Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:23 GMT +7
Xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long được xem là "vương quốc gạch ngói". Phù sa màu mỡ của dòng Cửu Long tích tụ qua nhiều năm đã bồi lắng cho vùng đất này những mỏ đất sét. Theo người dân nơi đây, nghề làm lò gạch đã hình thành cách đây hơn trăm năm trên mảnh đất này đã trở thành nguồn thu nhập chính của bà con. Có thời điểm, người ta gọi đây là "xứ Việt Kiều” bởi nhiều người phất lên làm giàu từ lò gạch.
Theo thời gian, đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, ẩn mình sau những lò gạch đã bắt đầu xuất hiện những vườn cây ăn trái do nông dân chuyển đổi mô hình sinh kế, chủ lực là sầu riêng và nhãn Idor.
Gia đình ông Trương Hoàng Phương ở ấp Phú Thuận A, xã Nhơn Phú đã từng đầu tư cả tỷ đồng xây dựng 2 lò gạch, làm ăn khá thành công. So với nhiều hộ dân làm lò gạch trong vùng phải cầm bằng khoán đất để vay ngân hàng, đến nay ông Phương chưa từng phải đi vay vốn.
Lo ngại vấn đề môi trường, làm tài nguyên đất cạn kiệt, ông Phương quyết định ngưng hoạt động lò gạch. Ông dành hơn 1 năm để đi tham quan, tìm hiểu các mô hình nông nghiệp, chọn lựa các loại cây trồng. Thấy người ta trồng nhãn năng suất cao, ông mê lắm, một cây có thời điểm năng suất cả tấn trái, phù hợp nhiều loại đất, chăm sóc khỏe.
Hướng đi này từng vấp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình. “Người thân không tin, ngăn cản, sợ không làm được rồi bỏ nửa chừng. Ai cũng nói đất gạch như sa mạc mà trồng làm gì, nhưng tôi quyết tâm làm”, ông Phương thích thú kể về chặng đường đến với nông nghiệp.
Các chuyến đi, ông đưa vợ con theo cùng để xem cách nông dân khác làm. Sau nhiều lần như vậy, ông cũng thuyết phục được, vợ chồng cùng đồng lòng quyết định bắt tay trồng nhãn Idor.
Trên diện tích 1,5ha, ông Phương cải tạo lại khu đất từng làm lò gạch, trồng 600 gốc nhãn Idor xen nhãn xuồng, thanh nhãn, nhãn tím và một số cây trồng ngắn ngày như tắc, ớt, hoa thiên lý. Đồng thời, ông cho nạo vét tạo đường nước, đào 8 mương xung quanh vườn, xây dựng bờ bao riêng để thả nuôi ốc bươu, cá tai tượng, cá chép… với mục đích lấy ngắn nuôi dài. Năm 2017, được dịp tắc, ớt trúng giá, thu nhập giai đoạn này cũng vài trăm triệu đồng một năm, đủ sức để ông đầu tư “nuôi” vườn nhãn.
Năm 2020, khi vườn nhãn đã bắt đầu cho trái, ông mạnh dạn đốn hết các loại cây khác để tập trung dinh dưỡng của đất cho các gốc nhãn Idor. Vụ đầu tiên, năng suất trung bình cho từ 30 - 40kg trái/cây, vụ thứ hai tăng lên 60 - 70kg trái/cây. Vụ thứ ba dự kiến thu hoạch trong tháng 10 tới với năng suất lên đến khoảng 100kg trái/cây, giá nhãn Idor hiện đang được thương lái thu mua ở mức 20.000 đồng/kg, tính sơ thu nhập đã hơn cả tỷ đồng.
Qua trao đổi, ông Phương khá tự tin với quyết định chuyển đổi kinh tế, phát triển mô hình trồng nhãn Idor này. Ông cho rằng mình có “gan lớn”, nhìn thấy thời cuộc cung cầu, dịch bệnh rồi sẽ hết, có người thấy phân bón lên bỏ cuộc không làm, nhưng ông thì vẫn duy trì.
Sau gần 5 năm phát triển mô hình kinh tế vườn, ông Phương chưa từng gặp thất bại, làm tới đâu cân nhắc, đầu tư bài bản tới đó, tìm hiểu kỹ thị trường. Nói theo lời ông Phương chắc ông có duyên và may mắn với làm nông nghiệp.
“Trước khi làm tôi tính trước hết, tạo đường để vận chuyển nhãn khi thu hoạch, sắp xếp vị trí từng gốc nhãn làm sao tạo cho khuôn viên vườn thông thoáng, đẹp nhất để tương lai làm du lịch”, ông Phương phấn khích chia sẻ về thành quả sau nhiều năm cố gắng.
