Thứ tư, 01/05/2024 | 10:03 GMT +7

  • Click để copy
Thứ sáu- 09:07, 22/12/2023

Ninh Thuận đặt nhiều kỳ vọng vào nông nghiệp hữu cơ

Là tỉnh có điều kiện tự nhiên, môi trường chưa bị nhiều tác động gây ô nhiễm, Ninh Thuận đang đứng trước nhiều cơ hội tạo đột phá về nông nghiệp hữu cơ.

Những kỳ vọng về nông nghiệp hữu cơ

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, ngành nông nghiệp tỉnh này đang đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong từng lĩnh vực có thế mạnh, sản phẩm đặc thù của tỉnh. Căn cứ vào thực trạng, nhu cầu thực tế của người sản xuất, đầu ra sản phẩm của từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong từng giai đoạn, Ninh Thuận xây dựng lộ trình phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ đáp ứng các quy định của Bộ NN-PTNT, các bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan.

Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Ảnh: Phương Chi.

Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Ảnh: Phương Chi.

Theo đó, Ninh Thuận hình thành, mở rộng diện tích canh tác một số đối tượng đã được chứng nhận hữu cơ như lúa, điều, cây ăn quả, rau củ quả các loại, mía, mì (sắn), măng tây, nha đam, cây dược liệu; về chăn nuôi có bò, dê, cừu, heo bản địa, các loại gia cầm; nuôi trồng thủy sản có tôm, cá, nhuyễn thể và rong biển các loại…

Ninh Thuận đồng thời hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông - lâm - thủy sản hữu cơ; tập trung vào các sản phẩm nằm trong danh mục ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ thực hiện trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh thông qua chất lượng nông - lâm - thủy sản được sản xuất theo quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, Ninh Thuận còn quan tâm phát triển, nâng cấp các cơ sở sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGAP, VietGAHP và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, hướng đến nông nghiệp hữu cơ.

Địa phương đặc biệt quan tâm tạo cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các chuỗi hàng hóa nông - lâm - thủy sản hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Ninh Thuận hướng đến hình thành diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,3 - 1,5% trong tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh vào năm 2025, đạt từ 2 - 2,5% vào năm 2030. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1% trong tổng diện tích đất trồng trọt vào năm 2025, đạt từ 1,5 - 2% vào năm 2030 với các loại cây trồng như lúa, bắp, điều, măng tây, nha đam, cây ăn quả, rau củ quả các loại...

Bên cạnh đó, tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ Ninh Thuận cũng sẽ phấn đấu đạt từ 1 - 1,5% trong tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất của tỉnh vào năm 2025, đạt từ 2 - 2,5% vào năm 2030. Các sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ có tiềm năng, thế mạnh được ưu tiên như thịt bò, dê, cừu, heo bản địa, các loại gia cầm, sản phẩm yến sào...

Ninh Thuận phấn đấu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt từ 1 - 1,5% trong tổng sản phẩm chăn nuôi của tỉnh vào năm 2025. Ảnh: Phương Chi.

Ninh Thuận phấn đấu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt từ 1 - 1,5% trong tổng sản phẩm chăn nuôi của tỉnh vào năm 2025. Ảnh: Phương Chi.

Trong nuôi trồng thủy sản, Ninh Thuận phấn đấu đạt diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ chiếm từ 0,5 - 1% trong tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh vào năm 2025, đạt từ 1,5 - 2% vào năm 2030, gồm các loài thủy sản có giá trị kinh tế như tôm, cá, nhuyễn thể và rong biển các loại.

Trong lộ trình phát triển nông nghiệp hữu cơ, Ninh Thuận không quên ngành muối. Tỉnh đặt mục tiêu diện tích sản xuất muối dinh dưỡng hữu cơ đạt từ 5 - 7% tổng diện tích sản xuất muối toàn tỉnh vào năm 2025, đạt từ 8 - 10% vào năm 2030. Đối với cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, Ninh Thuận phấn đấu đạt tỷ lệ sản lượng hữu cơ từ 90 - 95% trong tổng sản lượng, đối với hình thức sản xuất thâm canh sử dụng môi trường rừng sẽ đạt tỷ lệ sản lượng hữu cơ từ 75 - 80% tổng sản lượng.

“Chúng tôi phấn đấu nâng cao hiệu quả sản xuất hữu cơ trên cùng đơn vị diện tích. Nâng giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ vào năm 2025 và gấp 1,5 - 1,8 lần vào năm 2030”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận kỳ vọng.

Tập trung vào cây trồng, vật nuôi thế mạnh

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Ninh Thuận tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu phát triển và điều kiện tự nhiên có thể đáp ứng yêu cầu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn để làm cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm. Lộ trình phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Ninh Thuận được thực hiện từng bước theo hướng gắn với chuỗi giá trị, chuỗi liên kết cung - cầu.

