Chủ nhật, 13/04/2025 | 20:09 GMT +7
Người dân thôn Phiêng Phàng (xã Yến Dương) thu hoạch lúa nếp Tài. Ảnh: Ngọc Tú.
Yến Dương là xã thuần nông của huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), nơi đây có khí hậu trong lành, mát mẻ, đất sản xuất của người dân xen kẽ giữa các dãy núi trùng điệp. Yến Dương cũng nổi tiếng với nhiều sản vật bản địa như quả bí xanh thơm, gạo nếp Tài.
Trên những dãy núi quanh năm sương mù bao phủ, những thửa ruộng bậc thang hiện lên đẹp như tranh vẽ. Trên những đỉnh núi ấy, giống lúa nếp Tài đã gắn bó bao đời nay với cuộc sống người dân nơi đây. Nếp Tài là giống lúa bản địa, được cộng đồng người dân tộc Dao trồng nhiều trên các bản vùng cao. Do canh tác trong môi trường khí hậu trong lành, gạo nếp Tài nổi tiếng thơm ngon, thường dùng để làm bánh trong những ngày lễ, tết.
Nhận thấy tiềm năng từ loại nông sản này, năm 2018, HTX Yến Dương (huyện Ba Bể) liên kết cùng bà con người Dao trồng lúa nếp Tài hữu cơ. Từ đây, bà con dân bản trở thành thành viên của HTX Yến Dương, cũng từ đây, thương hiệu gạo nếp Tài hữu cơ vươn lên tầm cao mới. Từ tập quán canh tác truyền thống, giờ đây bà con được tập huấn quy trình trồng lúa hữu cơ.
Sau 7 năm thực hiện, giờ đây vùng nguyên liệu của HTX Yến Dương đạt 20ha, sản lượng gạo hàng năm khoảng 30 tấn. Sản phẩm gạo nếp Tài của HTX Yến Dương đạt chứng nhận hữu cơ Tiêu chuẩn Quốc gia về nông nghiệp hữu cơ (TCVN); Tiêu chuẩn Nông nghiệp Nhật Bản cho Trồng trọt Hữu cơ (JAS); Tiêu chuẩn Hữu cơ (PGS).
Chị Triệu Thị Tâm, thôn Phiêng Phàng (xã Yến Dương) cho biết, trước đây phải mang gạo đi bán ở chợ, giá rẻ, nhưng nay HTX Yến Dương thu mua toàn bộ, giá mua đạt từ 20 đến 30.000 đồng/kg gạo, lợi nhuận tăng gấp đôi, gấp ba so với trước kia.
Sản phẩm trà bí xanh thơm của HTX Yến Dương. Ảnh: HTX Yến Dương.
Ngoài lúa nếp Tài, Yến Dương cũng là thủ phủ trồng cây bí xanh thơm của huyện Ba Bể. Cây bí xanh thơm ở xã Yến Dương có hai loại, loại vỏ xanh đậm được gọi là bí xanh thơm và loại vỏ phủ phấn trắng gọi là bí phấn thơm. Đặc điểm nổi bật của loại cây trồng này là cả thân và quả có mùi rất thơm, đây cũng là nông sản đặc trưng của huyện Ba Bể.
Nhiều năm gần đây, HTX Yến Dương đã liên kết với người dân trồng bí xanh thơm theo tiêu chuẩn hữu cơ, đến nay diện tích đạt hơn 40ha (trong đó 10ha đạt chuẩn hữu cơ PGS), sản lượng hàng năm đạt khoảng 1.000 tấn. Vùng trồng bí xanh thơm của HTX đã được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm bí xanh thơm của HTX Yến Dương đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Ngoài tiêu thụ quả bí, HTX Yến Dương cũng đã đầu tư máy móc, nhà xưởng chế biến quả bí xanh thành sản phẩm trà bí thơm. Trà bí thơm của hợp tác xã là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu biểu cấp khu vực phía Bắc năm 2024.
Bà Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương cho biết, bên cạnh một số nông sản bản địa, hợp tác xã cũng trồng dong riềng và chế biến miến dong. Diện tích trồng dong riềng đạt hơn 25ha, với sự tham gia liên kết của 219 hộ gia đình thành viên. Vùng trồng dong riềng đạt chứng nhận hữu cơ PGS, sản phẩm miến dong đạt chuẩn OCOP 3 sao. Từ khi đầu tư máy móc chế biến miến, đến nay hợp tác xã đã tiêu thụ hơn 70 tấn miến.
Sản phẩm gạo nếp Tài của HTX Yến Dương. Ảnh: Ngọc Tú.
Theo bà Ma Thị Ninh, để đạt kết quả như hôm nay, HTX Yến Dương xây dựng vùng nguyên liệu dựa trên chuỗi liên kết chặt chẽ với người dân. Những năm qua, HTX đã hỗ trợ bà con vùng trồng nguyên liệu 1.000 gói men vi sinh (giá trị 40 triệu đồng), hỗ trợ 1 máy thái miến cho tổ nhóm chế biến miến dong tráng tay cổ truyền giá trị 25 triệu đồng.
“Hiện nay hợp tác xã có 25 thành viên, hơn 460 hộ tham gia liên kết trồng bí xanh thơm, lúa nếp Tài và dong riềng. Từ việc xây dựng thành công thương hiệu cho một số loại nông sản bản địa, thành viên hợp tác xã và các hộ liên kết đã có thêm thu nhập, đời sống ngày càng khấm khá hơn”, bà Ninh cho biết thêm.
Cần Thơ Khoảng 2.000 thực khách đổ về Quảng trường Bình Thủy (TP Cần Thơ) chiêm ngưỡng và thưởng thức bánh chưng khổng lồ, kích thước 1,9mx1,9m, dày 0,8m, trọng lượng lên đến 1,6 tấn.
Mong muốn đưa nông sản quê hương vượt ra khỏi bản làng, nhiều phụ nữ Cơ Tu đã khởi nghiệp thành công nhờ tận dụng các nền tảng số.
Vùng chè Tân Cương sẽ gắn với không gian văn hóa trà cộng đồng, phát triển du lịch, dịch vụ, lấy chè làm trung tâm, làm động lực cho sự phát triển.
Trước những thách thức và xu hướng mới của thời đại, Agribank tiếp tục bước tiến xa hơn, chuyển mình từ một ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng xanh và hiện đại.