Thứ bảy, 14/09/2024 | 13:52 GMT +7

  • Click để copy
Thứ sáu- 08:30, 05/07/2024

Thanh long quả to, ngọt mát nhờ sản xuất hướng hữu cơ

HẢI PHÒNG Những năm gần đây, người dân ở xã Bát Trang, huyện An Lão đã chuyển sang trồng thanh long theo quy trình hữu cơ và bước đầu tăng được hiệu quả kinh tế.

Lợi nhuận 15 triệu đồng/sào/năm

Xã Bát Trang (huyện An Lão) đã được UBND TP Hải Phòng quy hoạch thành vùng sản xuất cây ăn quả từ năm 2023 với diện tích hơn 50ha tại thôn Trực Trang. Đây cũng là nơi trồng thanh long lớn nhất của Hải Phòng hiện nay. Do hợp thổ nhưỡng, thanh long ở đây cho quả to, ngọt, chất lượng không thua kém những vùng trồng nổi tiếng khác.

Chị Phạm Thị Hòa (thôn Trực Trang) đang chăm sóc vườn thanh long rộng 1 mẫu của gia đình. Ảnh: Đinh Mười.

Chị Phạm Thị Hòa (thôn Trực Trang) đang chăm sóc vườn thanh long rộng 1 mẫu của gia đình. Ảnh: Đinh Mười.

Gia đình chị Phạm Thị Hòa ở thôn Trực Trang là một trong những hộ dân trồng thanh long sớm nhất ở xã Bát Trang với tổng diện tích gần 1 mẫu. Chị đã tìm hiểu và tiên phong ứng dụng công nghệ mới để trồng thanh long ruột trắng, sử dụng phân hữu cơ để sản xuất theo hướng hữu cơ.

Chị Hòa cho biết, trước đây vườn thanh long của gia đình được trồng theo kiểu cho leo trụ xi măng như nhiều người vẫn làm nên hiệu quả, năng suất không cao. Về sau, khi được phổ biến kinh nghiệm trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, gia đình đã trồng lại toàn bộ và làm giàn leo cho thanh long.

Về phân bón, trước đây chị Hòa thường đi mua phân hữu cơ về chăm bón, nhưng gần đây đã học được phương pháp tự ủ phân hữu cơ từ cá và đậu tương để sử dụng. Quá trình canh tác, sau một năm thu hoạch, những cành thanh long già cỗi sẽ được cắt tỉa, xay nhỏ, trộn ủ thành phân hữu cơ vi sinh để bón cho thanh long vào năm sau.

Với sự đầu tư bài bản, trung bình mỗi năm vườn thanh long của gia đình chị Hòa cho thu hoạch 5 - 6 lần, tổng sản lượng đạt hơn 1.000 tấn quả, với giá bán từ 12.000 - 30.000đ/kg (tùy thời điểm), sau khi trừ chi phí gia đình chị thu về khoảng 150 triệu đồng/năm.

“Trồng thanh long leo giàn giúp nâng cao năng suất, ít sâu bệnh. Gia đình ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học nhằm tạo ra trái thanh long chất lượng, an toàn”, chị Hòa bày tỏ.

Vườn thanh long ruột trắng được canh tác theo quy trình hữu cơ của gia đình chị Hòa. Ảnh: Đinh Mười.

Vườn thanh long ruột trắng được canh tác theo quy trình hữu cơ của gia đình chị Hòa. Ảnh: Đinh Mười.

Cũng như gia đình chị Hòa, cơ bản các hộ dân ở thôn Trực Trang hiện nay đều trồng thanh long theo hướng hữu cơ. Việc chăm sóc cây bằng phân hữu cơ giúp cải thiện độ tơi xốp và màu mỡ của đất, bộ rễ cây thanh long luôn chắc khỏe, sức đề kháng của cây tốt, quả nhiều, chất lượng ngon, ngọt, vỏ căng mỏng.

Ông Vũ Văn Thùy, thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Trực Trang chia sẻ, hiện gia đình ông đang thí điểm mô hình trồng thanh long hướng hữu cơ với 1.500 gốc. Quá trình canh tác ông chỉ sử dụng phân hữu cơ được ủ từ phân bò đã qua xử lý men vi sinh kết hợp với đậu tương ngâm ủ lên men. Loại phân này nhiều chất đa lượng, trung và vi lượng, có độ an toàn cao, cung cấp dinh dưỡng dồi dào, giúp cải tạo đất nghèo dinh dưỡng, cho quả rất ngọt.

Ông Thùy cũng ủ lên men đậu tương để tưới trực tiếp vào gốc cây, cứ 15 ngày tưới 1 lần bằng hệ thống tưới nhỏ giọt. Hệ thống này sẽ tiết kiệm nước, phân bón hơn so với việc phun tưới thông thường nhưng vẫn đảm bảo lượng nước, dinh dưỡng cần thiết cung cấp cho cây trồng, tránh thất thoát, lãng phí.

Trung bình mỗi năm, mỗi gốc thanh long được bón 30kg phân hữu cơ, chia làm 2 lần (lúc cây ra hoa và lúc thu hoạch xong). “Đây là những giai đoạn mà cây cần bổ sung nhiều dưỡng chất nhất, vì vậy, nếu được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cây mạnh khỏe, cho trái ngon, ngọt.

Từ lâu, người dân xã Bát Trang đã không còn dùng thuốc diệt cỏ cho vườn thanh long. Ảnh: Đinh Mười.

Từ lâu, người dân xã Bát Trang đã không còn dùng thuốc diệt cỏ cho vườn thanh long. Ảnh: Đinh Mười.

“Dù người dân ở đây mới bắt đầu trồng thanh long khoảng 10 năm trở lại đây nhưng cây trồng này đã giúp cải thiện cuộc sống, nhiều hộ làm giàu. Gia đình tôi đang trồng hơn 1 mẫu thanh long ruột trắng, sản lượng hàng năm đạt hơn 1 tấn, trừ chi phí cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng", ông Thùy cho biết.

Hiện thôn Trực Trang đang có 300 hộ trồng thanh long, năng suất bình quân 12 - 15 tấn/ha/năm. Với giá bán giao động từ 25 - 30 nghìn đồng/kg, trung bình 1 sào (360m2) nông dân có thể thu lợi nhuận 15 triệu đồng/năm. Nhờ cây thanh long, người dân có thu nhập ổn định, nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.

Chuyển hướng sản xuất hữu cơ

Ông Hoàng Văn Viên, Bí thư Chi bộ đồng thời là Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Trực Trang cho hay, việc trồng thanh long bắt đầu nhen nhóm tại đây từ năm 2015, ban đầu chỉ có vài hộ trồng thử.

Đến năm 2018, thấy thanh long trồng ở địa phương cho hiệu quả kinh tế cao nên người dân thôn Trực Trang bảo nhau cùng chuyển đổi diện tích cấy lúa, vải sang trồng thanh long ruột trắng, đến nay cả thôn có đến 300 hộ trồng thanh long với diện tích 40ha.

Việc đưa phân hữu cơ vào trồng, chăm sóc thanh long giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn, chất lượng quả đều, ngọt hơn, đồng thời bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Đồng thời giúp cây tăng sức đề kháng, giảm các loại sâu bệnh, nấm mốc, cây cho quả đều đặn, năng suất khá cao, mã quả sáng bóng, vị ngọt mát.

Ông Hoàng Văn Viên, Bí thư Chi bộ đồng thời là Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Trực Trang chia sẻ về lợi ích kinh tế từ cây thanh long ruột trắng. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Hoàng Văn Viên, Bí thư Chi bộ đồng thời là Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Trực Trang chia sẻ về lợi ích kinh tế từ cây thanh long ruột trắng. Ảnh: Đinh Mười.

Để trái thanh long rộng đường phát triển, HTX luôn đẩy mạnh tìm kiếm các đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con. HTX cũng phổ biến tới thành viên áp dụng phương pháp chong đèn để xử lý thanh long trái vụ.

“Thanh long là cây lâu năm, có vòng đời khai thác đến vài chục năm. Sau gần 2 năm trồng, chăm sóc, các gốc thanh long cho những quả bói đầu tiên. Từ năm thứ 3 trở đi, thanh long cho thu hoạch nhiều hơn và bắt đầu ổn định về sản lượng”, ông Viên chia sẻ.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, xã Bát Trang được thiên nhiên ưu ái khi có 3 mặt giáp sông, lại là nơi thượng nguồn các sông Lạch Tray, Đa Độ nên nguồn nước dồi dào, đất đai màu mỡ, thích hợp để hình thành vùng sản xuất chủ lực về cây ăn quả.

