Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:47 GMT +7
Ngày 8/5, Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu IV (Cục Bảo vệ thực vật) phối hợp với Sở NN-PTNT Nghệ An tổ chức hội nghị tổng kết mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây lúa vụ xuân.
Mô hình “ruộng lúa bờ hoa” triển khai trong vụ xuân 2024 trên quy mô 10ha tại xứ đồng Bàn thuộc xóm Đông Sơn, xã Hậu Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An).
Huyện Yên Thành được xem là vựa lúa của tỉnh Nghệ An. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của địa phương này tạo được nhiều dấu ấn nhờ chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để triển khai mô hình áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trên cây lúa.
Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu IV, mô hình cùng lúc hướng đến nhiều mục tiêu, vừa áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hướng tăng năng suất, chất lượng cây trồng, mặt khác đẩy nhanh quá trình phục hồi "sức khỏe" cho đất, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tham gia mô hình, nông dân được tập huấn 7 đợt xuyên suốt từ đầu đến cuối vụ, rải đều theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.
Dưới sự hướng dẫn chi tiết của cán bộ, chuyên gia lành nghề, bà con xứ đồng Bàn được mở mang kiến thức, tiếp cận với những quy trình kỹ thuật trong sản xuất từ làm đất, điều tiết nước, gieo cấy, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại. Qua chương trình tập huấn, hầu hết bà con đã nắm vững được nguyên tắc, biện pháp kỹ thuật của IPHM, "nằm lòng" đặc điểm sinh lý của cây lúa ở từng giai đoạn. Nhờ đó bà con đã linh hoạt ứng phó với từng tác động ngoại cảnh bất lợi, giúp cây lúa sinh trưởng ổn định, chống chịu hiệu quả với sinh vật gây hại.
Được lựa chọn tham gia mô hình, ông Lê Đình Ích (trú tại xóm Đông Sơn, xã Hậu Thành, Yên Thành) thực sự tâm đắc: “Trước đây chúng tôi làm theo thói quen chứ không tuân theo bất kỳ quy chuẩn nào, thành thử bón phân không cân đối, lúc thừa lúc thiếu. Gieo cấy dày, nhiều khóm, rất hao giống, chưa kể tiêu tốn nhiều nước tưới mà hiệu quả không cao. Mọi thứ đã đổi khác khi có mô hình IPHM, dù mới mẻ nhưng cách thức này đã tức thì tạo ra sự khác biệt, giúp nhà nông mở mang tầm nhìn. Nay chúng tôi đã có thể tự tin áp dụng thành thạo IPHM trong sản xuất lúa”.
Nắm vững kiến thức về IPHM giúp nhà nông tạo nên sự khác biệt trên chính bờ xôi ruộng mật của mình. Qua đối chứng với những ruộng lúa ứng dụng phương thức cũ, các chỉ tiêu, thông số đều vượt trội. Cụ thể, mỗi ha áp dụng IPHM giảm đến 8kg giống, giảm 2 lần sử dụng thuốc BVTV, giảm 20kg phân đạm, đảm bảo bón phân cân đối hơn.
Qua theo dõi cho thấy, việc áp dụng IPHM, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) còn giúp giảm đáng kể sự tác động của sâu bệnh, điều này trực tiếp góp phần giảm thiểu chi phí đầu tư cũng như tăng cao năng suất, chất lượng. Thống kê sơ bộ, áp dụng IPHM cho lãi cao hơn canh tác truyền thống trên 2 triệu đồng/ha.
Tham dự hội nghị, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đánh giá cao những kết quả của mô hình quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) mang lại, vừa giúp nhà nông nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, lại góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Từ thực tiễn đó, ông Dương đề nghị Nghệ An cần tiếp tục duy trì mô hình thường xuyên, đồng thời tính toán phương án nhân rộng.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.