Măng tây xanh - sản phẩm nông nghiệp đặc thù cho hiệu quả kinh tế cao tại Ninh Thuận. Ảnh: PC.

Măng tây xanh - sản phẩm nông nghiệp đặc thù cho hiệu quả kinh tế cao tại Ninh Thuận. Ảnh: PC.

Theo đó, Ninh Thuận ưu tiên triển khai sản xuất theo hướng hữu cơ tại các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi với từng loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản để tiến tới sản xuất hữu cơ. Lựa chọn các đối tượng thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu sâu bệnh và có thị trường tiêu thụ tốt để tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, Ninh Thuận sẽ hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng, có tiềm năng để tiến tới xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm nhằm tập trung đầu tư, đưa vào lộ trình sản xuất hữu cơ.

Trước mắt, tỉnh xác định các vùng sản xuất hữu cơ phù hợp với các sản phẩm chủ lực như nho, táo, dưa lưới, măng tây xanh, nha đam, rau củ quả các loại; đề ra kế hoạch chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ dự kiến giai đoạn 2023 - 2025 đạt khoảng 5.010ha, đến năm 2030 sẽ đạt 5.737ha.

Trong đó, lúa hữu cơ sẽ tập trung tại các huyện Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Bắc, Thuận Nam và TP Phan Rang - Tháp Chàm với diện tích 200ha năm 2025 và tăng lên 430ha vào năm 2030. Bắp hữu cơ sẽ đạt 35ha vào năm 2025 và đạt 80ha vào năm 2030, tập trung tại huyện Bác Ái và Thuận Bắc. Nha đam hữu cơ đạt 125ha vào năm 2025 và đạt 160ha vào năm 2030, tập trung tại huyện Thuận Bắc và TP Phan Rang - Tháp Chàm. Măng tây hữu cơ sẽ đạt 62ha vào năm 2025 và 100ha vào năm 2030, tập trung tại các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam và TP Phan Rang - Tháp Chàm.

Theo ông Đặng Kim Cương, địa phương đặc biệt quan tâm đến cây ăn quả nên diện tích sản xuất hữu cơ sẽ đạt 276ha vào năm 2025 và 390ha vào năm 2030, phấn đấu đạt diện tích điều hữu lũy kế đến năm 2025 là 4.302ha, đạt 4.557ha vào năm 2030.

Ninh Thuận là tỉnh có đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: PC.

Ninh Thuận là tỉnh có đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: PC.

Về chăn nuôi hữu cơ, giai đoạn 2023 - 2025, Ninh Thuận sẽ phát triển khoảng 17.435 con, định hướng đến năm 2030 đạt khoảng 25.160 con. Trong đó chú trọng đến các sản phẩm chủ lực như dê, bò, cừu, heo bản địa, các loại gia cầm. Riêng vùng chăn nuôi bò, dê, cừu hữu cơ sẽ gắn với đồng cỏ, vùng trồng trọt sản xuất thức ăn thô xanh hữu cơ.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu. Vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ tập trung với diện tích mặt nước đạt hơn 25ha trong giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 đạt khoảng 38ha, tập trung tại huyện Bác Ái, Ninh Hải và TP Phan Rang - Tháp Chàm.

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, để phục vụ lộ trình phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn, ngành chức năng tỉnh này sẽ đẩy mạnh ứng dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ sinh học, tác nhân phòng trừ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Chế phẩm sinh học sẽ thay thế kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, xử lý môi trường nông nghiệp...

“Ngành chức năng của tỉnh sẽ bảo tồn, phục tráng, khai thác, phát triển và xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho các giống cây trồng, vật nuôi bản địa có lợi thế so sánh và giá trị kinh tế cao. Đồng thời nghiên cứu chọn tạo các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh tốt, phù hợp với sản xuất hữu cơ. Phát triển và sử dụng con giống, vật tư đầu vào hữu cơ trong nuôi trồng thủy sản; xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp hữu cơ để từng bước nhân rộng mô hình”.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận.

Phương Chi

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Lợi nhuận tăng gấp đôi nhờ trồng lúa hữu cơ

Lợi nhuận tăng gấp đôi nhờ trồng lúa hữu cơ

QUẢNG TRỊ Trồng lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy, có liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân Quảng Trị lãi hơn 36,5 triệu đồng/ha và đem đến nhiều lợi ích.

Quyết làm nông nghiệp hữu cơ nơi 'chó ăn đá, gà ăn sỏi'

Quyết làm nông nghiệp hữu cơ nơi 'chó ăn đá, gà ăn sỏi'

BÌNH ĐỊNH Quyết tâm thuê lại vùng đất 5% cằn cỗi của xã, anh Thường đã biến thành trang trại cây ăn trái, trồng rau màu theo hướng hữu cơ làm nức lòng người dân tròng vùng.

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Xem Thêm