Thứ năm, 21/11/2024 | 17:25 GMT +7
Hiện nay, phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi mà nhiều địa phương trên cả nước đang lựa chọn, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Quảng Ninh có nhiều tiềm năng và lợi thế cả về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, tiềm năng của thị trường nội địa đối với sản phẩm hữu cơ rất lớn, nhất là khi mức thu nhập của người dân tăng nhanh, thúc đẩy nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, chất lượng.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những tín hiệu tích cực về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Các mô hình sản xuất hữu cơ đã vận dụng nguyên tắc “6 không” trong sản xuất, bao gồm không thuốc BVTV và không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản, không sử dụng giống biến đổi gen, không làm đất ô nhiễm.
Ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Ninh cho biết, nông dân tham gia vào mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ được Chi cục tập huấn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ các sản phẩm phân bón hữu cơ đã được Bộ NN-PTNT chứng nhận.
"Người dân khi tham gia vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ được hỗ trợ khảo sát, phân tích, đánh giá các yếu tố môi trường như đất, nước, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật", ông Thực cho biết.
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 1.000ha sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi; 416 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...); 19 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm.
Đặc biệt, Quảng Ninh hiện đã có 45ha lúa sản xuất hữu cơ với sản lượng khoảng 122 tấn tại TP Uông Bí và thị xã Quảng Yên, năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, cao hơn lúa trồng truyền thống khoảng 1 tấn/ha, giá bán cũng cao hơn từ 10 - 15% so với lúa được canh tác theo hướng cũ. Từ đó mang lại thu nhập tăng từ 10 - 30% so với phương pháp sản xuất thông thường. Điều quan trọng là sản xuất không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, bảo vệ môi trường sinh thái, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi với giá cao.
Đối với cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ, một số vùng trồng cây quế ở huyện Đầm Hà và huyện Tiên Yên hiện đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union Certifications) cấp chứng nhận đạt hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu.
Theo đó, gần 350ha với hơn 220 tấn quế hữu cơ đã được "cấp visa xuất ngoại" và có mặt ở những thị trường khắt khe nhất của châu Âu với giá bán dao động từ 23.000 - 25.000 đồng/kg (cao hơn 20% so với quế thông thường).
Trong lĩnh vực thủy sản, hiện cũng đã ghi nhận nhiều mô hình nuôi rươi kết hợp với trồng lúa hữu cơ tại TP Uông Bí và thị xã Đông Triều cho thu hoạch khoảng 4 - 5 tạ rươi thương phẩm/ha (tăng khoảng 30% so với nuôi tự nhiên trước đây), sản lượng lúa đạt 1,8 - 2 tấn/ha/vụ, lợi nhuận mang lại hơn 300 triệu đồng/ha.
Mặc dù bước đầu đã có những kết quả tích cực, tuy nhiên, các mô hình, dự án nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mới dừng lại ở quy mô manh mún, nhỏ lẻ, thực hiện từng phần. Do đó, chưa đáp ứng được yêu cầu, xu thế phát triển hiện nay.
Ông Phạm Văn Tuyên (xã Sơn Dương, TP Hạ Long) chia sẻ, để trồng thành công theo quy trình VietGAP, người dân đã phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất khắt khe trong kỹ thuật sản xuất như từ khâu chọn đất, giống, phân bón cho đến thu hoạch. Đối với sản xuất hữu cơ, tiêu chuẩn còn phải cao hơn nữa khi phải đáp ứng một loạt các tiêu chí là không phân bón hóa học, không chất diệt cỏ, không thuốc BVTV, không chất biến đổi gen, không chất kích thích sinh trưởng và cần phải có thời gian để cải tạo chất đất, nguồn nước...
"Sản xuất theo hướng hữu cơ là một quá trình dài, chi phí cao và phải mất từ 3 đến 5 năm mới cho thu hoạch. Do đó, rất cần các cơ quan quản lý có chính sách hỗ trợ người dân trong việc thuê đất dài hạn, vốn vay ưu đãi, tập huấn kỹ thuật và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm", ông Tuyên bày tỏ.
Trên cơ sở nghiên cứu rõ những tiềm năng, lợi thế, xác định nông nghiệp hữu cơ là xu hướng sản xuất tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, xứng với tiềm năng, tháng 3/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Ninh, chặng đường phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Quảng Ninh còn nhiều gian truân nhưng tương lai sẽ có nhiều triển vọng sáng. Mục tiêu của đề án là phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, khuyến khích sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn và có chứng nhận.
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thách thức, đề án đã đưa ra 11 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng xuất khẩu để nâng cao giá trị sản phẩm. Đơn cử như các loại cây ăn quả, dược liệu, lúa gạo hữu cơ tại các địa phương Quảng Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà.
Để tạo đà cho nông nghiệp hữu cơ của tỉnh phát triển, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ; nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng chuỗi liên kết “4 nhà”. Cùng với đó, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Ngoài ra, các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ người dân trong công tác tuyên truyền, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, việc sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn được cấp chứng nhận sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu... Đặc biệt, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh khi giá trị của sản phẩm hữu cơ cao hơn từ 15 - 20% so với sản phẩm được sản xuất theo phương thức thông thường.
Trong thời gian tới, mục tiêu đề án hướng tới là sẽ sản xuất ra các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn giúp mở rộng thị trường không những trong và ngoài tỉnh, mà còn có thể tiến tới thị trường quốc tế như Mỹ, EU, Nhật Bản...
Để thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chính sách khuyến khích nông nghiệp hữu cơ như hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, hỗ trợ toàn bộ kinh phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm. Kết nối hộ sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đóng gói và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.
Các mô hình nuôi lợn thịt đạt trên 70% tiêu chí hữu cơ, an toàn sinh học, tuần hoàn khép kín, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi...