Thứ bảy, 23/11/2024 | 12:36 GMT +7

  • Click để copy
Thứ hai- 17:36, 20/05/2024

Đưa Than Uyên thành thủ phủ cây chia

LAI CHÂU Tập quán canh tác tự nhiên của bà con tại Than Uyên ít dùng các sản phẩm hoá học, dễ khoanh vùng sản xuất cây chia theo chuẩn hữu cơ.

Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), Hợp tác xã Nhà xanh toàn cầu và UBND huyện Than Uyên (Lai Châu) vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược phát triển cây chia tại địa phương này.

Việc trồng cây chia tại Than Uyên nhằm hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung để cung cấp các sản phẩm từ cây chia cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua đó, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho các hộ gia đình và phát triển kinh tế tại địa phương. 

Qua nghiên cứu và thử nghiệm, cây chia phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở Than Uyên (Lai Châu). Ảnh: ĐH.

Qua nghiên cứu và thử nghiệm, cây chia phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở Than Uyên (Lai Châu). Ảnh: ĐH.

Ông Phạm Văn Dân, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông cho biết: "Cây chia chúng tôi đưa về Việt Nam đã được trồng thí điểm, đánh giá các chỉ tiêu tăng trưởng, năng suất, chất lượng của hạt chia qua rất nhiều năm, rất nhiều vụ để có cơ sở lựa chọn giống chia phù hợp với Việt Nam. 

Với việc hợp tác ba bên, Trung tâm sẽ tổ chức triển khai xây dựng các vùng sản xuất cây giống, sản xuất thương phẩm hạt chia đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, tiến tới từng bước sản xuất sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ (organic)".

Theo ông Dân, Trung tâm đã cử chuyên gia phối hợp với các bên để đánh giá điều kiện sản xuất tại các vùng, lựa chọn vùng và đưa ra các biện pháp áp dụng để đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ sản xuất giống cây chia đáp ứng nhu cầu sản xuất; chú trọng công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho người dân; đào tạo, tập huấn, phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm về trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến cây chia đảm bảo chất lượng...

Đặc biệt, Trung tâm trực tiếp là đầu mối ký kết liên danh, liên kết thu mua, chế biến các sản phẩm cây chia và sản phẩm nông nghiệp từ việc xây dựng các mô hình sản xuất giống, sản xuất thương phẩm...

Ông Phạm Văn Dân (thứ 2 từ phải sang), Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông thăm trang trại trồng thử nghiệm cây chia. Ảnh: HĐ.

Ông Phạm Văn Dân (thứ 2 từ phải sang), Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông thăm trang trại trồng thử nghiệm cây chia. Ảnh: HĐ.

Nhận thấy những tiềm năng của cây chia, Hợp tác xã Nhà xanh toàn cầu đã thực hiện nghiên cứu và tiến hành thí điểm trồng đầu tiên tại trang trại Ifram rộng 50ha tại xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh trì, Hà Nội) với mong muốn đưa loài cây có giá trị kinh tế cao này trở thành mũi nhọn mới trong nông nghiệp...

Qua nghiên cứu và trồng thí nghiệm thực tế tại nhiều nơi, Hợp tác xã Nhà xanh toàn cầu đã xác định Than Uyên (Lai Châu) phù hợp để phát triển cây chia. Than Uyên sở hữu vùng thung lũng bao quanh là núi nên có thổ nhưỡng phù hợp, khí hậu mát mẻ, ổn định, rất phù hợp với cây lấy dầu, trong đó có cây chia. Bên cạnh đó, tập quán canh tác tự nhiên của bà con tại đây ít dùng các sản phẩm hoá học, dễ khoanh vùng sản xuất theo chuẩn hữu cơ.

Trong quá trình nghiên cứu, Hợp tác xã Nhà xanh toàn cầu đã thuần hoá và đưa vào sản xuất được 3 giống chia phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đồng bằng Bắc bộ và miền núi phía Bắc, cho năng suất và chất lượng thực thu đạt các tiêu chí dinh dưỡng ở mức cao so với thế giới (điểm 8,5/10 dựa trên kết quả kiểm tra dầu 31,75/34g, protein 18,15/21g).

"UBND huyện Than Uyên cũng đã tạo điều kiện cho Hợp tác xã trở thành cầu nối của dự án, đưa cây chia lần đầu tiên trồng tại Việt Nam với quy mô lớn, tận dụng được hết nguồn lực, thế mạnh từ địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu đến con người và tập quán canh tác theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, UBND huyện Than Uyên cũng tạo điều kiện về chính sách và quản lý quy hoạch vùng trồng, khuyến khích sự tham gia và giúp bà con nông dân thuận lợi trong canh tác, phát triển cây chia", bà Vũ Thị Thanh Huyên, Giám đốc Hợp tác xã Nhà xanh toàn cầu nhấn mạnh.

Lễ ký kết hợp tác phát triển cây chia trên địa bàn huyện Than Uyên (Lai Châu). Ảnh: HĐ.

Lễ ký kết hợp tác phát triển cây chia trên địa bàn huyện Than Uyên (Lai Châu). Ảnh: HĐ.

Cũng theo bà Huyên, về lâu dài, Hợp tác xã sẽ phát triển thương hiệu "Chico Chia" với đa dạng các sản phẩm như trà túi lọc, bột dinh dưỡng lá non, omega 369, hạt thô... với công nghệ chế biến tiên tiến phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiệu quả kinh tế từ cây chia càng trở nên tối ưu khi có thể tận dụng để thúc đẩy du lịch trải nghiệm, gắn với mục tiêu cao nhất là đưa Than Uyên trở thành "thủ phủ" hạt chia tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho người dân về chủ trương, hợp tác và phát triển cây chia trên địa bàn huyện; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu phát triển vùng trồng, quy mô trồng cây chia.

Trong năm 2024, huyện sẽ tập trung trồng cây chia tại xã Mường Kim và Mường Cang, đồng thời tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô đạt khoảng 500 - 800ha ở nhiều xã khác. Huyện Than Uyên đề nghị cơ quan chuyên môn phối hợp cùng các đơn vị hợp tác cung cấp, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất, đảm bảo chất lượng trồng, thu hoạch hạt chia đạt tiêu chuẩn.

"Huyện xác định phát triển cây chia là cơ hội để thay thế cây trồng kém hiệu quả, giúp người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái, bền vững", ông Nguyễn Văn Thăng nhấn mạnh.

Hạt chia được biết đến là thực phẩm bổ dưỡng và có giá trị kinh tế cao. Việc trồng và sử dụng hạt chia mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và giá trị kinh tế. Hiện nay mô hình trồng hạt chia chỉ mới phổ biến ở Úc và Mỹ. Qua nghiên cứu, thử nghiệm, cây chia phù hợp trồng ở Than Uyên (Lai Châu).

Hải Đăng

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm