Thứ sáu, 18/07/2025 | 07:42 GMT +7
Giữa miền quê thanh bình xã Phước Giang (tỉnh Quảng Ngãi), lò nấu đường “Ông Năm” vẫn đều đặn đỏ lửa mỗi tuần. Hương mật mía lan tỏa khắp không gian, gợi lại ký ức ngọt ngào một thời. Lò nấu đường ấy là tâm huyết của vợ chồng chị Nguyễn Thị Kiều Hoanh (40 tuổi), người đang hồi sinh nghề nấu đường thủ công, gắn kết với phát triển du lịch cộng đồng tại quê nhà.
Nghề nấu đường truyền thống dần mai một khip người dân chuyển sang bán mía cho nhà máy đường lớn. Ảnh: Võ Hà.
Một sáng hè, chúng tôi về thôn Tân Lập. Bên cánh đồng lúa chín vàng, làn khói lò quyện cùng mùi mật ngọt dịu dẫn lối tới lò đường mang tên mộc mạc “Ông Năm”. Bên trong, tiếng khuấy mật, tiếng củi cháy lách tách và mùi mật mía sôi lan tỏa. Những người nấu đường miệt mài tiếp lửa, ép mía, đảo mật.
Chị Hoanh tất bật phụ chồng bên bếp. Ánh mắt người phụ nữ rạng ngời khi kể về ký ức tuổi thơ gắn bó với nghề: “Tôi lớn lên với tiếng lửa reo bên chòi mía, cả xóm rộn ràng như có hội mỗi mùa nấu đường. Trẻ con chúng tôi háo hức xin nước chè hai, ăn bánh tráng, củ lang nhúng đường... Nhưng rồi tất cả dần vắng bóng”.
Chòi nấu đường truyền thống "Ông Năm". Ảnh: Võ Hà
Những năm sau, nghề nấu đường truyền thống dần mai một khi người dân chuyển sang bán mía cho nhà máy đường lớn. Các chòi ép mía, lò nấu thủ công bị tháo dỡ, ký ức xưa lặng lẽ trôi vào quên lãng. Nhưng với chị Hoanh, hình ảnh ấy luôn canh cánh trong lòng. Khi kinh tế gia đình ổn định, chị quyết khôi phục lò nấu đường như một cách gìn giữ hồn quê.
Năm 2024, với số tiền tích góp cùng nguồn hỗ trợ 90 triệu đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia, vợ chồng chị Hoanh dựng lại lò đường “Ông Năm” như một cách tri ân ký ức, biết ơn người chú ruột – một thợ nấu đường kỳ cựu, hiện là người trực tiếp nấu chính tại lò.
Không gian lò đường được phục dựng theo phong cách xưa: chảo lớn, mái chòi lợp lá, lò gạch đỏ lửa quanh năm. Dù ở khâu ép mía, gia đình chị kết hợp thêm máy móc hiện đại để giảm sức lao động, nhưng vẫn giữ lại trâu quay ép mía vào những dịp đặc biệt để du khách trải nghiệm ký ức.
“Lò nấu đường không chỉ làm ra sản phẩm mà còn giữ lại linh hồn làng nghề. Nhiều người đến đây chỉ để tìm về hồn cốt làng nghề Quảng Ngãi xưa, ngửi mùi khói lò, nghe tiếng mật sôi, ngắm người thợ khuấy đường, chứ không chỉ để mua bán”, chị Hoanh chia sẻ.
Trâu được sử dụng để quay ép nước mía. Ảnh: Võ Hà
Chiều muộn, lò đường càng thêm rộn ràng. Người dân và du khách ghé về, thưởng thức nước chè hai, bánh tráng, củ lang nhúng đường – những món quê xưa dân dã. Bà Nguyễn Thị Vấn (60 tuổi), quê xã Hành Đức cũ (nay là xã Đình Cương), xúc động kể: “Cha tôi từng là thợ nấu đường nổi tiếng. Đến đây, tôi như sống lại với tuổi thơ, bên lò lửa ấm, bên món quà quê mà cha từng gói ghém cho con cái".
Hiện, lò “Ông Năm” cung cấp nhiều sản phẩm: mật mía, đường dẻo, bánh tráng, nước chè hai… Chị Hoanh đang lên kế hoạch mở rộng thêm đường muỗng, đường thỏi, kết hợp với trải nghiệm du lịch trong khu vườn trái cây nhà mình.
“Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là thấy những gia đình trẻ đưa con về đây. Để các thế hệ kế tiếp biết quê hương mình từng có một nghề như vậy, từng có những mùa lửa cháy ngọt lành và đầy tình thương”, chị Hoanh tâm sự.
Từ tâm huyết của vợ chồng chị, lò “Ông Năm” không chỉ khơi lại nghề cũ mà còn góp phần mở hướng đi mới cho du lịch cộng đồng Hành Nhân (một phần của xã Phước Giang nay). Mỗi dịp lễ Tết, nơi đây đón hơn 15.000 lượt du khách, tạo sinh khí mới cho vùng quê trù phú.
“Xã rất cần những người trẻ như vợ chồng chị Hoanh – những người giữ lửa truyền thống, góp phần đưa du lịch cộng đồng phát triển bền vững”, đại diện chính quyền địa phương cho biết.
Rời lò đường trong chiều lộng gió, hình ảnh trâu quay guồng ép mía cứ theo đuổi trong tôi khiến bước chân vui lạ. Một làng nghề tưởng đã ngủ yên, giờ ký ức đang sống dậy bằng tình yêu của những người giữ lửa nghề. Mới hay có những công việc lặng thầm nhưng sự đóng góp lại rất lớn lao, như cách vợ chồng chị Hoanh hồi sinh nghề quay mía làm đường, tạo điểm nhấn cho du lịch cộng đồng phát triển.
Trong nhịp sống hiện đại, vợ chồng chị Hoanh ở Quảng Ngãi hồi sinh lò đường xưa, giữ hồn quê, gợi ký ức tuổi thơ và tạo điểm nhấn du lịch cộng đồng nông thôn.
THANH HÓA 'Làm nông mà cứ tính toán thiệt hơn từng đồng thì khó đi đến đích. Làm nông dù vất vả nhưng tôi thấy vui, thấy có ích cho cộng đồng', chị Hoan nói.
CẦN THƠ Mô hình sử dụng 100% chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa tại Cần Thơ giúp giảm phân bón, không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, chi phí giảm 10 - 15%.
Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ đang là quyết tâm cao của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương cũng như nông dân, doanh nghiệp ở các xã phía tây tỉnh Gia Lai.