệ.
Ngoài phục vụ cho công tác sản xuất tốt hơn, việc ứng dụng khoa học công nghệ đó cũng sẽ giúp Công ty tiết kiệm được chi phí cũng như nhiên, nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, với việc ứng dụng kỹ thuật cao trong các sản phẩm có thiết kế mỏng manh, đặc sắc, Công ty đã nâng giá trị sản phẩm đầu ra lên một tầm cao mới trên thị trường quốc tế.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm xuất khẩu các sản phẩm gốm sứ ra thị trường quốc tế, ngoài việc nghiên cứu để có được những đột phá trong sản xuất, gốm sứ Quang Vinh còn có lực lượng nhân sự được đào tạo kỹ lưỡng về marketing, phục vụ cho việc nghiên cứu thị trường nước ngoài.
Hằng năm, Công ty vẫn tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại nước ngoài cũng như tham gia nhiều chương trình hội chợ. Điển hình như Hội chợ Frankfurt vào tháng 2 hàng năm được tổ chức tại Đức. Đây là một trong những hội chợ lớn nhất thế giới về mảng thủ công mỹ nghệ và gốm sứ mỹ nghệ. Ngoài ra gốm sứ Quang Vinh thường tham gia chương trình hội chợ tại Hồng Kông vào tháng 10, hội chợ Tokyo (Nhật Bản), hội chợ Paris (Pháp) hay một số hội chợ khác.
“Đây là một trong những công tác gốm sứ Quang Vinh vẫn miệt mài tham gia nhằm quảng bá sản phẩm tới các thị trường khó tính trên thế giới. Chúng tôi cũng thông qua những kênh tham tán thương mại của các nước để đi tìm thị trường”, bà Hà Thị Vinh cho hay.
Sau khi tạo dựng một nền tảng thương hiệu uy tín, chất lượng trên thị trường, nhiều khách hàng đã tự tìm đến với gốm sứ Quang Vinh. Chính vì vậy Công ty luôn được vận hành với tâm niệm cần phải hiểu được vị trí của thương hiệu Quang Vinh, sản phẩm gốm sứ hiện đang nằm ở đâu trên thị trường.
Bên cạnh đó cũng cần hiểu được xu thế, nhu cầu của thị trường trong thời gian tới. Thậm chí cần phải tìm hiểu nét đặc trưng, chi tiết dù là nhỏ nhất trong thiết kế nội thất của nước bạn từ màu sơn tường, màu nền, thiết kế trần nhà… để có thể cung cấp sản phẩm gốm sứ phù hợp.
Mỗi một quốc gia sẽ có một bản sắc văn hóa, dân tộc riêng. Cái khó của những nhà sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ là phải làm thế nào để sản phẩm đó phù hợp với thị hiếu của thị trường và có thể chạm vào trái tim, cảm xúc của người tiêu dùng.
“Tất cả việc đó cần phải có sự nghiên cứu. Vì thế mà phòng marketing và phòng kỹ thuật của Quang Vinh luôn có sự gắn kết rất chặt chẽ để chủ động và đưa ra những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường”, bà Hà Thị Vinh nói.
Cần mẫn gìn giữ nét văn hóa dân tộc
Theo bà Hà Thị Vinh, sản xuất tại làng nghề là một trong những nền kinh tế yếu thế bởi đây không phải nơi sản xuất công nghiệp, không phải địa chỉ kinh tế mũi nhọn mà Nhà nước sẽ tập trung cao độ cho tương lai.
Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh cho rằng Nhà nước và Chính phủ đã ưu tiên nhưng chưa phải ở mức cao cho nền kinh tế yếu thế này. Trong khi đó, Việt Nam lại có một số lượng lớn làng nghề trên khắp cả nước. Ví dụ như TP. Hà Nội có 1.350 làng có nghề, 308 làng nghề truyền thống.
“Đó là nét văn hóa dân tộc vô cùng quý giá. Đó cũng là nền kinh tế ở các vùng nông thôn, là một trong những vấn đề rất quan trọng để giữ vững an sinh xã hội tại khu vực nông thôn. Hơn thế nữa, các làng nghề đang làm nhiệm vụ gìn giữ bản sắc văn hóa Việt, gìn giữ những bản sắc văn hóa đã có từ rất lâu, được truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Dù gian khó, vất vả họ vẫn yêu nghề của tổ tiên, vẫn cần mẫn để giữ gìn và phát triển nó. Họ không bỏ nghề là điều vô cùng quý báu, vô cùng đáng trân trọng”, bà Hà Thị Vinh chia sẻ.
Nhiều lần khẳng định bản sắc văn hóa là điều vĩ đại sâu thẳm của mỗi dân tộc, đại diện thương hiệu gốm sứ Quang Vinh bày tỏ: “Chúng tôi mong Nhà nước, Chính phủ cũng như hệ thống công quyền cấp, địa phương quan tâm nhiều hơn nữa để khai thác và thúc đẩy kinh tế làng nghề. Phải làm sao để thế hệ con em trong các làng nghề đừng bỏ quê; phải làm sao để động viên thế hệ trẻ, đào tạo kiến thức uyên thâm về nghề để họ có thể làm giàu ngay trên chính quê hương của mình.”
Bắc Kạn Từ những loại nông sản bản địa, Hợp tác xã (HTX) Yến Dương đã đầu tư, thổi hồn để trở thành những sản phẩm chất lượng cao, được thị trường đón nhận.
Quảng Bình Vào những ngày nắng lên đến đỉnh điểm là lúc diêm dân Quảng Phú nở những nụ cười tươi vì muối được mùa, được giá…
Say mê làm nông nghiệp tốt, nhiều HTX nông nghiệp ở Tuyên Quang tạo ra những vườn cây xanh tốt, bền vững, khẳng định được giá trị thương hiệu trên thị trường.
HÀ NỘI Người mê nhảy dù ở Hà Nội không lạ gì đồi Bù của xã Nam Phương Tiến bởi thỏa thích ngắm màu vàng của những vườn bưởi chín xen màu xanh của những vườn rau…