Thứ tư, 20/11/2024 | 22:20 GMT +7
Các thành viên Hợp tác xã (HTX) gà đồi Tân Tiến, xã Tân Khánh (Phú Bình, Thái Nguyên) sau khi được sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao và Dịch vụ Công nghệ sinh học hữu cơ (Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam) thông qua Dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2022 - 2024 đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, xây dựng thương hiệu và không ngừng gia tăng thu nhập.
Anh Trương Văn Hướng, thành viên HTX chia sẻ, trung bình hàng năm gia đình anh nuôi khoảng 1,5 vạn con gà. Trước đây, việc chăm sóc chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và “học lỏm”, cho gà ăn thức ăn công nghiệp, phòng trị bệnh hoàn toàn bằng kháng sinh… nên chi phí đầu tư lớn.
Cũng chính thói quen chăn nuôi này khiến anh Hướng thấy mơ hồ, không tin tưởng khi được tiếp cận với phương pháp nuôi mới theo hướng hữu cơ. Bởi lẽ theo phương pháp mới, người nuôi hạn chế thấp nhất việc sử dụng kháng sinh phòng trị bệnh cho gà, thay vào đó sử dụng chế phẩm sinh học phối trộn với thức ăn để tăng sức đề kháng tự nhiên cho vật nuôi. Đồng thời, sử dụng chế phẩm vi sinh phun, phối trộn tạo đệm lót sinh học để xử lý triệt để mùi hôi, giảm bụi bẩn trong chuồng.
“Mỗi lứa gà trước đây phải tiêu tốn 15 - 20 triệu đồng tiền mua kháng sinh nên khi nghe tới việc nuôi gà không dùng kháng sinh chẳng ai tin tưởng sẽ thành công. Tuy nhiên, khi mạnh dạn áp dụng và tuân thủ kỹ thuật được hướng dẫn lại thấy ‘nghiện’ cách nuôi này vì đàn gà khỏe mạnh, sinh trưởng phát triển tốt, đẹp mã, giảm được 90% các bệnh về đường hô hấp, thời gian xuất bán sớm hơn từ 5 - 7 ngày so với cách nuôi thông thường”, anh Hướng cho hay.
Không giấu được niềm vui khi chi phí chăn nuôi, công lao động giảm đáng kể nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng hữu cơ, anh Nguyễn Văn Khôi (xã Tân Khánh) nuôi 1,5 vạn gà/năm cho biết: Quy trình kỹ thuật nuôi theo hướng hữu cơ nghe có vẻ rắc rối nhưng khi áp dụng lại không hề khó. Người nuôi chỉ cần bỏ thêm ít công phối trộn thức ăn công nghiệp với chế phẩm vi sinh, ủ qua đêm rồi cho gà ăn nhưng hiệu quả mang lại lớn gấp nhiều lần so với cách cho ăn trực tiếp, hạn chế thấp nhất, tiến tới không dùng kháng sinh cho vật nuôi, vừa giúp người nuôi đảm bảo được sức khỏe, tiết kiệm chi phí, công chăm sóc, vừa thuận lợi xây dựng được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gà thịt.
“Khó khăn lớn nhất với dòng sản phẩm chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn là chưa có thị trường ổn định. Kênh tiêu thụ chính vẫn qua các thương lái nhỏ, trong khi người tiêu dùng chưa thể phân biệt được sự khác nhau giữa sản phẩm hữu cơ và thông thường nên giá trị thực sự của sản phẩm chưa được định vị. Nếu có doanh nghiệp chế biến đồng hành để hình thành chuỗi liên kết, ổn định đầu ra thì chắc chắn hình thức chăn nuôi này sẽ nhanh chóng được nhân rộng”, anh Khôi đánh giá.
Bà Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao và Dịch vụ Công nghệ sinh học hữu cơ thông tin, sau 3 năm thực hiện dự án xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ và chứng nhận OCOP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Hà Nội và Thái Nguyên, đến hiện tại HTX đã thu được những kết quả rất khả quan.
Việc áp dụng quy trình nuôi mới đã giúp các hộ giải quyết được 2 vấn đề lớn là hạn chế thấp nhất sử dụng kháng sinh tổng hợp trong chăn nuôi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Quan trọng hơn, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe.
Một tín hiệu đáng mừng là sau khi dự án đã kết thúc, nhiều hộ nhận thấy phương pháp nuôi mới hiệu quả và đã chủ động học hỏi, nhân rộng. Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, Trung tâm sẽ đào tạo, tập huấn và chuyển giao quy trình sản xuất chế phẩm sinh học để HTX, các hộ có thể chủ động xây dựng kế hoạch phát triển quy mô chăn nuôi.
Hòa Bình Tôi thức dậy giữa tiếng gà gáy, ngoài cửa lều là một khung cảnh đẹp mơ màng, những quả cam chín vàng như những cây thông Noel khổng lồ nổi bật trên nền trời xanh.
ĐẮK NÔNG Vườn 'trái cây vua' này không chỉ mang lại giá trị cao, bền vững mà còn là điểm tham quan, học hỏi của nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh, thu hút khách du lịch.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.
Các mô hình nuôi lợn thịt đạt trên 70% tiêu chí hữu cơ, an toàn sinh học, tuần hoàn khép kín, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi...