Thứ năm, 18/04/2024 | 14:14 GMT +7

  • Click để copy
Thứ sáu- 06:39, 17/06/2022

Làm ăn chuẩn mực, nhanh nhạy để có nhiều sản phẩm thực dưỡng

Công ty Abavina là 1 trong 24 thành viên Mạng lưới các doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL (Mekong Delta Resilient Business Network - MRBN).
Các nhà vườn yên tâm chăm sóc vườn cây theo tiêu chuẩn Hệ thống Đảm bảo Cùng tham gia (Participatory Guarantee System - PGS) với sự hỗ trợ của Công ty Abavina. Ảnh: NB.

Các nhà vườn yên tâm chăm sóc vườn cây theo tiêu chuẩn Hệ thống Đảm bảo Cùng tham gia (Participatory Guarantee System - PGS) với sự hỗ trợ của Công ty Abavina. Ảnh: NB.

Abavina là 1 trong 24 thành viên Mạng lưới các doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL (Mekong Delta Resilient Business Network - MRBN). Chị Kim Thoa, Giám đốc Công ty Abavina đã cùng 28 nông hộ xây dựng mô hình cộng đồng nông nghiệp theo hướng làm ăn chuẩn mực để có nhiều sản phẩm ngon- lành.

Hiện nay, Abavina có 40 sản phẩm, vẫn là đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, bí đỏ hồ lô, bí đỏ bánh xe, đu đủ, ổi, mít, bột chùm ngây, bột ớt; sản phẩm lên men (trái giác, chùm ruột, trái lý, trái nhàu…) được dùng để bổ sung khẩu phần thực dưỡng.

Giống như một ngọn đuốc, ban đầu chỉ "sáng" ở 5 hộ thuộc khu vực Trường Long, huyện Phong Điền, Cần Thơ; nay đã có 28 hộ thành viên, diện tích canh tác 30ha - mở rộng trên một vùng ở Cần Thơ và Hậu Giang. Các nông hộ làm vườn không thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón hóa chất, năng suất giảm 30 - 50% nhưng bù lại giá bán cao 2 - 3 lần, thị trường tiêu thụ ổn định. Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Abavina mua 35 - 45% sản lượng, nông hộ có quyền bán tự do…

"Cái chính là nông dân tự nhận ra giá trị, tự làm, tự tin khi bán sản phẩm do mình làm ra”, Thạc sĩ Kim Thoa, Giám đốc Công ty Abavina, nói. “Hiện nay, mọi người đã biết cách tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có, làm hàng đủ chuẩn và biết cách tái tạo tài nguyên. Các mối mua hàng của bà con có thể test sản phẩm thoải mái”.

Các cửa hàng nông sản sạch, thực dưỡng, các nhà hàng chay, các công ty xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản (ớt chỉ thiên), Hà Lan (mít non), Ấn Độ (lá chùm ngây) thường lấy hàng từ Abavina. Doanh thu bình quân của Abavina từ 100 đến 200 triệu đồng/tháng.

“Tùy theo đặc điểm của từng nông hộ, chúng tôi xây dựng phương án tối ưu hóa dựa trên tài nguyên sẵn có, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế”, chị Thoa cho biết các nông hộ đã trải nghiệm qua nhiều vụ để hiểu vì sao phải cùng chuyển đổi, cùng đánh giá, cho điểm theo tiêu chí, đạt 5/7 tiêu chí thì bắt đầu trồng thử nghiệm cây ngắn ngày (3 - 6 tháng). Tới năm thứ hai, vượt qua được thử thách, các thành viên sẽ trồng các loại cây dài ngày hơn.

Hiện nay, các nông hộ đã chủ động chăm sóc sức khỏe của đất, ưu tiên sử dụng các giống bản địa có sức chống chịu sâu bệnh, giữ lại hương vị của những giống cây trồng đặc hữu, xem cỏ là bạn, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ mà chỉ làm cỏ định kỳ. Sử dụng nguồn phân tự ủ từ các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như ốc, cá, chuối, lục bình, rơm rạ, thân bắp, rau quả hư hỏng… để cung cấp dinh dưỡng cho cây và đất. Sử dụng các sản phẩm thảo mộc tự chế từ dung dịch tỏi, ớt, dây thuốc cá, lá sầu đâu, bột bình bát, gừng, lá mật gấu, lá sầu đông, nấm Trichoderma, vôi phòng bệnh, trồng thêm cỏ đậu phộng, rau dệu… để cải tạo đất, giảm sự phát triển mạnh của cỏ. Tối ưu vùng canh tác bằng cách chọn lựa các loại cây trồng phát triển đa tầng, đa dạng hóa nguồn thu nhập.

Các chuyên gia nước ngoài thăm hỏi, khích lệ Abavina. Ảnh: NB.

Các chuyên gia nước ngoài thăm hỏi, khích lệ Abavina. Ảnh: NB.

Phải mất 5 năm nhen nhóm, tạo dựng mô hình; tới năm 2019 các thành viên mới yên tâm với đồng vô - đồng ra. Trước đó, các tình nguyện viên, các chuyên gia từ trường đại học, các tổ chức phi chính phủ cùng làm việc với nông dân, ai cũng thay đổi trong suy nghĩ, cách làm của cộng đồng chính là “thù lao” mong đợi.

