Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:28 GMT +7
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ làm ra trước tiên đòi hỏi phải an toàn cho bản thân, cho gia đình và phải tuyệt đối an toàn cho người tiêu dùng, khi đó mới có được sự tin tưởng lâu dài. Đây là những lời chia sẻ tâm huyết của lão nông Nguyễn Văn Mười Một, chuyên trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ ở ấp Đông, xã Tân Bình, huyện Châu Thành (Đồng Tháp).
Ông Nguyễn Văn Mười Một chia sẻ, hơn 1ha bưởi của gia đình ông đã thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP được 4 năm. Từ việc lệ thuộc vào phân bón, thuốc BVTV hóa học, ông dần chuyển sang 100% phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học. Sản phẩm làm ra đạt chất lượng, năng suất tốt hơn so với trước kia. Tuy nhiên, điều mà ông còn trăn trở là khi sản phẩm làm ra phải có nơi phân phối, tránh tình trạng bị đánh đồng với sản phẩm thông thường.
Khi mới bước chân vào làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, trồng dưa lưới trong nhà màng, anh Trần Minh Bửu ở huyện An Phú, tỉnh An Giang đã có nhiều ngày quên ăn, quên ngủ vì sản phẩm làm ra chất lượng không được như mong muốn hoặc để nghiên cứu ra một sản phẩm riêng của bản thân phải mất từ 1 - 2 năm mới đạt kết quả. Khó khăn lớn nhất là tiếp cận nguồn vốn, chuyển giao kỹ thuật, chính sách hỗ trợ và đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo anh Bửu, đầu tư nông nghiệp hữu cơ tuy ban đầu có cực công và tốn kém hơn so với sản xuất thông thường, nhưng đem lại nhiều cái lợi khác biệt hơn rất nhiều. Đặc biệt, cái tâm của người sản xuất hữu cơ phải tuyệt đối trong sáng mới tạo uy tín thị trường. Hiện mô hình sản xuất dưa lưới hữu cơ của anh Bửu đã có liên kết ổn định với doanh nghiệp lo đầu ra, trong tương lai việc mở rộng diện tích canh tác hữu cơ là rất thuận lợi đối với anh.
Bắt tay vào làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ được hơn hai năm nay, nhưng trong quá trình sản xuất, anh Nguyễn Văn Phong, chủ trang trại Cần Thơ Farm ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã gặp không ít những khó khăn, thách thức về nguồn vốn đầu tư, tiếp cận thị trường... Vượt qua những khó khăn đó, thời gian gần đây, những sản phẩm do anh làm ra đang dần được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.
Anh Nguyễn Văn Phong chia sẻ: Không có thành công nào mà không gặp những khó khăn, trở ngại. Làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ cần phải có thời gian để khẳng định và trong quãng thời gian khoảng 2 năm đó, anh chỉ mong hòa vốn chứ không dám nghĩ tới lợi nhuận. Diện tích đất nông nghiệp mỗi ngày mỗi hẹp, buộc các nhà vườn cũng phải thích nghi làm nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ mới đảm bảo có lãi.
"Hi vọng nông nghiệp hữu cơ những năm tới sẽ có những bước đột phá, tạo dấu ấn hơn nữa trong từng sản phẩm. Bản thân những người làm nông nghiệp hữu cơ, luôn mong muốn có sự chung của nhà nước, nhất là các chính sách về vốn, hỗ trợ về hạ tầng, đất đai để an tâm đầu tư...", anh Phong nói.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, hiện nay nông sản an toàn theo hướng hữu cơ không chỉ đang dần chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng mà các sản phẩm này cũng đã và đang dần khẳng định vị thế của ngành nông nghiệp nước ta trong khu vực và trên thế giới.
Dù hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đây là hướng đi tất yếu cho ngành nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL, nhất là trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm đã trở thành tiêu chí quan trọng hàng đầu đối với người tiêu dùng. Với những mô hình và cách sản xuất mới, đang làm thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết, định hướng thị trường, chạy theo số lượng thay vì chất lượng như bấy lâu nay.
Theo ông Nghiêm, làm nông nghiệp hữu cơ nghe có vẻ dễ, nhưng khi bắt tay vào làm ai cũng gặp không ít những khó khăn, trở ngại từ nguồn vốn, chính sách và ứng dụng khoa học kỹ thuật… Hiện nay, TP Cần Thơ đã bắt đầu hình thành các khu sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ. Tuy diện tích chưa nhiều, nhưng kỳ vọng trong vài năm tới sẽ có bước phát triển, mở rộng.
Ông Phạm Văn Lơ, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nhãn Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) cho biết: HTX hiện có 29 thành viên, với diện tích canh tác nhãn hơn 22,5 ha, trong đó chủ yếu là trồng giống nhãn Ido. Đây là giống nhãn cho năng suất, sản lượng rất tốt và hầu như không bị bệnh chổi rồng, lại có thể xử lý cho ra trái rải vụ quanh năm.
Hơn 2 năm nay, các thành viên tại HTX cũng đã thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn. Tuy nhiên, do thời gian qua còn phụ thuộc nhiều vào việc sử dụng các loại thuốc BVTV và phân bón hóa học nên chi phí sản xuất còn cao, nhất là khi gần đây giá nhiều loại phân bón hóa học đã tăng cao gấp 2 - 3 lần so với những năm trước. Do vậy, việc tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học vừa rẻ tiền, vừa mang lại hiệu quả rất tốt cho nông dân. Từ việc sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, đã giảm mạnh lượng sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học, không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần quan trọng đảm bảo sản phẩm an toàn.
“Ước tính, nếu thực hiện tốt các quy trình sản xuất theo hướng an toàn và giảm phân bón hóa học, nông dân có thể giảm hơn 20% chi phí sản xuất. Do canh tác nhãn theo hướng hữu cơ nên vụ nhãn vừa qua, HTX Nhãn Nhơn Nghĩa đã có lãi khoảng 200 triệu đồng/ha/vụ. Với mức lãi này, việc sản xuất nhãn theo hướng hữu cơ cho lợi nhuận tăng 10 - 15% so với cách sản xuất thông thường theo truyền thống”, ông Lơ chia sẻ.
Theo ông Phạm Văn Quỳnh, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ tại ĐBSCL hiện nay cần sự chung sức, tận tâm của các doanh nghiệp trong việc hình thành những mô hình theo chuỗi giá trị. Nếu không có doanh nghiệp, việc tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu là rất khó khăn.
Theo đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ thông qua tín dụng ưu đãi, tiền thuê đất, nhất là ưu tiên cho thuê những khu đất chưa bị ô nhiễm. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh, chế phẩm thuốc BVTV sinh học để phục vụ sản xuất hữu cơ trên diện rộng trong tương lai.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.