Thứ ba, 23/04/2024 | 13:24 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 08:30, 05/10/2021

Làm lúa hướng hữu cơ ở vùng biển Gò Công

TIỀN GIANG Mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, gạo của HTX Tăng Hòa đã đạt các chỉ tiêu để doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu đi Mỹ, Châu Âu...

Nung nấu lúa hữu cơ

Cách đây 4 năm, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa (xã Tăng Hoà, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) bắt đầu thực hiện trồng lúa theo hướng hữu cơ, không dùng thuốc BVTV. Mô hình khởi đầu từ một cá nhân với diện tích hơn 1ha, nay đã phát triển ra cả HTX với hơn 60 thành viên, diện tích tăng lên gần 200ha. Người đi tiên phong đó là ông Nguyễn Văn Nhẫn, nay là Giám đốc HTX.

Cấy bằng máy ở cánh đồng lúa sạch Tăng Hoà. Ảnh: HTX Tăng Hoà.

Cấy bằng máy ở cánh đồng lúa sạch Tăng Hoà. Ảnh: HTX Tăng Hoà.

Gặp ông Nhẫn, ông cho biết, do có thời gian liên kết làm cánh đồng lớn với Công ty Lương thực Tiền Giang, nên có dịp làm quen với một Việt kiều Mỹ tên Định, khá nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm sinh học hữu cơ cho nông nghiệp tại Mỹ và có công ty ở Sài Gòn. Một số sản phẩm chuyên dùng cho canh tác lúa không dùng thuốc BVTV của công ty này đã được nhập về Việt Nam.

“Từ lâu, tôi vẫn ấp ủ việc sẽ làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Vì sống ở môi trường nông thôn tôi biết, ô nhiễm đất, nước ngày càng nghiêm trọng. Đến khi gặp được doanh nghiệp trên, tôi quyết tâm làm. Sau khi liên hệ, họ liền cho người xuống tư vấn. Năm 2015, tôi bắt đầu trồng thử nghiệm lúa theo hướng hữu cơ, không dùng thuốc BVTV.

Vụ đầu tiên kết quả thử nghiệm có 2 chỉ tiêu tồn dư hóa chất chưa đạt do đất vẫn còn dư lượng thuốc BVTV nhiều. Vụ thứ 2 vướng 1 chỉ tiêu, đến vụ thứ 3 thì đạt. Năm 2017, HTX Tăng Hòa được thành lập với 30 thành viên”, ông Nhẫn kể.

Ông Nguyễn Văn Nhẫn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa bên ruộng lúa sạch. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Nguyễn Văn Nhẫn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa bên ruộng lúa sạch. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Nhẫn cho biết, các cánh đồng lúa ở Tăng Hoà nằm giữa 2 cửa sông lớn là Cửu Long và Vàm Cỏ Tây, lại cách biển chỉ vài cây số, bao đời nay đất tích tụ lượng phù sa rất lớn, rất màu mỡ. Và trong số nhiều giống lúa, thấy Nàng hoa 9 là giống lúa khá thích hợp với thổ nhưỡng, thời tiết vùng này.

Kinh nghiệm nhiều năm trồng lúa cho thấy, giống lúa Nàng hoa 9 trồng ở Tăng Hòa cho chất lượng gạo đặc trưng, ngon hơn trồng tại các vùng khác. Đối với sản phẩm Nàng hoa 9 của HTX Tăng Hòa trồng theo hướng hữu cơ, sau mỗi vụ thu hoạch, đều được lấy mẫu phân tích tồn dư hóa chất, thuốc BVTV tại Công ty Eurofins Sắc ký Hải Đăng (Khu Công nghệ cao Q.9, TP. HCM).

Kết quả thử nghiệm cho thấy, ngoài việc cho cho hàm lượng dinh dưỡng cao, toàn bộ 47 chỉ tiêu về tồn dư hóa chất đều đạt tiêu chuẩn cho phép, không phát hiện về hoá sinh, dư lượng thuốc BVTV và kim loại nặng.

Theo ông Nhẫn, hiện tại diện tích lúa của HTX là 400ha, trong đó có gần 200ha trồng theo hướng hữu cơ. Đây là diện tích doanh nghiệp thu mua đặt hàng làm. Khi có doanh nghiệp đặt, HTX mới hợp đồng với dân. Xã Tân Hòa có 1.400 ha lúa, theo kế hoạch sẽ canh tác lúa theo hướng hữu cơ trên toàn bộ diện tích lúa của xã trong tương lai. Nếu tiếp tục có đầu ra, sẽ phát triển sang xã khác.