Vườn nhãn Idor phát triển đạt năng suất cao như hiện nay, theo ông Phương do có bí quyết riêng, đó là “khoái xài hữu cơ, ít sử dụng phân thuốc nhưng cây vẫn phát triển xanh tốt là nhờ vậy đó!”.
Ông Phương chia sẻ, trái cây sạch, đẹp, hiện nay mô hình ông đã hội tụ đầy đủ. Do quá nhiều thông tin “than” về chất lượng trái cây, rồi việc sử dụng thuốc, phân bón hóa học bừa bãi, không có kiểm soát đã thôi thúc ông chuyển sang hướng nông nghiệp hữu cơ.
Ông sử dụng loại phân được ủ từ cá tra kết hợp với men vi sinh với chi phí tương đối thấp, vừa tiết kiệm lại an toàn. “Ban đầu tôi không tin cách làm hữu cơ này, nhưng thấy nhiều người làm thành công, mình thấy vườn đẹp, không chê vào đâu được, đã gì đâu! Người ta làm đạt rồi tại sao tôi lại từ chối”, ông Phương thích thú chia sẻ.
Quan điểm của ông, so với sử dụng phân bón hóa học, cây nhãn có thể không đẹp bằng, phát triển chậm hơn. Nhưng chậm mà tốt lâu, tốt bền. Ông Phương tính toán, trung bình mỗi cây nếu tưới phân cá từ 20 – 30 ngày cây mới hấp thụ, nhiều người sẽ nản, nhưng tốt thì rất lâu bền, giảm được sâu bệnh hại trên cây và lợi nhuận vẫn tương đương so với sử dụng phân bón hóa học.
Hiện nay, ông Phương đang nghiên cứu để xây dựng vườn nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời nhân rộng phương pháp ủ phân hữu cơ từ cá đến với bà con nông dân.
Thời điểm mới gầy dựng vườn nhãn, ông Phương lo nhất là khâu xử lý trái. Trải qua nhiều nghiên cứu, ông đã sử dụng loại dung dịch được chiết ra từ quá trình ủ cá tra để tưới cho vườn nhãn nhằm phòng trừ sâu bệnh. Đây là cách làm rất độc đáo, có hiệu quả rất tốt. Việc tới dung dịch này cho vườn nhãn được chia thành nhiều giai đoạn, đều đặn mỗi năm khoảng 4 lần, xịt đều từ gốc lên đến lá.
“Trong quá trình ủ phân cá, nhờ có men vi sinh nên dung dịch chiết ra từ quá trình ủ phân cá có khả năng tiêu diệt côn trùng “đại tài”. Nhờ biện pháp này, tỷ lệ bệnh chổi rồng trên nhãn đã giảm chỉ còn khoảng 1%, đồng thời ngừa được sâu đục thân cây nhãn rất hiệu quả, kéo dài tuổi thọ của cây”, ông Phương cho hay.
Nói về vòng đời của vườn nhãn, ông Phương tự tin đánh giá, vườn nhãn Idor của gia đình còn có thể sinh trưởng, phát triển và khai thác giá trị bền vững trong vòng 30 – 40 năm nữa do được đầu tư chăm sóc theo hướng hữu cơ nên tuổi thọ cây sẽ rất bền.
Nhãn hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái
Vài năm trở lại đây, bộ mặt nông thôn ở xã Nhơn Phú đã có nhiều thay đổi, đường sá được đầu tư khang trang thông thoáng, thuận lợi cho việc vận chuyển đường bộ lẫn đường sông. Để thực hiện đúng với định hướng ban đầu, xây dựng vườn nhãn thành điểm du lịch sinh thái, hiện tại ông Phương đang phát triển trồng thêm giống nhãn tím lạ mắt.
Vườn nhãn Idor được phân chia ra từng khu với thời gian xử lý cho trái khác nhau để đảm bảo vườn cho trái quanh năm. Đường sá dẫn vào vườn đã được xây dựng hoàn thành, khu ẩm thực phục vụ khách cũng đang được xây dựng. Tiếp đến là các tum, chòi ẩm thực cũng sẽ được dựng lên.
Dự kiến cuối năm 2022, điểm du lịch sinh thái sẽ được xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác, phục vụ du khách với thương hiệu dự kiến khá gần gũi là Khu du lịch vườn nhãn Sáu Thương hoặc Khu du lịch Nam Phương.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.