Thứ năm, 12/12/2024 | 08:47 GMT +7
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) là một trong những tổ chức môi trường quốc tế đầu tiên có mặt tại Việt Nam từ giữa những năm 1980. Từ đó đến nay, IUCN đã có những đóng góp quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Chương trình hiện tại của IUCN Việt Nam tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực chính như nước/đất ngập nước, biển/vùng bờ, doanh nghiệp/đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên thế giới và các khu bảo tồn.
Từ năm 2016 - 2021, từ nhiều nguồn vốn tài trợ, IUCN Việt Nam đã triển khai thực hiện các dự án sinh kế thích ứng mùa nước nổi tại 3 tỉnh thượng nguồn vùng ĐBSCL là An Giang, Đồng Tháp và Long An. Đây là một trong những nỗ lực nhằm giúp nông dân phát triển sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường tự nhiên, góp phần hỗ trợ chiến lược trữ lũ vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các dự án đã khảo sát và thí điểm một số mô hình sinh kế mùa nước nổi trong khu vực như mô hình trồng sen phát triển du lịch, luân canh lúa sen, trồng sen lấy ngó, sen lấy hạt kết hợp nuôi cá, nuôi cá đồng lũ, canh tác vườn rau nổi, trồng ấu, dưỡng hẹ nước, trồng lúa mùa nổi và dạy nghề rút tơ sen dệt vải cho phụ nữ để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Trong các mô hình nêu trên, nhiều mô hình sinh kế mùa nước nổi đã chứng minh được tính hiệu quả bền vững và có tiềm năng nhân rộng trong cộng đồng.
Bên cạch hỗ trợ nuôi trồng, IUCN cũng hướng tới phát triển thị trường nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. IUCN đã phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai các mô hình, phối hợp cùng các đối tác triển khai dự án như: IUCN hợp tác với HTX Tân Thạnh ở An Giang và HTX Tân Kiều ở Đồng Tháp để kết nối doanh nghiệp thu mua sản phẩm; thu mua sen ở An Giang, Long An; thu mua lúa mùa nổi ở Long An.
Qua quá trình thực hiện, tính hiệu quả của mô hình đã thuyết phục được người dân và chính quyền địa phương tham gia. UBND huyện Tân Hưng (Long An) rất ủng hộ và sẵn sàng quy hoạch không gian cho lúa mùa nổi.
Khu bảo tồn Láng Sen tự chi thêm kinh phí hỗ trợ thêm cho người dân học nghề rút tơ sen, hay Hội Nông dân huyện Tháp Mười có nguồn vốn cấp hỗ trợ cho các hộ thực hiện mô hình sinh kế mùa nước nổi bền vững.
“UBND huyện rất chào đón và sẵn sàng tạo điều kiện để dự án triển khai và thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con” ông Lê Thành Yên, Phó chủ tịch Huyện Tân Hưng phát biểu khi triển khai dự án.
Ngoài việc chứng minh tính hiệu quả kinh tế, các mô hình dự án cũng góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ chiến lược bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, tăng cường không gian trữ nước ngọt cho ĐBSCL.
Trong 5 năm thực hiện, các mô hình sinh kế mùa nước nổi đã hỗ trợ trên 500 ha diện tích đất canh tác, tích trữ trên 8 triệu m3 nước trong mùa lũ. Bên cạnh đó, lượng phù sa được tích tụ trên đồng ruộng sẽ giúp tăng độ phì của đất, giảm lượng phân bón cho vụ mùa sau, đồng lúa được rữa sạch mầm bệnh, hóa chất độc hại, lượng thủy sản tự nhiên cũng có không gian phát triển, tăng cường tính đa dạng sinh học trên hệ thống canh tác nông nghiệp trong vùng.
Với những thành công nêu trên, việc tiếp tục duy trì các mô hình bằng tự lực của người dân và sự hỗ trợ chính sách từ chính quyền địa phương là hoàn toàn khả thi.
IUCN mong muốn kêu gọi nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các bên để tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững, giúp vùng ĐBSCL ngày càng phát triển và thích ứng hơn với tình hình biến đổi khí hậu diễn tiến ngày càng phức tạp.
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) là một tổ chức thành viên với các thành viên quốc gia và các tổ chức phi chính phủ.
IUCN tập trung nguồn lực và kinh nghiệm từ mạng lưới khoảng 1.400 tổ chức thành viên và 18.000 chuyên gia trên toàn cầu. IUCN là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật cho các di sản thiên nhiên thế giới trên toàn cầu và cung cấp các giải pháp để bảo tồn các khu vực này.
Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Nông nghiệp có Trách nhiệm, hợp tác giữa Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường Việt Nam (VB4E) và Báo Nông nghiệp Việt Nam
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.
Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.