Thứ tư, 20/11/2024 | 22:25 GMT +7
Canh tác lúa theo hướng “thuận thiên” là xu thế phát triển tất yếu, bền vững, mang lại nhiều lợi ích, vừa đạt mục tiêu kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn và bảo vệ tương lai cho vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Đây là nội dung chính được đưa ra tại hội thảo quốc tế về “Hệ thống nông nghiệp - lương thực, sức khỏe và di sản văn hóa - thiên nhiên vùng đồng bằng” do Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP.HCM) phối hợp với Quỹ Nghiên cứu và Sáng tạo Chính phủ Anh và Đại học Newcastle (Vương quốc Anh) tổ chức mới đây tại An Giang.
Giáo sư Andy Large, Giám đốc dự án Đại học Newcastle cho biết, kết quả nghiên cứu của 3 hợp phần chính của dự án “Nghiên cứu về đồng bằng” (Living Deltas Hub) trong giai đoạn 2019 - 2024 cho thấy, phát triển nông nghiệp theo hướng “thuận thiên” không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn mang đậm yếu tố lịch sử, xã hội và văn hóa địa phương, không chỉ cho hôm nay mà còn lưu truyền cho thế hệ tương lai của vùng ĐBSCL theo đúng tinh thần của Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Giáo sư Andy Large, ĐBSCL được xem là vựa nông sản lớn nhất Việt Nam với diện tích canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản khoảng 3 triệu ha. Sản lượng sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL chiếm trên 50% so với cả nước, trong đó đóng góp trên 70% sản lượng cây ăn trái và thủy sản, 90% lương thực xuất khẩu của cả nước. Không chỉ quan trọng với nông nghiệp, ĐBSCL cũng là vùng giàu đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức, phát triển không bền vững, tác động từ thủy điện đầu nguồn sông Mê Kông và biến đổi khí hậu. Cùng với đó, ĐBSCL cũng đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ biến đổi khí hậu làm thay đổi lượng mưa cũng như gia tăng mức độ hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến triển vọng phát triển cũng như sinh kế lâu dài của người dân…
Giáo sư Andy Large cho rằng, việc ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua giải pháp “thuận thiên” là yêu cầu cấp bách. Thực tế, các địa phương ĐBSCL đã và đang triển khai nhiều giải pháp canh tác nông nghiệp theo hướng “thuận thiên” như: Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học; chăn nuôi tuần hoàn; kinh tế dưới tán rừng; mô hình tôm - lúa...
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Văn Kiền, Trưởng dự án Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết: Mô hình canh tác lúa sinh thái, hữu cơ là hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, “thuận thiên” gắn liền với vùng ĐBSCL, giúp con người với tự nhiên thích nghi một cách hài hòa, có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.
TS Kiền khẳng định, nền tảng thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung và lúa gạo hữu cơ nói riêng đã có, thậm chí đây là xu hướng tiêu dùng tất yếu. Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng “thuận thiên” vẫn chưa cao và nông dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều.
Cùng quan điểm, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, để phát triển nông nghiệp bền vững, người dân ĐBSCL phải hướng tới sản xuất lúa gạo phát thải carbon thấp.
Theo đó, GS.TS Võ Tòng Xuân khuyến cáo, việc triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 nên theo hướng hữu cơ, “thuận thiên” bằng cách áp dụng kỹ thuật sản xuất tưới ướt - khô xen kẽ, “1 phải 5 giảm”…
“Nếu nông dân chúng ta thực hiện đồng loạt, tối ưu các biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ trên toàn bộ diện tích 1,9 triệu ha lúa của vùng ĐBSCL đến năm 2030, sẽ giúp ngành lúa gạo vùng ĐBSCL giảm phát thải gần 11 triệu tấn CO2e mỗi năm. Ngoài ra, việc tái sử dụng 70% lượng rơm rạ cho các hình thức khác sẽ giảm khoảng 50% lượng phát thải khí nhà kính so với việc đốt rơm rạ.
Ngoài ra, ĐBSCL có thể giảm thêm 12 - 23 triệu tấn CO2e bằng việc thúc đẩy canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hành nông nghiệp tốt, thay thế đất trồng lúa kém hiệu quả bằng hệ thống canh tác thông minh và quản lý rơm rạ tốt hơn…” GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đang được các tỉnh trong vùng rất quan tâm và chú trọng áp dụng. Riêng tỉnh An Giang hướng mục tiêu đến năm 2025 diện tích tham gia trong Đề án là 44.051ha và tiếp tục nhân rộng ở những vùng thuận lợi, đến năm 2030 diện tích canh tác phấn đấu đạt 152.198ha.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Theo kế hoạch thực hiện Đề án, An Giang sẽ kết hợp tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình canh tác bền vững nhằm nâng cao thu nhập của người trồng lúa, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.
Song song đó, thúc đẩy hình thành và phát triển ổn định HTX, tổ hợp tác, tổ chức nông dân, đóng góp quan trọng vào chuỗi liên kết lúa gạo, tăng dần tỷ lệ sản xuất có liên kết tiêu thụ qua từng năm thực hiện. Đồng thời xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo điển hình, làm mô hình kiểu mẫu cho phát triển lĩnh vực lúa gạo tại An Giang đến năm 2030.
Để canh tác bền vững, đến năm 2025, An Giang đặt mục tiêu giảm 20% lượng phân bón hóa học, thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học và lượng nước tưới (so với canh tác truyền thống), giảm đến 30% vào năm 2030. Có 100% diện tích (tương đương 100% hộ) áp dụng ít nhất 1 quy trình canh tác bền vững “1 phải 5 giảm”, tưới ngập - khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững; các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
Từ năm 2025 - 2030, An Giang đặt mục tiêu 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX hoặc tổ chức nông dân; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt 50 - 70% diện tích; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8 - 10%; từ 35.000 - 100.000 hộ nông dân áp dụng quy trình canh tác bền vững; từ 70 – 100% rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng, được chế biến tái sử dụng lại để làm phân hữu cơ phục vụ cho cây trồng.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu giai đoạn 2025 2030 sẽ giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so canh tác lúa truyền thống; giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30 - 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa trên 40 - 50%; lượng gạo chất lượng cao và phát thải thấp xuất khẩu chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.
Tại lễ phát động Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL tại huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, tất cả các doanh nghiệp, HTX và người dân khi tham gia Đề án đều được hưởng lợi. Thứ trưởng Nam mong muốn các doanh nghiệp cùng tham gia vào ngành hàng lúa gạo để hình thành nên chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất của ngành hàng lúa gạo nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL sẽ là bước ngoặt làm thay đổi ngành hàng lúa gạo, với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng chuỗi sản xuất lúa gạo, nâng cao thu nhập, đảm bảo an ninh lương thực, giảm phát thải khí nhà kính.
Để thực hiện được các mục tiêu, cần phải thu hút các nguồn lực đầu tư vào các hợp phần của Đề án. Trong đó cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cần rõ ràng, minh bạch để các đối tác an tâm đầu tư, chung tay cùng ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững” Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Hòa Bình Tôi thức dậy giữa tiếng gà gáy, ngoài cửa lều là một khung cảnh đẹp mơ màng, những quả cam chín vàng như những cây thông Noel khổng lồ nổi bật trên nền trời xanh.
ĐẮK NÔNG Vườn 'trái cây vua' này không chỉ mang lại giá trị cao, bền vững mà còn là điểm tham quan, học hỏi của nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh, thu hút khách du lịch.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.
Các mô hình nuôi lợn thịt đạt trên 70% tiêu chí hữu cơ, an toàn sinh học, tuần hoàn khép kín, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi...