Thứ sáu, 15/11/2024 | 16:29 GMT +7
Đã từ lâu, tại vùng cửa sông thị xã Quảng Yên, nghề nuôi hàu đã mang lại kế sinh nhai cho biết bao người. Đi dọc vùng cửa sông, đâu đâu cũng thấy những tấm bè nằm san sát nhau, nối dài tít tắp.
Là một người con của quê hương Quảng Yên, sau thời gian dài làm đủ mọi ngành nghề, bôn ba khắp nơi, anh Nguyễn Văn Cường quyết định trở về quê hương và khởi nghiệp bằng chính con hàu đại dương. Chia sẻ về quyết định khi đó, anh Cường bồi hồi kể lại:
“Trước tôi làm du lịch, xuất nhập khẩu rồi mãi mới quay trở lại Quảng Yên để nuôi hàu. Nguồn nước tại đây được giao thoa từ nhiều dòng chảy, rất phù hợp với con hàu đại dương. Con hàu đại dương được nuôi tại Quảng Yên có hương vị thơm ngon mà khó có nơi nào giống được”.
Vậy là, năm 2021, anh Cường bắt tay vào thực hiện, ban đầu nuôi thử nghiệm nhỏ tại một số bè. Sau đó, khi thấy hiệu quả tốt, anh mở rộng quy mô, đồng thời cung cấp giống cho bà con rồi sau đó thu mua lại hàu thương phẩm.
“Trước giờ tôi rất mong muốn có thể tạo thêm việc làm, giúp bà con nông dân có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Ngoài ra, nếu chỉ 1 mình tôi nuôi thì rất khó để quản lý khi mở rộng quy mô, có bà con chung tay làm thì sẽ có đủ nguồn hàng để cung ứng”, anh Cường chia sẻ.
Theo chia sẻ của anh Cường, hàu là loại động vật thân mềm hai vỏ với nguồn thức ăn chính là các sinh vật phù du, tảo đơn bào và những chất hữu cơ có trong nước. Quy trình nuôi hàu rất đơn giản, người nuôi chỉ cần theo dõi để đảm bảo không để các sinh vật gây hại, bùn đất bám vào làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng.
Loại hàu đại dương rất thích hợp với vùng nước lợ tại khu vực cửa sông với độ mặn từ 10 đến 18 phần nghìn. Thời gian nuôi hàu trong khoảng từ 8-10 tháng, đặc biệt có những con nuôi trong vòng 18 tháng sẽ có trọng lượng lên tới khoảng 1 kg/ con.
Ngay từ những ngày đầu bắt tay vào xuất bán hàu ra các thị trường trong và ngoài nước, có một điều khiến anh Cường luôn trăn trở “cứ xuất thô thế này thì rất nhiều rủi ro, nhất là cứ được mùa là mất giá”. Đặc biệt trong đợt dịch Covid, việc xuất khẩu bị trì trề, hàng hóa tồn ứ gây ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nuôi hàu.
“Tôi nghĩ rằng mình cần phải có nước đi chủ động hơn bằng việc chế biến con hàu này, vừa giữ được nguyên giá trị dinh dưỡng trong quá trình vận chuyển vừa nâng cao được giá trị. Thời điểm đó, tôi gom góp, vay mượn 3 tỷ đồng để mở rộng xưởng chế biến và nghiên cứu cách chế biến, bảo quản”, anh Cường cho hay.
Hàu sau khi mang về bắt buộc là hàu tươi sống, sau đó được công nhân sơ chế để tách lấy ruột và rửa, lọc sạch sạn, chất bẩn. Tiếp đó ruột hàu được đi qua bể ozone khử khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn và tách một số kim loại nặng có trong môi trường tự nhiên.
Sau khi vớt khỏi bể, hàu được đưa vào phòng lạnh để cho ráo rồi tiến hành đóng hộp bằng máy đóng gói khay thổi khí bán tự động với công nghệ khí cải tiến MAP. Công nghệ này sẽ giúp thay đổi thành phần không khí bên trong bao bì bằng hỗn hợp khí N2, CO2, O2 tùy chỉnh cho từng loại thực phẩm để duy trì độ tươi ngon và kéo dài thời gian bảo quản.
Với công nghệ MAP, trong 7 ngày đầu, ruột hàu sẽ được làm mát trong nhiệt độ từ 0-4 độ C, chất lượng khi đó sẽ tươi ngon như mới khai thác. Sau đó, sản phẩm chuyển sang cấp đông ở nhiệt độ -18 độ C. Thời gian bảo quản là trong 6 tháng.
Đến nay, sau 3 năm ứng dụng công nghệ hiện đại trong chế biến và bảo quản, sản phẩm hàu đại dương của anh Cường đã có mặt ở khắp các hệ thống siêu thị, nhà hàng trên khắp mọi miền đất nước và nhận được phản hồi tích cực từ phía người sử dụng. Ước tính, mỗi tháng anh Cường xuất ra thị trường từ 50-100 tấn hàu nguyên vỏ và 10 tấn hàu ruột.
“Đi cùng với sự lớn mạnh, phát triển của công ty, tôi luôn chú trọng đến việc tạo thêm công ăn việc làm cho bà con nông dân trong vùng. Hiện nay, công ty đang tạo việc làm cho 15-20 lao động làm việc thường xuyên, ngoài ra trong từng thời điểm có thể tuyển thêm hàng chục lao động thời vụ với mức thu nhập từ 300.000 – 400.000 đồng khoán theo sản phẩm”, anh Cường thông tin.
Bằng sự năng động, sáng tạo và lòng quyết tâm, anh Nguyễn Văn Cường đã thành công nâng tầm, chắp cánh cho sản vật của địa phương “bay cao, bay xa”. Tinh thần và ý chí quyết tâm của anh Cường sẽ là nguồn động lực, cổ vũ các thế hệ thanh niên trên toàn địa bàn mạnh dạn khởi nghiệp để đóng góp cho sự phát triển, lớn mạnh của quê hương Quảng Yên.
QUẢNG NINH Nhận thấy giá trị của giống hàu đại dương, anh Nguyễn Văn Cường quyết tâm đầu tư hệ thống hiện đại để chế biến và bảo quản, từ đó nâng tầm đặc sản địa phương.
THANH HÓA Bà Sanh mất hơn 30 năm cải tạo vùng đồi cằn thành những vườn cây ăn quả trù phú, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.
BÌNH DƯƠNG HTX Tân Mỹ nổi bật trong ứng dụng công nghệ cao trồng bưởi hữu cơ, góp phần cải thiện độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
QUẢNG NINH Theo một số đơn vị trồng chè trên địa bàn huyện Hải Hà, nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, chè Hải Hà có hương vị thơm ngon, đậm đà hơn so với trước đây.
HẢI PHÒNG Khi được chủ vườn táo Đại Mật giới thiệu về việc tưới nước lợ cho quả thêm giòn, thêm đậm vị, tôi phải hỏi đi hỏi lại chị xem có nghe nhầm hay không.