Giờ đây, các nhà vườn tự tổng kết: Mô hình này thuận theo năng lực từng hộ; thuận theo điều kiện tự nhiên; thuận theo các nguồn lực, tài nguyên bản địa sẵn có; thuận theo mùa vụ canh tác; thuận theo đối tượng khách hàng ưa chuộng các sản phẩm mang hương vị tự nhiên, thưởng thức cây lành - trái ngọt, sinh kế phát triển mà không phải hy sinh tài nguyên, vẫn giữ được môi trường bền vững.

“10 lao động địa phương có việc làm ổn định, trong đó 3 người làm việc chính thức - mức lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2022, Abavina  đặt mục tiêu nâng cao năng lực, mở mang thị trường; ưu tiên cho đối tượng phụ nữ chịu khó học hỏi, chịu chuyển đổi. Mô hình hỗ trợ nông hộ quy mô nhỏ thích ứng biến đổi khí hậu đã lan từ Phong Điền (Cần Thơ) tới Châu Thành A (Hậu Giang)", chị Kim Thoa nói.

Cơ hội xuất khẩu rau, quả, gia vị sang EU rộng mở

Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, ngành rau, quả, gia vị nằm trong tốp đầu ngành được hưởng ưu đãi thuế quan. Khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng nông sản của các nước ở châu Á, đặc biệt với hai thị trường nông sản là Thái Lan và Trung Quốc - hai nước chưa có hiệp định thương mại tự do với EU.

Chiết xuất thành công protein từ lá cây cà chua

Các nhà nghiên cứu tại đại học và Viện nghiên cứu Wageningen (Hà Lan) đã chiết xuất thành công protein Rubisco từ lá cà chua. Ở dạng nguyên chất, protein Rubisco có mùi vị, màu sắc trung tính nên chính là thành phần hữu dụng trong việc tăng cường hàm lượng dinh dưỡng cho loại thịt và sản phẩm bơ sữa plant-based. Nhờ ứng dụng công nghệ này, con người có thể tận dụng được khối lượng lớn phụ phẩm từ ngành nông nghiệp để giải bài toán lương thực trong tương lai.

Công nghệ mới có thể tạo ra cuộc cách mạng cho ngành thịt cell-based

Công ty nghiên cứu thịt nuôi cấy Intergriculture (Nhật Bản) vừa ra mắt công nghệ nuôi cấy hỗn hợp CulLen, dựa trên nguyên lý sử dụng nhiều loại tế bào khác nhau như một loại serum tổng hợp thúc đẩy quá trình phát triển của các tế bào thịt nuôi cấy. Thành công này là nhân tố đột phá giúp giải bài toán chi phí sản xuất và cũng sẽ “bình dân hóa” ngành thịt nuôi cấy, tạo điều kiện cho nhiều công ty nguồn lực có hạn tham gia vào ngành này. Hơn nữa, công nghệ nuôi cấy hỗn hợp CulLen còn có thể ứng dụng vào ngành bào chế dược phẩm sinh học, mỹ phẩm và các nguyên vật liệu như da…

Cập nhật, rà soát thông tin liên quan đến cấp giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm vào EU

Ngày 13/6/2022, EU chính thức đưa các loại bún, miến, phở ra khỏi danh mục quy định yêu cầu bổ sung dụng giấy Chứng nhận An toàn thực phẩm theo Phụ lục 2 Quy định số (EU) 2021/2246 sửa đổi bổ sung Quy định (EU) 2019/1793. Tuy nhiên, mỳ ăn liền và thanh long vẫn phải bổ sung Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm với các lô hàng có nguồn gốc từ Việt Nam với lý do thanh long vẫn còn nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm và tần suất các lô hàng bị cảnh báo chưa có nhiều tiến bộ. Quy định này có hiệu lực từ ngày 3/7/2022.

Nam Nguyên (Nguồn BSAS)

Ngọc Bích

Doanh nghiệp 'bắt chặt tay' cùng nông dân sản xuất quế hữu cơ

Doanh nghiệp 'bắt chặt tay' cùng nông dân sản xuất quế hữu cơ

YÊN BÁI Doanh nghiệp và nông dân đã hợp tác chặt chẽ xây dựng vùng trồng quế hữu cơ, đầu tư nhà máy với công nghệ cao để chế biến sâu các sản phẩm quế xuất khẩu

Cho lúa 'ăn' trứng gà, sữa tươi

Cho lúa 'ăn' trứng gà, sữa tươi

HÀ TĨNH Việc sử dụng hỗn hợp từ trứng gà, sữa tươi phun cho cây lúa nhằm cung cấp dưỡng chất, giúp hạt chắc mẩy, hạn chế mầm bệnh gây hại, cho chất lượng gạo thơm ngon.

Nông nghiệp công nghệ cao Ninh Thuận: [Bài 2] Đã có 180 doanh nghiệp thụ hưởng chính sách hỗ trợ

Nông nghiệp công nghệ cao Ninh Thuận: [Bài 2] Đã có 180 doanh nghiệp thụ hưởng chính sách hỗ trợ

Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, Ninh Thuận đã ban hành nhiều chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia.

Nông nghiệp công nghệ cao Ninh Thuận: [Bài 1] Nhiều mô hình thu vượt 1,2 tỷ đồng/ha

Nông nghiệp công nghệ cao Ninh Thuận: [Bài 1] Nhiều mô hình thu vượt 1,2 tỷ đồng/ha

Lộ trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2030 của Ninh Thuận mới đi được đoạn đường đầu, vậy nhưng ‘bức tranh’ đã đậm màu tươi sáng…

Xem Thêm