Chủ nhật, 24/11/2024 | 20:17 GMT +7

  • Click để copy
Thứ sáu- 08:25, 21/04/2023

Người 'cai' thuốc hóa học cho cà phê trên đỉnh Brah Yàng

Khi nói về cà phê thuận tự nhiên, những người bạn kề vai, sát cánh của anh Nam đã buông lời: Nam! Mày là một thằng khùng! Không ai đi làm cái việc đó cả.

"Gã khùng" trên đỉnh Brah Yàng

Con dốc ngoằn ngoèo, đất đá lởm chởm nhưng anh Nguyễn Thái Nam vẫn tăng ga để chiếc xe máy cà tàng leo lên phía trước. Xe rung lắc và đôi lúc bánh trước bỗng như bị nhấc bổng, chệch khỏi lối mòn. Vậy nhưng, bằng một cách nào đó, anh Nam vẫn giữ được thăng bằng và xe vẫn cứ vọt lên một cách ngon lành.

A65I0013

Vườn cà phê rộng 35ha trên núi Brah Yàng của anh Nguyễn Thái Nam đã được USDA chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ. Ảnh: Minh Hậu.  

Đến độ cao 1.400m, nơi bạt ngàn cà phê trải thảm, anh Nam dừng xe và nói: "Đỉnh núi này có tên là Brah Yàng. Theo cách gọi của người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, Brah là nơi ở, Yàng là trời và Brah Yàng nghĩa là nơi ở của trời. Từ độ cao này có thể nhìn ra bao quát một vùng rộng lớn của cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng).

Chỉ tay về phía con dốc, anh Nam nói: "Anh em mình cứ thích cơ giới hoá, chạy xe lên cho tiện nhưng nhiều đoàn chuyên gia nông nghiệp, khách hàng từ Nhật Bản, châu Âu đến đây, họ cứ đi bộ, leo theo lối mòn để lên vườn. Họ bảo, đi như vậy vì muốn được hoà nhập vào thiên nhiên, muốn trải nghiệm không khí trong lành của núi đồi".

Anh Nguyễn Thái Nam là người đồng sáng lập Công ty Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam (đóng tại huyệnh Di Linh, Lâm Đồng). Khu vườn cà phê hữu cơ của đơn vị này được phát triển với tổng diện tích 35ha tại núi Brah Yàng, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh.

Về hành trình khởi nghiệp, anh Nam chia sẻ: 7 năm về trước, với khát vọng mang sản phẩm cà phê sạch, cà phê chất lượng đến với người tiêu dùng, anh đã tìm tòi, học hỏi và quyết tâm bắt tay vào con đường nông nghiệp hữu cơ. Thời điểm ấy, khi nghe anh Nam trình bày về một mô hình cà phê thuận theo tự nhiên, những nông dân sản xuất theo hình thức truyền thống ở địa phương đã quả quyết quay lưng. Những người bạn kề vai, sát cánh cũng không ngần ngại buông lời: Nam! Mày là một thằng khùng! Không ai đi làm cái việc đó cả!

Sau 7 năm miệt mài gây dựng, mô hình cà phê hữu cơ của anh Nguyễn Thái Nam đã thành công khi sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Ảnh: Minh Hậu.

Sau 7 năm miệt mài gây dựng, mô hình cà phê hữu cơ của anh Nguyễn Thái Nam đã thành công khi sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Ảnh: Minh Hậu.

Dù cho quan điểm của mình không nhận được sự ủng hộ, anh Nam vẫn quyết bắt tay vào xây dựng mô hình. Anh chia sẻ: "Để sống được với nông nghiệp thuận tự nhiên, tôi đã phải học hỏi, nghiên cứu rất nhiều. Khi bắt tay vào làm hữu cơ, tôi đã chuyển mô hình cà phê truyền thống qua canh tác theo hướng nông nghiệp an toàn, hạn chế dần sự phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật độc hại và phân bón hoá học. Cách làm này cũng góp phần cải tạo môi trường đất, nước và dần lấy lại hệ sinh thái cho vườn.

Phải mất gần 5 năm, vườn cà phê truyền thống ngày nào của gia đình anh Nam đã “cai” được thuốc bảo vệ thực vật độc hại, “cai” được phân bón hoá học và chuyển hướng theo canh tác thuận tự nhiên. Đặc biệt hơn, năng suất của vườn vẫn nằm trong ngưỡng trung bình từ 3 - 3,5 tấn nhân/ha.

Anh Phạm Quốc Nam (ngụ huyện Đắk R'lấp, Đắk Nông), người đến tham quan vườn cà phê hữu cơ trên núi Brah Yàng thổ lộ: “Tôi biết đến vườn cà phê thông qua một số thông tin từ bạn bè, đồng nghiệp. Khi đến thăm vườn, tôi cảm nhận được không khí trong lành, mát mẻ, hoà hợp với núi rừng, thiên nhiên. Đặc biệt được chứng kiến một quy trình làm cà phê hoàn toàn khác so với cách mà nhiều người dân địa phương vẫn làm. Đây thực chất là nền nông nghiệp xanh, tạo ra được sản phẩm sạch, chất lượng”.

Đưa cà phê hữu cơ đi Mỹ, giá cao gấp 3 lần bình thường

Từ những thành công bước đầu, anh Nam đã nhận được sự tán thành của mọi người. Đáng chú ý nhất vẫn là những người bạn từng bảo Nam khùng đã quay trở lại để học hỏi, hùn hạp vốn liếng để cùng sản xuất, thành lập công ty nông sản hữu cơ.

