Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:46 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 10:58, 02/04/2024

Lúa - tôm hữu cơ thuận lợi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa

Tỉnh Kiên Giang đề xuất đưa hệ sinh thái lúa - tôm vào thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Lúa - tôm thuận lợi tham gia Đề án

Ngày 1/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã khảo sát các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được chọn tham gia thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).

Theo đó, đoàn đã đến khảo sát Hợp tác xã (HTX) tôm cua lúa Thạnh An (xã Đông Thạnh, huyện An Minh) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam (thứ 2 từ phải sang) khảo sát các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được chọn tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Trung Chánh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam (thứ 2 từ phải sang) khảo sát các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được chọn tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Trung Chánh.

HTX tôm cua lúa Thạnh An sản xuất theo mô hình luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm kết hợp nuôi ghép thêm cua biển. Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc HTX cho biết, HTX có diện tích sản xuất 140ha, ngoài ra còn có vùng liên kết sản xuất khoảng 400ha. Đơn vị đã chuyển đổi sản xuất lúa sang hữu cơ 5 năm nay, ký hợp đồng với Công ty Đại Dương Xanh cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm.

Theo ông Khánh, các thành viên HTX rất kỳ vọng sẽ được tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đang được ngành nông nghiệp triển khai vì nông dân ở đây đã có kinh nghiệm sản xuất lúa hữu cơ, khi áp dụng các tiêu chí của Đề án về giảm phát thải sẽ mang lại hiệu quả cao và sẽ có nhiều thuận lợi.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Minh, ông Lê Văn Khanh cho biết, huyện có vùng quy hoạch sản xuất lúa - tôm với diện tích 38.900ha. Huyện cũng đã thành lập được 21 HTX nông nghiệp sản xuất theo mô hình luân canh lúa - tôm. Khung lịch thời vụ hàng năm từ tháng 1 đến tháng 9 nuôi tôm nước lợ, cua biển; từ tháng 10 đến tháng 12 trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh.

Huyện An Minh đề xuất tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao trên vùng lúa – tôm với diện tích 20.000ha (đến năm 2030). Theo đó, huyện cần được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, nhà kho. Đầu tư 5 trạm kiểm soát sâu, rầy thông minh để theo dõi đồng ruộng, quản lý sinh vật gây hại.

Đặc biệt, hỗ trợ các mô hình tái sử dụng rơm rạ phát triển sinh kế và ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh trong xử lý rơm rạ, tạo môi trường tự nhiên thuận lợi thúc đẩy phát triển thức ăn tự nhiên trong mô hình lúa – tôm.

PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đánh giá, bản thân hệ thống canh tác lúa - tôm đã là tuần hoàn và thuận tự nhiên, kết hợp với quy trình sản xuất hữu cơ nữa thì rất tốt. Mô hình tôm - lúa đang là hệ thống sản xuất nông nghiệp bền vững. Lúa cấy xong thì rơm rạ phân hủy cung cấp thức ăn cho con tôm. Sau vụ nuôi tôm, chất thải con tôm thải ra là nguồn dinh dưỡng nuôi cây lúa. Đó là vòng tuần hoàn khép kín mà nông dân không phải đầu tư thêm nhiều vật tư đầu vào nên giảm được chi phí sản xuất.

"Ở đây bà con nông dân đã sản xuất đạt hữu cơ rồi nên sẽ có thêm cơ hội để tiến tới sản xuất phát thải thấp, sản xuất lúa gạo xanh. Khi đạt chứng nhận lúa gạo xanh, giá trị sẽ cao hơn rất nhiều so với lúa gạo bình thường. Nếu được tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đối với mô hình canh tác lúa - tôm, nông dân sẽ đạt được đồng thời 3 lợi ích, vừa giảm phát thải, tăng hiệu quả kinh tế, vừa giữ được hệ sinh thái bền vững cho nông nghiệp, nông thôn", TS Mai Văn Trịnh nhấn mạnh.

Kiên Giang xây dựng 200 ngàn ha lúa chất lượng cao

Ông Trần Công Danh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, UBND tỉnh Kiên Giang đã có quyết định về quy mô diện tích tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với diện tích 200.000ha, địa bàn triển khai tại 12 huyện, thành phố của tỉnh.

Quá trình thực hiện sẽ được phân theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (năm 2024 - 2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (Dự án VnSAT) với diện tích 24.738ha và mục tiêu mở rộng diện tích ngoài vùng Dự án VnSAT hướng đến năm 2025 đạt 100.000ha. Giai đoạn 2 (năm 2026 - 2030) xác định các khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải mới thêm 100.000ha để đạt tổng diện tích 200.000ha.  

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (thứ 3 từ phải sang) cùng đoàn công tác khảo sát HTX tôm cua lúa Thạnh An được Kiên Giang đề xuất chọn tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Trung Chánh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (thứ 3 từ phải sang) cùng đoàn công tác khảo sát HTX tôm cua lúa Thạnh An được Kiên Giang đề xuất chọn tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Trung Chánh.

Các hoạt động chính để thực hiện các nội dung Đề án là lựa chọn, xây dựng vùng, diện tích tham gia, rà soát, áp dụng, hoàn thiện các gói kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững, tổ chức lại sản xuất và đào tạo tập huấn nâng cao năng lực, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh, huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính carbon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Bộ NN-PTNT đã thành lập các đoàn đi khảo sát ở các địa phương trọng điểm về sản xuất lúa, với hệ sinh thái nước ngọt, ngọt - lợ luân phiên.

"Đối với mô hình lúa - tôm ở Kiên Giang, chúng tôi dự kiến sẽ lựa chọn tham gia Đề án vì đây là mô hình sản xuất thuận thiên, rất khả quan. Bà con nông dân sản xuất theo mô hình này đã chủ động áp dụng sản xuất theo quy trình hữu cơ, có doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp vật tư, bao tiêu sản phẩm với giá cao. Tuy nhiên, sản xuất luân canh lúa - tôm thì phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ, áp dụng các quy trình kỹ thuật để đạt hiệu quả cao", Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, mô hình lúa - tôm sản xuất theo quy trình hữu cơ rất phù hợp đưa vào tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, áp dụng các quy trình sản xuất phát thải thấp. Thành công của mô hình không chỉ giúp gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn tiến tới xây dựng thương hiệu gạo sản xuất xanh trên nền đất nuôi tôm.

Đ.T.Chánh

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm