Thứ tư, 18/06/2025 | 03:08 GMT +7
Tham gia hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2023 có 65 gian hàng của tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh thành trên cả nước. Các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá về sản phẩm OCOP của địa phương; tổ chức các hoạt động tiếp thị, khuyến mại và bán sản phẩm của các doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh.
Với 191 sản phẩm đạt sao OCOP, tỉnh Tuyên Quang được Hội đồng OCOP Quốc gia xếp hạng thứ 4 trong 14 tỉnh của khu vực miền núi phía Bắc. Trong số này có 149 sản phẩm đạt hạng 3 sao OCOP, 41 sản phẩm đạt hạng 4 sao OCOP và 1 sản phẩm đang trình Hội đồng OCOP Quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao là chè shan tuyết Hồng Thái của huyện Na Hang, loại 1 tôm 1 lá.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2023. Ảnh: Đào Thanh.
Ông Hoàng Anh Cương, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, thông qua hội chợ OCOP, tỉnh Tuyên Quang mong muốn giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiềm năng đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Hội chợ cũng hướng tới mục tiêu tạo ra mối liên kết trong chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường; khích lệ các chủ thể, nông dân chú trọng làm nông nghiệp sạch, phù hợp với xu thế phát triển của nền nông nghiệp thế giới.
Những năm qua, các cơ quan, đơn vị, các chủ thể và người nông dân Tuyên Quang đã tạo ra được nhiều sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Nổi bật như sản phẩm cam sành Hàm Yên đạt 4 sao OCOP. Hiện nay, cùng với trồng, chăm sóc cam theo hướng truyền thống, người trồng cam nơi đây cũng chú trọng mở rộng phát triển diện tích cam hữu cơ.
Toàn huyện Hàm Yên thực hiện duy trì diện tích cam sản xuất hữu cơ và mở rộng diện tích trồng cam hữu cơ chuyển đổi với diện tích 22,6ha, tập trung chủ yếu tại các xã Bằng Cốc, Tân Thành, Nhân Mục và thị trấn Tân Yên.
Anh Hoàng Đức Hùng, thôn 2 Thuốc Thượng là một trong những người tiên phong trồng cam hữu cơ ở xã Tân Thành, huyện Hàm Yên. Anh Hùng cho biết, năm 2018, anh bắt tay vào trồng cam theo hướng hữu cơ với diện tích 3ha. Sau hơn 4 năm kiên trì với mục tiêu đề ra, vườn cam hữu cơ của anh luôn được thị trường đón nhận, trong đó có các siêu thị lớn ở Hà Nội và TP.HCM. Vụ cam năm nay, 3ha cam hữu cơ của gia đình anh Hùng cho năng suất đạt khoảng 30 tấn.
Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang có 65 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP. Ảnh: Đào Thanh.
Huyện Chiêm Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh Tuyên Quang về số lượng các sản phẩm nông nghiệp đạt sao OCOP. Nổi bật như thanh long ruột đỏ Chiêm Hóa, bún khô Ngọc Hội, chè Tân An, bưởi Hòa An, hồng không hạt Bình Phú, gà ri Kim Bình, bánh gai Chiêm Hóa…
Chị Hoàng Thị Huệ, thành viên HTX hữu cơ Hồng Phát, xã Kim Bình (huyện Chiêm Hóa) được phân công cùng đoàn của huyện Chiêm Hóa tham gia bày bán, giới thiệu sản phẩm OCOP tại gian hàng của địa phương mình. Chị Huệ cho biết ngay trong ngày đầu tiên khai mạc, gian hàng của huyện Chiêm Hóa đã thu hút rất đông khách đến tham quan, mua sắm. Khách hàng thích nhất là các sản phẩm bánh gai Chiêm Hóa, bưởi Hòa An…
Được tham gia hội chợ OCOP lần này, những thành viên trong HTX như chị Huệ có cơ hội giao lưu với nhiều HTX trong và ngoài tỉnh. Những kiến thức về sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường cũng như xây dựng thương hiệu cho nông sản đã được gợi mở, tạo cho chị những ý tưởng và định hướng tốt hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX.
Hiện nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đạt hơn 114ha, trong đó có hơn 6ha lúa, trên 27ha chè, 18ha cam, 10ha bưởi; sản xuất hữu cơ chuyển đổi hơn 52ha, trong đó gần 36ha bưởi, gần 17ha cam. Hầu hết các diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, hữu cơ chuyển đổi của tỉnh Tuyên Quang đều dễ dàng được công nhận đạt sao OCOP. Đây là cách nâng niu giá trị và công sức của nông dân sản xuất có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, là động lực để họ chú trọng mở rộng diện tích làm nông nghiệp tốt.
GIA LAI Các thế hệ gia đình anh Vũ Văn Hiếu đã biến vùng đất khô cằn trở thành khu vườn sinh thái với nhiều loại cây trồng mát mẻ quanh năm, môi trường trong sạch.
PHÚ THỌ Từ 5kg nấm Việt lặn lội gom ở 7 tỉnh, giấc mơ nấm hữu cơ nảy mầm và được nuôi dưỡng bằng đam mê, kiên định và khát vọng theo đuổi nông nghiệp tử tế.
HÀ NỘI Giữa vùng đất ven đô Sóc Sơn, Dako Farm vươn lên từ đồi hoang khô cằn, trở thành mô hình nông nghiệp hữu cơ tiêu biểu theo triết lý thuận tự nhiên.
QUẢNG NINH Rau má thủy canh gần như sạch tuyệt đối, lại tốt cho sức khỏe nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
QUẢNG NAM Phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, khép kín theo hướng tuần hoàn đang mang lại giá trị cao và bền vững cho nông sản Tiên Phước.
ĐẮK LẮK Canh tác theo hướng hữu cơ là giải pháp giúp sầu riêng bớt mối lo tồn dư kim loại nặng, đặc biệt là Cadimi.
ĐỒNG NAI Không chỉ tiên phong triển khai mô hình cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết khép kín, HTX Xuân Định còn góp phần khẳng định thương hiệu sầu riêng Việt trên thị trường quốc tế.
LÀO CAI Anh Gió bảo chỉ cần kiên trì và trung thực với đất thì sẽ tìm được thị trường. Anh còn tìm ra cách 'kể chuyện' về những luống rau của mình với khách tham quan.
Tính đến thời điểm này, DNo farm vẫn là đơn vị đầu tiên và duy nhất sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại Đắk Nông.