'Canh tác lúa theo quy trình sạch được lợi đủ đường: ngoài lợi nhuận cao hơn, cho sản phẩm sạch, còn bảo vệ môi trường', ông Nguyễn Văn Nhẫn. Ảnh: Phúc Lập.

"Canh tác lúa theo quy trình sạch được lợi đủ đường: ngoài lợi nhuận cao hơn, cho sản phẩm sạch, còn bảo vệ môi trường", ông Nguyễn Văn Nhẫn. Ảnh: Phúc Lập.

“Áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ như vậy, năng suất lúa thế nào?”, tôi băn khoăn. Ông Nhẫn cho biết: Lúc đầu, năng suất của lúa sản xuất theo quy trình hướng hữu cơ không bằng so với sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm qua từng vụ, năng suất lúa đã tăng từ bằng đến hơn so với sản xuất truyền thống.

Cụ thể, vụ đông xuân năng suất đạt từ 7,5 - 8 tấn/ha, vụ hè thu có thấp hơn chút, bình quân đạt khoảng 6 tấn/ha. Như vậy là bằng hoặc cao hơn một chút so với canh tác truyền thống chứ không thấp hơn. Ngoài ra, khi tham gia sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, các thành viên sẽ thu lợi nhuận cao hơn so với sản xuất theo kiểu truyền thống. 

Gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, Châu Âu

Dẫn chúng tôi ra tham quan cánh đồng lúa của HTX cách nhà chừng 3 cây số, vừa đi ông Nguyễn Văn Nhẫn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa (xã Tăng Hoà, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) vừa nói về việc thu hút người dân địa phương tham gia canh tác lúa hướng hữu cơ: “Từ bao đời nay, người dân đã có thói quen làm theo ý mình. Thấy người khác làm cái gì mới là nhìn bằng con mắt nghi ngờ.

Cho nên, khi mới làm, tôi âm thầm làm một mình thôi chứ không dám rủ ai theo mình, vì thứ nhất họ chưa tin, thứ 2 lỡ họ thất bại có phải mình là người có lỗi không? Mấy vụ đầu làm dù chưa đạt nhưng tôi đã có lòng tin, vì năng suất không thấp hơn kiểu canh tác cũ, chất lượng gạo lại cao hơn. Đặc biệt là môi trường đất đang được cải tạo tốt dần lên. Đến vụ thứ 3 thì tôi thành công rồi”.

Thu hoạch lúa sạch ở HTX Tăng Hòa. Ảnh: HTX Tăng Hòa cung cấp.

Thu hoạch lúa sạch ở HTX Tăng Hòa. Ảnh: HTX Tăng Hòa cung cấp.

Đến nay, từ hơn 1ha, làm kiểu cá nhân, ông Nhẫn đã phát triển thành HTX, tăng quy mô từ diện tích, sản lượng đến số lượng thành viên. Điều đó cho thấy, việc canh tác lúa hướng hữu cơ của HTX Tăng Hòa là hướng đi đúng.

Gặp ông Nguyễn Minh Đức, thành viên HTX Tăng Hòa tại cánh đồng lúa của HTX, ông cho biết, gia đình có 1ha đất, tham gia sản xuất lúa hướng hữu cơ được 3 năm, từ khi HTX Tăng Hòa thành lập chưa lâu.

Ông Đức bảo: Sản xuất lúa hướng hữu cơ, không dùng thuốc BVTV có nhiều cái lợi. Không tốn tiền mua thuốc BVTV, mỗi ha được công ty hỗ trợ sản phẩm sinh học bón lá tương đương 4,5 triệu đồng. Toàn bộ sản phẩm được công ty thu mua theo giá thị trường, đồng thời hỗ trợ thêm mỗi ký lúa 300 đồng nữa.

"Nếu năng suất đạt 8 tấn/ha, mình được thêm 2,4 triệu đồng nữa so với bán ngoài thị trường. Canh tác theo lối cũ thì chi phí 1ha hết khoảng 18 triệu đồng, ấy là chưa kể giá đầu ra bấp bênh. Còn canh tác theo tiêu chí sạch này, chi phí chỉ hết khoảng 12 - 13 triệu đồng 1ha.

Tóm lại, canh tác theo lối cũ thì tùy vụ, bình quân 1 mẫu cũng lời từ 15 đến 20 triệu đồng, còn bây giờ canh tác theo quy trình mới, tiền lời mỗi ha cao hơn từ 5 - 10 triệu đồng. Nhưng thích nhất là cảm giác ăn hạt gạo đảm bảo an toàn do chính mình trồng”, ông Đức phấn khởi.