Về quy trình chăm sóc cho vườn, anh Nguyễn Thái Nam thổ lộ, khác với quy trình truyền thống, toàn bộ thảm cỏ ở vườn rộng 35ha vẫn được duy trì để giữ độ ẩm và tạo môi trường sống cho các loài thiên địch. Trường hợp cỏ quá cao, lấn át, ảnh hưởng đến sự phát triển của cà phê thì dùng máy phát, cắt phần ngọn.

z4255537204335_06e73609abee9cf68cee7c41cba3cfce

Một khoảng không gian xanh mát ở vườn cà phê hữu cơ 35ha trên núi Brah Yàng. Ảnh: Minh Hậu.

Anh Nam cũng cho biết thêm, anh đang tận dụng phế phụ phẩm như vỏ cà phê, cành lá các loại cây trong vườn để ủ cùng chế phẩm trichoderma và kết hợp các nguồn phân bón hữu cơ, vi sinh để bón cho cây. Trường hợp cà phê bị sâu bệnh hại, chủ vườn sử dụng các loại chế phẩm sinh học để phòng trừ.

Hiện nay, với quy trình sản xuất hữu cơ, toàn bộ cà phê trên vườn phát triển tốt. Cây cứng cáp, rất ít bị sâu bệnh hại. Mùa vụ năm 2022 - 2023, vườn cà phê 35ha của Công ty Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam Cho thu gần 100 tấn nhân xanh. Đặc biệt, vào ngày 1/3/2023, sau hàng loạt cuộc đánh giá, kiểm tra về vùng đệm, vùng cách ly, nguồn nước, nguồn đất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất, kim loại nặng…, mô hình cà phê của Công ty Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam đã được tổ chức USDA Hoa Kỳ chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc tế.

Vừa qua, cùng với việc phát triển vùng nguyên liệu cà phê hữu cơ trên núi Brah Yàng, anh Nguyễn Thái Nam đã đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy sơ chế, chế biến sản phẩm cà phê hữu cơ tại huyện Di Linh và TP.HCM.

"Những cơ sở, nhà máy này cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn ngặt nghèo về hữu cơ của USDA. “Hiện nay, công suất của các nhà máy này khoảng 200 tấn nhân/năm và chế biến 5 tấn cà phê thành phẩm/tháng. Chúng tôi đang bán các sản phẩm cà phê hữu cơ qua thị trường Mỹ, một số quốc gia châu Âu và các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Giá cà phê hữu cơ (nhân xanh) cao gấp 3 lần so với cà phê truyền thống”, Nguyễn Thái Nam thổ lộ.

Cũng theo anh Nam, hiện nay, sản phẩm cà phê hữu cơ của đơn vị không đủ cung ứng cho khách hàng. Do vậy, anh đang ấp ủ dự định xây dựng một dự án phát triển cà phê hữu cơ quy mô lớn ở huyện Di Linh.

“Tôi muốn mở rộng hơn nữa quy trình sản xuất này để nâng cao giá trị cho cà phê, mang đến thị trường sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khoẻ. Đặc biệt muốn phổ biến mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên đến người dân, giúp bà con vùng lân cận chuyển đổi, tạo ra cà phê có giá trị cao hơn”, anh Nam cho biết.

z4255534217382_86d4aa05d09eeb7325450b4164da3c5b

Sản phẩm cà phê hữu cơ của anh Nguyễn Thái Nam hiện được xuất khẩu qua thị trường Mỹ, một số quốc gia châu Âu và Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... Ảnh: Minh Hậu.

Ông Vũ Hồng Long, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Di Linh cho biết, toàn huyện có trên 45 nghìn ha cà phê với tổng sản lượng hàng năm khoảng 145 nghìn tấn và khoảng 95% cà phê của địa phương phục vụ xuất khẩu.

Cũng theo ông Long, xu hướng của thể giới là gia tăng sản xuất hữu cơ, tiêu dùng sản phẩm hữu cơ. Do vậy, địa phương đang khuyến khích người dân, doanh nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã tập trung sản xuất cà phê hữu cơ, nâng cao giá trị.

Ông Long chia sẻ: “Mô hình cà phê hữu cơ của anh Nguyễn Thái Nam là mô hình mới, quy mô diện tích lớn và đã được USDA chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với anh Nam để có hướng nhân rộng mô hình, xây dựng điểm tham quan, phổ biến kinh nghiệm đến người dân”

Theo anh Nguyễn Thái Nam, ngành cà phê Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề khiến giá trị xuất khẩu không cao. Nguyên nhân bao gồm cà phê canh tác trên đất đai bị mất hệ sinh thái và đa số nông dân trồng cà phê không có đủ kiến thức khoa học về nông nghiệp, đặc biệt là khái niệm về nông nghiệp bền vững.

Do vậy, anh mong muốn xây dựng được dự án phát triển cà phê hữu cơ quy mô lớn ở huyện Di Linh theo mô hình nông trại - nhà máy chế biến - giáo dục, đào tạo nghề nông nghiệp bền vững - buôn bán, kinh doanh sản phẩm cà phê chất lượng xuất khẩu. Trong đó phải đạt được các giá trị cốt lõi như: Không sử dụng hoá chất trong canh tác, chế biến; không chất thải nhựa; không gây lãng phí tài nguyên, bảo tồn tài nguyên giống cây trồng, bảo tồn hệ sinh thái; phục hồi tài nguyên sinh thái đất trồng, thiên nhiên và giữ quy trình phát triển của cây trồng một cách tự nhiên.

Minh Hậu

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm