Thứ hai, 21/07/2025 | 21:07 GMT +7
Cù Lao Dung (TP Cần Thơ) nằm cuối nguồn sông Hậu, chắn giữa hai cửa Định An và Trần Đề đổ ra biển Đông, đây là vùng đất nằm biệt lập, bốn bề sông nước bao quanh. Nhờ đất đai thuận lợi, nông dân cù lao chọn trồng cây ăn trái làm hướng phát triển nông nghiệp chủ lực với nhiều loại cây như nhãn, xoài, dừa, đặc biệt là cây mận.
Từ một giống mận đột biến trong vườn nhà, anh Trần Văn Phục ở xã Cù Lao Dung (TP Cần Thơ) dành 3,5 năm để nghiên cứu và trồng thử nghiệm giống mận MST với quy mô 5.000 m2. Sau đó, anh tiếp tục lai tạo để tìm ra sản phẩm ưu việt hơn và đặt tên cho “đứa con tinh thần” này là mận hồng Sân Tiên.
Anh Trần Văn Phục ở xã Cù Lao Dung (TP Cần Thơ) - chủ nhân giống mận hồng Sân Tiên được canh tác theo quy trình hữu cơ đang chiếm lĩnh thị trường trái cây nội địa cao cấp. Ảnh: Kim Anh.
Anh Phục bắt đầu hành trình làm giàu bằng dấu mốc cách đây khoảng 4 năm khi mận hồng Sân Tiên được anh đưa vào trồng đại trà và xây dựng trang trại quy mô lớn. Đi ngược với phương pháp sản xuất truyền thống, ngay từ đầu anh Phục xác định mận hồng Sân Tiên phải trồng theo hướng hữu cơ mới có thể phát triển bền vững.
Anh chọn mật độ trồng 40 cây/1.000 m2, cây cách cây khoảng 4 m. Với cách trồng này, trong giai đoạn cây sinh trưởng chỉ cần bón phân 2 lần/tháng. Khi chín, mận hồng Sân Tiên có ưu điểm nổi trội là trái to (từ 4 - 5 trái/kg), màu hồng đậm bắt mắt, giòn, ngọt, ráo nước, thuận tiện trong quá trình vận chuyển. Thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 14 tháng.
Mỗi năm mận thể cho thu hoạch 3 vụ, năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha. Đặc biệt, sản phẩm hiện được liên kết tiêu thụ với các nhà hàng, khu du lịch sinh thái trên địa bàn TP Cần Thơ và các cửa hàng nông sản ở Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Long, Đồng Tháp... với giá bán lên tới 230.000 đồng/kg (với sản phẩm đạt độ đường 15%). Điều làm nên giá trị khác biệt của quả mận là quy trình canh tác nghiêm ngặt theo quy trình hữu cơ, được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra.
Du khách tham quan vườn mận hữu cơ của gia đình anh Trần Văn Phục. Ảnh: Kim Anh.
Anh Phục xác định mận là trái cây ăn trực tiếp cả vỏ, nếu sản phẩm không đảm bảo an toàn sẽ rất khó tồn tại lâu dài trên thị trường, đặc biệt khi muốn hướng đến phân khúc cao cấp. Do đó, toàn bộ quy trình canh tác đều thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong đó, một số yếu tố kỹ thuật cơ bản để trồng mận hữu cơ cần được chú trọng là giảm dần tỷ lệ phân bón hóa học, thay thế bằng phân hữu cơ theo lộ trình kỹ thuật rõ ràng. Khi cây ra trái, tất cả đều phải được bao quả ít nhất hai lần, lần đầu khi mới tượng trái và lần hai trước thu hoạch khoảng 40 ngày để đảm bảo sản phẩm cách ly an toàn với thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng trái đạt độ đồng đều cao.
Sau thu hoạch, trái mận hữu cơ phải được rửa bằng nước đạt chuẩn độ cứng 20 mg/l, để ráo, phân loại kỹ lưỡng, đóng gói theo quy trình rồi bảo quản trong kho mát ở nhiệt độ khoảng 12 độ C.
Anh Phục cho biết những yếu tố trên là yêu cầu bắt buộc nếu muốn đưa mận hữu cơ vào được các hệ thống cửa hàng trái cây nội địa cao cấp. Đặc biệt, anh từng thực hiện xét nghiệm đầy đủ trên 100 chỉ tiêu đất, nước, hóa chất tăng trưởng… tại phòng lab với chi phí lên tới hơn 100 triệu đồng cho một lần kiểm tra. Việc này cũng được anh duy trì định kỳ với 3 - 5 chỉ tiêu quan trọng nhất sau mỗi đợt thu hoạch, ghi chép đầy đủ, kiểm soát nghiêm ngặt khâu cách ly hóa chất trước thu hoạch.
Hiện nay, nhãn hiệu "Mận hồng Sân Tiên" đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ và đang hoàn tất hồ sơ để chứng nhận sản phẩm hữu cơ với quy mô 40 hecta.
Mận hữu cơ màu sắc bắt mắt, giòn, ngọt, ráo nước, được thị trường rất ưa chuộng. Ảnh: Kim Anh.
“Cuối năm 2021, mận hồng Sân Tiên bắt đầu được phân phối ra thị trường. Sản phẩm không chỉ an toàn với người tiêu dùng mà còn mang tính đặc trưng của địa phương, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân”, anh Phục chia sẻ.
Theo anh Trần Văn Phục, lựa chọn sản xuất mận hữu cơ không đơn thuần chỉ để có sản phẩm sạch. Điều anh mong muốn là xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch cộng đồng, tạo vùng nguyên liệu đặc sản gắn với thương hiệu địa phương. Do đó, mỗi bước đi trong kế hoạch dài hạn này đều được anh tính toán kỹ lưỡng.
Anh trang bị đầy đủ phương tiện vận chuyển chuyên dụng, đầu tư hệ thống 2 kho lạnh để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và tương lai gần sẽ xây dựng nhà xưởng đạt chuẩn HACCP để từng bước hoàn thiện chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.
Hệ thống kho lạnh đã được anh Trần Văn Phục đầu tư để phục vụ phát triển trang trại mận hữu cơ. Ảnh: Kim Anh.
Ngay từ những ngày đầu, anh Phục hiểu rằng muốn hiện thực hóa quy trình sản xuất mận hữu cơ trên quy mô lớn, không thể thiếu nguồn lực về vốn. Với sự hỗ trợ của Agribank Chi nhánh Cù Lao Dung Sóc Trăng, từ năm 2018 đến nay, anh đã tiếp cận được khoản tín dụng hơn 8 tỷ đồng để đầu tư vùng nguyên liệu, nhà xưởng, thiết bị bảo quản, kho lạnh và các công trình phụ trợ khác.
“Nông sản bán ra lợi nhuận được 7 đồng, tôi tiếp tục vay thêm 3 đồng để tái đầu tư, mở rộng và gia tăng lợi nhuận, rồi từng bước nâng dần nguồn vốn, chậm mà chắc. Với mức lãi suất ưu đãi dành riêng cho khu vực 'tam nông', Agribank đã tạo điều kiện để tôi cũng như nhiều bà con nơi đây yên tâm mở rộng sản xuất”, anh Phục bộc bạch.
Ngoài cung cấp trái tươi, anh Phục đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ mận hữu cơ. Những trái quá độ chín sẽ được sấy dẻo, làm nước ép hoặc rượu mận. Hoa mận khi chưa nở hết có thể thu hái để làm trà.
Không gian vườn cũng được anh lên ý tưởng thiết kế thành địa điểm đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Một hồ trữ nước ngọt 4 hecta đang được xây dựng, khá phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa giúp vườn nhà có chủ động tích trữ nguồn nước phục vụ tưới.
Tương lai, anh Trần Văn Phục dự kiến sẽ lai tạo ra giống mận có trọng lượng 2 trái/kg và độ đường tăng hơn gấp nhiều lần. Ảnh: Kim Anh.
Sắp tới, khi cầu Đại Ngãi chính thức thông xe, giao thông nối Cù Lao Dung với trung tâm TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. Với những điều kiện thuận lợi đang mở ra, anh Phục tự tin mô hình sản xuất mận hữu cơ sẽ thành công trong tương lai gần.
Bởi theo anh: “Cù Lao Dung được định hướng phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao kết hợp với du lịch. Mô hình của tôi đã đi đúng hướng, nếu 'bơi ngược nước' sẽ khó đạt hiệu quả”, anh Phục tự tin. Việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng cũng giúp bà con trong vùng cùng tham gia sản xuất theo quy trình và chia sẻ lợi ích.
CẦN THƠ Từ giống mận đột biến trong vườn nhà, một nông dân TP Cần Thơ kiên trì lai tạo, xây dựng vùng nguyên liệu mận hữu cơ 40 hecta mang nhãn hiệu ‘Mận hồng Sân Tiên’.
Đà Nẵng sẽ hình thành 4 vùng sản xuất hữu cơ tập trung, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm.
THANH HÓA 'Tôi làm trang trại để cho tâm mình thanh thản và vì đam mê. Nhiều hôm không cần ăn cơm, chỉ cần ngồi ngắm vườn cam là no bụng rồi', anh Chung nói vui.
KHÁNH HÒA Sản Việt Farm là trang trại nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn kết hợp với du lịch nông nghiệp và lồng ghép văn hóa bản địa.
Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ đang là quyết tâm cao của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương cũng như nông dân, doanh nghiệp ở các xã phía tây tỉnh Gia Lai.
GIA LAI Các địa phương phía tây tỉnh Gia Lai đang hình thành những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, giống là khâu hết sức quan trọng trong chuỗi sản xuất này.
Nông nghiệp hữu cơ ở Quảng Ninh không còn nằm trên giấy mà đã in dấu trong thực tiễn sản xuất.