Giống lúa Nàng hương 9 trồng theo quy trình sạch ở HTX Tăng Hoà cho chất lượng cao hơn quy trình canh tác cũ. Ảnh: Phúc Lập.

Giống lúa Nàng hương 9 trồng theo quy trình sạch ở HTX Tăng Hoà cho chất lượng cao hơn quy trình canh tác cũ. Ảnh: Phúc Lập.

Mặc dù HTX Tăng Hòa chưa đăng bất kỳ chứng chỉ gì, từ VietGAP trở lên, nhưng toàn bộ sản phẩm lúa của HTX đều được 2 doanh nghiệp ở TP. HCM thu mua, một phần nhỏ tiêu thụ trong nước, phần lớn còn lại được đóng gói xuất khẩu đi Nhật, Singapore, và cả Châu Âu.

“Sản phẩm của HTX đủ tiêu chuẩn xuất đi thị trường Mỹ. Tiêu chí để gạo vào được thị trường Mỹ rất cao, rất khó. Một trong những chỉ tiêu quan trọng trong thành phần gạo là hàm lượng kim loại nặng như chì, chì, kẽm, thủy ngân… Nhưng kết quả phân tích chất lượng gạo của HTX Tăng Hoà cho thấy, các chỉ tiêu này còn thấp hơn quy định rất nhiều, nhiều chỉ tiêu không phát hiện tồn dư”, ông Nhẫn nói.

Ông Nguyễn Văn Nhẫn: 'Sắp tới, HTX sẽ xây dựng thương hiệu gạo sạch Tăng Hòa, hướng tới xuất khẩu', Ảnh: Phúc Lập.

Ông Nguyễn Văn Nhẫn: "Sắp tới, HTX sẽ xây dựng thương hiệu gạo sạch Tăng Hòa, hướng tới xuất khẩu", Ảnh: Phúc Lập.

Ông Nhẫn cho biết, sắp tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, kết hợp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, lên kế hoạch xây dựng thương hiệu gạo cho riêng mình để tham gia chương trình OCOP.

Hiện HTX đang liên hệ với các ngành chức năng để xét tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì. “Ngoài cung ứng lúa gạo cho các đối tác, HTX mong muốn xây dựng thương hiệu gạo cho riêng mình để cung ứng cho thị trường, hướng tới xuất khẩu, bởi chất lượng gạo của HTX qua kiểm nghiệm đã cho thấy đạt tiêu chuẩn, có thể xuất khẩu”, ông Nhẫn cho biết.

“Hiện nay, đã có thêm nhiều hộ muốn tham gia làm lúa theo hướng hữu cơ, nhưng vì đầu ra còn hạn chế, nên tạm thời tôi phải từ chối. Vì mình hỗ trợ phân, sản phẩm sinh học cho bà con, sau đó phải đảm bảo đầu ra sản phẩm nữa, mà thu hoạch xong không biết bán cho ai thì không ổn. Cho nên, khi nào có thêm đơn vị về ký hợp đồng bao tiêu thì mới dám hợp đồng với bà con”, ông Nguyễn Văn Nhẫn cho biết. 

Hồng Thuỷ - Thanh Sơn

Mục tiêu 20.000ha quế có chứng nhận hữu cơ

Mục tiêu 20.000ha quế có chứng nhận hữu cơ

YÊN BÁI Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích ổn định khoảng 90.000ha, trong đó phấn đấu diện tích quế tập trung chuyên canh 35.000ha, khoảng 20.000ha được cấp chứng nhận hữu cơ.

Hợp tác xã có 1.000ha quế hữu cơ

Hợp tác xã có 1.000ha quế hữu cơ

YÊN BÁI_ Một hợp tác xã ở Yên Bái có gần 1.000ha quế hữu cơ với hơn 800 hộ tham gia, sản phẩm xuất sang các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp...

Cho lúa 'ăn' trứng gà, sữa tươi

Cho lúa 'ăn' trứng gà, sữa tươi

HÀ TĨNH Việc sử dụng hỗn hợp từ trứng gà, sữa tươi phun cho cây lúa nhằm cung cấp dưỡng chất, giúp hạt chắc mẩy, hạn chế mầm bệnh gây hại, cho chất lượng gạo thơm ngon.

Vườn rau hữu cơ đầu tiên ở Hải Phòng '5 không'

Vườn rau hữu cơ đầu tiên ở Hải Phòng '5 không'

HẢI PHÒNG Mô hình trồng rau hữu cơ tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng cho năng suất cao, có thể canh tác nhiều lứa liên tục, giá sản phẩm cao gấp 3 thị trường.

Xem Thêm