Toàn xã Bát Trang hiện có trên 200ha cây ăn quả các loại (trong đó thanh long 80ha, vải 80ha còn lại là cây trồng khác). Với trên 1.000 hộ dân trồng thanh long, cây trồng này mang lại lợi nhuận trên 400 triệu đồng/ha/năm.

Vùng trồng thanh long hướng hữu cơ tại đây đang được TP Hải Phòng quan tâm, định hướng phát triển để quy hoạch thành vùng chuyên canh, cho phép người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác, trong đó có thanh long.

Người dân đã biết cách tự ủ phân hữu cơ từ chính những phần thân cây thanh long bỏ đi. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân đã biết cách tự ủ phân hữu cơ từ chính những phần thân cây thanh long bỏ đi. Ảnh: Đinh Mười.

Từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã hỗ trợ một số hộ dân chuyển sang trồng thanh long theo hướng VietGAP và hướng hữu cơ. Trong suốt quá trình sản xuất, bà con không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật..., chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân khoáng và các loại chế phẩm sinh học để bón cho thanh long.

Thanh long là cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, phù hợp với chất đất ở xã Bát Trang, cây cho quả từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Ngoài ưu điểm chi phí đầu tư ban đầu thấp thì lợi nhuận cũng rất cao, bình quân mỗi sào chỉ cần bỏ vốn khoảng 5 triệu đồng, 1 vụ cho thu hoạch từ 7 - 11 lứa.

Khi người dân chuyển sang sản xuất theo quy trình hữu cơ, không dùng hóa chất, cây thanh long vẫn cho quả đều đặn, năng suất khá cao, mã quả sáng bóng, vị ngọt mát. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, cây không bị hư hao, cành vẫn phát triển tốt, không sợ ảnh hưởng năng suất các vụ sau.

“Hiệu quả bước đầu của sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ tương đối rõ nét so với phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó, sản phẩm quả thanh long sản xuất theo quy trình hữu cơ có đầu ra ổn định hơn so với những hộ canh tác thông thường, giá cao hơn thị trường khoảng 10%”, Kỹ sư Đỗ Thị Nhung – cán bộ Trạm Khuyến nông An Lão khẳng định.

Đinh Mười

Sầu riêng hữu cơ trên vùng đất khó, khách muốn ăn phải đặt trước

Sầu riêng hữu cơ trên vùng đất khó, khách muốn ăn phải đặt trước

TÂY NINH Với sự kiên trì đến cùng, ông Huỳnh Quới đã thành công canh tác sầu riêng hữu cơ trên vùng đất khó, khách muốn ăn phải đặt hàng trước.

Canh tác lúa ‘thuận thiên’ có thể giảm phát thải gần 11 triệu tấn CO2/năm

Canh tác lúa ‘thuận thiên’ có thể giảm phát thải gần 11 triệu tấn CO2/năm

Nếu thực hiện đồng loạt, tối ưu các biện pháp canh tác lúa 'thuận thiên' theo hướng hữu cơ ở ĐBSCL, có thể giảm phát thải được gần 11 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Kiên trì, nghiêm túc trồng thanh long hữu cơ

Kiên trì, nghiêm túc trồng thanh long hữu cơ

Vĩnh Phúc Theo chị Nguyễn Thị Thanh, sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ không có gì quá phức tạp, yếu tố then chốt để thành công là sự kiên trì và nghiêm túc.

Giữ thương hiệu cho mật ong U Minh Hạ

Giữ thương hiệu cho mật ong U Minh Hạ

Cà Mau Mật ong U Minh Hạ là sản phẩm mật ong nguyên chất, hoàn toàn tự nhiên, đã khẳng định được chất lượng trên thị trường.

Trồng lúa hữu cơ để trả món nợ môi trường

Trồng lúa hữu cơ để trả món nợ môi trường

Kiên Giang Chuyển sang sản xuất lúa hữu cơ ngoài tăng thêm giá trị về kinh tế nông dân còn trả món nợ về môi trường sau quá trình dài sử dụng phân, thuốc hóa học.

Xem Thêm